Tối hôm trước, sau giờ dạy lớp Truyền thông chuyên nghiệp, tôi rủ thêm một số bạn qua phụ bê dưa với Nguyễn Minh Đức ở Đình Thôn. Và sau 2 tiếng “làm tình nguyện”, tôi đã mất cả đêm để suy nghĩ mãi về những việc mình làm.
Buổi tối hôm đó là một trải nghiệm không hề thích thú. Mệt mỏi, dơ dáy, đau đớn và nhiều chuyện bực mình. So với những đêm đi phát quà khi chạy chương trình Ngày Hạnh Phúc, tôi không thấy mình có một mảy may cảm xúc. Tôi cố nghĩ, hãy vui lên, vì mình đang làm một việc thật là vĩ đại, mình đang “giải cứu” đồng bào miền trung ruột thịt.
Nhưng mọi thứ cứ dửng dưng…
Và rồi tôi cáu bẳn với chính bản thân mình. Tôi tự hỏi, mình đang làm gì thế này? Tại sao mình phải lăn lộn ở đây để bê dưa? Tại sao mình phải làm một công việc chân tay nhàm chán và đơn giản thế này?
Rồi tôi nhìn khắp xung quanh, gần 60 con người mang danh tình nguyện, mà trong đó đa phần là nữ. Sinh viên có, văn phòng có, chủ doanh nghiệp cũng có. Và họ đang làm gì vậy? Cũng giống tôi, họ sấp ngửa bê dưa.
Những đôi tay mềm mại và yếu ớt, những vóc dáng nhỏ bé và nữ tính, giờ đây gồng lên để đỡ dưa. Đôi lúc, có cả những tiếng á ố rồi xuýt xoa khi bị bầm dập vì kẹt tay ở thành xe. Mà ngay cả những cô gái cố tỏ ra mạnh mẽ, ôm một lúc 2, 3 quả dưa nặng hàng chục cân cũng làm tôi thấy thật chạnh lòng.
Vẫn là câu hỏi, rằng tại sao họ lại phải bê dưa?
Cách hôm đó chỉ một ngày, tôi đi dạy truyền thông cho doanh nghiệp. Và thù lao của tôi là 40-50 triệu. Ngay cả khi ngồi nói chuyện chơi với cái danh tư vấn, tôi cũng kiếm được 3-4 triệu đồng mỗi tiếng. Vậy tại sao tôi phải bê dưa?
Những bạn đang làm tình nguyện, tôi biết học thức họ rất khác nhau, nhưng tôi nghĩ nếu họ có một công việc nào đó khác để làm, thì thu nhập ít nhất cũng giá trị hơn việc đi bốc vác thế này. Nhất là với một vài bạn giám đốc doanh nghiệp mà tôi kịp thấy.
Câu hỏi đặt ra là, tôi nên lôi kéo một đám người cùng “làm tình nguyện” với mình trong cả tuần lễ để kiếm về vài chục triệu; hay quăng hết tất cả đó để đi làm việc kiếm tiền và quay lại “cho không” người dân miền trung vài chục triệu??? Thực ra, cách thứ hai thì đơn giản và nhẹ nhàng hơn cách số 1 rất nhiều.
Tất nhiên là tôi hiểu, việc làm từ thiện đôi khi còn giúp các bạn có thêm trải nghiệm và mang lại “nhiều giá trị khác” mà tiền không mua được (là cái gì thì cũng vẫn còn mơ hồ lắm). Nhưng… Phải có một cách làm gì đó tốt hơn như vậy chứ??????
Tôi nhớ lại những clip về nông nghiệp của Nhật Bản mà tôi xem trên mạng. Từ khâu bốc đất, rửa rau củ quả, phân loại, hong khô, đóng gói, bỏ vô thùng và dán nhãn đều được làm tự động. Rất nhanh, rất đều, rất đẹp và tốn rất ít… người. Nhớ lại một bác nông dân chính hiệu người Nhật Bản ngồi rung đồi điều khiển cỗ máy thu hoạch đóng gói khổng lồ và so sánh với đám đông trí thức tài giỏi của mình, tôi thấy tủi thân phát khóc!
Tôi thấy công cuộc bán dưa này đã vạch trần bản chất của một xã hội đang trong cơn bấn loạn. Và vai trò của mỗi người đang đảo lộn loạn xị ngậu hết lên.
Tôi tự hỏi, bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên gia… nông nghiệp và chế tạo máy đâu rồi? Các ông đang trốn ở cái hũ nút nào, làm ơn cho tôi một cái máy đơn giản nhất để có thể bốc dưa. Tôi phát ngấy cái việc quay cuồng mệt mỏi thế này lên tận cổ. Bao nhiêu trung tâm nghiên cứu viện này viện nọ đâu hãy xuất hiện ngay. Dù chỉ để nói với tôi một điều đơn giản nhất, rằng khi sắp xếp thì dưa to để dưới dưa nhỏ để trên coi chừng nó dập; trước khi “lũ ngu dốt và nhiệt tình” chúng tôi đã lỡ làm điều ngược lại?
Sinh viên cảm thấy “bất lực” chẳng làm được gì hữu ích nên phải đi bê dưa thì tôi còn thông cảm được. Nhưng cả một Bộ ngành, toàn những trí thức hàng đầu mà cũng lại hò nhau đi bê dưa như vậy thì tôi thấy mình muốn xỉu. Chưa hết, công việc “dân dã” đó lại được báo chí tung hô như thể gương sáng điển hình thì tôi phát bệnh! Vì tôi thấy cuộc sống của mình chắc sắp mạt rệp rồi, khi mà cơ quan đầu ngành, niềm hy vọng cuối cùng để giải quyết vấn đề một cách căn cơ triệt để cũng không làm được hơn gì “lũ ngu dốt” chúng tôi ngoài việc bê dưa!!!
Chúng tôi bê dưa ngu đần hơn những bác nông dân chính hiệu; và tôi tin các vị công chức kia mà bê dưa còn tệ hại hơn cả chúng tôi. Và đáng sợ là họ cũng đang đi “giải cứu” đồng bào bằng cách bê dưa!
Khúc ruột miền trung năm nào cũng ngập; và giờ thì lũ lụt hạn hán liên miên. Hết dưa thì sẽ đến hành; sau hành là thanh long, là chuối và sắp vào mùa vải. Cộng đồng mạng thì nhân ái quá, phong trào hò nhau làm tốt và vui vẻ quá nên chúng ta sẽ lại sẵn lòng giải cứu hết tất tần tật nông sản mà tôi đã liệt kê.
Nhưng trời ơi, phải có ai đó giải cứu luôn và ngay các vị quan chức đầu ngành dùm tôi cái. Vì chừng nào các vị ấy còn a dua theo cư dân mạng để thấy mình là người tốt khi khệ nệ bê dưa, thì lúc ấy người nông dân còn chưa thể nào ngóc đầu lên nổi!