Please log in or register to do it.
Trước khi trao đổi với bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA về buổi talkshow với ca sĩ Phạm Anh Khoa, tôi đã nêu quan điểm cá nhân là rất không đồng tính và cảm thấy cực kỳ phẫn nộ với Phạm Anh Khoa. Sở dĩ có cảm xúc đấy vì trước thời điểm takshow diễn ra, những thông tin hoàn toàn là một phía. Nhưng sau lời xin lỗi của Khoa, thì tôi tin rằng các cáo buộc là chính xác, có cơ sở, và cảm thấy ghê tởm rocker này.

Nội dung trao đổi dưới đây không liên quan Phạm Anh Khoa nữa (vì tôi rất khinh thường con người này), mà chỉ muốn tìm hiểu rõ động cơ của bà Vân Anh, cũng như CSAGA là gì khi thực hiện talkshow đang được coi là tiếp tay cho anh ta để “đánh tráo khái niệm” như vậy?

(?) Chào chị, tôi cảm thấy rất phẫn nộ và hoàn toàn không đồng tình với cách mà PAK trả lời trong talkshow của chị, chị nghĩ sao?

Tôi cũng không đồng tình

(?) Mục đích của CSAGA khi làm talk này là gì?

Khi sự việc [Phạm Lịch tố cáo PAK gạ tình] xảy ra, tôi theo dõi rất sát. Tôi nhiều lần bảo PAK rằng em phải xin lỗi đi chứ, tại sao em không xin lỗi. Khi ấy Khoa có nói với tôi rằng nhưng mà em có lỗi đâu mà cần xin lỗi?

Tôi đã ngồi với Khoa rất lâu để phân tích và nói rằng em có lỗi chứ tại sao lại không có lỗi. Trước đây em đã từng tham gia những cái sự kiện như thế [Nam giới nói không với bạo lực gia đình] và chị đã dạy cho em về bạo lực gia đình, bây giờ chị cảm thấy rất buồn.

Cuối cùng sau rất nhiều vận động và tư vấn thì cậu ấy đã đồng ý. Nhưng cá nhân tôi biết đây là một người rất bản năng nên sẽ chỉ xin lỗi với cái gì mà cậu ta thấy tâm phục khẩu phục, còn cái gì mà cậu ta tự cho rằng không có lỗi sẽ không xin lỗi đâu.

Trước khi vào talk Khoa cũng ra ra vào vào rất nhiều lần và nói rằng rất khó khăn cho cậu ấy. Vì Khoa vẫn nói rằng “vụ khóa tay” là không có, nên cậu ta cùng với các luật sư vẫn đang soạn đơn để kiện một số cơ quan truyền thông và kiện cái cô đó.

Tôi hỏi đi hỏi lại Khoa rất nhiều lần rằng em có chuyện này không? Vì nếu đúng là em có thì dù ngàn lần xin lỗi em cũng chẳng giải quyết được điều gì, em chỉ có ra pháp luật và đi tù thôi. Tôi cũng liên tục hỏi lại những người mà tôi biết bên phía Khoa thì họ cũng nói rằng đang khởi kiện và phía Khoa cũng bảo rằng “không hề có” và không biết động cơ [của người cáo buộc] là gì.

Tôi bảo OK nếu cái gì em chắc chắn là không có, thì em kiện, còn cái gì em thấy là có, thì chị sẽ phân tích cho em thấy như vậy đã là quấy rối tình dục hay không. Nếu câu trả lời là đúng, em đã quấy rối tình dục thì em phải lên xin lỗi.

Sau đấy, tôi hỏi lại từng câu một [trong các cáo buộc] là em có nói câu này không, câu kia không. Thì Khoa bảo rằng cái câu “sờ soạng cơ thể bằng ánh mắt” là có. Rồi cậu ta miêu tả lại tình huống và bối cảnh lúc đó. Khoa bảo rằng khi ấy đang thảo luận về cảm xúc. Tôi lại phân tích cho Khoa thấy rằng kể cả thảo luận về cảm xúc người ta cũng không bao giờ được phép nói những câu này. Như vậy là sai bét ra rồi, em đã quấy rối tình dục.

Tôi phân tích thêm nhiều cái khác thì cậu ấy cũng ngồi nghe. Tôi có nói nếu bây giờ em có làm như thế mà không xin lỗi thì đồng nghĩa với việc em mặc nhiên thừa nhận những điều đấy và em bất chấp tất cả. Thế thì chị nghĩ em nên xin lỗi và bạn ấy đồng ý xin lỗi.

