>>> Thời gian không trở lại, phần 1 – http://bitly.com/YgS2Qr
>>> Uh, tôi rất đàn bà – http://bitly.com/YgS4HS
>>> Tiền mua được nhà nhưng không mua được gia đình – http://on.fb.me/YgScac
Hôm nay về Bình Chánh ăn cơm, tôi thấy bát nước mắm không được cắt ớt vào như mọi khi nên hỏi chị vì sao lại thế? Chị nói bố bị đau lợi, nóng trong miệng nên thôi để ớt ở bên ngoài, chứ bỏ ớt vô nước mắm bố dễ bị sặc, ăn uống rất khó khăn. Tôi thì hiểu đó là dấu hiệu của một số bệnh lý tuổi già, chứ không chỉ đơn thuần là “đau lợi”. Nhưng bố tôi thì không thích thừa nhận với mọi người điều đó.
Mặc dù bị coi là đứa “bị ghét” nhất trong nhà vì khắc khẩu nhưng tôi hiểu và thương bố nhất. Vì khi là trụ cột của cả gia đình, tôi cảm nhận được những vất vả cơ cực mà bố tôi đã phải trải qua trong giai đoạn trước. Lúc mà tôi còn quá nhỏ để có thể kiếm tiền, thay bố.
Cuộc sống gia đình có những khó khăn và trắc trở khiến bố tôi trở nên nghiện rượu. Và người phải gánh chịu hậu quả của những cơn say sỉn đó chắc chắn là tôi. Chỉ bởi vì tôi quá cá tính và bản lĩnh. Tôi không chấp nhận những lời mắng chửi nên hay phản kháng và “cãi lý”. Tôi cũng thường xuyên đứng lên bảo vệ mẹ, chị gái và em trai trong những cơn say của bố. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã có suy nghĩ rằng nên có một ai đó trong gia đình chịu ngồi nghe chửi, thay vì bắt tất cả mọi người hứng chịu hậu quả những cuộc nhậu của bố tôi.
Và vì vốn đã bị ghét nên tôi chấp nhận “hy sinh” để làm việc đó.
Sau từng bữa nhậu và những cơn quậy phá, khoảng cách giữa tôi và bố lại bị đẩy ra xa hơn một chút. Tôi dần trở nên chai sạn cảm xúc khi ngồi nghe chửi. Tôi cũng coi việc bị đánh mà không cần lý do là chuyện hết sức bình thường. Nhưng tôi rất căm ghét rượu bia và tự đặt ra cho mình một lời thề là không bao giờ uống rượu bia cũng vì lý do này.
Rồi thời gian cứ thế trôi đi. Tôi ngày một lớn và bố lại già hơn trước. Tôi trở thành trụ cột thay bố kiếm tiền và chăm sóc cả gia đình. Bố đã thôi mắng chửi tôi vô cớ nhưng không bỏ được thói quen uống rượu.
Tôi thì luôn tìm mọi cách và mọi cơ hội để hàn gắn mối quan hệ đã bị rạn nứt qua quá nhiều mâu thuẫn, còn bố thì vẫn luôn “tận dụng mọi cơ hội” để tiếp tục mắng chửi tôi. Ngày trước tôi bị mắng là “đứa chẳng ra gì” và sẽ “không làm được gì cho đời”. Sau đó, khi tôi có công danh sự nghiệp thì lại bị bố mắng là “mày nghĩ có tiền nên khinh thường tất cả mọi người”.
Tôi thì quá hiểu bố tôi là người gia trưởng nên không bao giờ muốn nhận sai hay nói lời xin lỗi. (Mà kỳ thực tôi cũng chẳng mong chờ việc đó). Tôi chỉ cho rằng ngay cả việc mình được sinh ra trên cõi đời này và sống được đến ngày đầu tiên xuất hiện trong đầu suy nghĩ phán xét việc làm của cha mẹ là sai hay đúng đã là một điều kì diệu. Có cha mẹ mới có mình, có mình mình mới hiển vinh trên đời. Cho nên, dù với bất cứ lý do nào thì tôi cũng không bao giờ có quyền trách móc bố tôi.
Tôi chỉ nghĩ, cũng như con chó được nuôi nhốt ở trong nhà. Dù mình có buồn phiền, đánh đập nó đến thế nào đi nữa thì nó vẫn không bao giờ trách oán. Nó chỉ chờ cho cơn giận của mình qua đi là lại xông vào hôn hít, liếm tay liếm mặt như chưa bao giờ có chuyện đánh đập xảy ra. Và nếu nó kiên trì như thế, có chủ nào lại không yêu quý con chó của mình? Tôi học con chó và tôi làm giống nó.
