Trong những ngày gần đây, sự việc vụ cháy Rạng Đông đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Từ sự cố trong vụ cháy của Công ty Rạng Đông, liên tiếp có những thông tin tiêu cực, thiếu chính xác gây ảnh hưởng đến dư luận. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với chuyên gia, blogger truyền thông xã hội nổi tiếng – anh Nguyễn Ngọc Long.
Xin chào anh Long!
Với tư cách là một người làm truyền thông, anh đánh giá sao về bản chất thông tin trong sự việc cháy Công ty Rạng Đông vừa qua? Ý tôi muốn hỏi ở đây, là cách đưa ra thông báo rồi rút lại ngay sau khi vụ cháy xảy ra.
Bản chất sự việc cụ thể như nào thì đã có kết luận của cơ quan chức năng và hướng giải quyết. Còn xét về phía truyền thông, việc đưa ra thông báo rồi rút lại, nếu mổ xẻ ra thì sẽ có nhiều vấn đề đấy!
Trước tiên, việc đưa thông tin ra nhanh như vậy là tốt. Chưa bàn tới việc họ đưa ra thông tin đúng hay sai, còn việc đưa rồi rút lại sẽ có hai trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất, họ đưa ra thông tin chưa chính xác, chưa đầy đủ. Hoặc, họ chưa tính hết những điều lợi và hại trước thông tin họ phát hành ra với người dân. Cho nên, họ phải rút lại. Trường hợp thứ hai, vì một lý do gì đấy vì một sức ép nào đó họ đưa ra rồi rút lại. Biểu thị cho việc xử lý khủng hoảng truyền thông chưa tới nơi, tới chốn, dẫn đến việc vấp ngã khi khởi phát thông tin đó đi. Từ đó, sẽ dẫn đến việc khiến người dân cảm thấy nghi ngại trước thông tin được phát hành.
Đương nhiên, người chịu thiệt ở đây là dân. Nhưng cách xử lý truyền thông, nói cụ thể là hướng giải quyết của Công ty Rạng Đông với dân liệu có hợp lý?
Trường hợp của Công ty Rạng Đông hơi đặc thù. Chúng ta có thể dùng chữ “thảm hoạ” về môi trường để hình dung về sự cố vụ cháy của Công ty Rạng Đông. Ban đầu, nó là một vụ cháy nhưng sự cố này đã khiến thuỷ ngân phát tán ra môi trường, khiến vụ cháy nâng cấp lên thành thảm hoạ của cộng đồng. Tức là, câu chuyện không dừng ở Công ty này nữa, nó sẽ liên quan đến cơ quan đoàn thể, cấp chính quyền.
Sẽ có hai chủ thể mà chúng ta đề cập đến ở đây, Công ty Rạng Đông và chính quyền. Hướng giải quyết của Công ty Rạng Đông sẽ theo cách của họ, còn chính quyền sẽ làm theo đúng trình tự. Tuy nhiên, với bất cứ chủ thể nào, trong khủng hoảng truyền thông bao giờ người dân đều muốn thấy sự chân thành, tính nhân văn trong việc xử lý. Thế nên, những thông tin ban đầu được phát ra phải đứng về sức khoẻ, an nguy của người dân. Để làm gì? Để xoa dịu dư luận, thay vì những thông tin nói về yếu tố kĩ thuật.
Ở đây, câu chuyện được đẩy lên khá nhiều chính là việc thuỷ ngân phát tán ra môi trường đó là yếu tố kĩ thuật, có thể giới chuyên môn và chính quyền quan tâm. Nhưng người dân họ không quan tâm. Bởi lẽ, người dân chỉ đặt ra câu hỏi: “Sức khoẻ chúng tôi thì sao?”, “Liệu con cái của chúng tôi có hít phải khí độc không?”, “Khi nào nó hết”?. Xét về mặt giải quyết của Công ty Rạng Đông là chưa hợp lý, hợp tình.
Không chỉ có riêng câu chuyện sau vụ cháy Rạng Đông, hiện nay trên mạng, những thông tin chưa chính xác đã và đang ảnh hưởng đến sự nhìn nhận từ người đọc. Trên cương vị một chuyên gia truyền thông, anh có đưa ra giải pháp nào cho vấn nạn này?
Khi thông tin được đưa ra, chúng ta cần quan tâm đến nội hàm, thông điệp muốn truyền tải là gì. Có phù hợp với công chúng, có dễ hiểu hay không. Có đánh được vào tâm lý của người đang quan tâm chưa. Cách mà đưa thông tin như thế nào và bằng phương tiện gì. Một bản tin audio, phóng sự, toạ đàm, thông cáo báo chí, bài báo, văn bản text… có rất nhiều cách để truyền phát đến người nghe. Liệu rằng văn bản đấy có phù hợp với người nghe, họ có dễ dàng tiếp nhận một cách trực quan, sinh động hay không. Đó là những yêu cầu tối thiếu. Quan trọng nhất, người đọc cần chọn những kênh thông tin uy tín để chắt lọc, tìm hiểu.
Thông tin nhanh nhạy đưa đến cho bạn đọc là quan trọng. Nhưng cốt lõi là độ chính xác và tính trung thực. Anh có đồng ý với lối suy nghĩ này, nếu đúng, anh cho rằng người làm truyền thông cần làm gì?
