Một ngọn lửa chập chờn sương sớm
Một ngọn lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại giờ sống mũi vẫn còn cay
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm bếp
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu bà có nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế
Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc
Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh
“Bố ở chiến khu bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng bếp lửa
Giờ cháu đã đi xa
Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà
Có niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng khi nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?
(Bếp lửa – Bằng Việt)
*
* *
Nhà ở 47/51 Trần Quang Khải, tức là trong ngõ. Vậy nên, nếu muốn bán hàng, bà buộc phải “lấn chiếm lòng lề đường” (như bao người khác).
Khu tập thể 3 tầng có biết bao nhiêu hộ dân, và chỉ số ít trong đó là công nhân viên làm ở cơ quan xí nghiệp; Số còn lại òa xuống đường buôn bán. Mỗi người một “ô”, ai bán trước thì xí được phần đất nhiều và đẹp; những người bán sau thì diện tích bán hàng ngày càng nhỏ lại.
“Khoảnh đất” của bà ước chừng 4m vuông, vốn dĩ là khoảng trống xung quanh cây gạo gai thẳng ngay đầu ngõ trông ra. Bà tự lấy gạch và xi măng xây xây trát trát. Dần dần cũng thành hình. Bà chừa lại một vòng tròn ở giữa cho cây “thở”. Và cái vòng đất đó trở thành khu vườn nhỏ nhỏ xinh xinh của nó và các “chiến hữu” trong khu tập thể. Những na, mít, chanh, quất, ổi, xòai, nho, nhãn, chuối… chen chúc trong khu vườn ấy được cũng… vài hôm.
Lớp thì tự nhiên lăn đùng ra chết. Lớp thì bị người nhớn vô ý dẫm vào. Lại có những cây “ngon” nhất, đẹp nhất, “có triển vọng” nhất bị một nhóm trẻ con khác trong xóm lợi dụng đêm khuya nhổ về một “khu vườn” nào đó. Sáng ra, thấy thiếu thiếu, nó quáng quàng chạy đi tìm. Lại huy động thêm biết bao nhiêu đồng đội tham gia tìm kiếm. Rốt cuộc chỉ thấy một cái cây giống giống của mình trong khu vườn “kẻ thù”. Tức nổ đom đóm mắt mà không làm sao được. Thì rõ ràng, cái cây này đâu có 2 chiếc lá dưới cùng bị kim đục thành dấu hiệu?
- … Sao bà ngồi bán hàng cả ngày mà không trông vườn cho con?
-
Thôi trồng cây khác cũng được con ạ. Con trồng nhiều quá, cây không lớn được đâu. Rồi làm sao mà có quả để ăn?
-
Nhưng mà sao con trồng cây gì cũng bị ăn cắp thế. Con muốn trồng 1, 2 hôm là có quả ăn luôn cơ.
-
Ông bà ta nói rằng “Trẻ trồng na, già trồng chuối”. Cây na, 5, 10 năm mới cho ra quả. Còn chuối thì nhanh có quả lắm.
-
Vậy con trồng cả hai cây bà nhé? Con thích ăn na lắm. Nhưng mà chuối lại mau có quả. Khi nào các cây trong vườn của con lớn lên bà phải chặt cái cây gạo này đi nhé. Nếu không nó sẽ hút hết đất của các cây khác trong vườn.
-
Ừ, ừ, được rồi. Nhưng bà làm sao chờ để ăn na được? 5, 10 năm nữa chắc bà chết rồi.
-
Ơ ơ ơ ơ ơ ơ ơ ơ ơ ơ ơ ơ ơ ơ ơ… con chả nghe thấy gì hết. Bà tòan nói linh tinh thôi. Con không chơi với bà nữa.
Năm ấy nó chỉ mới hơn 7 tuổi.
*
* *
Rồi bà cũng chấp nhận bán nhà. Chuyển xuống dưới Cát Bi, khu tập thể trên Trần Quang Khải được đặt tên là “xóm cũ”. Xóm cũ cách nhà mới khoảng chừng 5KM. Nhà mới phía trước mặt đường, phía sau mặt chợ. Bà có thể bán hàng ở cả cửa trước lẫn cửa sau. Bà không cần quây lấy một cây gạo gai nào nữa. Thế là nó mất vườn.
Thì cũng có sao. 14, 15 tuổi đầu rồi, họa hâm mới còn quấn lấy những thú vui ngây thơ ngồ ngồ ngộ ngày xưa nữa.
Mùa hè, bà bán nước đắng, thạch găng. Mùa đông bán bánh, khoai rán và đan len. Bà là nghệ nhân đan len có tiếng từ ngày xưa, bà đan nhanh và điệu nghệ, thấy nhà nhã lắm. Còn lại, làm việc gì cũng cực.
