Người cựu binh này tên là Phan Khắc Long, hiện đang sinh sống và làm việc tại Kontum. Ông đi theo Ban liên lạc Trung đoàn 207 tới dự đại lễ cầu siêu cho đồng đội của mình, những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong “trận đánh” mất mát lịch sử ngày 3/10/1973 của quân đội nhân dân Việt Nam. Chỉ từ 10h sáng đến 5h chiều trong ngày định mệnh đó, gần 300 chiến sĩ đã vĩnh viễn bỏ xương máu lại với vùng đồng tháp mười giữa mùa nước nổi.
“100% anh em đều là những người tuổi đời còn rất trẻ, có người chưa có người yêu, thậm chí có người còn chưa bao giờ cầm tay bạn gái. Tất cả đều là sinh viên miền bắc được chi viện cho chiến trường miền nam. Sau 7 ngày trời ròng rã hành quân chỉ ăn gạo rang, các bạn tới đây thì được lệnh dừng chân để nghỉ ngơi lấy sức. Vốn chỉ là những tân binh, chưa có kinh nghiệm chiến trường, có bạn đã mồi lửa nấu cơm. Ngay lập tức, những vệt khói bay lên giữa vùng đồng tháp mười hẻo lánh không có người sinh sống đã trở thành “tín hiệu” đưa quân địch từ khắp nơi lao tới”.
“Trên trời, trực thăng đầm già đen kịt, số lượng nhiều không kể xiết. Nếu nói 100 thì không tới nhưng cũng phải 70 – 80 cái rầm rầm bay đến. Ở dưới đất thì có xe tăng, xe lội nước, pháo kích. Đạn chúng nó bắn hoàn toàn là đạn 20 ly. Anh em chúng mình không có một tấc sắt trong tay để mà chống trả. Toàn bộ vũ khí đã để ở ngoài xuồng. Các bạn trở thành bia thịt cho chúng nó bắn, giết không thương tiếc. Các bạn cũng ngay lập tức tản ra nhưng không kịp. Các bạn chỉ biết chụp lấy cành bèo tây để đội lên đầu, úp mặt xuống dưới nước mà di tản. Nhưng khoảng cách quá gần nên cách ngụy trang đó hoàn toàn vô tác dụng. Chúng nó bay thấp lắm, sức gió của cánh quạt ép xuống rẽ nước bắn ra hai phía thì bèo nào mà ngụy trang cho nổi”.
“Gần như toàn bộ tiểu đoàn 3 bị quân địch tiêu diệt hết. Chúng tôi thuộc tiểu đoàn 1 đứng cách đó khoảng 1km lẫn trong đám rừng tràm ở phía kia. Chỉ huy không cho chống trả. Vì nếu có tín hiệu chống trả, cả tiểu đoàn 1 cũng sẽ bị địch phát hiện và tiêu diệt ngay lập tức. Chúng tôi cứ đứng chết lặng ở đó mà nhìn đồng đội anh em mình ngã xuống. Xót xa và đau đớn lắm”.
Tròn 40 năm kể từ cái ngày kinh hoàng đó. Người cựu binh này vẫn nhớ như in từng chi tiết cảnh đồng đội của ông bị trực thăng thảm sát. Mọi thứ vẫn hiển hiện như chỉ mới hôm qua. Ông thắp một nén nhang, quỳ xuống bài vị ghi chữ “Liệt sĩ vô danh” rồi vừa khóc vừa mếu máo trong tiếng nấc nghẹn ngào “Các bạn chết rồi để chúng tớ được sống thêm 40 năm nữa. Tiếc là trong từng đấy thời gian vẫn chưa làm được cho các bạn một điều gì xứng đáng”.
Mấy cây gỗ xiêu vẹo trong hình chính xác là “đền thờ” cho gần 300 liệt sĩ Việt Nam đã ngã xuống trong một ngày đỏ lửa. “Đền thờ” này do một người nông dân địa phương phát tâm “xây dựng” ngay tại khu Bắc Bỏ. Ban liên lạc Trung đoàn 207 đã chạy đôn đáo ngược xuôi với quyết tâm làm được một điều gì tử tế cho đồng đội nhưng hoàn toàn bất lực. Họ nói rằng khu vực này tới mùa nước nổi thì “bị âm” (ngập sâu) hơn 2m, cho nên ngay cả việc lấp đất lấp đá đôn nền cho khu đất 100m2 bên cạnh đã ngốn mất chừng 3-4 tỷ chứ đừng nói đến quá trình xây cất khu tưởng niệm. Với những người cựu chiến binh sống dựa vào vài triệu lương hưu thì đây thực sự là nhiệm vụ bất khả thi!
Thông qua rất nhiều sự giúp đỡ của một số nhà văn, nhà báo “chân chính” với những bài viết lay động lòng người, Ban liên lạc trung đoàn 207 đã có được sự hỗ trợ số tiền 6 tỷ từ ngân hàng Vietinbank. Cộng với nguồn ngân sách 4 tỷ từ chính quyền địa phương, khu tưởng niệm khang trang đã được hoàn thành phần vỏ. Sau đó, rất nhiều mạnh thường quân khác đã ủng hộ đồ dùng, cơ sở vật chất cho khu tưởng niệm. Trong buổi đại lễ cầu siêu cho vong linh các anh hùng liệt sĩ ngày 29/04/2013, đôi câu đối lớn sơn son thiếp vàng của một số nhà hảo tâm cũng đã được chưng lên:
“Thân ngã xuống thành đất đai tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”
Trong bữa cơm trưa ngay tại khu tưởng niệm, đại diện Ban liên lạc Trung đoàn 207 đã nói với tất cả mọi người rằng đồng đội của họ có được một nơi chốn khang trang như hiện tại là dựa trên công sức của rất rất nhiều người. Nhưng đơn vị mà họ thấy kính trọng và mang ơn nhiều nhất là ngân hàng Vietinbank. “Bất chấp người này người kia có nói ra nói vào thế nào đi chăng nữa, chúng tôi vẫn giữ một tấm lòng cảm kích và biết ơn sâu sắc với tập thể anh chị em ở Vietinbank. Sự cảm thông và chia sẻ chúng tôi nhận được rất nhiều, sự bức xúc trước tình cảnh “đền thờ” liệt sĩ xập xệ chúng tôi cũng được tiếp nhận nhiều không kể xiết. Nhưng chỉ có Vietinbank là phát tâm giúp đỡ chúng tôi một cách vô cùng thiết thực. Nếu không có họ, chắc có chết anh em chúng tôi cũng không nhắm mắt khi thấy đồng đội của mình phải bỏ xác phơi xương dưới vùng sông nước mà không được một chỗ tưởng nhớ khang trang”.
Khoảng từ 11 đến 12 giờ trưa cùng ngày hôm đó, các Đại đức, quý chư thầy, tăng ni phật tử chùa Viên Giác cùng ban liên lạc e207, bộ tư lệnh bộ đội biên phòng, đài truyền hình Việt Nam, gia đình thân nhân liệt sĩ đã hợp thanh, gióng chuông cử hành đại lễ cầu siêu cho các liệt sĩ trong tiếng kinh kệ và khói hương nghi ngút. Kính mong vong linh các anh an nhiên nơi miền cực lạc. Mong rằng nếu có linh thiêng, các anh sẽ về chứng giám cho tấm lòng thành kính, nghĩa tình thơm thảo của tất cả chúng tôi bên khu tưởng niệm có được từ sự trợ giúp nghĩa tình của tập thể anh chị em ở ngân hàng Vietinbank.
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – April 30, 2013 at 12:39AM)