VIỆT NAM KHÔNG CÓ “THẾ HỆ VỨT ĐI”
Cách đây khoảng 3 tuần, có một bạn gái hỏi tôi rằng bạn nghĩ báo chí Việt Nam chưa có đủ điều kiện để giúp bạn bao quát được hết tất cả thông tin, nên bạn muốn tham khảo thêm nhiều nguồn bên ngoài nữa. Nhưng bạn chỉ muốn đọc thông tin ở những đầu báo “khách quan” và “trung thực”. Bạn đó nói rằng sau khi tìm hiểu kỹ thì quyết định chọn BBC Việt Ngữ. Bạn hỏi tôi rằng “theo anh, em chọn báo đó để đọc có ổn không?”.
Tôi không hiểu ý bạn dùng chữ “ổn” ở đây theo nghĩa thế nào. Nhưng nếu cho rằng BBC Việt Ngữ là khách quan và trung thực thì thực ra là không ổn.
Từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, con người chúng ta trải qua nhiều tầng nhận thức mà thật khó để nói chính xác về thời gian tạo ra sự thay đổi. Thí dụ như khi bạn gái kia đặt câu hỏi về việc mong muốn tìm kiếm một nguồn thông tin khác, đó là thời điểm bạn đang thay đổi. Nhưng rồi sẽ đến lúc bạn tới một điểm thay đổi cao hơn, đó là không tin tuyệt đối vào thông tin trên bất cứ tờ báo nào nữa cả.
Có nhiều việc mắt thấy tai nghe tay sờ mũi ngửi còn “không tin được” thì tại sao có thể tin vài dòng chữ trên báo chí mà KHÔNG CÓ BẤT CỨ SUY NGHĨ, PHÂN TÍCH HAY ĐÁNH GIÁ CÁ NHÂN?
Nếu có cơ hội được trải nghiệm quy trình làm việc của một vài tòa soạn, bạn sẽ hiểu rằng mỗi bài báo viết ra đều bị chi phối bởi rất rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Từ các cơ quan quản lý, tôn chỉ mục đích làm việc của toà soạn, đến cá nhân Tổng biên tập, Thư ký tòa soạn, Biên tập viên và chính phóng viên trực tiếp viết bài. Tôi không cho rằng tồn tại một bài viết khách quan tuyệt đối (trên cả báo chí chính thống và blog hay mạng xã hội), mà chỉ có những bài viết cố gắng TỎ RA khách quan cao nhất có thể mà thôi.
Ngay cả những bài viết thuần túy thông tin như “Hôm nay, khách sạn A bị cháy” cũng là không khách quan nếu những người sống ở khu dân cư quanh đó nói với bạn rằng vùng đất này tự nhiên hay xuất hiện những đám cháy bất thường và nhiều căn nhà trong khu phố đều “bị” như thế cả.
Có nhiều cách để báo chí “huấn luyện” cho người đọc thấy rằng họ thực sự rất khách quan. Thí dụ như đưa tin hai chiều, không phán xét hay bình luận, cân bằng yếu tố khen chê… Nhưng họ cũng có thể đưa 5 ý xấu về chiều nghịch và 2 ý tốt về chiều thuận, họ có thể đưa ra đầy đủ luận cứ, luận điểm và dẫn dắt người đọc vào bước cuối cùng của quy trình phán xét mà bản thân họ không hề phán xét, họ trích dẫn 2 người ít uy tín mà chẳng ai biết là ai để lên tiếng khen bạn và 2 người rất nổi tiếng và được tín nhiệm để lên tiếng chê bạn. Xin hỏi, như vậy có khách quan không?
Mấy ngày gần đây, một người bạn của mình viết bài ” THẾ HỆ CỦA TÔI – MỘT THẾ HỆ VỨT ĐI” trên tâm thế của một người Việt trẻ, nói rõ các trăn trở với các vấn đề đất nước. Rất nhanh sau đó, bài viết này được đăng tải lại rầm rộ trên Dân Luận, Dân Làm Báo và một số trang “lề trái”. Đặc biệt, nó cũng được đăng lại cả trên blog của Tiến sĩ Alan Phan. Nhiều forum (như VOZ), trang mạng xã hội (Tạp chí chim lợn, Linkhay…) cũng trích dẫn cho cộng đồng vào bình luận
Với vai trò một người quan sát, mình sẽ không viết riêng một bài phản biện “Thế hệ vứt đi”. Tại vì những vấn đề bài viết nêu ra thuộc dạng tranh cãi không đi vào hồi kết. Mình chỉ thấy “giật mình” khi tự hỏi tại sao bây giờ con người ta lại trở nên dễ dãi khi tiếp nhận thông tin như vậy.
