Xuất phát từ một lập trình viên, Nguyễn Ngọc Long trở thành một người hoạt động tích cực trong lĩnh vực truyền thông xã hội, là người sáng lập Truyền thông Trăng Đen – câu lạc bộ dành cho những người yêu thích truyền thông xã hội đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
Trên trang cá nhân của mình, anh thường xuyên đăng tải những bài viết về cuộc sống, các vấn đề xã hội và được cộng đồng đặc biệt yêu thích, ủng hộ. Anh nhận lời phỏng vấn như một cách để ủng hộ Diễn đàn về Sức mạnh mềm trên Báo Đại Đoàn Kết.
Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long.
PV: Sự phát triển của mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo…) trong thời gian qua đã tạo nên một “quyền lực mềm” trong cộng đồng. Dưới góc độ của một người làm truyền thông, anh đánh giá như thế nào về những tác động tích cực của “quyền lực” này?
– Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long: Trong bất cứ một xã hội hay thể chế chính trị xã hội nào, chúng ta đều biết rằng hành vi của con người sẽ được điều chỉnh bởi một số yếu tố. Bên cạnh những yếu tố về văn hóa, pháp luật thì còn có yếu tố về cộng đồng. Mà yếu tố cộng đồng đó chúng ta hay quen gọi là dư luận xã hội. Tức là có những việc mặc dù không trái với luật pháp nhưng người ta vẫn không dám làm hoặc không sẵn sàng để làm khi mà có những áp lực từ đám đông và dư luận của xã hội. Khi mạng xã hội phát triển, những công cụ này đã trao vào tay người sử dụng quyền biểu đạt và bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội. Từ đó, khi số đông có công cụ để có thể biểu đạt được những vấn đề mà họ quan tâm trong cùng một thời điểm thì sẽ tạo ra dư luận xã hội. Dư luận xã hội rất nhanh, rất mạnh và nó thiên về cảm xúc của đám đông.
Chúng ta nhớ lại ngày trước khi mà chưa có mạng xã hội thì việc tạo ra dư luận xã hội hầu như chỉ thông qua các cơ quan thông tấn đại chúng như là truyền hình, phát thanh hay cơ quan báo chí. Nhưng từ khi có mạng xã hội thì chúng ta phải thừa nhận rằng trong rất nhiều trường hợp các cơ quan báo chí chính thống viết, nói về một vấn đề nào đó thì khoảng thời gian sẽ chậm hơn so với dư luận trên mạng xã hội.
Hơn nữa văn phong và cách biểu đạt của báo chí cũng phải tuân theo những chuẩn mực nhất định bởi vậy mà cảm xúc ở trong các bài viết không có nhiều. Bản chất các bài viết là đưa tin, tôi không nói đến các bài viết bình luận, và không được đưa nhiều cảm xúc của người viết vào trong đó. Mà khi ít cảm xúc thì cũng khó để chạm vào cảm xúc của người khác và khó có thể kích hoạt được cái gọi là hiệu ứng dây truyền những người khác cùng lên tiếng để biểu đạt.
Đó là lý do vì sao, khi các vấn đề mà bị đem ra mổ xẻ dưới góc độ, lăng kính của truyền thông xã hội thì sẽ thể hiện một sự tác động rất nhanh, rất lớn và thông thường thì nó có hiệu quả tức thì. Tôi nghĩ rằng trên một khía cạnh nào đó thì chúng ta có thể coi đó là quyền lực mềm và tôi nghĩ rằng nó đã tạo ra được những tác động tích cực cho xã hội.
Mạng xã hội đang tạo sức mạnh mềm trong cộng đồng. Ảnh minh họa.
Bên cạnh những tác động tích cực, “quyền lực mềm” này cũng tạo ra những mặt trái. Theo anh, nguyên nhân là do đâu?
– Dựa trên sự khác biệt giữa truyền thông chính thống với truyền thông xã hội, như tôi đã nói thì truyền thông chính thống thời gian đưa tin sẽ lâu hơn. Lý do lâu không phải là do nghiệp vụ, không phải vì nguồn tin mà cái chính là bởi họ phải thẩm định, cân nhắc rất kĩ việc có nên hay không nên đưa thông tin mình có lên mặt báo. Rồi nếu có đưa lên thì phải cân nhắc rất kĩ xem đưa thì sẽ như thế nào để đảm bảo được rằng thông tin mình đưa ra có thể đấu tranh chống lại sự tiêu cực, đem lại tác động tốt cho xã hội.
Bên cạnh đó, truyền thông chính thống cũng không được và không nên có những tác động tiêu cực dù là nhỏ hoặc không mong muốn. Bởi bất cứ thông tin nào đưa lên cũng có hai mặt của nó, đối với những nhà báo chính thống họ bị “giới hạn” bởi những vấn đề này và còn dựa trên đạo đức của người làm báo.
Tiếp theo, họ sẽ phải cân nhắc vấn đề, nếu như họ đưa thông tin sai thì họ sẽ phải chịu phạt. Còn ở truyền thông xã hội thì mọi việc đều đang bị thả lỏng hoặc là thể hiện một cách không rõ ràng. Tất nhiên là đâu đấy vẫn có những người đưa thông tin sai khác lên mạng xã hội, họ cũng đã chịu sự trừng phạt của pháp luật. Nhưng việc xử phạt vẫn chưa nhiều và mới chỉ mang tính chất làm gương là chính.
Mặc dù Quốc hội mới đây đã thông qua Luật An ninh mạng và nó đã được đưa vào thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai luật vẫn chưa phát huy tác dụng nhiều. Thế nên những người sử dụng mạng xã hội, họ đang khá thoải mái trong việc dùng quyền tự do ngôn luận và tự do bình đẳng của họ để đưa ra thông tin.
Tôi vẫn thường nói với mọi người rằng đây là quyền của mình, ở đây tôi đang nói đến là quyền tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt. Nếu mình đảm bảo quyền của mình thì cũng cần phải chú ý để không được vi phạm quyền của người khác, làm mất sự tự do hay nhân phẩm, danh dự của người khác. Nhưng dường như việc đó lại chưa được quan tâm đúng mực.
Bởi vậy, quyền lực mềm mà mạng xã hội đã trao vào tay những người sử dụng đang gây ra những cái hệ lụy và đó là cái mặt tiêu cực mà tôi đang muốn nhắc đến.
Cảm ơn anh về những chia sẻ!
Nguồn: Báo Đại đoàn kết