Đó là một ngày cuối thu, năm 2017. Khi ấy tôi đang ở ngoài Hà Nội vì có hẹn tư vấn cho một brand về Trà sữa.
Tuy nhiên, chiều tối hôm đó tôi lại nhận được thông tin từ một khách hàng khác, rằng “dự án em đang làm có một sự cố nhỏ thế này…”.
Lúc ấy, L nói với tôi bằng giọng điệu tương đối bình tĩnh. Nhưng sau khi hỏi kỹ thông tin, tôi cho rằng sự việc có lẽ không đơn giản, nên kết thúc cuộc nói chuyện tôi hỏi lại “Em đã nói chuyện với chị P chưa?”.
Chị P là sếp của L, và vì tôi nghĩ rắc rối bản quyền trong dự án này tương đối phức tạp nên cho rằng chị P cần sớm nắm được thông tin.
L trả lời “em đã nói rồi”, nên tôi không hỏi thêm nhiều nữa. Vì tôi cho rằng đây cũng không phải chuyện của mình.
Đến khuya, tôi đảo một số kênh thông tin để xem L đã xử lý sự cố thế nào thì thấy không ổn lắm, tôi thấy “hơi lạ lạ”, và vào chat hỏi thăm.
Đến hơn 12h đêm, thấy tình hình có vẻ đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi, tôi chủ động gọi điện cho chị P để hỏi thăm. Và tôi đã nói ngay là L có kể em nghe, nhưng vì không thấy phía chị “ý kiến” gì nên em cũng chẳng thể tự nhiên xông vào comment được vì chưa biết ý bên mình định xử lý thế nào?
Chắc được lời như mở tấm lòng, chị P nói chuyện với tôi đến gần 2h sáng.
Tôi không đi sâu vào phương án giải quyết mà chúng tôi trao đổi với nhau, vì điều tôi nhớ mãi, là trong câu chuyện ấy, không chỉ có L, có chị P, có nhân vật ở phía “đối phương” mà còn xuất hiện thêm một nhân vật nữa.
Đó là đứa bé mà L đang mang trong bụng.
Chị P, có lẽ đã dành ra 2/3 thời lượng cuộc nói chuyện, để giãi bày cho tôi nghe chị lo lắng đến thế nào cho đứa nhỏ. Và dặn đi dặn lại tôi là “em nói chuyện với L giúp chị thì làm sao khéo léo để nó đừng lo lắng chứ nhỡ mà suy nghĩ rồi ảnh hưởng sức khoẻ xong làm sao thì tội lắm em ơi”.
Nhưng chị P cũng không quên nói thêm rằng việc này chị cũng đánh giá là nghiêm trọng, và chị cảm giác L “đang bị đơ rồi nên cứ làm sao ấy”. Chị sốt ruột mà cũng không dám giục, chỉ sợ làm cho L bị bấn loạn tinh thần.
Vậy nên nhiệm vụ của tôi bây giờ là phải làm sao để đứng ở góc độ chuyên gia phân tích cho L thấy sự nghiêm trọng của khủng hoảng, đốc thúc L xử lý khẩn trương hơn, nhưng lại… không được để L thấy vấn đề là nghiêm trọng?!!
Thực sự, tôi nghe xong “đề bài” thì bắt đầu thấy… lùng nhùng! Nếu nhờ tư vấn, tôi sẽ tư vấn được ngay. Nếu cần phân tích để kêu L xử lý nhanh lên tôi cũng không thấy khó. Nhưng kêu tôi đốc thúc mà lại phải để cho người bị đốc thúc thấy vấn đề là không nghiêm trọng thì quả là quá sức nhức đầu!
Tôi chọn phương án nhẫn nại hướng dẫn L sửa từng câu từng chữ trong nội dung thông báo, và liên tục động viên “đúng rồi, em cứ viết theo hướng đó là được thôi, việc này bé tí ấy mà”.
Chẳng biết đêm ấy L có ngủ được không, chứ tôi thấy rất lo lắng về diễn biến tiếp theo. Thế nên sáng sớm hôm sau, vừa chạy qua chỗ hẹn với khách hàng tôi vừa phải tranh thủ vào Messenger xem nội dung mọi người trao đổi.
Có mấy lần “liếc qua” thấy tên mình được nhắc, kèm theo câu hỏi, nhưng vì đang họp nên tôi cũng không thể trả lời.
