Please log in or register to do it.

5 ĐIỂM VNG CÓ THỂ LÀM TỐT HƠN ĐỂ XỬ LÝ “KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG”

Đầu tiên, cần lưu ý rằng chữ “khủng hoảng truyền thông” được ghi trong nháy nháy vì “khủng hoảng” ở đây là do mỗi người tự cảm nhận, chưa chắc VNG đã cho rằng sự cố vừa xong là khủng hoảng. Đôi khi chỉ có những người rảnh rỗi sinh nông nổi chúng ta tự sướng với nhau là VNG đang khủng hoảng mà thôi.

Thứ hai, chúng ta – hay ít nhất cá nhân Nguyễn Ngọc Long Blackmoon – không phải người trong cuộc, những thông tin mà Nguyễn Ngọc Long Blackmoon mang ra phân tích được thu lượm từ nhiều nguồn. Đa số những thông tin đó đã được kiểm chứng, số ít còn lại thì không hoặc Nguyễn Ngọc Long Blackmoon thấy không cần kiểm chứng nên vẫn có thể không thật chính xác. Và kéo theo, những phân tích ở đây không đúng 100% được.

Thứ ba, việc của VNG đã xảy ra rồi, họ đã có cách xử lý KHTT của họ, chúng ta chỉ đang “suy đoán” và “lý luận” rằng nếu làm thế này thì tốt hơn thế kia, chứ không thể chắc chắn được rằng làm như vậy thì thực tế sẽ tốt hơn. Vậy nên các bạn – nếu quan tâm về truyền thông, về xử lý khủng hoảng truyền thông – thì chỉ nên coi bài này như một nguồn tham khảo thêm thôi ạ.

1. CẦN BÌNH TĨNH HƠN

Bài viết cáo buộc VNG “bán mình” cho tập đoàn công nghệ lớn là tencent của trung quốc được tung lên đúng thời điểm TGĐ Lê Hồng Minh của VNG dắt đoàn phóng viên ICT tham dự hội chợ china joy ở trung quốc – một hội chợ rất lớn về game và nội dung số. Theo thông tin mà Nguyễn Ngọc Long Blackmoon có được thì khi nhận được cấp báo từ Vietnam rằng có bài viết quy kết VNG là gián điệp của trung quốc, là phản quốc, là blah blah blah… thì ông Lê Hồng Minh đã rất “nóng ruột” và tỏ ra thiếu bình tĩnh. Có lẽ một phần vì sợ “nước xa không cứu được lửa gần”, một phần vì thông tin đó được tung ra đúng thời điểm vô cùng nhạy cảm. Cộng thêm vào đó là việc mạng mẽo lúc đó có vấn đề gì đấy khiến ông Lê Hồng Minh không thể truy cập vào Internet để theo dõi thông tin trên báo chí, diễn đàn này kia cũng như khó liên lạc thông suốt với các bộ phận liên quan ở Vietnam. Cuối cùng, TGĐ Lê Hồng Minh đã quyết định “bỏ về” Việt Nam trước để xử lý sự cố này.

Theo Nguyễn Ngọc Long Blackmoon, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất khi xử lý khủng hoảng là cần bình tĩnh, tất cả những bên liên quan cần thật bình tĩnh và coi một việc phải thật “nhẹ nhàng”. Bình tĩnh và coi mọi thứ nhẹ nhàng không có nghĩa là “coi nhẹ” vấn đề, mà là xác định rõ ràng hậu quả có thể của nó, các mức độ mà khủng hoảng có thể leo thang.

2. CẦN XÁC ĐỊNH ĐÚNG MẤU CHỐT VẤN ĐỀ

Bài trả lời phỏng vấn facebook Nguyễn Ngọc Long Blackmoon có lẽ là phản ứng đầu tiên từ phía VNG với các thông tin “sai lệch” đang lan truyền trên mạng. Sau đó, TGĐ Lê Hồng Minh có nói với Nguyễn Ngọc Long Blackmoon rằng sẽ “xem xét” để ra TCBC gửi truyền thông trong 1-2 tuần tới. Nguyễn Ngọc Long Blackmoon cho rằng chữ “xem xét” đó đồng nghĩa rằng VNG sẽ theo dõi các luồng thông tin thật kỹ trước khi quyết định action tiếp theo. Thế nhưng thật bất ngờ, ngay ngày hôm sau, VNG đã release TCBC. Có lẽ đó là hậu quả của việc “nóng ruột” và “thiếu bình tĩnh”. Kết quả là VNG đã xác định chưa đúng mấu chốt vấn đề và khiến khủng hoảng bị leo thang.