Nhưng bởi vì cậu ta vẫn không hết tâm phục khẩu phục và chưa nhận ra hết lỗi lầm nên trong lời xin lỗi rõ ràng là không chân thành. Khi ấy tôi có nói rằng chị không muốn em xin lỗi mồm mà cái xin lỗi phải đến từ trong lòng em, và chị sẽ hỗ trợ em trong quá trình tới để em hiểu thế nào là QRTD và mình sai ở đây. Còn việc gì em thấy oan ức thì xin mời đi kiện. Còn việc của chị là vận động và muốn nhìn thấy cái thay đổi của em. Đó là mục đích của chương trình talk mà chúng tôi tổ chức.


(?) Tại sao bà không đứng về phía nạn nhân, là phụ nữ, lại đứng về phía Phạm Anh Khoa. 

Tôi đang làm về vấn đề nam giới, chúng tôi không phải làm với một mình PAK mà làm với rất nhiều người nam giới [có hành vi bạo lực], kể cả những người đã giết vợ. Và cách làm của CSAGA là tìm ra những phần ánh sáng tốt đẹp nhất để họ thay đổi.

Xã hội của chúng ta phải thay đổi. Tôi làm [dự án] với phụ nữ bao nhiêu năm rồi tôi biết. Nếu chỉ có phụ nữ đi gào, rồi được tập huấn có ý thức về quyền của mình rồi nhưng cuối cùng về vẫn bị đánh. Chúng ta phải thay đổi người đàn ông. Đây là một trong những hoạt động của chương trình và định hướng như vậy.

(?) Nhưng dư luận có cảm giác bà làm talk này để bảo vệ Phạm Anh Khoa thay vì phụ nữ, là các nạn nhân, bà giải thích thế nào?

Có thể họ chưa nghe kỹ talk này. Còn để bảo vệ phụ nữ chúng tôi làm [các chương trình] liên tục. Nhưng có lẽ những chương trình đó không được quan tâm chú ý nhiều như vậy.

Riêng trong trường hợp này vẫn còn có những tranh cãi, phía Khoa nói rằng Phạm Lịch có mâu thuẫn khác nên mới tố cậu ta nên chúng tôi không mời nạn nhân được. Còn nếu mời nạn nhân thì rất dễ, và chắc chúng tôi đã được khen suốt từ hôm qua đến giờ. Việc đó cũng đơn giản cho chúng tôi hơn. Tôi không chọn cách đấy. Và tôi nghĩ mình sẽ bị phản đối, bị chửi nhưng sự việc vượt ngoài tưởng tượng và ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi rồi.

(?) Nhưng nếu để xác định đúng sai nhưng chỉ lắng nghe từ một phía thì có công bằng?

Không. Chúng tôi không phải quan tòa để xác định đúng sai. Chúng tôi chỉ lắng nghe và cố “tấn công” để cậu ấy tự thừa nhận xem đã làm những gì. Và với những thừa nhận đó, chúng tôi phân tích cho cậu ấy biết cậu ấy đã làm sai ở đâu.

Ngay như trong trường hợp này, có rất nhiều cái Khoa đã thừa nhận có làm nhưng vẫn nói rằng “em không QRTD”, tôi thì liên tục nói như thế chính là QRTD. Và cậu ấy hỏi lại tôi thế nào là QRTD? Tôi đã giải thích cho cậu ấy định nghĩa ấy. Vì trong thực tế, có rất nhiều vụ mà thủ phạm không bao giờ nhận tội như vụ ông Thủy [ở Vũng Tàu] là một điển hình. Họ không bao giờ nhận tội nhưng bằng chứng cho thấy rõ ràng rằng họ đã có tội dâm ô. Vậy nếu như Khoa một mực không nhận tội mà có 10 người cùng đưa bằng chứng và các bằng chứng đó đủ cơ sở chứng minh Khoa có tội dâm ô thì Khoa phải chịu sự xử lý của pháp luật chứ.

Còn cá nhân tôi không thể xác định thay quan tòa được. Tôi chỉ tư vấn trên những sự thật mà họ [thủ phạm] đã thừa nhận. Còn ngày hôm nay, nếu phía Khoa thừa nhận sự thật nhưng chưa nhận ra cái sai, thì chúng tôi bằng kiến thức của mình hỗ trợ để cậu ấy nhìn ra rằng cậu ấy đã sai.

(?) Tại sao việc trao đổi, dạy dỗ này không diễn ra ở hậu trường mà phải lôi nhau lên talk?

