Các bạn lưu ý, nếu có đặt câu hỏi thì ráng hỏi rõ nghĩa, dễ hiểu nhen. Bởi vì, điều kiện tiên quyết đầu tiên để có câu trả lời đúng, phải là đặt được câu hỏi đúng!
1- Bạn hỏi truyền thông đóng vai trò như thế nào, là như thế nào? Tối nghĩa quá nên thật khó trả lời?!!
Nếu bạn hiểu rằng, đơn vị nhỏ nhất của giao tiếp chính là truyền thông, chính là những cuộc nói chuyện của người với người, thì bạn sẽ biết rằng truyền thông có vai trò to lớn trong mọi mặt của cuộc sống.
Không chỉ kinh doanh, mà tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, y tế, giáo dục, thể thao, khoa học, kỹ thuật… đều cần tới truyền thông. Nói chung, chừng nào trái đất còn nhiều hơn 1 người thì chừng đó tất cả chúng ta đều còn phải cần đến truyền thông. Hay nói theo cách khác, thì học truyền thông tốt, bạn có thể ứng dụng vào mọi mặt trong cuộc sống.
2- Để tránh bị truyền thông dắt mũi, thì bạn phải là một người có tư duy độc lập, có chính kiến, và học cách bao dung.
Lý ra, những “phẩm chất” này phải được dạy từ khi chúng ta còn nhỏ xíu mới đúng. Kỳ lạ là Việt Nam mình lại chưa chú trọng.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể Google để học. Trên mạng nhiều mà, cái gì chẳng có! Bạn cũng có thể xin đi làm tình nguyện cho các tổ chức phi chính phủ NGO tôi thấy họ cũng có dạy. Một số trường đại học chuyên về khoa học xã hội cũng dạy. Hoặc đơn giản nhất, tìm mua cuốn sách Giáo dục công dân dành cho trẻ em cấp 1 của Nhật Bản cũng dạy chi tiết (sách do NXB ĐH Sư phạm phát hành).
Chúng ta bị dắt mũi khi chúng ta mặc nhiên tin vào ai đó, kênh thông tin nào đó. Có niềm tin thì tốt, nhưng cũng phải dè chừng. Đọc gì xem gì cũng nên tự đặt ra một câu hỏi “điều đó có đúng không?”, và tìm cách chứng minh nó sai. Việc chứng minh này, tất nhiên cũng chỉ là tương đối. Nó phụ thuộc vào kiến thức bạn có, mối quan hệ bạn có (để hỏi) và… khả năng Google của bạn (để kiểm tra chéo nhiều nguồn).
Có thể bạn rất cố gắng chứng minh một thông tin nào đó là sai, nhưng cuối cùng bạn đành bất lực (dù nó sai thật ấy). Không sao cả, khi ấy bạn có quyền tin rằng nó đúng mà không sợ bị kênh truyền thông nào dắt mũi. Vì cái “đúng” ấy đã được lọc qua chính kiến của bạn, chứ không phải vì bạn mặc nhiên tin vào một mẩu tin nào đó vu vơ trên mạng. Như vậy là có chính kiến, dù chính kiến ấy bị sai!
Đúng sai trên đời là rất bình thường. Nó mang tính thời điểm nên không thể tuyệt đối.
Cách đây 1000 năm, nếu ai đó nói rằng một người ở Mĩ có thể “hiện hình” trò truyện với một người ở Việt Nam thì sẽ “không thể nào đúng được”. Nhưng đến bây giờ, đến đứa con nít 3-4 tuổi có khi cũng biết gọi Facetime. Cái sai đã trở thành không sai nữa.
Chúng ta cần học cách bao dung. Bao dung là tôn trọng, thấu hiểu sự khác biệt của người khác đối với mình trong phong tục tập quán, quan niệm sống, niềm tin và tôn giáo, chủng tộc và cách thức hành động, chấp nhận cho người khác làm những chuyện mà bản thân mình không tán thành.
Hiểu một cách nôm na, bao dung là chấp nhận sự khác biệt.
Thí dụ như bạn chấp nhận rằng con trai có thể kết hôn với con trai, con gái có thể kết hôn với con gái; hôn nhân có thể không đi kèm tình dục; hoặc tôn trọng khi ai đó muốn cưới tháp Eiffel… Đó là bao dung.
Khi bạn sống bao dung, bạn sẽ không còn định kiến (cái này mặc nhiên phải thế này, cái kia mặc nhiên phải thế kia, cái này nhất định đúng, cái kia nhất định sai). Khi bạn không còn định kiến, bạn sẽ chấp nhận rằng “mọi vấn đề luôn có một góc nhìn, một quan điểm khác”. Nó giống như một công tắc, được kích hoạt tự động mỗi khi bạn tiếp nhận thông tin, từ bất cứ ai hoặc bất cứ nguồn nào.
Đó là thời điểm không ai, không thế lực nào, không có kênh truyền thông nào có thể dắt mũi bạn như trâu bò được nữa. He he.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long – Tiêu đề do người đăng bài đặt