TCBC của VNG nhắm vào việc dập tắt thông tin rằng VNG đã bán mình. Đồng thời cũng phản bác thông tin TGĐ Lê Hồng Minh chỉ còn giữ 1% cổ phiếu. Nhưng mấu chốt vấn đề không nằm ở chỗ ông Lê Hồng Minh còn giữ bao nhiêu phần trăm cổ phiếu mà vì SỰ THẬT rằng tencent đã có thể giữ tới 30% cổ phiếu của VNG nên TCBC của VNG chỉ khiến cộng đồng mạng quan tâm đào sâu hơn để tìm ra sự thật. Và cái “sự thật” đó thì VNG không thấy phản bác gì. Đó là thời điểm khủng hoảng của VNG bị leo thang.

Nguyễn Ngọc Long Blackmoon cho rằng nguyên tắc của truyền thông cũng như xử lý khủng hoảng là phải nói thật, không được nói cái gì sai sự thật. Nhưng vấn đề là lựa chọn sự thật và lựa chọn các nói sao cho khéo léo, sao cho có lợi cho mình.

NẾU sự thật ở đây là tencent chiếm 30% CP và sự thật ở đây là tencent có thể “dễ dàng” giành quyền kiểm soát VNG trong giai đoạn bây giờ hoặc trong thời gian tới. Thì VNG không nên đưa TCBC về số lượng CP của ông Lê Hồng Minh. Thay vào đó, nên nêu ra những phân tích theo hướng sau đây:

a. Bất cứ doanh nghiệp nào khi làm ăn thì cũng quan tâm đến việc kinh doanh có lời và phát triển. Trong quá trình phát triển, họ cần kêu gọi đầu tư. Việc Quỹ A Quỹ B bất kỳ nào đó đầu tư vào VNG là việc bình thường. Và nên nhớ, với một công ty bất kỳ đang có mặt trên thị trường và nhận đầu tư của nước ngoài, dù là từ Anh, Nhật, Pháp, Mỹ, Nga gì đó… thì đều không ngăn được việc môt thời gian sau, đối tác đó bán cổ phần cho họ cho Quỹ khác, cho cá nhân hay công ty khác. Và khi đó, ai ngăn cấm được họ bán cho một nhà đầu tư trung quốc? Cho nên việc tencent nắm cổ phần của VNG là hết sức bình thường.

b. Cộng đồng mạng “tức giận” vì cho rằng các sản phẩm của VNG là đồ made-in-china. VNG nên phân tích và chứng minh sản phẩm của họ không phải đồ trung quốc. Thực tế VNG đã làm được khá tốt việc này, nhưng chưa triệt để.

c. VNG bị cáo buộc là gián điệp, tay sai của tencent để tencent thâu tóm thị trường internet Vietnam. Trong thực tế, số lượng các sản phẩm mà VNG mua từ tencent không nhiều. Trái lại, họ lại đang gia công các sản phẩm game cho tencent “đóng mác” thương hiệu rồi xuất khẩu ra thế giới.

3. CẦN SỬ DỤNG KÊNH TRUYỀN THÔNG PHÙ HỢP

Những thứ “cần nói” ở mục 2 nên nói thế nào và ở đâu? Đó là việc chọn kênh truyền thông phù hợp. VNG release TCBC cho các báo, tức là chọn kênh truyền thông chính thống. Nguyễn Ngọc Long Blackmoon cho rằng đó là lựa chọn sai. Hiện nay là một thời điểm vô cùng nhạy cảm, các báo dù rất ghét trung quốc nhưng cũng sẽ được chỉ đạo không được ra mặt công kích trung quốc, không được đăng tải những bài viết theo hướng kích động, anti trung quốc, kêu gọi tẩy chay một cách mù quáng. Và quan trọng nhất, không được đăng tải những thông tin theo hướng có thể gây ra những vấn đề chiến tranh thương mại. Thế nên việc của VNG – dù có thật – thì báo chí cũng không thể khai thác quá sâu. Cho nên kênh truyền thống chính thống sẽ không “đánh” VNG qua sự cố này.