Chúng ta cần tìm hiểu mức độ khả tín từ nguồn phát. Có nghĩa, từ nguồn tin đó hay trích dẫn từ chuyên gia có phải là một chuyên gia của số đông hay không hay đó chuyên gia bàn giấy. Có thể những chuyên gia họ rất giỏi, nhưng đối với số đông họ không đủ uy tín, chưa được quan tâm. Chúng ta lựa chọn kênh thông tin có đủ tin cậy để thuyết phục người nghe hay chưa. Từ đó, chúng ta sẽ dẹp loạn được tin giả (fake news). Bởi khi xảy ra một sự kiện nào đó, người dân sẽ sôi sục lên tìm kiếm những thông tin để “hóng”, cho nên bên nào đáp ứng được 4 tiêu chí: nhanh, kịp thời, dễ hiếu, đáng tin sẽ chiến thắng trong việc cạnh tranh về mặt thông tin.
Mới đây, sự việc cô vợ của một vị đại gia nào đó bị tố sống ảo, gây sóng gió trên các kênh truyền thông. Có điều, họ đều dùng chung cách xử lý khủng hoảng là im lặng. Là anh, anh có lựa chọn giải pháp này không?
Cá nhân tôi, khi xử lý khủng hoảng truyền thông cần phải tìm hiểu thông tin bên trong. Giống như một bác sĩ muốn chẩn đoán bệnh, cần phải xét nghiệm kĩ càng mới đưa ra kết luận. Quay về vụ việc truyền thông, nếu chưa đầy đủ thông tin thì không thể lên tiếng. Trong những cách xử lý khủng hoảng truyền thông, im lặng cũng là một cách xử lý. Có những trường hợp chúng ta sẽ im lặng, ngược lại có trường hợp chúng ta phải lên tiếng.
Người ta thường nói, thanh minh là thú tội. Phải chăng họ lựa chọn im lặng để cho qua?
Khi để mọi người nghĩ mình thanh minh nghĩa là mình có tội. Do đó, tuỳ từng hoàn cảnh để cắt nghĩa câu này. Có khi, thanh minh không phải thú tội. Trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông mình phải nhanh và nhạy. Nhanh ở đây là phải giành thế chủ động, nếu mình nói ra trước thì người nghe sẽ tiếp nhận nhẹ nhàng hơn. Nếu mình không dành được thể thượng phong, phải chạy theo để giải thích nói lại cho rõ, khi ấy người nghe sẽ cho rằng đang thanh minh. Hiểu đơn giản, nói sau sẽ là thanh minh. Để cho người ta nghĩ mình thanh minh đồng nghĩa đã vuột mất một trong số các cơ hội xử lý khủng hoảng truyền thông.
Đương nhiên, phần nào sẽ ảnh hưởng đến uy tín của họ nhưng thay vì im lặng, họ có cách xử lý khôn ngoan hơn, minh bạch và tẩy trắng nhanh hơn. Anh có thể ví dụ trường hợp cụ thể được không?
Gần đây nhất là vụ liên quan đến hãng A., Công ty S. cũng bị nói nhập đồ Trung Quốc về gắn mác Việt Nam. Ngay sau đó, phía Công ty S. đã lên nói rõ chúng tôi bán hàng nhập khẩu Trung Quốc và hàng sản xuất tại Việt Nam. Nhưng không phải tất cả đều là hàng Trung Quốc, Công ty có ghi rõ nguồn gốc nếu là hàng nhập khẩu. Vì thế, đám mây đen đang ở trên đầu trực chờ ập xuống đã được giải toả, trời quang mây tạnh. Cá nhân tôi đánh giá đó là trường hợp xử lý truyền thông nhanh và hợp lý.
Là một chuyên gia truyền thông nhiều năm và có chỗ đứng trong ngành. Nếu thang điểm là 10, anh chấm truyền thông Việt Nam ở ngưỡng mấy?
Tôi không chấm được. Bởi có nhiều thương hiệu, doanh nghiệp đều có phương cách, bộ phận làm truyền thông khác nhau. Thậm chí, văn hoá truyền thông khác nhau. Không chỉ phụ thuộc vào vấn đề chuyên môn nó phụ thuộc vào văn hoá doanh nghiệp. Nói ví dụ nhé, có doanh nghiệp khi gặp vấn đề họ sẽ xử lý theo cách A, nhưng cách A đó đi ngược lại văn hoá cá nhân hoặc Công ty tôi.
Nói cảm quan làm truyền thông thì cá nhân tôi nhận thấy, cách đây khoảng 10 năm tức là thời điểm tôi vẫn còn đi làm ở doanh nghiệp lớn, tôi nhận thấy thời điểm hiện tại công tác chuyên nghiệp hơn, đa dạng về phương cách. Nói chung mọi thứ tạo cho tôi cảm giác nhịp nhàng, rộn ràng và đầy sức sống. Đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, tận dụng được các bên truyền thông xã hội, họ chiến thắng khá tốt. Giống như các bạn kinh doanh online, cửa hàng cắt tóc, thời trang… đều sử dụng tốt những kênh truyền thông để phát triển. Qua đó để thấy, truyền thông nước nhà bắt kịp với Thế giới, có điều xét về mặt tổng thể thì nó chưa toàn diện. Hiểu đơn giản thì đi thì nhanh nhưng chưa có chiều sâu thực sự.
Anh nghĩ 10 năm sau, truyền thông Việt Nam sẽ phát triển đến ngưỡng nào?
Tôi nghĩ chuyên nghiệp hơn. Như tôi nói ở trên, câu chuyện truyền thông ở 10 năm trước và bây giờ đã tiến triển có tín hiệu tốt. Tương lai, chúng ta sẽ tiếp cận và bắt nhịp với truyền thông ở Thế giới. Tôi tin ở điều đó!
Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện.
Nguồn: Báo LUXURY – INSIDE