Please log in or register to do it.

Trưa nay đi ăn cơm với cả phòng ở quán Saigon And More được uống một ly trà đá thơm phưng phức (tôi đóan rằng họ sử dụng trà sen). Tự nhiên hòai niệm về cái thương hiệu Trà Sen ở quê mình…

Ở Hải Phòng có cái hồ tên “Hồ Sen”, là một hồ lớn, rộng, sâu và nước rất trong, ngập những sen là sen. Hồ đó thuộc sở hữu của ông cụ Bình, một người lính bộ đội cụ Hồ. Chuyện kể rằng ngày trước, khi bác Hồ về thăm Hải Phòng, có ghé hồ sen này (khi ấy chỉ là một hồ nước chưa có sen) bơi thuyền chơi trên hồ và khen nước ở hồ này sạch và trong quá. Bác Hồ khi đó đã vốc một vốc nước lên phả vào mặt và nói rằng đúng là đây là một hồ nước kỳ lạ, nước ở hồ mà sạch và mát như nước ở khe.

Sau lần đó, ông cụ Bình mới thả sen xuống dưới hồ, vì ông nói rằng, Bác là tượng trưng cho những gì tinh khiết nhất, thanh tao nhất và sen cũng vậy. Ông muốn trồng sen ở hồ này để kỷ niệm ngày Bác về thăm Hải Phòng, để gìn giữ mãi vẻ thanh trong của hồ nước đặt biệt nơi đây. Ai cũng bảo ông hâm, tại vì sen chỉ có thể sống trong đầm (người ta hay nói đầm sen), là nơi đầy bùn đất, sền sệt và tanh nồng chứ sen không thể sống được trong một hồ nước quá trong và sạch như hồ này. Nhưng ông cụ Bình mặc kệ, vẫn quyết định thả sen xuống hồ.

Ấy thế mà sen vẫn sống và phát triển rất nhanh. Chẳng mấy chốc mà mặt hồ rộng hàng chục mẫu ngập màu xanh cốm của sen và rồi nhú lên đó là những nụ màu hồng phấn, để bất chợt nở rộ vào cuối thu, cảnh đẹp như vườn thượng uyển trong truyền thuyết.

Từ dạo ấy, cứ mỗi buổi sáng sớm, khi trời nhá nhem chưa nhìn rõ mặt người, ông cụ Bình lại một mình bơi thuyền dạo khắp hồ Sen, tìm những búp sen mới có thì (là những búp sen vừa hé nở nhưng chưa bung ra hẳn), khẽ khàng tách các cánh hoa sen ra đổ trà phơi khô vào đấy, rồi lại khẽ khàng xếp cánh hoa lại. Bình minh, lúc mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt hồ là ông Bình lại bơi thuyền đi ngắt những bông sen mà hồi sớm ông ướm gửi các cánh trà vào đó. Lạ một điều, ông không bao giờ “buộc sen” để đánh dấu như một số người đã làm nhưng vẫn thu lại đủ số sen cần thiết. Mang đi ướp 100 “ấm trà” là thu lại đủ 100 bông sen, thế mới tài tình.

Hải Phòng nổi lên thương hiệu “Chè sen” (người nam kêu là Trà), nức tiếng khắp cả khu tam giác kinh tế ngoài miền bắc (hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Dân các tỉnh đổ xô về mua chè sen Hải Phòng để làm quà, để biếu nhau những dịp lễ Tết và cả để… mua đi bán lại. Đó là chuyện sau này, khi một mình ông cụ Bình không đủ sức kham lại “sức mua của thị trường”. Các thương lái đến đặt vấn đề xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất. Vì cuộc sống, ông Bình đã đồng ý bán lại một phần, một phần và lại một phần hồ của mình.

