BÀN VỀ KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG CỦA THE VOICE: LỖI LỚN NHẤT LÀ SỰ KHÔNG CHUYÊN NGHIỆP
>>> Đọc thêm:
+ VIETJET AIR ĐƯỢC NHIỀU HƠN MẤT TRONG KHỦNG HOẢNG BIKINI http://on.fb.me/U2XPIZ
+ 5 ĐIỂM VNG CÓ THỂ LÀM TỐT HƠN ĐỂ XỬ LÝ “KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG” http://on.fb.me/U2XTsl
+ TRUYỀN THÔNG HẬU KHỦNG HOẢNG VÀ GÓC NHÌN CỦA NHÀ BÁO QUA “LĂNG KÍNH” VEDAN http://on.fb.me/U2Ypq4
—
Mấy ngày vừa qua, “Cát Tiên Sa”, “The Voice”, “Giọng Hát Việt” và “Phương Uyên” bỗng dưng vụt một cái trở thành “ngôi sao sáng chói” trên bầu trời nghệ thuật. Lý do là gì thì ai cũng biết hết rồi, không cần nhắc lại. Êkip này đã phải hứng chịu một cơn mưa đá bắt nguồn từ sự phẫn nộ (chứ không còn là giận dữ) của giới truyền thông và dư luận. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho sự việc trở nên bung bét và khủng hoảng càng lúc càng trầm trọng?
Theo tôi, mọi thứ bắt nguồn từ sự không chuyên nghiệp từ chính khái niệm “nghề PR” đang thu hút khá nhiều bạn trẻ tại Việt Nam.
Rất nhiều bài báo đã đặt ra câu hỏi, rốt cục công ty Cát Tiên Sa tổ chức cuộc họp báo để làm gì? Thì tất nhiên ai cũng cho rằng họp báo để thanh minh, để xin lỗi, để đưa thông tin chính xác và nhiều “âm mưu” khác nữa. Nhưng theo tôi đoán thì lý do chính để CTS họp báo là vì họ “nghĩ rằng” cuộc họp báo đó sẽ là cơ hội để “nhờ” báo chí nói tốt về mình.
Giống như cách mà êkip của Cao Thái Sơn đã tổ chức buổi họp báo “chuẩn men” dạo trước.
Có khá nhiều người làm truyền thông đang có suy nghĩ đơn giản rằng PR tức là phải quan hệ tốt và lấy lòng báo chí. Để khi có thông tin thì đăng cho nhanh, cho lẹ. Khi có sự cố thì “lôi” một đám nhà báo thân tình tới, nói xàm xí với nhau dăm ba câu, ăn đôi cái bánh, nhận cái phong bì và về viết tốt. Xong, khủng hoảng hạ màn! Đó thực sự là một suy nghĩ thật là không chuyên nghiệp.
Cái sự không chuyên nghiệp thể hiện rất rõ ở màn “ngăn chặn” truyền thông trong cả họp báo Cao Thái Sơn lẫn The Voice. Người ta ngăn chặn vì chỉ muốn cho những nhà báo “trong danh sách” vốn là “báo nhà”, “nhờ cậy dễ” được vào tham dự. Sự không chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ Ban tổ chức đã không chỉ định hoặc không nghĩ tới việc chỉ định một người có tư cách phát ngôn – ngay khi khủng hoảng bắt đầu nhen nhóm. Dù rằng đó là một việc làm căn bản nhất khi xử lý khủng hoảng truyền thông.
Nếu họ có sự chuẩn bị cho việc ấy, thì Phương Uyên không cần tắt máy. Thiều Bảo Trang, Bùi Anh Tuấn không cần run sợ đến mức chạy trốn báo chí như họ đã làm. Các bạn cứ nghe máy một cách bình thường và trả lời rằng “tôi/em có nghe, có biết về clip ấy. Tuy nhiên mọi bình luận, anh/chị vui lòng liên hệ với người phát ngôn của tôi/em là …”.
Và trong 1 ngày mà Ban tổ chức họp kín với Huấn luyện viên cùng các thí sinh, người phát ngôn sẽ trả lời tất cả báo chí rằng “chúng tôi đã nắm rõ thông tin về vấn đề mà báo chí đang quan tâm, và chúng tôi đang tổ chức họp để đưa thông tin một cách chính xác nhất đến quý anh chị vào lúc … ngày … “. Khi ấy, chắc chắn báo chí sẽ phản ánh đúng như thông báo ấy và kiên nhẫn chờ đợi. Không ai tiếc gì một ngày để chỉ đưa tin một chiều như lời ông giám đốc Cát Tiên Sa quy kết.