Đành rằng tác giả đã kéo vấn đề hẹp lại khi dùng chữ “thế hệ của tôi” tức là đại diện cho nhiều bạn trẻ 9x hiện giờ. Nhưng thử hỏi, tác giả đã đi những đâu, gặp được bao người, nghe kể được bao nhiêu chuyện… để đúc kết những gì mắt thấy tai nghe mắt đọc rồi nâng tầm ra thành vấn đề của cả một “thế hệ của tôi”?
Nếu sau khi ngừng bài viết “Thế hệ vứt đi” này, tác giả mua vé máy bay trở lại Việt Nam, thâm nhập vào đời sống thật của xã hội, của nhiều hội đoàn, câu lạc bộ, các chương trình tình nguyện và xã hội, tiếp xúc thực tế với công việc của hàng vạn con người. Và nếu thật may mắn có cơ hội được gặp và nghe chia sẻ của những người đang ngày đêm âm thầm làm việc không muốn nêu danh tính, tác giả mới khả dĩ có thêm một chút ít thông tin nữa để bắt đầu suy nghĩ và trăn trở vào những vấn đề mang tầm “thế hệ”, chứ chưa nói vấn đề phán xét rằng nó có thật sự đáng “vứt đi” như quan điểm trong bài viết.
Tôi hiểu rằng tác giả là một người học cao hiểu rộng, lại đang ở nước ngoài, được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin đa dạng. Nhưng những thông tin đó có thực sự phản ánh một cách đầy đủ, khách quan và trung thực? Chắc chắn không – theo lập luận tôi đã nói ở trên. Bạn chỉ mới “nhìn” thấy sự vật hiện tượng qua báo chí, forum, mạng xã hội và một ít cảm nhận thực tế thì đừng nên phán xét. Vì những gì bạn được tiếp nhận là những sự vật hiện tượng qua lăng kính, góc nhìn, và quan điểm của nhiều nhiều người tham gia vào quá trình tán phát thông tin.
Và chẳng bất ngờ khi những trang như Dân Luận, Dân Làm Báo… lại tích cực và hăng hái đến vậy khi đăng tải lại bài viết Thế hệ vứt đi. Vì còn gì tốt hơn mang phát biểu của một người khác có đồng quan điểm với mình ra loan tải như một cách phủi bỏ trách nhiệm và làm tròn vai diễn “khách quan trung thực”? Chiêu bài tỏ ra khách quan như vậy xưa rồi, và nó cũng “tiểu nhân” không kém những bài viết núp dưới danh nghĩa “bạn đọc viết” trên một số báo lá cải Việt Nam hiện nay là mấy.
Tôi cũng bất ngờ khi rất nhiều bạn trẻ tham gia bình luận bài viết một cách sôi nổi với đủ thứ lý luận trời trăng mây nước một cách “rất liên quan”. Người ta gọi tác giả là “ông ấy”, rồi “thằng này”, trong khi người viết bài là một cô con gái. Người ta lôi thế hệ cha ông ra để “dạy dỗ” và phản biện người viết mà chẳng hề quan tâm dòng chú thích rằng bài viết được dành riêng cho những người bạn của tác giả trong phạm vi một diễn đàn. Người ta đay nghiến rằng tác giả chắc hẳn là một anh hùng bàn phím và chẳng làm được cái gì ra hồn chứ không hề biết cô ấy là một người hết lòng hỗ trợ cho các hoạt động xã hội tại Việt Nam (ít ra là với bản thân mình – Nguyễn Ngọc Long).
Và lời cuối cùng mình muốn nói cùng Tiểu Bối – tác giả bài viết Thế hệ vứt đi, rằng anh rất hiểu tâm trạng và những “bức xúc” của em khi đọc từng chữ trong bài viết. Nhưng hãy đặt mọi thứ về đúng vị trí mà nó đáng được gọi tên. Vấn đề em nhìn thấy ở cộng đồng quanh em, ở những cộng đồng khác mà em được “huấn luyện” qua cách nhìn của báo chí không thể dùng đại diện cho một thế hệ nào hết cả. Vì cho dù một thế hệ có thực sự vứt đi nhưng vẫn còn một Tiểu Bối từng ngày từng giờ trăn trở cho câu hỏi làm sao để cuộc sống tốt đẹp hơn thì Thế hệ đó vẫn có những người không đáng vứt đi, trừ khi em tự cho rằng mình không thuộc về Thế hệ mà em đang nói tới.
Nếu sống thật hơn, tỉnh táo hơn khi tiếp nhận thông tin, đừng quá tin vào tính “khách quan” của một nguồn tin nào đó, để gập laptop lại, tránh xa bàn phím và đứng dậy, thâm nhập vào cuộc sống thực tế ở ngoài đời sẽ thấy rằng Việt Nam không có bất cứ một Thế hệ nào đáng gọi là Thế hệ vứt đi.