Người miền bắc gọi đó là “chè tầu”, còn người nam thì gọi ngắn gọn là “trà”. Ngoài Hải Phòng, mỗi dịp có gió mùa đông bắc, đường quá lạnh, các chú, các bác lại tạt vào quán cóc ven đường, nhấp một ngụm chè tầu cho ấm bụng, đàm đạo dăm ba câu rồi mới đi công việc tiếp. Ly nước chè bé bằng hạt mít, dầy thô kệch và có màu xanh đục, nham nhám, sóng sánh nước. Người miền bắc pha trà “đặc” lắm, đặc đến nỗi người ta nói rằng thưởng thức chè chỉ có thể “nhấp miệng” chứ không thể “uống”. Thế nên, tách trà nhỏ như hột mít vậy mà thưởng thức hàng giờ chưa hết.

Vị đắng đắng của búp chè non (là loại được trồng trên vùng đồi cao của Phú Thọ), được sao 7 lửa, phơi 9 nắng cho khô quắt lại rồi thả vào giữa búp sen non, hút cho sạch hết cái tinh tuý của đất trời, tắm trong hương sen và mềm nhũn ra dưới sương buổi sớm được tôi luyện trong thứ nước sôi già nghi ngút khói. Đắng đằm và chat, chat đến mắc nghẹn ở trong cổ, đó là đặc điểm chung của chè sen. Nhưng khi từng giọt chè len qua cổ, thấm vào thanh quản thì người uống có cảm giác ngọt thanh, mát và sóng sánh.

Từng sợi trà chảy vào trong người, luồn lách trong từng thớ thịt đem lại một sự sảng khoái mà bất cứ ai dùng qua một lần cũng phải nhớ mãi. Đó là thú vui và vui thú uống trà của người Hải Phòng xưa, một thứ (hay kiểu) thưởng thức rất bình dân mà không thể gọi là “trà đạo”.

Ngày nay, trên con đường lớn nhất của thành phố Hải Phòng, ngay khúc ngã tư Lê Lợi – Lạch Tray có hai tiệm trà nổi tiếng với cơ ngơi 3, 4 tầng lầu có tên Thanh Bình và Thành Bình, thuộc quyền sở hữu của hai người con trai của ông cụ Bình ngày xưa. Ông Bình đã chết và hồ sen đã chết. Cái hình ảnh mặt hồ bát ngát những sen với ông cụ bơi thuyền như một làn khói mỏng chỉ còn trong tiềm thức của những người thuộc thế hệ… 4x, 5x.

Hải Phòng ngày nay, người ta sản xuất chè sen bằng công thức chè phơi khô + vẩy nước tinh dầu sen, túm lại và đóng chiện vào đó cái nhãn “Đặc sản chè sen Hải Phòng”. Đổ vào bình pha nước nóng thấy nổi váng như váng mỡ, uống vô đắng chat, ai khó tính, nhấp môi rồi nhổ toẹt, rên hừ hừ như đứa con gái bị phá trinh, mặt tức giận đỏ rần rật như màu máu. Có lẽ người ta hoài niệm về… cái hồ sen với những búp sen mới dậy thì dạo trước.

Trà đạo...

Cái hồ đó nổi tiếng vì đã sản sinh ra thương hiệu chè sen cho thành phố Hải Phòng, và vì đã từng có vinh dự được đón tiếp một lãnh tụ vĩ đại của đất nước. Người ta chẳng ngần ngại lấy tên (một tên rất chung) của hồ để đặt cho cả một khu dân cư, gọi là “Khu vực Hồ Sen” và trực thuộc phường “Hồ Sen”. Tụi trẻ con sinh ra ở đấy chẳng thể hiểu tại sao lại có cái tên Hồ Sen với chữ Sen được viết hoa một cách đầy chủ ý. Chiều chiều, ở cái vũng trước nhà, đứa lớn thì vẫn hồn nhiên mang rác ra đổ, đứa bé thì vô tư “giải quyết nỗi buồn”. Tụi nó không bao giờ biết được cái vũng đó, ngày trước, cách đây lâu lắm rồi đã là một… hồ rộng, sâu và bát ngát những sen.

Chao ôi, ngày ấy…

Mẹ & Con & Mùa Đông
0.00379, 0.00374 và câu chuyện về 2 con số

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  1. Đọc bài này của anh thấy loáng thoáng phong vị văn của Nguyễn Tuân, rất tinh tế và đầy hoài niệm …