Sáng nay đọc status của chị Trang (share từ chỗ bạn Phan Xine về) nói rằng “Từ hôm con vịt về tới Việt Nam, nhân dân ta rộn ràng lên hẳn. Người người lũ lượt kéo nhau ra hồ Bán Nguyệt để chụp hình với vịt. Thế mới thấy thương cho nhân dân ta bị nghèo nàn về hình thức giải trí đến thế nào, chỉ cần một con vịt là có thể đem đến niềm vui như thế”.
Mình định nói vài lời, xong nghĩ đi nghĩ lại lại thôi. Chẳng phải sợ đụng chạm gì, mà khi nào mình thấy chưa đủ “tư liệu” để viết một bài đầy đủ thì mình sẽ tạm thời để đó.
Chiều tình cờ lại thấy status của ông Cá Nục rằng “Đọc bài phỏng vấn bạn ca sỹ hót gơ xinh đẹp bà mẹ nhí đi hát với cát xê 50 triệu đồng mà thấy thương cho mấy bạn ngày đêm lên nhạc viện gào thét luyện thanh rồi đầu tư đi thi này nọ”.
2 status tưởng như không liên quan nhưng thực ra lại có! Là bởi, góc nhìn của ông Cá Nục về cát-xê của Angela Phương Trinh – thật tình cờ và thật bất ngờ – có thể dùng để giải thích cho góc nhìn của bạn Phan Xine về Con Vịt Màu Vàng. Và tất nhiên, nó khác hoàn toàn với góc nhìn của mình – một blogger Truyền thông Xã hội.
Vì mình cho rằng, việc “mọi người lũ lượt kéo nhau đi chụp hình con vịt” chẳng liên quan gì và chẳng có giá trị gì để kết luận “nhân dân ta bị nghèo nàn về hình thức giải trí” như bạn Phan Xine đang nói. Tại sao lại thế?
Vì xét về mặt vai trò, con vịt màu vàng của bạn Phan Xine chẳng khác gì Angela Phương Trinh của ông Nục cả. Người ta đi chụp hình con vịt vì mức độ nổi tiếng của nó chứ không phải vì người ta nghèo nàn về hình thức giải trí. Cũng như, họ bỏ tiền ra để đến xem Angela Phương Trinh lắc mông khi hát chứ không bỏ tiền ra để đến nghe và thưởng thức âm nhạc nghệ thuật đỉnh cao như các ca sĩ trong nhạc viện.
Người chủ sở hữu của Con Vịt Vàng – Angela Phương Trinh biết cách dùng truyền thông để tạo ra cho những sản phẩm này các giá trị vô hình. Và người dân – khán giả đang trả tiền cho những giá trị vô hình đó. Mà trong trường hợp cụ thể này là một lợi ích về mặt cảm xúc. Vốn là thứ thường được định giá rất cao.
Giống như hôm trước mình có tư vấn nhẹ cho Thành Hoàng Ceo về hướng truyền thông cho thương hiệu mới của Đồng phục lớp K14.vn cũng đề cập đến chuyện này. Rằng khi muốn ai đó đồng ý trả 30 triệu cho một cái túi xách trị giá 12 triệu, thì bạn không thể tự nhiên nâng khống giá của nó lên được, mà phải tạo ra một giá trị vô hình tương đương 18 triệu, trong trường hợp này là lợi ích về mặt cảm xúc.
Xét về mặt vật liệu và công sức may đo, cái túi của bạn cũng giống túi của LV, chỉ hết 12 triệu tiền sản xuất. Vậy tại sao người ta chấp nhận bỏ ra 30 triệu cho hàng của LV? Là bởi khi đeo cái túi đó lên người, họ thấy sự tự hào, họ thấy họ là đẳng cấp, là dân chơi, là sang trọng.
Khi khoác chiếc túi LV trên người, họ nhớ lại những hình ảnh long lanh trên các trang tạp chí thời trang làm đẹp hàng đầu. Nơi hình ảnh của chiếc túi LV được thiết kế sang trọng và cuốn hút, được đặt kế bên những mẫu quảng cáo xe hơi Mercedes, Lexus hay căn hộ 5 sao ở Furama Resort. Và họ biết, giá tiền để cho một trang quảng cáo đó có khi lên tới gần trăm triệu.
Khi khoác chiếc túi LV trên người, họ nhớ lại khoảnh khắc lúc đi ngang Tràng Tiền Plaza, đứng ở vỉa hè mát lạnh và nhìn ngắm cái tủ kính to, rộng gần 10m được trang hoàng lộng lẫy, bên trong chỉ đặt một chiếc túi LV với vài viên ngọc trai làm cảnh.
Khi khoác chiếc túi LV trên người, họ nhớ lại hình ảnh dàn siêu mẫu trong một buổi tiệc xa hoa với hàng trăm phóng viên bu kín lại chụp hình trên thảm đỏ. Những ngôi sao hàng đầu thế giới ăn mặc cầu kì trải chuốt đến tay bắt mặt mừng ông bà chủ LV và mân mê những chiếc túi xách hàng hiệu có kiểu dáng mới lần đầu công bố.
Cũng giống như một vị CEO bước xuống từ xe hơi, trả 100 ngàn “xin mua” 5 cái xơ mướp về rửa bát, hay một ông già 71 tuổi về hưu trong lòng Hà Nội đang ngày đêm cặm cụi làm ra những chiếc dép cao su từ vỏ lốp xe và bán với giá 200 ngàn. Khách hàng của ông, họ không định bỏ từng đó tiền ra để mua một vật dụng chỉ để dẫm chân lên. Họ bỏ ra 200 ngàn – cũng giống như ông CEO bỏ ra 100 ngàn – là để mua hoài niệm về một thời xa vắng.
Tạo ra được các giá trị – lợi ích về mặt cảm xúc, chúng ta có thể bán được tiền. Được rất nhiều tiền. Và đó chỉ là một “quyền năng” rất nhỏ của Truyền thông.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – April 28, 2014 at 05:27PM)