Please log in or register to do it.

TRUYỀN THÔNG HẬU KHỦNG HOẢNG VÀ GÓC NHÌN CỦA NHÀ BÁO QUA “LĂNG KÍNH” VEDAN

> Đọc thêm: Vietjet Air được nhiều hơn mất trong khủng hoảng múa Bikini http://on.fb.me/Qqk8D5

> Đọc thêm: 5 điểm VNG có thể làm tốt hơn để xử lý khủng hoảng truyền thông http://on.fb.me/PIdRlB

Mặc dù khủng hoảng truyền thông “kinh điển” của Vedan đã qua khá lâu, nhưng để nhìn nhận như một bài học vô giá cho những người yêu thích truyền thông thì đây là một case không bao giờ cũ.

Vụ Vedan bức tử sông Thị Vải được báo chí lên án mạnh mẽ và dư luận cả nước “sôi sục căm thù”. Phản ứng rất nhanh, Vedan đã mời một số công ty truyền thông lớn để tư vấn cho họ giải quyết khủng hoảng truyền thông. Vì lý do tế nhị, mình không tiện nêu tên.

Đầu tiên, phải thống nhất với nhau rằng việc làm của Vedan là sai trái, thế nên việc xử lý trong khủng hoảng không quan trọng bằng việc giải quyết hậu khủng hoảng, nhằm “dọn dẹp chiến trường” và thể hiện nỗ lực lấy lại một hình ảnh đẹp. Vậy Vedan (và các công ty tư vấn) của họ đã làm thế nào?

[

Giữa tháng 3/2009, báo Sài Gòn tiếp thị có một phóng sự ảnh với cái tựa khá độc đáo “Và con sông đã vui trở lại”. Cái tựa chỉ sửa một chữ trong tên gọi (và cả lời ca) một bài hát nổi tiếng!

Nội dung giới thiệu trong phóng sự này cho biết: “Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã theo chân ngư dân sông Thị Vải một đêm đánh bắt cá từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau. Mỗi đêm có khoảng trên 10 thuyền, và thu nhập cũng được vài trăm ngàn mỗi người. Những người dân ở đây cho biết nhiều người bỏ đi làm nghề nơi khác bắt đầu lục tục quay về”.

Những bức ảnh chụp trong phóng sự có nụ cười của ngư dân, có cảnh ngư dân đếm tiền và các tác giả không quên chú ý hậu cảnh với chú thích đầy ngụ ý là: “Trên con đường về. Xa xa là nhà máy Vedan” – Doanh nghiệp đã làm tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí năm 2008.

Cùng thời điểm đó, một bài viết tương tự trên báo Thanh niên cũng ra đời với tên gọi “Sông Thị Vải hồi sinh”. Bài viết này cũng đăng kèm những tấm hình ngư dân vui mừng tương tự phóng sự ảnh của báo Sài Gòn tiếp thị. Và có những tít phụ như: “Ngư dân Phước Thái đã cười…”, “Cơ quan chức năng cũng bất ngờ”.

Để chứng minh cho phần này, Thanh niên viết: “Ông Lê Văn Bình, Phó giám đốc Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, thốt lên “quá bất ngờ” khi mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi”.

Trong bài, Thanh niên cũng khéo léo chú thích một trong hai bức ảnh: “Đánh bắt thủy sản ngay phía sau Công ty Vedan”.

] – tư liệu bài viết trên tuanvietnam.

Như vậy, bất cứ ai đọc được những dòng chú thích và phóng sự ảnh trên Thanh Niên, SGTT sẽ đều vui mừng cùng bà con nông dân hàng ngày phải mưu sinh trên dòng sông Thị Vải. Và đương nhiên sẽ bớt “căm ghét” Vedan. Thế nhưng…

[

Sau đó vài tuần, bạn đọc cả nước ngạc nhiên khi đón nhận loạt bài 2 kỳ của báo Tuổi trẻ: Trở lại sông Thị Vải: “Cua, cá lèo tèo – thả tôm, tôm chết!” và “Sông Thị Vải vẫn hứng chịu nước thải ô nhiễm”.

Trong lời dẫn cho loạt bài này, Tuổi trẻ mở đầu bằng cái tít của Thanh niên chỉ thêm vào một dấu hỏi:

“Sông Thị Vải đã hồi sinh? Phóng viên Tuổi Trẻ đã thuê tàu làm cuộc hành trình trên sông kéo dài hai ngày một đêm, gặp gỡ và sống cùng các ngư dân trên sông Thị Vải để tìm hiểu sự tình. Chúng tôi cũng gặp gỡ thêm các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn về môi trường và hầu hết mọi người đều khẳng định: “Chưa đủ cơ sở để nói sông Thị Vải hồi sinh!”.

