Please log in or register to do it.

Hiện nay có thực trạng không ít người chỉ nhăm nhăm ngồi cào bàn phím để auto chửi, lên đồng tập thể những hình ảnh, vấn đề được chia sẻ trên mạng xã hội mà không hề kiểm chứng. Điều này gây những hệ lụy ghê gớm không chỉ đối với nạn nhân mà ngay cả với chính những người suốt ngày… chửi.

Vậy chúng ta cần ứng xử như thế nào trên mạng xã hội một cách văn minh? KTGĐ đã có cuộc phỏng vấn với Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (Truyền thông Trăng Đen) để làm rõ hơn về câu chuyện này.

11-58-33_long1
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long

Nhiều ý kiến cho rằng, mạng xã hội (MXH) hiện là một kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế thì MXH cũng bộc lộ không ít những bất cập, trong đó có thể kể đến tình trạng “ném đá tập thể”, “auto chửi”… Dưới góc nhìn của một chuyên gia truyền thông, ông có tán đồng với quan điểm này?

Đánh giá đó hoàn toàn đúng. Tất nhiên tôi lưu ý, đó chỉ là một phần của MXH chứ không phải tất cả nhưng đó là những vấn đề nổi cộm.

Và hệ lụy sẽ ra sao khi tình trạng “lên đồng tập thể”, trước một vấn đề, sự việc được xuất hiện trên MXH mà đôi khi những thông tin đó không được kiểm chứng?

Việc lên đồng tập thể, “auto chửi” thể hiện hiệu ứng đám đông, mà hiệu ứng đám đông ấy đâu chỉ xuất hiện trên mạng xã hội mà ngay cả ngoài đời thật cũng thế, chỉ có điều MXH là mảnh đất màu mỡ để cho hiệu ứng đám đông có cơ sở, có điều kiện, có “đất” để bùng phát, lây lan một cách nhanh chóng.

Bây giờ các bạn cứ hình dung bên ngoài xã hội thấy một vấn đề gì đó người ta đang nhao nhao ở ngoài đường, mình cũng vào hùa theo. Tuy nhiên, nếu tham gia vào đám đông ấy, bạn sẽ phải chường mặt mình ra. Điều này không phải ai cũng dám, ai cũng sẵn sàng làm.

Nhưng trên MXH thì khác, nó có tính ẩn danh rất cao, thế cho nên việc hùa theo đấy dễ dàng hơn, không bị chường mặt ra. Thứ hai, hậu quả không rõ ràng. Hơn nữa, có thể do mình nhận thức cho rằng việc chửi ấy không gây ra hậu quả về mặt pháp luật cho nên việc “lên đồng chửi” nhanh lắm.

Và hệ lụy thì vô cùng lớn, không chỉ xảy ra đối với nạn nhân đâu. Tất nhiên, đối với nạn nhân thì quá nhiều hệ lụy: bị suy sụp, mất tinh thần, bị phỉ báng, xúc phạm nhân phẩm, bị đe dọa… thậm chí có người tìm đến cái chết. Nhưng đáng nói hơn chính những người lên đồng tập thể, “auto chửi” cũng là nạn nhân, cũng chịu hệ luỵ mà nó nguy hiểm ở chỗ chính họ không biết điều đấy.

Mình hình thành thói quen chửi và suy nghĩ mình cứ chửi cho vui miệng, cứ chửi và chẳng có hậu quả gì đâu. Rõ ràng đến lúc nào đó, gặp một đối tượng nào đấy, bạn chửi đi rồi bạn sẽ nhận lấy hậu quả… Việc người ta đánh bạn, chửi lại bạn hoặc là tạo ra cho bạn một hình ảnh rất xấu trong mắt những người khác, trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, trong mắt sếp của bạn cũng như trong mắt đối tác của bạn và một lúc nào đó hình ảnh của bạn trong mắt người ta là vô cùng xấu xí, chẳng ai muốn, dám cộng tác với bạn.

Thói quen chửi bới như thế làm cho chúng ta trở thành con người có nhân cách không ra làm sao cả.

Trở lại câu chuyện gần đây nhất khi một cán bộ của Việt Nam ngủ giữa giờ giải lao khi dự họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ngay lập tức hình ảnh đó cùng nhiều lời lẽ xúc xiểm được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới cá nhân mà đôi khi còn là danh dự quốc gia. Ông bình luận gì về điều này?

Câu chuyện quan chức bị chụp hình trên tờ báo nước ngoài sau đó mọi người đưa lên trên mạng để chửi bới, tôi có theo dõi và bản thân cũng có những bàn luận. Nhưng tôi lưu ý câu chuyện ở đây người ta không mang hình gốc lên chửi mà người ta lại mang một hình cắt xén. Bởi hình gốc là anh này ngủ và có thêm một cô kế bên đang có một phong thái nghỉ giải lao. Tuy nhiên, bức hình được lan truyền lại bị cắt xén để đưa ra khỏi bối cảnh giải lao, như vậy đó là việc xỉ nhục có chủ ý.

ngugt1122527992
Cán bộ ngoại giao ngủ giữa giờ giải lao khi dự họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc bị xuyên tạc, bóp méo

Tôi không bàn đến việc người cắt xen bức hình, đưa lên mạng có động cơ và mục đích gì nhưng những người khác khi nhìn thấy hình ảnh đó đã không tìm hiểu, không suy nghĩ không cân nhắc mà hùa vào chửi thì cái chửi đấy là cái chửi cực kỳ đáng tiếc.

Đáng tiếc ở chỗ, việc các bạn chửi người ta là đã sai rồi. Đồng ý các bạn có thể phê phán, bày tỏ quan điểm… tôi chưa nói đến việc các bạn bày tỏ quan điểm đó đúng hay là sai, tôi cũng chưa nói đến việc phê phán của bạn là nên hay không nên nhưng ít nhất đó cũng là hành động văn minh. Nhưng ở đây các bạn lại chửi, chửi, và chửi thì đã là tiêu cực rồi.

Đáng tiếc tiếp theo cái chửi không xuất phát từ câu chuyện đầy đủ, đúng đắn hoàn toàn, các bạn đang vô tình trở thành công cụ của người khác, nhóm khác… Trong trường hợp này các bạn có cảm thấy đáng tiếc không? Đó là một điều đáng xấu hổ hay không khi chúng ta là con người có tri thức, có lòng tự trọng? Chúng ta lại biến mình thành công cụ phục vụ cho một mưu đồ nào đó có đáng hay không?

Ở đây cái chúng ta đang thiếu ứng xử trên mạng xã hội là sự cân nhắc, suy nghĩ sâu xa chín chắn hơn. Dường như chúng ta đang chưa ý thức được hết cái hậu quả, hệ quả và quyền lực chúng ta đang có. Có thể đâu đó số đông họ đang nghĩ làm điều đó cho vui, vô thưởng vô phạt… chẳng có tác dụng gì nhưng có rất nhiều hệ quả. Do đó, theo tôi, bản thân mỗi người phải có ý thức sâu sắc, có độ lùi nhất định trước mỗi vấn đề mà MXH đưa ra.

Xin cảm ơn ông!


Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Muốn có hạnh phúc, bỏ chữ "muốn" đi là được
Muốn làm Giám đốc Truyền thông, đừng bao giờ "ngủ gật"

Your email address will not be published. Required fields are marked *