Lá găng mua về có lá nếp và lá tẻ, có lá bị sâu, lại có cả gai và quả găng là những thứ không được coi là nguyên liệu. Ban ngày bán hàng, tối đến bà lại miệt mài ngồi nhặt lá. Chị em nó cũng tham gia, vì nó không biết và không thể thực hiện công đọan vò lá thành thạch. Mặc dù nó rất muốn giúp đỡ bà.
Pha hàn the với vôi sống tạo thành một ly thuốc đông thạch. Đổ ra một chậu đầy nước mưa, đặt lên trên một chiếc rá tre lọai lớn nhất, cho lá găng vào rồi vò ngược thớ (hướng đan của các dóng rổ rá) để lá găng bị trà xát vô các mảnh tre sắc, nát, tan ra và chẩy nhựa xuống chậu nước mưa bên dưới. Cuối cùng, để thuốc đông thạch vô rồi lọc qua hai lớp vải màn, chế vô nồi và chờ cái hỗn hợp ấy đông thành THẠCH XANH (hoặc THẠCH GĂNG, hay gọi tắt, giản đơn là THẠCH).
Nói thì dễ, nhưng để làm được chẳng hề đơn giản. Ngòai việc phải vò cật lực không được ngưng tay (vì thạch sẽ vữa nát ra ngay chứ không đông lại được) thì còn phải pha chế thuốc vừa công thức, đúng liều lượng, nếu không thạch sẽ bị quá cứng hoặc quá mềm. Có khi gai găng còn sót trong lá đâm nát tay người vò trước khi để tay vò cho nát lá. Lá găng đau, người vò đau, người ngồi nhìn còn đau hơn nữa. Thạch găng là thành quả của một quá trình chiến đấu dai dẳng và bền bỉ. Vậy nên, nó phải ngon!
Giữa trưa hè, trời nóng như đổ lửa. Xà vào quán, kêu một cốc thạch găng 500đ, chan với nước đường cát trắng tinh, thơm mát và đá lạnh buốt răng. Cảm giác quyền quyện, thanh thanh, nồng nồng, nuột nuột… cứ ừng ực trôi vào thanh quản rồi phát ra một tiếng “khà” cứ như là vô thức, chứ thật khó miêu tả chân thực cái vị cái mùi. Cộng với tiếng cóc cóc của chiếc thìa ngóay trong đáy cốc thủy tinh trở thành một món ăn dân dã đặc sản Hải Phòng. Đủ “thất duyệt tứ tuyệt” cả nghĩa và tình để người đi xa có thể đau đáu nhớ thành kỷ niệm.
Hàng xóm nói “Bà vất vả vì mấy đứa cháu. Cố gắng mai mốt tụi nó đi làm nuôi bà”. Bà cười xởi lởi “Bà chỉ cần mỗi sáng nó cho bà một cốc cà phê”.
*
* *
Tháng 9, chị em nó háo hức tựu trường. Bà cầm 300 ngàn mẹ nó gửi từ Sài Gòn ra thở dài. Bà vay mượn thêm tiền cho chị em nó đóng tiền học và mua sách vở. Cấp III rồi, học hành tốn kém, biết phải làm sao. Bão về, mưa rả rích giữa hè, cây cối rụng xanh đường, chẳng ai uống nước. Nhà hết gạo, cả tuần lễ bốn bà cháu phải ăn cháo trắng. Bà thương chị em nó, đi bộ 4, 5 km lên “xóm cũ” vay tiền về đong gạo nấu cơm. Giông giống chuyện “Một bữa no” của Nam Cao, cơ may chị em nó chả có ai no mà chết. Nhưng đau.
Một đêm mưa gió, bà lụi cụi ở đằng sau chằng chằng buộc buộc che cho mấy con gà. Trượt chân, bà ngã đập lưng xuống nền xi măng. Bà gọi không ra hơi, hoặc có thể chị em nó ngủ quá ngon chẳng ai nghe thấy. 5h sáng ngủ dậy, nó nhìn thấy bà nằm sõng xòai, tim tím. Từ bữa đó bà không đi được.
Chị em nó thay nhau “được nghỉ học” ở nhà chăm sóc bà. Kể chuyện cho bà nghe, nói chuyện cho bà vui. Tụi nó sợ bà nghĩ quẩn rồi làm quẩn. Nó bóp lưng cho bà bằng dầu gió, rồi cả mật gấu nhưng chẳng ăn thua. Bà không đi được. Chị nó dìu bà lên bệnh viện. Bác sĩ lắc đầu. Chị nó dìu bà về nhà, ăn cắp thuốc và dụng cụ ở trường về châm cứu. Sau đó làm cả thủy trâm và điện trâm. Nó đọc trên sách báo, người ta mách lấy hột gấc chín sao khô, phơi sương rồi ngâm rượu có thể chữa được các bệnh về tủy sống. Nó làm thử, tình hình có vẻ khá hơn. Hơn sáu chục tuổi đầu, bà lại bám tường tập đi, tập đứng. Tụi nó làm mọi cách, cuối cùng bà đi lại được, nhưng cũng chẳng biết là vì lý do gì, có lẽ, vì bà thương tụi nó.