Tất nhiên, ngay khi phóng viên gọi điện cho Phương Uyên hay một số thí sinh mà những người này nghe máy, họ sẽ tìm cách khai thác thông tin – cho dù mọi người có trả lời đúng y boong một câu như được dặn. Tùy theo mức độ “nguy hiểm” của nhà báo, sự lão luyện và ngây thơ của người bị phỏng vấn là các chiêu được sử dụng sẽ là “chỉ hỏi một câu duy nhất”, “trước giờ anh/chị có bao giờ đăng bài nói xấu em chưa, em không tin anh/chị à?”, “em nói thế nhưng vừa rồi bên Cát Tiên Sa lại nói với chị là…”, “em từ chối như vậy là làm khó anh/chị, vậy anh/chị sẽ tự viết theo tin đồn, theo suy luận nhé, có gì em chịu trách nhiệm được không?”, “vậy em không trả lời tức là đồng ý nhé?”…
Thậm chí, có phóng viên còn lão luyện tới mức “thôi bây giờ bỏ qua cái đó đi, mình nói chuyện đời, chuyện xã hội cho khuây khoả em nhé?”. Và rồi cái tâm sự đời cô lựu cho khuây khỏa ấy sẽ được cài cắm những câu móc họng mà nếu yếu nghề, Phương Uyên và các thí sinh sẽ bị thành trả lời phỏng vấn.
Thế nên, trách nhiệm của đơn vị xử lý khủng hoảng (ở đây là Cát Tiên Sa tự làm) phải dự trù được những điều đó và huấn luyện cho những người “có nguy cơ cao” bị truyền thông săn đón, để trang bị cho họ bản lĩnh và sự khôn khéo không bị mắc bẫy phóng viên. Thậm chí, họ phải thực hiện được những cuộc hội thoại kiểu như sau:
– Alo em à, chị X đây, chị hỏi em chút về vụ clip nhé?
– Chị thông cảm, mọi phát ngôn chị liên hệ anh Y dùm em nhé.
– Chị chỉ muốn hỏi là clip có thật hay ghép thôi mà. Em chỉ cần có hoặc không?
– Chị thông cảm, mọi phát ngôn chị liên hệ anh Y dùm em nhé.
– Vậy là có đúng không? Nếu không thì em nói không đi, còn em nói câu khác thì coi như em khẳng đinh là có nhé?
– Chị thông cảm, mọi phát ngôn chị liên hệ anh Y dùm em nhé.
– Vậy là có nhé. Chị cảm ơn em.
– Chị thông cảm, mọi phát ngôn chị liên hệ anh Y dùm em nhé.
Và những mánh lới của giới truyền thông như đã được liệt kê cần phải được đội ngũ PR liệt kê càng nhiều càng tốt và có phương án trả lời xác đáng. Sau đó, các kế sách này phải được hướng dẫn cho người phát ngôn chính thức để trả lời báo chí trong họp báo. Bản thân người phát ngôn này đòi hỏi phải có những kỹ năng rất vững về truyền thông và khủng hoảng, ví dụ như giao tiếp với báo chí thế nào, qua cả lời nói và ánh mắt, cử chỉ, ngôn ngữ hình thể và giọng điệu. Họ phải là người giỏi diễn thuyết, nói chuyện thu hút như một nhà hùng biện. Phải có kỹ năng chuyển hướng báo chí tới vấn đề khác khi gặp những câu hỏi chưa lường trước, phải có kỹ năng bắc cầu để chuyển câu hỏi từ một vấn đề tiêu cực nhiều qua để trả lời một vấn đề tiêu cực ít…
Với đòi hỏi cao của người phát ngôn như vậy, thường thì không nhất thiết người đó phải là “bị cáo”. Tức là, trên bàn chủ tọa vẫn có thể có mặt ông Minh cùng các huấn luyện viên, nhưng bản thân họ lại không cần trả lời gì hết mà nhường hết cho một người phát ngôn chuyên nghiệp. Tất nhiên, các vị đó không nhất thiết phải ngồi làm cảnh, mà có thể diễn một màn cúi gập đầu xin lỗi (giống vụ sập cầu Cần Thơ dạo trước) hay những màn khóc lóc đẫm lệ của Phương Uyên, màn ôm động viên của Thu Minh hay Hồ Ngọc Hà chẳng hạn.
Các vị ấy chỉ cần “diễn tốt” những hành vi như gợi ý, báo chí sẽ ngay lập tức chộp lấy và đăng tải theo hướng vô cùng có lợi. Cộng thêm với thông tin tích cực và đầy đủ từ người phát ngôn, lo gì người ta viết tiêu cực cho mình, cho dù buổi họp báo đó có mặt cả những tờ báo “không thân thiết”.
Thế nhưng cái sự không chuyên nghiệp của khái niệm PR đã làm cho cuộc họp báo trở nên lộn xộn như họp chợ. Các quý vị trên bàn đại biểu thi nhau nói, người này nói chưa xong người kia đã giằng mic cướp lời (nghiêm túc chứ không phải mình nói quá). Thông tin thì mỗi người một phách, lộn xộn lôi thôi. Và đỉnh điểm của sự không chuyên nghiệp của việc lựa chọn những người phát ngôn không chuyên nghiệp là khi họ không kiềm chế nổi cảm xúc của mình.
