CATCH ME IF YOU CAN
Bữa nay mình hỏi mọi người trên facebook rằng thì là mà cái xì tai nón bảo hiểm có dòng chữ Catch Me If You Can là ở đâu ra? Duyên cớ nào mà tự nhiên giờ mình ra đường thấy bà con đội nó quá trời? Và nó có ý nghĩa ra sao vậy?
Status đăng lên lúc 7h tối và đến khoảng 11h đêm thì có 42 câu trả lời. Nếu tính thêm comment chặt chém của bạn Giày Đỏ đã bị xóa đi thì chính xác là 43 mới đúng.
Câu trả lời của bạn Giày đại khái là nó chẳng có ý nghĩa gì, chỉ có những đứa thích chém gió rảnh việc mới nghĩ ra đủ thứ trò ngồi thắc mắc. Và comment này có nhiều người like nhất. Lúc mình xóa đi thì có khoảng 10 like. Nếu để lại thì chắc còn đông người like hơn nữa.
Cái này thể hiện tâm lý đám đông khá rõ rệt. Mà mình thì rất sợ bị đám đông hùa vào ăn hiếp, thế nên mình phải xóa đi, chớ comment này thì cũng hay. Và mình cũng ghi nhận vào não bộ được rồi.
Một số bạn khác thì nói rằng đây chỉ đơn thuần là tên gọi một bộ phim khá hấp dẫn do nhiều tài tử xinh đẹp tham gia. Đó là bộ phim Catch Me If You Can.
Thực ra, ai comment cho mình thì mình cũng thấy là đáng quý cả. Và mình xin cảm ơn nhiều nhiều. Dù rằng thông tin rằng dòng chữ đó trùng với tên một bộ phim thì mình đã biết rồi.
Thực ra, mình – cũng như bất cứ ai quan tâm đến lĩnh vực bảo mật đều biết đến Kevin Mitnick, một hacker từng được mệnh danh là tội phạm công nghệ nguy hiểm nhất mọi thời đại trong lịch sử Hoa Kỳ. Và Kevin Mitnick có điểm đặc biệt là luôn tự nhận bản thân ông có phần giống với nhân vật chính trong bộ phim Catch Me If You Can.
Đây là nhân vật không chỉ ảnh hưởng đến giới bảo mật trên thế giới mà ngay cả ở Việt Nam. Tháng 1/2007, nếu ai đọc báo nhiều sẽ còn nhớ sự kiện một cậu học trò tên Bùi Minh Trí hack vào website Bộ Giáo Dục và để lại dòng chữ Catch Me If You Can, khá đình đám một thời. Sau đó, thì mình cũng có viết thư gửi ông Nguyễn Thiện Nhân về sự việc này (http://bitly.com/10J23uF).
Cho nên bộ phim đó thì mình biết rõ. Cái mà mình không biết ở đây là tại sao và bằng cách nào, cái xì-tai đội mũ có dòng chữ này lại trở thành trào lưu trong giới trẻ? Liệu đây có phải là kết quả của một campaign nào đó? Hay chỉ đơn giản là sự vô tình?
Rất tiếc, chưa có bạn nào cung cấp cho mình thông tin đủ để trả lời câu hỏi đấy.
Còn nhớ khoảng tháng 11/2008, khi Wanbi Tuấn Anh ra mắt album đầu tiên mang tên WANBI 0901, thì nam ca sĩ này đã cùng với hãng thời trang Bamboo trình làng một mẫu áo thun có tên gọi là BiBoo được đặt tên theo nickname của ca sĩ này là Bi và tên hãng thời trang Bamboo. Đồng thời, hình ảnh của Wanbi cũng được “chuyển thể” thành hình hoạt họa rất dễ thương để in lên áo.
Đây chính là bệ phóng cực kỳ giá trị để hãng thời trang Bamboo tung ra thị trường hàng loạt mẫu áo thun có hình vẽ hoạt họa dạng ăn theo. Mà một trong số đó là hình con heo siêu dễ thương mà sau đó trở thành trào lưu, thành “mốt” của giới trẻ, đặc biệt là các bạn tuổi teen trong một khoảng thời gian khá dài trước khi de-mode.
Quay trở lại trường hợp của chiếc nón bảo hiểm có in dòng chữ CMIYC. Mình hoàn toàn đồng ý với một số bạn comment rằng chữ này có ý ám chỉ thách thức cảnh sát giao thông vì khi dịch ra tiếng Việt, nó có nghĩa là “Hãy bắt tôi nếu anh có thể”. Kèm theo hình ảnh vẽ phác họa một chiếc xe vespa cũng cute không kém.
Thế nhưng, nếu tất cả chỉ là như thế thì chiếc nón này không thể trở thành trào lưu như vậy. Mình thì vẫn cứ nghiêng về giả thiết phải có một sự kiện gì đó – dù vô tình hay cố ý – đã xảy ra, mang tính chất như một “điểm bùng phát”, để từ đó giới trẻ đổ xô đi mua và đội kiểu nón bảo hiểm này.
Những người làm trong ngành thời trang quả là bậc thầy trong việc dẫn dắt đám đông. Vì họ chính là người tạo ra xu thế. Xét về khía cạnh truyền thông, đó quả là những người còn hơn cả chữ tài năng thuần túy. Và mình rất muốn nghiên cứu những cách thức mà họ đã làm để ứng dụng vào công việc.
Nên túm quần túm áo lại là, ai biết thêm thông tin thì cho mình biết nhé, hjhj.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – January 24, 2013 at 12:10AM)