Please log in or register to do it.

[CẢM NHẬN] ABRAHAM LINCOLN, VAMPIRE HUNTER – THỢ SĂN MA CÀ RỒNG

Sở dĩ mình không dùng chữ “Review” mà thay bằng “Cảm nhận” vì mình không phải là một người có chuyên muôn về phim ảnh như em Trung Rwo nên không thể đi “Đánh giá” một thứ mình hoàn toàn mù tịt. Thay vào đó, mình chỉ ghi ra đây những “cảm xúc” mà bộ phim này mang đến cho mình, cũng như những suy nghĩ đọng lại trong và sau khi coi film theo một cách rất ngoại đạo được thôi.

Bữa đó có hẹn coi film với @Lê Phạm, Long Chau, Cát Bụi nhưng cuối cùng em Long Châu phản đối coi ma cà rồng nên Cát Bụi cũng ở nhà, chỉ còn mình với em Le Pham đi coi. Thực ra thì ban đầu mình cũng không hào hứng với phim này lắm vì bản thân chữ “ma cà rồng” đã gắn quá chặt với sê-ri phim Chạng Vạng nên mình nghĩ trong đầu sẽ lại được coi mấy con quỷ gớm ghiếc, hút máu, kinh dị. Hoặc là mấy chàng nàng đẹp trai xinh gái, hài hài và sến sến.

Nhưng ALVH đã khiến mình “cứng người” gần như từ đầu đến cuối. Hồi hộp, căng thẳng, sung sướng, sợ hãi, chia sẻ, kính trọng, thích thú… đủ loại cảm xúc thay đổi qua từng diễn tiến và cảnh quay hoành tráng trong phim. Hình ảnh đẹp, chau chuốt, âm thanh xuất sắc, tạo hình nhân vật không khác gì một bộ phim tài liệu, kết hợp hài hòa giữa yếu tố hư cấu và lịch sử (cái mà em Trung RWO đặt tên là “chính trị”) cùng những hình ảnh có tính ước lệ, ẩn dụ đã giúp ALVH thành công trong việc phác thảo hình ảnh “hấp dẫn” của một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất thế giới.

Tại vì dù cho Abraham Lincoln trong phim có ngoại hình giống hệt nhân vật lịch sử cùng những sự kiện “có thật” mang tính gợi nhớ thì tất nhiên một bộ phim giải trí không thể dựng lại nguyên mẫu tượng đài sừng sững “nguyên mẫu” của vị tổng thống thứ 16 của nước Mĩ và là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử xứ cờ hoa; người đã xóa bỏ chế độ nô lệ và đưa nước Mỹ bước vào một thời kỳ đổi mới đầy huy hoàng.

Mình thích cách “chia phe phái” của đạo diễn (và biên kịch) khi để cho Abraham Lincoln, cùng vợ, ông chủ, bạn thân và thầy của mình đứng về một phía để chống lại bè lũ ma cà rồng. Đối với mình, đó là cách làm có chủ ý.

Bè lũ ma cà rồng trong phim có thể được coi là hình ảnh đầy tính ẩn dụ của những kẻ thích chiếm hữu nô lệ có thật trong lịch sử. Những kẻ tàn nhẫn và khát máu. Và ở phe đối nghịch, nhân vật người bạn thân của tổng thống là một “cậu bé” da mầu. Người góp phần tích cực và đáng kể trong việc kề vai sát cánh cùng Abraham Lincoln để đứng lên tự đòi quyền bình đẳng cho chủng tộc của mình.

Thợ săn ma cà rồng khơi gợi ký ức sâu đậm của mình về những bộ phim “giải phóng nô lệ” chiếm sóng truyền hình trong những năm 90 của thế kỷ trước, cũng như những cuốn truyện kinh điển như kiểu “Túp lều bác Tôm” mà hầu như những ai thuộc thế hệ 8x đều đã đọc qua. Hàng triệu “con người” này sẽ tiếp tục phải làm nô lệ cho những “con người” khác và bị coi như súc vật nếu không có Abraham Lincoln. Nhưng tổng thống không chắc đã thành công nếu thiếu đi trợ giúp từ chính những người da đen đang bị chiếm hữu (người bạn), từ những người da trắng (người chủ), từ những ma cà rồng (người thầy) và từ phía gia đình (người vợ).

