(Bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Ngọc Long Blackmoon với Infonet http://goo.gl/ib9TKf)
Một số chuyên gia truyền thông nước ngoài “khen” hãng hàng không Malaysia “khôn khéo” trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông vụ máy bay MH370 mất tích. Từ Việt Nam, blogger Nguyễn Ngọc Long bày tỏ sự không đồng tình.
Thể hiện thái độ phản bác quan điểm Hãng hàng không Malaysia “ghi điểm” xử lý khủng hoảng truyền thông, Blogger Truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long đã có cuộc trả lời phỏng vấn của Infonet.
+ Thông tin về MH370 đậm đặc trên truyền thông nhưng càng lúc càng hỗn loạn. Theo anh, công tác xử lý khủng hoảng của MAS có tốt không?
Tôi nghĩ, trước tiên chúng ta nên nói rõ với nhau một số vấn đề về quan điểm thế này.
Thứ nhất, chuyến bay mang số hiệu MH370 bị mất tích là việc hết sức đáng tiếc, và đây là vấn đề nhạy cảm. Nên khi không được trực tiếp tham gia các buổi họp báo, cũng như không theo dõi được hết khối lượng tin tức khổng lồ trên truyền thông quốc tế mà chỉ thông qua báo chí trong nước và các nguồn dịch lại nên nhận định của tôi có thể chưa tổng quát.
Thứ hai, một chiếc máy bay hàng trăm tấn ngẫm ra thì có vẻ to, nhưng trước đại dương mênh mông thì lại quá nhỏ bé. Nếu đã từng đi biển, nhìn thấy những chiếc tàu vận tải chở hàng trăm containers mà nhìn nhỏ như bao diêm trước mặt, thì sẽ hiểu việc tìm kiếm và cứu hộ MH370 là rất khó khăn.
Thứ ba, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề truyền thông ở tầm quốc tế nên chỉ có thể nhận xét dựa trên góc nhìn từ ngoài đánh giá. Và như vậy là không thể toàn diện được.
Với những lưu ý đó, tôi cho rằng MAS đã không xử lý và kiểm soát tốt thông tin.
Theo dõi qua báo chí, tôi thấy bản chất của hiện tượng không thay đổi, tức là vẫn chỉ có việc chiếc máy bay mất tích, chưa phát sinh tình huống khẳng định nó bị khủng bố, tai nạn hay có mất mát lớn, nhưng phản ứng của dư luận ngày một xấu đi.
Khi sự cố xảy ra, tất nhiên cả thế giới đều nhìn vào MAS và chờ đợi đơn vị này phản ứng. Thế nhưng họ đã đánh mất cơ hội trở thành “đầu tàu” trong việc công bố thông tin. Những tin tức nhỏ giọt, không giá trị, luẩn quẩn, thiếu nhất quán khiến lòng tin của công chúng và truyền thông vào MAS bị giảm sút. Hậu quả tất yếu là người ta tìm đến những nguồn tin “không chính thống”. Và thế là mọi thứ bị nhiễu loạn.
+ Đâu là nguyên nhân của việc này?
Việc xử lý khủng hoảng truyền thông gồm 2 việc lớn. Đầu tiên là xử lý, sau đó mới đến truyền thông. Nếu không có một kế hoạch, chiến lược xử lý tốt thì không lấy đâu ra “nguyên liệu” để truyền thông cho hiệu quả.
MH370 là vụ tai nạn ở mức quốc gia Malaysia, tôi nghĩ là do Chính phủ của họ quyết định về “xử lý”, thế nên sẽ có nhiều cái mà bản thân MAS không tự làm theo ý họ được. Cho nên việc “truyền thông” sẽ là bị động.
Tiếp theo nữa là việc “thống nhất đầu mối thông tin”. Vấn đề này nan giải, và gần như không thể thực hiện được trong trường hợp của MH370. Tại vì rất nhiều quốc gia tham gia tìm kiếm, cứu hộ và điều tra độc lập. Tầm ảnh hưởng của Malaysia không “với tới” và chi phối các nguồn tin này được.
Đầu tiên là các quốc gia tham gia tìm kiếm như Việt Nam, Trung Quốc, Mĩ, Nhật… thì các nước này đều có phát ngôn riêng, thông tin riêng và đôi khi là mâu thuẫn với phía Malaysia.
Thứ hai là các hãng sản xuất động cơ, lắp ráp máy bay như Rolls-Royce, Boeing cũng có nguồn tin và dữ liệu riêng cho nên họ cũng lại trở thành một nguồn tin độc lập. Hơn nữa, vì là các công ty nước ngoài nên không chịu sự kiểm soát, chi phối hay buộc phải thẩm định từ phía Malaysia.
Thứ ba là các công ty cung cấp dữ liệu vệ tinh như DigitalGlobe, các tổ chức quan trắc và đo lường trên biển hay đất liền; các cơ quan an ninh như CIA, FBI của Mĩ. Họ hoàn toàn chủ động trong việc tìm kiếm và công bố những dữ liệu của riêng họ.
Bản thân thông tin từ MAS đưa ra đã không đáng tin cậy, họ lại không kiểm soát được các nguồn tin khác thì việc nhiễu thông tin và tệ hơn là hỗn loạn sẽ không tránh khỏi.
+ Nhưng các chuyên gia truyền thông nước ngoài khen MAS đã “ghi điểm” trong việc này đấy chứ?