Ơn giời, đến khoảng 10.30am thì cuộc họp cũng xong với kết quả rất tốt. Tôi yên tâm để quay lại việc “cứu hoả” này. Tôi lập tức gọi điện cho L thì được thông báo “chết rồi anh ơi, bây giờ bên kia họ làm thế này thế này…”.
Tôi lập tức trấn an L là được rồi, vậy bây giờ em làm mấy việc như sau nhé. Đấy, em cứ làm đúng như vậy là được, chuyện nhỏ ấy mà, không có gì phải lo đâu.
Tôi chưa kịp dứt lời thì thấy tiếng chị P ở phía bên kia cắt ngang “ôi không em ơi, em đừng nói thế, không đơn giản đâu em ơi, thực sự là nghiêm trọng đấy”.
Tôi nghe xong bị đứng hình mất 5 giây! Tôi không biết khi ấy L đang ngồi cạnh chị P và cuộc nói chuyện được bật loa ngoài. Tôi bị đơ, cảm giác như mình đang bị chị P trách móc. Tôi chỉ muốn ngay lập tức gào lên “cái quái gì vậy, chính chị bảo em phải làm cho L thấy sự việc không nghiêm trọng cơ mà?”.
Nhưng tôi im luôn. Cảm giác cực kỳ khó chịu như bị “đổ oan”, nhưng chẳng biết làm sao để nói?
Rồi trong suốt khoảng thời gian sau đó, khủng hoảng liên tục bị leo thang. Mà một phần nguyên nhân vì chúng tôi (ít nhất là từ phía chị P) không thể một một hai hai xử lý theo phương án mà chúng tôi hiểu rằng tốt nhất, chỉ vì “làm theo cách đấy thì L nó sẽ tự trách móc bản thân là gây ra lỗi lớn với công ty rồi suy nghĩ, rồi ảnh hưởng em bé thì chết mất thôi em ạ”.
“Chị hiểu L, thần kinh nó không vững như chị em mình được đâu, nên tìm cách khác đi em ạ”.
Và cái “cách khác” ấy cuối cùng khiến chị P phải chịu nhún nhường, phải chịu “muối mặt” đi xin lỗi, nghe chửi, mất tiền, mất tiếng, và chịu nhiều ấm ức hơn thực tế lẽ ra chị ấy phải chịu nếu đừng nhất quyết chọn theo “cách khác”.
Cho đến khi chị P gửi một tin nhắn vào Messenger “chị đã xử lý xong rồi” thì tôi thấy bần thần như người thua cuộc. Vì tôi hiểu cái “xử lý” ấy chẳng khác gì chấp nhận một cuộc tống tiền. Vừa ức, vừa thương, mà vừa khâm phục, tôi ngồi im đọc đi đọc lại mấy chữ ấy mà cảm thấy bần thần.
Tôi cứ nghĩ mãi về người phụ nữ “nhà quê”, cả ngày chỉ xôi, gà, miến, vịt, nhẹ nhàng và đằm thắm như thể bao nhiêu nét thanh lịch của con gái Tràng An nằm hết trong từng lời ăn tiếng nói của chị; bỗng “đùng một cái” mạnh mẽ, bản lĩnh và dứt khoát đến phi thường.
Chị gần như vất hết mọi thứ để lăn xả vào đi giải quyết vụ khủng hoảng này. Mềm có, cứng có, nhẹ nhàng có, mà cương quyết có. Chưa bao giờ tôi thấy hình ảnh lãnh đạo trong chị rõ ràng đến vậy. Mà lấp lánh trong đó, còn có cả bóng dáng của một cô gà mái xù lông lên bảo vệ gà con trước nanh vuốt diều hâu.
Và thật đáng mừng, là rốt cuộc, lần này chị đã thua.
Khủng hoảng được dẹp yên nhưng chúng tôi nhận về “ấm ức”. Điều chiến thắng duy nhất là giữ cho L cảm thấy yên tâm và không quá suy sụp mà ảnh hưởng đến sức khoẻ khi ở vào giai đoạn cuối thai kỳ.
Ngày U23 vào chung kết, L hạ sinh con gái. Nhìn em bé kháu khỉnh, khoẻ mạnh như thiên thần trên Facebook của L tôi xúc động đến trào nước mắt. Tôi biết, mình không phải là người duy nhất có tâm trạng ấy.
Đó là thời khắc cuộc khủng hoảng chính thức được xử lý xong. Em bé chào đời một cách an yên, và quá nhỏ để biết rằng mình rất hạnh phúc khi được ôm ấp trong vòng tay yêu thương lo lắng của đến hai người mẹ.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long