Trong thực tế, có nhiều bài báo ở trên những tờ báo mà mình cho rằng khá “thân” với VNG giật những cái tít rất “buồn cười” theo kiểu “VNG không phải là công ty trung quốc”. Mình thấy nó buồn cười ở chỗ, tại sao không đặt ngược lại câu hỏi “Nếu VNG là công ty trung quốc thì sao?”. Bộ nhà nước cấm công ty trung quốc à? Hay là công ty trung quốc thì là một cái gì đó rất xấu xa bỉ ổi? Ở đây mình chỉ nói về cái tít – hay là cái ý mà VNG đang muốn truyền thông, chứ không phải về nội dung phân tích sâu sa và hệ quả kéo theo nhé.

Nếu là mình, mình sẽ chọn kênh chính để truyền thông cho vụ khủng hoảng này là các opinion leader trên mạng (người ta hay gọi là hot-blogger). Vì như đã phân tích ở trên, kênh chính thống sẽ không “oánh mạnh” VNG nên hậu quả xấu chỉ có thể đến từ kênh phi chính thống. Nếu lấy báo chí để hy vọng “dẹp yên” cộng đồng online trên mạng thì hơi… viễn tưởng! VNG nên gửi thông tin, hoặc thậm chí tổ chức gặp mặt trực tiếp, đến những người có tầm ảnh hưởng trên các kênh facebook, linkhay, voz, tinhte… để giải thích rõ và nhờ họ phân tích theo hướng có lợi cho VNG, hoặc ít nhất là có đầy đủ thông tin để mọi người đánh giá.

4. CẦN LÀM TỐT CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG NỘI BỘ

Mình không chắc VNG có làm việc giải thích rõ vấn đề với toàn thể nhân viên trong tập đoàn trước khi có những động tác “đáp trả” truyền thông (chính thống và không chính thống) hay không. Nhưng mình quan sát thấy có khá nhiều người vào “bênh” VNG một cách tiêu cực và gây phản cảm. Họ có thể là người của VNG hoặc không. Nhưng nếu nhân viên VNG được truyền thông tốt, nắm rõ thông tin và được trang bị những lý lẽ hợp lý, xác đáng cùng với “vũ khí” là những bênh vực từ phía các hot-blogger thì sẽ giúp quá trình “cân bằng thông tin” được diễn ra một cách thuyết phục hơn.

5. CẦN XỬ LÝ “HẬU” KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG

Đến giờ phút này, nếu ai đó “nghe nói” được các cuộc bàn luận về thông tin rằng VNG đã bán mình cho tencent, rằng TGĐ Lê Hồng Minh chỉ còn giữ 1% cổ phiếu và lên mạng search thì vẫn ngập trên các diễn đàn và mạng xã hội là những bài phân tích “đanh thép và sắc bén”. Trong khi những “thông tin phản bác chính thống” của VNG lại nhăm nhăm vào kênh báo chí. Người Vietnam mình vẫn nổi tiếng là “tin báo”. Nhưng xin lỗi, riêng những vấn đề liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và trung quốc thì người ta ít tin báo lắm, người ta tin vào diễn đàn, facebook nhiều hơn.

Thế nên, VNG nên cân nhắc việc đi “dọn dẹp” và “đính chính” thông tin trên các kênh phi chính thống nhiều hơn.

CẢM NHẬN CÁ NHÂN: Chỉ từ một bài viết “nhỏ” cộng thêm việc xử lý khủng hoảng chưa khéo, đã khiến sự việc của VNG bị đẩy đi quá xa và ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của một công ty Internet lớn tại Vietnam. Cá nhân mình cho rằng cộng đồng mạng nên có cái nhìn công tâm và thậm chí là phải “ưu ái” cho các doanh nghiệp trong nước ở những thời điểm thế này. Nói gì thì nói, chúng ta vẫn là một nước bị phụ thuộc trung quốc rất nhiều. Kinh nghạch xuất khẩu của Vietnam qua trung quốc quá lớn nên nếu có chiến tranh thương mại thì người lên đường đầu tiên là phe ta chứ không phải là phe địch. Các bạn đừng hùa theo những làn sóng bài tàu một cách mù quáng để rồi rơi vào tình cản “nồi da nấu thịt” khiến cho người Việt tự tay giết chết người Việt, còn trung quốc tọa sơn quan hổ đấu thì chẳng hay ho đẹp đẽ gì đâu.

Mình xin hết ạ :D

via Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook

Chuyện kể của những chiếc huy chương
Ghi chép vụn - August 03, 2012 at 05:57PM

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  1. Hôm nay em quyết tâm đọc hết 25 trang trong mục này của anh! Cám ơn anh vì những kiến thức rất bổ ích