Trần Lập thì “ngẫu hứng” liên tưởng đến vụ đánh bom khủng bố 11/9. Chắc vào thời khắc ấy, anh chàng này tự sướng (vì sao mình nghĩ ra vụ này hay quá) nên phong luôn cho báo chí thành những kẻ khủng bố và hùng hồn kết luận “đừng khủng bố chúng tôi, hãy để cho chúng tôi yên”.
Đàm Vĩnh Hưng thì thôi khỏi nói rồi. Anh này trước giờ vẫn nổi tiếng tự coi mình là số 1, thế mà cho anh ta phát biểu thì đúng là thảm họa. Và thực tế đã chứng minh rồi khi anh ta hỏi thẳng “thế thực sự nhà báo muốn gì?”.
Cuối cùng là ông giám đốc Cát Tiên Sa, thiếu kiềm chế tối mức trợn trụa quát vào mặt phóng viên rằng chính quý vị mới là người làm khán giả mất niềm tin. Chính quý vị đưa tin một chiều blah blah blah… Nếu ai tham gia cuộc họp báo ấy mới cảm nhận được sự tức giận và “thái độ chửi rủa, đổ lỗi” của ông Minh chứ nếu đọc tường thuật câu từ qua báo chí thì chưa hình dung được hết.
Mình “sửng sốt” khi thấy ông Minh làm vậy nhưng không bất ngờ. Vì thực sự, với sức ép từ báo chí, một người ít giao tiếp với truyền thông sẽ rất dễ dàng nổi nóng. Lỗi ở đây không phải của ông Minh. Chỉ là êkip của ông đã đặt cho ông một vai trò không phù hợp.
Còn những màn ngẫu hứng (hay có ý đồ) của việc biểu quyết, của việc cướp mic nhà báo và quang quác phát biểu lôm côm từ các thí sinh thì đã thuộc hàng kinh điển rồi, mình cũng chẳng nói lại làm gì.
Nói như ca sỹ Phương Thanh thật vô cùng chính xác. Nghệ sỹ và truyền thông dựa trên mối quan hệ cộng sinh. Sẽ chẳng có ai (nhà báo) tẩy chay The Voice được mãi. Thậm chí, nếu báo bạn không có bài, rồi sức ép từ báo đối thủ thì bạn cũng sẽ phải đưa tin. Ở vào chiều ngược lại, Cát Tiên Sa cũng chẳng thể ôm một mối thù hằn với giới phóng viên. Vì nếu báo chí cấm cửa các chương trình của họ thì họ cũng lên đường. Cho nên, sự tức giận và phẫn nộ trong buổi họp báo ấy rồi cũng sẽ qua đi.
Những bài viết “đanh thép” và có một phần vùi dập – bao gồm cả bài viết cũ của mình – xuất phát từ việc ít nhiều bị đụng chạm đến lòng tự ái, hơn là chỉ phản ánh thông tin thuần túy. Đó là cái giá phải trả cho êkip của Cát Tiên Sa. Và cũng là cơ hội để báo giới nhìn nhận lại chính cách tác nghiệp – thật lòng là cũng chưa chuyên nghiệp – của mình trong thời gian vừa rồi. Khủng hoảng của The Voice cuối cùng thì cũng tại anh tại ả, tại cả đôi bên, bên nào cũng không chuyên nghiệp.
Công tâm mà nói, Cát Tiên Sa họ cũng chỉ là đơn vị kinh doanh, và là đối tác của ông lớn VTV. Mỗi một bài báo “dìm hàng” đăng lên là cả chục con người cũng giật mình thon thót, cũng – xin lỗi – sợ té đái ra quần. Ngộ như sự việc bị đẩy đi đến mức trầm trọng quá, VTV phủi tay cái roẹt thì khi đó ai là người giơ đầu ra chịu báng? Các đơn vị kinh doanh chỉ muốn yên ổn để kinh doanh, nên những lời nói, thái độ làm sứt mẻ mối quan hệ với báo giới thực ra chỉ là do sự non tay chứ mình tin không phải là chủ ý của Cát Tiên Sa, Phương Uyên hay Mr Đàm.
Bạn giám đốc sản xuất lúc đứng cạnh mình trong họp báo đã “cuống hết cả lên” kêu gọi nhân viên “chặn nó lại, chặn nó lại…” khi con mụ ốc tinh lao tới giật mic phóng viên. Nhưng cuối cùng, ả ốc tinh đó vẫn lấy được mic và bất chấp tất cả để phát ngôn bừa bãi, góp công lớn trong việc cho Cát Tiên Sa và Phương Uyên ăn gạch.
Cát Tiên Sa đã ra thông cáo xin lỗi báo chí, nhưng chưa thấy xin lỗi khán giả và người hâm mộ. Có lẽ đó cũng là cái chưa chuyên nghiệp cuối cùng của họ trong vụ án này, mà theo mình đoán thì xuất phát từ cái tôi quá lớn.