Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là ngày kỉ niệm sự ra đời của báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập (21.6.1925).
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 của thế kỉ 19 đã có “Gia Định báo” và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Nhưng báo “Thanh niên” đã mở ra một dòng báo chí mới: báo chí cách mạng Việt Nam.
Bác Hồ, sáng lập của tờ báo này, chính là một trong những người “làm truyền thông” có ảnh hưởng nhất Việt Nam đến tận thời điểm hiện nay.
Vậy làm thế nào để một lời Bác Hồ nói ra có hàng chục triệu người nghe theo và ủng hộ? Nếu quý vị chịu bỏ công nghiên cứu các tài liệu về dân vận của Bác Hồ, chí ít cũng sẽ nắm được mấy ý như sau:
Để “chuyển hoá” suy nghĩ một người, thì theo nguyên tắc thế này:
1- Không chuyển hoá người yêu mình
2- Không chuyển hoá người ghét mình
3- Chỉ chuyển hoá người trung lập
NĂM bước để chuyển hoá một người trung lập gồm có:
1- Làm cho họ thấy thiện chí của mình
2- Làm cho họ không ghét mình
3- Làm cho họ nghĩ giống mình
4- Làm cho họ lên tiếng ủng hộ mình
5- Làm cho họ trở thành mình
Như vậy, để “chuyển hóa” được nhân dân, đầu tiên quý vị phải làm sao cho nhân dân thấy thiện chí và không ghét bỏ gì quý vị. Đâu còn cách nào khác ngoài mục tiêu luôn luôn luyện rèn nhân cách, phấn đấu trở thành một người:
1- Gương mẫu (để làm gương cho người khác noi theo)
2- Trung thực (để bảo toàn uy tín)
3- Chí công vô tư (để nội bộ đoàn kết trên dưới một lòng)
4- Cùng ăn, cùng ở, cùng làm (để hiểu người mà mình muốn làm dân vận)
5- Giữ lối sống giản dị (để người khác biết mình không tư lợi)
Khi làm được như thế, quý vị có nói gì người khác sẽ nghe theo, có nhờ gì người khác sẽ giúp đỡ hết lòng, có kêu gọi gì người khác sẽ ủng hộ không phân vân đắn đo chi cả.
Còn không thì, những lời kêu gọi của quý vị sẽ trở thành sáo rỗng (tôi tránh dùng chữ “trò cười”), đôi khi phản tác dụng vì làm tốn giấy tốn mực của nhân dân nữa đấy.