Nội dung loạt bài và ảnh của Tuổi trẻ đối lập chan chát với những nội dung các bài báo của Sài Gòn tiếp thị và Thanh niên. Ý kiến của nông dân, ý kiến nhà khoa học… cũng khác hẳn!

Sông Thị Vải đã hồi sinh hay vẫn ô nhiễm? Tin nụ cười của ngư dân trên báo Thanh niên và Sài Gòn tiếp thị hay là gương mặt cay đắng của anh đánh cá ở báo Tuổi trẻ?

] – tư liệu bài viết trên tuanvietnam.

Vì đâu xảy ra sự tréo ngoe này giữa 3 tờ báo được coi là lớn và uy tín hàng đầu Vietnam như vậy?

Thông tin từ một nhà báo địa phương (H.B) cho Nguyễn Ngọc Long Blackmoon biết thời điểm ấy các PR Agency của Vedan hay tổ chức các cuộc “tiếp khách” tại Đồng Nai. Và loạt phóng sự bằng hình đăng trên tờ TN, SGTT có được sau một lần mà nhiều nhà báo được mời đi “thực tế”.

Nhà báo H.B cũng nhấn mạnh rằng việc Vedan mời các phóng viên báo bạn đi như vậy là hoàn toàn bình thường, và cách thức mà các PR Agency “sâu hàng” cũng tác động mạnh vào góc nhìn của nhà báo. Ví dụ như họ canh đúng thời điểm sau một trận mưa lớn để mời nhà báo đi thị sát. Khéo léo cho tàu cập vô thuyền nan của những ngư dân có mối quan hệ mật thiết với công ty để phóng viên tha hồ chụp hình những khoảnh khắc “vui sướng và hạnh phúc”. Thậm chí, một quan chức của Vedan còn được mô tả lại là đã dùng tay hứng nước từ vòi sả thải của Vedan để đưa lên miệng uống. Hành động đó đã “đốn ngã” sự hoài nghi cần có của người làm báo.

Đáng buồn là trong thực tế, đó chỉ là một vòi xả thải “đối phó”.

Chuyến “vi hành” này phóng viên Tuổi Trẻ cũng được mời đi nhưng vì trong “thời điểm nhạy cảm” nên họ đã từ chối tham gia. Tuổi Trẻ thuê tàu riêng để đi xem xét tình hình. Và loạt bài 2 kỳ của Tuổi Trẻ được phản ánh không qua lăng kính của Vedan.

Nhà báo H.B nói rằng cũng khó kết luận ai sai ai đúng trong vụ án này. Vì cùng một con sông như vậy, có khúc thế này có khúc thế kia, có ngày thế này có hôm thế khác. Ngư dân cũng mỗi người mỗi kiểu nên tuỳ theo quan điểm mỗi báo để có góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên sau loạt bài phản pháo của Tuổi Trẻ thì SGTT đã họp kiểm điểm phóng viên về quy trình tác nghiệp.

Nguyễn Ngọc Long Blackmoon chưa có cơ hội kiểm chứng một cách độc lập tất cả những sự việc này, dù rằng một phóng viên bên SGTT đã xác nhận.

Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện phía sau hậu trường làng báo. Vấn đề mấu chốt mình muốn trao đổi cùng các bạn vẫn là cách Vedan xử lý khủng hoảng truyền thông. Họ đã rất thông minh khi “lặng lẽ” khắc phục (một phần) hậu quả, rồi mời những nhà báo có mối quan hệ tốt, ở những tờ báo uy tín đến đi ghi nhận nỗ lực này của họ. Cộng với việc rất khéo léo hướng nhà báo về phía sự thật có lợi nhất để đưa ra những hình ảnh đẹp cho doanh nghiệp.

Một kinh nghiệm mà chúng ta cũng cần rút ra trong khi xử lý khủng hoảng là sự “đồng thuận” về tư tưởng ở những tờ báo có góc nhìn “đối nghịch”. Vì thực trạng báo này nâng lên, báo kia đạp xuống vẫn diễn ra như cơm bữa và là một bài toán nhức đầu khó giải với những người làm truyền thông chuyên nghiệp.

Không bàn tới kết quả cuối cùng vì Vedan có lẽ phải mất thêm hàng chục năm với nhiều nhiều nỗ lực, hàng trăm chương trình truyền thông lớn nhỏ để cứu vãn uy tín nhưng cách làm của họ xứng đáng là một ví dụ tương đối hữu ích để chúng ta tham khảo.

P/S: tên nhà báo trong bài đã được thay đổi vì lý do cá nhân.

via Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook

Hãy yêu thương đi khi còn có thể yêu thương...
Bữa ăn ân huệ cuối cùng ở Lầu Ngưng Bích

Your email address will not be published. Required fields are marked *