Tôi không bao giờ oán trách hay giận hờn bố sau những cơn chửi bới vô tiền khoáng hậu. Dù có đôi lúc, cảm xúc của tôi không thể nào mạnh hơn lý trí khiến tôi trở nên buồn phiền và thấy mình ghét bố. Nhưng rồi rất nhanh sau đó, tôi lại tự nhủ rằng mình không được làm như thế. Vì nếu vậy, khác gì mình thua con chó ở trong nhà? Tôi luôn cố găng tìm ra những lý do phù hợp nhất để giải thích cho những suy nghĩ phức tạp trong đầu bố. Và tôi coi như chẳng có chuyện gì xảy ra với bản thân mình.
Tôi để ý những thứ nhỏ nhặt nhất ở xung quanh bố và thể hiện thiện chí của mình trong đó. Tôi thấy bố thích ăn bánh đúc, tôi mua bánh đúc. Tôi thấy bố thích ăn rượu nếp tôi mua rượu nếp. Tôi để ý cái ly uống nước của bố bị mẻ một phần ở chỗ tay cầm và mua ly mới. Tôi xỏ thử vào đôi dép bố đang đi thấy hơi cứng và có thể bị đau chân nên mua dép mới. Tôi biết điện thoại của bố khi nào hết hạn, hết tiền để canh ngày nạp card. Tôi biết bố mập lên hay ốm đi để điều chỉnh size quần size áo.
Tôi biết hết tất cả mọi thứ về bố. Nhiều khi còn rành rẽ hơn cả bản thân mình. Và quan trọng nhất là tôi biết thực ra bố cũng yêu thương tôi nhiều lắm. Ít nhất là sau tất cả những gì tôi đã kiên trì thực hiện.
Tôi thích uống nước cam nhưng chị tôi và em tôi thì không thích. Thế nhưng sau khi ăn cơm thì bố vẫn đi pha nước cam cho “3 chị em cùng uống”. Tôi ngủ không bao giờ bật quạt nhưng khi tỉnh dậy thì vẫn có một cái quạt đang “tự nhiên” quay về phía tôi nằm. Chủ nhật nào tôi có công chuyện ở xa không về kịp giờ ăn trưa thì hôm đó bỗng nhiên bố thấy “không đói lắm” và đề nghị cả nhà ăn trễ đi 1 tiếng. Chiều 29 Tết tôi đi làm từ thiện không kịp giờ về cúng tất niên thì bố nói theo phong tục miền bắc, tất niên cúng càng khuya càng tốt…
Tối hôm nay khi xỏ chân vào đôi dép để dắt xe quay lại Sài Gòn, tôi ứa nước mắt khi thấy bố trong lúc tưới cây đã “vô tình” làm sạch đôi dép đen bám đầy bụi đường và bùn đất của tôi. Vì tôi hiểu có những thứ tình cảm được thể hiện bằng hành động còn mạnh hơn lời nói.
Tôi nghĩ mình chỉ có được cuộc sống “yên bình” khi tới một ngày nào đó bố tôi không còn đủ sức để uống rượu bia được nữa. Thế nhưng bây giờ, khi bố đã quá yếu và gần như không uống được rượu bia nhiều như lúc trước thì tôi lại thấy lòng mình trống trải và buồn vô hạn. Vì tôi chẳng biết, “đời này còn được gặp bố mẹ mấy lần?”.
Mặc dù đã thu xếp công việc để năm 2013 có thể về ở với bố 3 ngày mỗi tuần thay vì chỉ một ngày chủ nhật nhưng tôi vẫn có cảm giác như thế là không đủ. Nhiều khi tôi thầm ước giá như có thể thực hiện việc đó sớm hơn nhưng thời gian đã qua trôi qua thì không bao giờ quay trở lại.
Mỗi một phút một giây chúng ta mê mải bù khú với bạn bè, lao mình vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng hay mải miết với chuyện cơm áo gạo tiền thì không chỉ mất đi một phút một giây trong cuộc đời của chính chúng ta mà còn mất đi 10 lần khoảng thời gian như vậy để được ở bên cha mẹ. Vì cuộc đời chúng ta thì dài còn thời gian của cha mẹ thì còn quá ngắn.
Vậy nên, đừng bao giờ hoài phí thời gian vào việc oán thán mẹ cha. Vì nếu một mai họ đi xa khuất núi, thì mãi mãi cho đến tận hết cuộc đời chúng ta cũng không còn có thể bằng cách nào gặp lại hình dáng thân thương ấy được. Cho dù có đánh đổi cả công danh sự nghiệp, cả mấy chục năm cuộc đời còn lại cũng chẳng thể nào được nghe tiếng mẹ tiếng cha, dù chỉ là một câu trách móc.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – February 15, 2013)