Sáng nay trên Thanh Niên có bài “Giọng hát Việt” đánh mất niềm tin (http://bitly.com/SeczAg) của bạn Nguyên Vân Võ.
Trong đó có bình luận rằng “Truyền hình thực tế sẽ tự bóp chết mình, khi càng ngày, niềm tin khán giả bị đánh mất vì sự xúc phạm đã đi quá giới hạn”
Bình luận về vấn đề này, thầy giáo Phan Văn Tú (trường Nhân Văn) có viết:
“Kết luận trong bài viết này vô tình đánh đồng CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIẢI TRÍ SẢN XUẤT THEO PHƯƠNG THỨC TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ với TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ nói chung.
Trong đời sống truyền hình lâu nay, đã và đang có nhiều chương trình truyền hình thực tế mang ý nghĩa nhân đạo đáng quý, nhiều chương trình truyền hình thực tế cung cấp kiến thức bổ ích cho khán giả chứ không chỉ có các dạng trò chơi thi thố năng khiếu hát, nhảy, trình diễn thời trang… (các chương trình format thuần Việt do kênh VTV6 sản xuất là những ví dụ tiêu biểu).
Bản thân “truyền hình thực tế” không có tội, và đó là phương thức sản xuất chương trình hiện đại. “Truyền hình thực tế” không phải là thể loại báo chí, nhiều thể loại báo chí từ tin, phóng sự, tọa đàm… đều có thể làm theo phương thức này!”
Mình đồng quan điểm với thầy Phan Văn Tú. Mình thấy có nhiều chương trình thực tế trên TV rất hay và ý nghĩa, như Vượt Lên Chính Mình, Những Ước Mơ Xanh (ở HTV), Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, Trở Về Từ Ký Ức (ở VTV do chị Thu Uyên Beloved MamaCat làm).
Các chương trình thực tế được dàn dựng do các công ty giải trí làm đang làm khán giả mất niềm tin vào chữ “truyền hình thực tế” nói chung là một điều rất đáng buồn.
Hình minh họa cho post này được chụp lại từ màn hình TV kênh VTV1 lúc trưa ngày 12/8 trong chương trình Trở Về Từ Ký Ức.
Bà cụ tóc bạc phơ trong hình vừa ôm mặt run lên vừa tâm sự:
“21 ngày sống bên chồng, 45 năm xa cách, giờ chỉ cần có 1 ngày được tìm lại để khóc bên mộ chồng là đã quá đủ, đã thấy hạnh phúc lắm rồi…”