Những ngày trước đây tôi đã nhiều lần trao đổi với Khoa và thuyết phục cậu ta xin lỗi. Trước thời điểm diễn ra talk tôi cũng lại phải thuyết phục thêm lần nữa vì bản thân cậu ta vẫn cho rằng mình không sai. Đến khi talk thì cậu ta tiếp tục vòng vo như vậy nữa và tôi phải tấn công cậu ta để cậu ta nhận ra cái sai. Có thể điều đó khiến dư luận cho rằng chúng tôi đang dẫn dắt để Khoa chạy tội.

(?) Tức là, phản ứng của Phạm Anh Khoa trên talk là ngoài dự đoán của bà?

Chúng tôi đã làm với đối tượng đàn ông [bạo lực gia đình] nhiều rồi. Nhưng với đối tượng người nổi tiếng này chúng tôi chưa làm bao giờ và khi lên talk Khoa vẫn vòng vo như vậy thì đúng là trách nhiệm của chúng tôi là có.

Tôi vẫn nghĩ mình sẽ phải chịu nhiều rủi ro khi làm talk này với Khoa nhưng chúng tôi buộc phải làm. Vì hình ảnh ngày trước của Khoa là biểu tượng chống QRTD mà bây giờ cậu ấy lại như vậy thì ảnh hưởng quá lớn đến niềm tin, người ta còn biết tin vào ai nữa? Nếu cậu ấy không thay đổi thì là một sự thất bại vô cùng.

Tôi muốn cậu ta phải thay đổi, từ thực sự trong lòng chứ không phải thay đổi môi mép hay xin lỗi vòng vo. Và tất nhiên mọi thứ cần phải một quá trình. Tôi vẫn tin vào sự phục thiện của con người.

(?) Nếu lựa chọn giữa 2 phương án là chỉ đăng tải lời xin lỗi của Phạm Anh Khoa với đăng tải một talk có mặt bà Nguyễn Vân Anh của CSAGA ngồi dạy dỗ, dẫn dắt ca sỹ này đến khi mở lời xin lỗi, bà có cho rằng mục đích cuối cùng sẽ đạt được vẫn giống nhau?

Đúng là về mục đích cuối cùng thì vẫn như nhau cả.

(?) Vậy tại sao bà không cắt đoạn “dạy dỗ” đó đi rồi chỉ đăng tải lời Phạm Anh Khoa xin lỗi, bà muốn thông qua việc này để đánh bóng tên tuổi của bản thân bà và CSAGA sao?

Đây là một gợi ý mà bản thân tôi phải nghiêm túc nhìn nhận. Có lẽ cách làm của chúng tôi đã có thể [làm cho dư luận cảm thấy] tốt hơn.

(?) Theo như bà nói, bà đã thuyết phục ca sỹ này trước đây rất lâu về việc phải xin lỗi. Trước khi talk diễn ra cũng lại phải thuyết phục thêm lần nữa vì cậu ta không muốn xin lỗi, rồi cuối cùng trong buổi talk cậu ta vẫn vòng vo. Vậy bà đánh giá như thế nào về “sự phục thiện” mà bà đề cập?

Tôi hiểu câu hỏi này. Tôi làm với nam giới, ví dụ với những người nông dân, có khi phải 3-4 năm họ mới nhìn nhận ra vấn đề và thay đổi. Tôi hiểu rằng mọi thứ không phải đến từ việc một sớm một chiều.

(?) Nếu câu chuyện không phải một sớm một chiều, vậy có mâu thuẫn với việc bà tìm mọi cách đưa cậu ta lên talk 15-20 phút để nói xin lỗi, khi mà chính bà nói rằng ngay thời điểm đó bản thân Phạm Anh Khoa cũng chưa đủ nhận thức để thay đổi được?

Cũng có thể, về mặt truyền thông thì… Câu hỏi này khiến tôi phải suy nghĩ. Nhưng tôi cho rằng Khoa không thể cứ im lặng mãi như vậy được nên coi như đây là lời xin lỗi cho những nhận thức đầu tiên mà cậu ta nhìn nhận vấn đề.

Có thể giữa cách làm và mục đích của chúng tôi đã có vấn đề, gây phản cảm. Tôi phải nghiêm túc xem lại, và điều chỉnh cho những kế hoạch tiếp theo. Nếu được làm lại tôi sẽ làm khác đi. Đúng là vẫn một mục đích nhưng chúng tôi đã làm chưa giỏi.

(?) Có nhiều người đặt vấn đề về và nghi ngại tôn chỉ và sứ mệnh hoạt động của CSAGA đang chệch hướng, họ cho rằng bà đang bảo vệ cho kẻ quấy rối thay vì quyền của phụ nữ và trẻ em gái, bà nghĩ sao?

