Please log in or register to do it.

Blogger Nguyễn Ngọc Long đã đưa ra góc nhìn sâu sắc, đa chiều về những hiện tượng mạng “vụt sáng” sau một đêm mà không cần thực tài.

Từ chuyện Lệ Rơi trở về làm công nhân sau thời gian “ôm mộng” nổi tiếng và “góc khuất” phía sau những hiện tượng mạng “sớm nở tối tàn” đang gây chú ý, Blogger Nguyễn Ngọc Long – trưởng nhóm truyền thông Trăng Đen đã bày tỏ quan điểm của mình với góc nhìn trực diện. Lấy dẫn chứng từ Can Lộ Lộ (Trung Quốc) tới các hiện tượng mạng trong nước từng “làm mưa làm gió” như: Lệ Rơi, Kenny Sang, Tùng Sơn, Bà Tưng,…, Blogger Ngọc Long đã “vén” bức màn phía sau những “hào quang bong bóng” khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Nguyên văn chia sẻ của Blogger Nguyễn Ngọc Long: “Đã có giai đoạn, mở internet lên là thấy Can Lộ Lộ. Thế nhưng, dạo gần đây, “quả bom sex” xứ Trung đột nhiên biến mất. Hóa ra, sau khi bị dư luận phản đối vì đủ trò khoe thân phản cảm, Can Lộ Lộ chính thức bị “cấm sóng” trên truyền thông Trung Quốc đại lục. Dần biến mất khỏi showbiz, Can Lộ Lộ sống khép kín và chật vật. Cô hiện đang làm ca sĩ tại một quán karaoke và hát tại các hội chợ ở tỉnh lẻ với cát-xê ít ỏi. “Vì hết thời, Can Lộ Lộ không còn lựa chọn nào khác ngoài công việc này”, tờ Sina nhận định.

Can Lộ Lộ (Trung Quốc) hay Lệ Rơi từng là hiện tượng mạng “gây bão” một thời.

Ở Việt Nam, một hiện tượng mạng khác cũng đang chịu chung số phận là Lệ Rơi. Nổi đình đám nhờ những clip cover… ngang phè, rồi nhanh chóng nắm cơ hội chen chân vào showbiz, cái tên Lệ Rơi có lúc lọt top tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Anh đóng phim, diễn bar, diễn tiểu phẩm, thi gameshow… Không những vậy, Lệ Rơi còn lập công ty truyền thông và trở thành ông chủ của một nhà hàng trong Sài Gòn. Thế nhưng chẳng được bao lâu, Lệ Rơi tuyên bố phá sản, trở về Bắc với hai bàn tay trắng. Anh tâm sự, phải rất chật vật để mưu sinh. Mới đây, hình ảnh Lệ Rơi trong bộ đồng phục công nhân kèm hồ sơ xin việc lan truyền trên mạng khiến nhiều người bất ngờ và tiếc nuối.

Tất nhiên, không chỉ có Can Lộ Lộ, Lệ Rơi… mà còn nhiều hiện tượng mạng khác cũng lặng lẽ biến mất không kèn không trống. Những người như Nguyễn Thành Sang (Kenny Sang), Võ Viễn Thiện (Sơn Tùng fake), Huyền Anh (bà Tưng), Vũ Xuân Tiến (Running man), Nguyễn Hoàng Mỹ (Quân kun), Tùng Sơn (Công chúa thủy tề), … cũng chịu chung số phận.

Mạng xã hội phát triển mở ra cơ hội cho nhiều “ngôi sao” vụt sáng sau một đêm mà không cần đến thực tài. Thứ duy nhất họ cần là dám làm những điều quái lạ, khác biệt số đông và biết cách… chấp nhận thị phi. Vấn đề là, nổi tiếng rồi sao nữa, nếu bản thân em không có thực tài, hoặc không nổi tiếng bằng cái tài đó của bản thân?

Nhiều người lầm tưởng làm thương hiệu cá nhân là giải bài toán thu hút truyền thông bằng các chiêu trò. Thực ra, bản chất của nó là quá trình tự rèn luyện, bồi đắp tài năng và thay đổi con người bên trong nhằm tạo ra giá trị. Nếu không, thứ mà chúng ta có được chỉ là những “hào quang bong bóng”…”.

Blogger Nguyễn Ngọc Long bày tỏ quan điểm về các hiện tượng mạng “sớm nở tối tàn”.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, Blogger Nguyễn Ngọc Long thẳng thắn nhìn nhận, để có “hào quang bong bóng” cũng cần phải “đánh đổi” và trả một cái giá rất đắt. Anh bày tỏ: “Làm bất cứ việc gì cũng vậy, khi chúng ta không có kế hoạch tức là đang lập kế hoạch cho sự thất bại. Tôi biết cũng có người họ giỏi xoay xở, tức là đến đâu làm đến đấy, tới đâu lo tới đấy. Nhưng số này không nhiều. Thế nên, sau mỗi cuộc vui, thì chắc là cũng nhận về nhiều cay đắng và mất mát.

Tùy theo mỗi người mà cái sự mất mát này rất khác nhau, hoặc ai đó nhiều bản lĩnh thì họ chỉ đơn giản coi khoảng thời gian đó như một bài học lớn. Nhìn chung, để có một “hào quang bong bóng”, thì bạn có thể mất tiền, mất thời gian, mất cơ hội cho việc khác, mất uy tín và mất cả niềm tin vào chính bản thân mình”.

Nam Blogger cũng cho rằng, việc đối diện được với thất bại để làm lại từ đầu không hề dễ. “Sau “hào quang bong bóng” ấy, nếu ai đó thốt lên được rằng “Tôi sợ sự nổi tiếng”, thì cũng đã bản lĩnh hơn người khác rồi. Vì họ đã dám đối diện với thực tế, dám nhìn vào thất bại và chấp nhận thất bại của bản thân. Nếu ai chưa (vô tình hay cố ý) nổi tiếng, thì họ chưa hiểu hết cái được và mất khi trở nên nổi tiếng. Họ chỉ nhìn thấy tương lai màu hồng, nhìn thấy những thứ hay ho. Còn những điều mất mát sau ánh hào quang thì không nghĩ tới, không tưởng tượng được hết, và thậm chí là có nghe qua cũng chẳng quan tâm. Thế nên, nếu có “sợ nổi tiếng” thì cũng là điều rất bình thường.

Mà cứ gì chỉ các “hiện tượng mạng” đâu, cả các ngôi sao hạng A, có tên tuổi bền lâu họ cũng phải chịu nhiều cay đắng, thua thiệt hơn một “người bình thường” như chúng ta đấy. Chỉ là chúng ta chưa biết, và chưa hiểu hết họ đấy thôi”.


Nguồn: Báo Người đưa tin

Học cách chọn phân khúc khách hàng của công chúa Khánh Chi
Giải mã nguyên nhân liên tiếp xuất hiện nhiều thông tin giả mạo trên facebook

Your email address will not be published. Required fields are marked *