*
* *
Làm việc trong Saigon, nhưng cứ có dịp là nó về Hải Phòng. Và thế nào nó cũng nài nỉ kêu bà đưa đi chợ. Tại nó biết, mọi người trong xóm khâm phục nó, và bà cũng thế. Nhưng bà không kêu nó đi đâu với bà, chắc bà lo nó ngại. Thế nên nó chủ động. Đấy cũng là việc duy nhất mà nó có thể làm, còn cà phê, bà đã bỏ từ lâu và nó cũng khuyến khích bà làm việc ấy. Bà già lắm rồi, đã qua cái lằn ranh thất thập, được thành phố tặng trướng mừng thọ thêu nhung đỏ, treo ở giữa nhà. Buổi tối, nó nằm ngủ cạnh bà cho bà vui. Không như ngày xưa, nó ôm bà, còn bây giờ bà ôm nó. Duy có việc thỉnh thoảng nó nhìn chằm chặp vào bà, rồi khe khẽ đặt tay lên mũi xem bà còn thở không là thói quen từ ngày xửa ngày xưa nó không bỏ được. Lúc nào nó cũng lo bà… mất.
Hôm trước, thằng bạn thân của nó nhắn tin nói khối u ở vai bà càng ngày càng lớn. Rồi bà nhập viện. Chẳng ai nói với nó câu nào, sợ làm ảnh hưởng đến công việc và “quỹ thời gian eo hẹp” của nó. “Lẽ ra thứ 7 tuần trước bà mổ, nhưng bà lại thấy khỏe hơn, bà xin lùi lại đến thứ 2 tuần sau rồi. Mà bạn không được nói là tớ nói cho bạn biết đâu đấy. Bà bảo tớ không được nói sợ bạn lo lắng”. Nó giở lịch ra xem. Thứ 2, ngày 2/10. Bà xin về nhà hôm thứ 7, là 30/9 – sinh nhật chị gái nó. Sáng chủ nhật bà vào nằm viện lại, chờ thứ 2 mổ. Nó hiểu bà đang nghĩ gì. Có thể, lý do “tự nhiên bà thấy khỏe hơn” để xin về nhà vào tối thứ 7 không phải là một câu nói thật. Nó bất chợt rùng mình…
Chiều hôm qua chị gái nó gọi điện hỏi bâng quơ “À, hình như lần trước em gọi điện có nói với bà là cuối tháng này em về Hải Phòng phải không?”, “Trời, làm gì có, chắc bà nghe lộn đấy chị, em bận lắm. Mà có chuyện gì không chị?”. “Không, chị chỉ hỏi vậy thôi”. Chắc chị nó buồn nhiều lắm. Có thể chị nó nghĩ nó không nhớ ngày sinh của chị. Có thể chị đã rất muốn nói rằng “Thứ 2 bà mổ, em về nhé”. Nó cũng muốn hét lên rằng “Chị ơi, ngày mai em ra đấy”. Nhưng nó muốn tạo sự bất ngờ.
Tối hôm qua, nó gọi điện lên số 08.32… để book vé mà không ai bắt máy. Nó có cảm giác bất an. Sáng nay, số điện thọai đó tiếp tục không liên lạc được. Nó quyết định cầu cứu một công ty du lịch. Nó gọi qua InnoViet. Đang nói nửa chừng thì đến giờ một buổi phát thanh trực tiếp trên VOH. Cúp máy. Nó ngồi nói mà chẳng nghĩ được gì. Nó có linh cảm xấu.
Gần 11h trưa, nó chạy như bay qua InnoViet. Một cô bé dễ thương đã liên lạc mọi nơi để giúp nó, nhưng kết quả là… hết vé. Hướng HCM – Hà Nội: hết. HCM – Hải Phòng: hết. Gọi thẳng lên Vietnam Airlines thì không liên lạc được. Nó nài nỉ “Em cố gắng giúp anh, anh có việc vô cùng quan trọng”. “Tít, tít… em liên lạc được rồi”… “Chỉ còn đúng một vé V.I.P, giá 2.130.000đ, anh đi không?”. “Đi, bao nhiêu anh cũng đi”. Cô bé hướng dẫn nó qua một đại lý của VNA book vé.
Cầm vé về, nó yên tâm ngủ. Nó tưởng tượng ra đủ thứ, về những ai nó gặp, về những việc nó làm khi về tới Hải Phòng. Nó mang hết hành lý xuống dưới nhà, chuẩn bị ra sân bay thì có điện thọai gọi tới “Anh là anh L phải không? Anh ơi, vì để tránh bão, chuyến bay chiều nay của anh bị hủy, nếu có thông tin gì thêm, bọn em sẽ báo anh sau, mong anh hết sức thông cảm…”. Nó thẫn thờ, rồi có một cảm giác cực kỳ tồi tệ. Nó sợ, một sự sợ hãi hết sức mơ hồ…