Bảo vệ cho quyền của phụ nữ và trẻ em gái là hoạt động xuyên suốt của CSAGA. Nhưng hơn 10 năm làm để bảo vệ cho quyền của phụ nữ và trẻ em gái thì việc chỉ tác động đến phụ nữ đã cho chúng tôi thấy có những cái thất bại nhất định và chúng tôi quyết định phải có những chương trình làm việc với nam giới.

10 năm làm với nam giới chúng tôi đã có những thành công. Tổng cộng CSAGA đã có 20 năm làm trong lĩnh vực này với nhiều đối tượng [nam giới] khác nhau để họ biết hành vi nào là hành vi văn minh, hành vi nào là không được phép cả về văn hóa, đạo đức lẫn luật pháp. Nhưng đây là lần đầu tiên có đối tượng là nam giới lại nổi tiếng mà bị cáo buộc như vậy thì CSAGA cũng nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó để tác động đến bạn ấy để thay đổi.

Có thể cách làm của chúng tôi đã có những phản cảm nhất định. Nhưng thời điểm này khi chưa đủ bình tĩnh [giữa tâm bão] để xem lại thì tôi tạm thời chưa xem lại clip đó vì tôi sợ rằng mình không công bằng với chính bản thân mình, mình sẽ có những cái bao biện cho mình và vơ vào. Nhưng chắc chắn sau đây chúng tôi phải xem lại để điều chỉnh và thay đổi.

(?) Vẫn về việc lợi dụng sự việc này để PR tên tuổi, tôi muốn hỏi thông tin CSAGA phát động phong trào #metoo tại Việt Nam có chính xác hay không?

Cá nhân tôi đã hơi cẩu thả nên sau khi mọi người [nhân viên] sửa chữa TCBC nhiều thì tôi đã chán cũng không coi lại. Nếu trong TCBC cuối cùng đưa lên có đề cập việc đó thì là không chính xác. CSAGA chỉ đồng hành, ủng hộ, tham gia và hưởng ứng phong trào này tại Việt Nam.

(?) Từ phía Phạm Anh Khoa nói rằng mình không hòan toàn có lỗi. Từ phía bà và CSAGA thì nói rằng việc thay đổi phải diễn ra sau vài năm chứ không nhanh được, vậy tại sao lại mời cậu ta làm đại sứ cho các chương trình chống Quấy rối tình dục, điều đó khác gì trêu ngươi dư luận?

Không phải như vậy. Có thể mọi người đã hiểu lầm. Trong Thông cáo báo chí phát đi, chúng tôi nói rằng mong muốn và kêu gọi Khoa đồng hành với chúng tôi trong các chương trình này theo nghĩa vì Khoa chưa hiểu đúng, chưa nhìn nhận ra cái sai của mình thì nên và phải đồng hành cùng chúng tôi để hiểu đúng về QRTD. Đây là cách để chúng tôi coi như là buộc cậu ấy phải tham gia để tác động và thay đổi Khoa, chứ không phải mời Khoa làm đại sứ cho các hoạt động này của CSAGA.

(?) Ngay sau talk của bà với Phạm Anh Khoa lên sóng thì các “nạn nhân” đều thấy họ bị tổn thương, bà thấy thế nào?

Tôi thấy đó là một điều vô cùng đáng tiếc. Nếu Khoa không làm cho Phạm Lịch và các bạn nữ thấy thỏa mãn, dễ chịu hơn mà lại tổn thương hơn sau clip này thì tức là công việc sẽ còn phải làm rất nhiều. Đây là điều tôi không mong muốn.

(?) Bà cảm thấy có lỗi và cần xin lỗi các cô gái này không hay chỉ cảm thấy đây là điều đáng tiếc?

Thực ra việc xin lỗi là điều rất dễ, nhưng cá nhân tôi vẫn nghĩ bây giờ mình phải xin lỗi như thế nào để nó không phải là một câu cửa miệng, mà là hành động thực sự và để mọi người nhìn được cái mong muốn của mình mới là điều đó khó khăn hơn.

Nhưng thực sự từ trong lòng mình, tôi cho rằng với Phạm Lịch, Nga My, MP hay với tất cả những ai cảm thấy tổn thương từ sau khi theo dõi talk này thì tôi đều muốn nói lời xin lỗi rất chân thành. Và tôi, chúng tôi phải xem lại cách mình làm để làm sao vẫn đạt được mục đích mà không bị gây ra những phản cảm, những tổn thương cho các bên liên quan như vậy. Đây hoàn toàn là việc nằm ngoài ý định của cá nhân tôi, tôi vô cùng xin lỗi.


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long

13 giây "oan nghiệt"
Cô giáo chửi học viên là “con lợn": Bà Tuyến đang coi mình là "Chí Phèo"?

Your email address will not be published. Required fields are marked *