Vâng, không có gì nhầm lẫn cả. Chính xác là 3.000đ tiền Việt Nam, số tiền nhỏ như cục kẹo. Nhưng nó chẳng khác gì một cú đấm trực diện vào mặt khiến tôi tỉnh ngộ.
Câu chuyện xảy ra vào một ngày rất đẹp trời, sau khi bị say mê bởi hàng tá lời quảng cáo ngọt ngào rót vào tai từ dịch vụ ví điện tử M., tôi đã “liên kết thẻ” ngân hàng của mình vào ứng dụng này.
Tôi thậm chí còn tích cực vận động bạn bè người thân của mình tải và cài đặt ví M. vì “mua thẻ cào trên đây vừa nhanh vừa rẻ, mua xong lại được tặng tiền”.
Đau khổ là, khi tôi hăm hở demo cho mọi người thấy tính năng mua thẻ cào “trực tiếp từ ví M” và bấm nút thanh toán thì ngay lập tức nhận được SMS từ ngân hàng thông báo “tài khoản của quý khách bị trừ 95.000 VND”.
Điều đó là việc đương nhiên. Nhưng cùng với đó là thông báo từ ví M. rằng “hệ thống bán thẻ cào đang lỗi nên quý khách vui lòng thử lại sau”.
Kiên nhẫn mấy lần “thử lại sau” không được, tôi phát nản. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng thẻ cào thì chẳng thấy đâu, vậy tại sao tiền của tôi biến mất?
WTF!
Tôi gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ví M. thì được nhân viên nói rằng “khi anh ra lệnh thanh toán, thì tiền trong tài khoản ngân hàng của anh được chuyển về ví M. nên ngân hàng trừ tiền là đúng”.
“Còn việc trích tiền từ ví M. ra mua thẻ cào ở chỗ đối tác bị lỗi là một giao dịch khác. Và hiện tiền của anh đang nằm trong ví M. chứ không mất đi đâu cả”.
Khi này tôi mới thắc mắc tôi mua thẻ cào của nhà mạng thì trả tiền cho nhà mạng chứ đâu có mua bán gì với ví M. mà ví M. lại tự tiện trừ tiền trong tài khoản ngân hàng của tôi như vậy? Trong khi ví M. có hẳn một loại giao dịch là “nạp tiền vào ví” và tôi không đụng chạm đến tính năng này?
Bạn nhân viên chăm sóc khách hàng cứ khăng khăng bảo rằng mọi thứ như vậy là “ĐÚNG QUY TRÌNH” và tôi có thể rút tiền từ ví M. trở về tài khoản ngân hàng, nếu thích!
Cãi nhau một hồi không được, vừa bực mình vừa thấy mất thời gian nên tôi phải đầu hàng và ra lệnh rút tiền từ ví M. về lại tài khoản ngân hàng. Thật ảo diệu làm sao, ví M. lập tức trừ nghiến của tôi 3.000đ tiền phí.
Mặc dù số tiền vô cùng nhỏ, nhưng tôi cảm giác mình đang bị ăn một quả lừa rất rất to.
Tôi ngẩn người ngồi tính thật chậm rãi từng khoản một.
Mình mua thẻ cào của nhà mạng 100K. Tài khoản ngân hàng của mình bị trừ 95K, mình lời 5K. Ví M. của mình tăng thêm 95K, thẻ cào không có. Mình rút 95K từ ví M. về lại tài khoản ngân hàng còn 92K. Mình lại bị mất 3K. Mình…
Nghĩ một hồi mà tôi muốn điên não vì không hiểu cuối cùng tại sao mình lại bị mất tiền cho một thứ lỗi không phải của mình?
Tất nhiên, câu chuyện này sau đó đã được phía ví M. gọi qua xin lỗi kèm theo nhiều lời hứa hẹn thay đổi quy trình. Nhưng niềm tin của tôi dành cho họ thì vơi đi nhiều lắm.
Kể lại sự bực mình nhưng viết tắt tên của ví M. là thiện chí của tôi dành cho họ. Vì tôi cho rằng, cái gì cũng có giá của nó. Nếu muốn tiện lợi, bảo mật (như lời quảng cáo), thì đôi khi mình cũng phải chấp nhận một vài rủi ro và bất tiện đi theo như vậy.
Nhưng câu chuyện lớn hơn mà tôi nhận ra trong “Vụ kỳ án 3000đ” này là việc cần thiết phải minh bạch thông tin giữa các trung gian thanh toán với người sử dụng. Và vai trò của Cơ quan quản lý trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Câu chuyện này dường như đang lặp lại với công nghệ thanh toán mà Samsung Pay đang PR rầm rộ bằng thông điệp “không tiền mặt, không thẻ ngân hàng”.
Hàng loạt tính năng ưu việt của dịch vụ được quảng bá trên báo chí như an toàn, bảo mật, tiện nghi, hợp thời v.v… và v.v…
Nhưng quan trọng nhất, là khi ứng dụng Samsung Pay hay công ty Samsung đang đứng ở vai trò một trung gian thanh toán, thì tức là quy trình để tiền chạy từ tay người mua vào ví người bán đã có thêm một thực thể tham gia. Trong trường hợp của Samsung Pay thì có tới 2 bên cùng tham gia là công ty Điện tử Samsung Vina và Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam NAPAS (do họ liên kết với nhau).
Câu hỏi đặt ra là, nếu kịch bản “mua thẻ cào bị lỗi” của tôi lặp lại với Samsung Pay thì khi này quả banh trách nhiệm sẽ được đá về phía pháp nhân nào? Ngân hàng của tôi, đơn vị bán thẻ cào, công ty Samsung, công ty Napas hay một Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng nào đó?
Tôi nghĩ chúng ta có quyền được biết rõ về thỏa thuận bốn bên này và phải biết chính xác cánh cửa mình phải gõ khi lỡ xảy ra sự cố.
Việt Nam là nơi thị trường thẻ đang có xu hướng phát triển rất nhanh và mạnh. Năm 2014, mới có 91 triệu người dùng thẻ, đến năm 2016 đã phát triển lên tới 104 triệu thẻ. Nếu 30% trong số này trở thành khách hàng sử dụng tiện ích mà Samsung Pay mang lại thì tương đương với 31,2 triệu tài khoản được hình thành. Chỉ một lỗi “đúng quy trình” như ở vụ ví M. xảy ra thì số tiền thất thoát là gần 100 tỷ.
Xin hỏi các anh chị, đơn vị nào sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi của người sử dụng trước các thách thức này? Hay tất cả cùng nhắm mắt làm ngơ và ru ngủ nhau bằng những mỹ từ đẹp đẽ?
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long