Với chủ đề ‘Vì một xã hội nhân văn và bình an. Hãy cùng nhau phòng chống bạo lực và xâm hại’, Ngày Văn hóa hòa bình TP.HCM 2019 có các tọa đàm và không gian về phòng chống bạo hành gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành mạng xã hội…
Chương trình do Quỹ Hòa bình & Phát triển TP.HCM tổ chức ngày 8.12 tại Nhà Thi Đấu Quân khu 7 với sự tham dự của bà Tôn Nữ Thị Ninh ( Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. HCM), diễn viên Hồng Ánh, ca sĩ Thanh Bùi cùng các luật sư, chuyên gia tâm lý, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, tâm lý các nhà hoạt động vì quyền xã hội…
Bạo hành mạng xã hội, những con số đáng báo động
Ở Việt Nam, 80% người dùng dùng điện thoại di động hơn 2 tiếng 30 phút/ngày cao hơn mức trung bình của thế giới nhiều lần, trong đó hơn ¼ là thời gian sử dụng mạng xã hội. Mỗi người đều đã từng chứng kiến hay là nạn nhân của “ném đá” trên mạng xã hội.
Jesse Peterson, tác giả nhiều cuốn sách người Canada, cho rằng rất nhiều người trẻ sử dụng mạng xã hội từ sáng đến tối. Vì vậy họ thiếu khả năng giao tiếp khi xảy ra tình huống cụ thể. “Trong tương lai, mình ở trên mạng xã hội nhiều hơn. Mình phải chuẩn bị việc chúng ta sẽ sống ở thế giới thực và thế giới “ảo”. Nhiều bố mẹ đang dễ dãi và cứ đưa máy tính bảng cho con cái chơi, thì điều đó rất nguy hiểm.” Jesse cho biết.
Các khách mời của buổi trò chuyện đã đưa ra những ví dụ rất thực tiễn cho hiện trạng bắt nạt trên mạng xã hội. Blogger Nguyễn Ngọc Long chia sẻ : “ Tôi có một hội nhóm để thảo luận trên Facebook. Khi mọi người thảo luận về vấn đề giảm cân. Các bạn inbox và chất vấn tôi, trong nhóm chúng ta có một bạn thừa cân, bạn ấy sẽ bị tổn thương.” Nhà báo Bùi Cẩm Hà, chuyên gia truyền thông, chia sẻ câu chuyện rằng có những người dùng mạng xã hội đăng những tấm hình “selfie” của mình và ghi những dòng như “ Ở nhà tự kỷ” hay đại loại như vậy thì những người mẹ có con bị tự kỷ sẽ cảm thấy rất tổn thương.
“Qua những câu chuyện ấy, chúng ta đều phải nên suy nghĩ. Mạng xã hội đang phát triển, chúng ta không thể phủ nhận nó mà phải trang bị kỹ năng. Mỗi một người là một cánh chim chuyên chở những điều tốt đẹp. Chúng ta hãy quan tâm đến nhóm yếu thế.” Blogger Nguyễn Ngọc Long kết luận.
Đừng quá lệ thuộc vào mạng xã hội
Bà Tôn Nữ Thị Ninh trăn trở : “Vấn đề tôi muốn đặt ra là chúng ta tiếp xúc với những người ảo, những người chưa rõ. Những người Việt Nam dùng 7 tiếng trên mạng xã hội thì thời gian đâu cho những giao tiếp thật ? Thanh niên sẽ mất đi kêt nối thực sự, những cái bắt tay, những lời chào ngoài đời thật sẽ mất dần”.
Blogger Ngọc Long lo ngại: “Bởi vì chúng ta quá tập trung vào mạng xã hội và bị lệ thuộc vào nó. Một ngày Facebook sập đi, thì mọi người vẫn đi cà phê, gặp nhau trò chuyện… Đó là trách nhiệm của chính chúng ta, bạn đang lệ thuộc vào mạng xã hội chứ không phải là không có sự lựa chọn khác. Chúng ta phải làm sao để phát huy những điều tốt của mạng xã hội thay vì xoáy sâu vào những tiêu cực”.
Nguồn: Báo Thanh Niên