Đọc bài dịch trên Infonet, tôi thấy các chuyên gia nước ngoài khen MAS ở 3 điểm chính. Một là sử dụng dark-site (đổi logo ở website chính và các trang mạng xã hội qua tông màu đen; đồng thời bỏ hết các chương trình khuyến mại trên website). Hai là biến trang mạng xã hội thành công cụ truyền tin. Ba là hướng dư luận vào việc lớn (tìm kiếm MH370) để quên đi việc nhỏ (phi công đã từng có tiền lệ cho người lạ vào buồng lái).
Hai ý đầu được các chuyên gia khen là “đúng sách”. Nhưng bản chất nó chẳng giúp được nhiều vì mâu thuẫn với ý cuối cùng. Vì nếu coi việc phi công đưa một cô gái bốc lửa vào buồng lái là chuyện nhỏ thì không lẽ tô đen trang web lại coi là chuyện lớn? Như vậy rất mâu thuẫn.
Về ý số 2, tôi chưa thấy hãng thông tấn nào nói rằng kênh twitter, facebook của MAS là kênh thông tin tốt. Thực tế người nhà nạn nhân đang tập trung ngay tại nơi họp báo và ngóng tin. Và hình ảnh của họ trên truyền thông lúc nào cũng là “mệt mỏi”, “thất vọng”, “chỉ trích”, “lên án”. Thậm chí còn tức giận đến mức ném chai nước lên bàn chủ tọa trong một cuộc họp báo vì MAS đưa nhầm họ qua Ấn Độ thay vì Malaysia. Mới nhất, một số gia đình Trung Quốc có thân nhân trên MH370 dọa kiện Chính phủ Malaysia nữa. Tức là sự việc càng lúc càng tệ hại.
Như phân tích ở phía trên, tôi không phủ nhận việc MAS rất bị động trong quy trình xử lý mà họ đang áp dụng. Nhưng ít nhất, với những việc mà họ có thể chủ động thì họ cũng đã làm tới nơi tới chốn đâu. Hầu hết thông tin trong vụ này đều do truyền thông hoặc cơ quan khác đưa ra trước. Chứ MAS chưa thấy đưa ra cái gì giá trị và kịp thời. Thí dụ việc “không ghi nhận đốm sáng nào” do CIA đưa ra; việc loại trừ khả năng khủng bố do FBI đưa ra; tín hiệu máy bay ở eo biển do Reuter đưa ra (MAS lúc đầu phủ nhận, sau lại công nhận).
Ngay cả chi tiết được các chuyên gia đánh giá cao nhất là câu trả lời “nên tập trung vào vấn đề lớn trước mắt thay vì chỉ trích phi công đưa người lạ vào buồng lái” thì đến bây giờ thực tế đã chứng minh, đó tiếp tục là một sai lầm của MAS. Vì mới đây, họ xác nhận đã cho người khám nhà viên phi công, tức là việc MAS nói rằng nhỏ thì nay đã thành việc lớn.
+ Vậy theo anh hậu quả của vấn đề này sẽ còn leo thang tới đâu?
Hậu quả phụ thuộc rất lớn vào tình trạng MH370 khi tìm được. Nó bị bắt cóc hay khủng bố? Nó bị tai nạn bất ngờ? Phi công tự tử? Bị cướp? Hay một âm mưu khác? Có bao nhiêu hành khách được an toàn? Những gì mà MAS điều tra và công bố có chính xác hay không?
Trước mắt là cổ phiếu của Malaysia Airline bị mất hơn 20% giá trị. Hậu quả có thể leo thang là hình ảnh của đất nước Malaysia trở nên không còn an toàn và hấp dẫn du lịch như trước nữa. Theo dõi các kênh truyền hình quốc tế, tôi thấy Chính phủ Malaysia hiện vẫn đang làm truyền thông cho chiến dịch “Malaysia – Truly Asia” vô cùng rầm rộ. Nhưng một khi người ta mất lòng tin vào hàng không, thì du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vấn đề kiểm soát an ninh của Malaysia cũng đã bị điểm trừ. Và nếu bị phát hiện cố tình che giấu thông tin, thì hình ảnh của Malaysia trên trường Quốc tế cũng bị sụt giảm đi nhiều.
+ Bài học về truyền thông được rút ra ở đây là gì?
Những sự cố bất ngờ như MH370 là điều không ai mong muốn. Nhưng chúng ta vẫn phải nghĩ tới và diễn tập các phương án giả định. Cá nhân tôi cho rằng, sau đây chừng 1 tháng, Nhà nước ta hoặc ít nhất là tổ chức nào đó, không thì một tờ báo cũng được, nên đứng ra tổ chức buổi tọa đàm và mời tới các chuyên gia, nhà phân tích trong nhiều lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, truyền thông, du lịch, xã hội… để cùng ngồi lại, phân tích, đánh giá, thảo luận để từ sự việc của nước bạn mà rút ra những bài học quý giá cho Việt Nam mình.
>>> ĐỌC THÊM:
+ TƯỚNG TRUNG QUỐC MƯỢN CỚ CỨU NẠN MH370 ĐÒI XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO VIỆT NAM – http://goo.gl/zeWBsL
+ AI “HƯỞNG LỢI” TRONG VỤ MÁY BAY MALAYSIA MẤT TÍCH? – http://goo.gl/cPmKTz
+ ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA NẾU MÁY BAY BỊ MẤT TÍCH CỦA MALAYSIA RỚT XUỐNG ĐẠI DƯƠNG? – http://goo.gl/yN7lpM
+ CÁC BÀI VỀ KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG TRÊN NGUYENNGOCLONG.COM – http://goo.gl/6Vlfj5
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – March 14, 2014 at 04:06PM)