Chi tiết Henry dùng cơ thể của mình bắc ngang cây cầu gỗ cao chót vót đang bốc cháy dữ dội để đoàn hỏa xa của tổng thống “bò” qua trước khi tất cả sụp đổ và lao xuống đáy vực sâu rồi mất hút trong biển lửa ở khúc cuối phim là một hình ảnh đẹp, đầy tráng lệ và xúc động. Rõ ràng mục tiêu đi tìm và giết ma cà rồng của Henry chỉ xuất phát từ những đau đớn và mất mát cá nhân, cho nên tuy trở thành thầy của tổng thống và theo con đường “chính đạo” nhưng cuối cùng anh đã phải hy sinh. Và đó là một kết thúc hợp lý cho một “người tốt” nhưng phản bội đồng loại.

Còn người vợ của Abraham Lincoln vốn là một phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng cũng góp phần tiêu diệt con “ma cà rồng” sừng sỏ cuối cùng trong bộ sậu bằng chính kỷ vật đầy yêu thương của đứa con trai bị sát hại trước đây. Đó là sức mạnh và biểu tượng của tình mẫu tử nhiều hơn vai trò “hậu phương vững chắc” trong công cuộc làm chính trị của nguyên mẫu có thật trong lịch sử của chồng.

(Dưới đây là trích đoạn giới thiệu về phim có sẵn trên Internet)

Abraham Lincoln: Vampire Hunter (Abraham Lincoln: Thợ Săn Ma Cà Rồng) là câu chuyện về cậu bé Abraham Lincoln từ nhỏ chứng kiến cảnh mẹ mình bị một con ma cà rồng sát hại. Khi lớn lên, Abraham quyết tâm phải giết sạch loài khát máu này để trả thù. Khi gặp lại ma cà rồng năm xưa giết mẹ mình, Abraham lại suýt trở thành một món mồi ngon của hắn. Được người đàn ông bí ẩn Henry cứu giúp, Abraham đã dành cả mùa hè để tập luyện, trở thành một khắc tinh ma cà rồng với chiếc rìu bạc trên tay.

Khi màn đêm buông xuống, Abraham đi lùng bắt những ma cà rồng xấu xa. Nhưng lúc trời sáng, anh lại trở thành một người đàn ông mê chính trị và luôn cất tiếng nói bảo vệ cho những người nô lệ bị đàn áp dã man. Chẳng mấy chốc, Abraham trở thành một chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn. Nhưng nỗi đau mất mẹ năm xưa vẫn cứ đau đáu trong lòng anh. Cuộc nội chiến ở nước Mỹ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết với sự xuất hiện của những con ma cà rồng có sức mạnh phi thường. Abraham Lincoln quyết tâm tiêu diệt những con quái vật khát máu này để đem lại hòa bình cho cả đất nước.

Mặc dù được hư cấu nhiều nhưng Abraham Lincoln: Vampire Hunter có một số chi tiết lịch sử thật, như mặt trận Gettysburg đẫm máu. Chỉ khác là “chất” lịch sử trong phim không hề khô khan mà rất hấp dẫn vì những màn chiến đấu, cảnh quay hoành tráng.

Khác với “kiểu” ma cà rồng ăn chay như Twilight, những con ma cà rồng trong Abraham Lincoln: Vampire Hunter rất hung dữ và ghê rợn, luôn xuất hiện bất thình lình trên màn ảnh và nhe hàm răng sắc nhọn, đôi mắt điên dại như muốn ăn tươi nuốt sống khán giả. Búa, rìu, dao, súng, thậm chí là… đầu của ma cà rồng văng tứ tung khắp nơi.

Các cảnh quay hành động dày đặc từ đầu tới cuối phim, đa phần sử dụng hiệu ứng Slow Motion (kỹ thuật quay chậm) để phô bày vẻ đẹp từng động tác, từng khuôn hình. Cảnh chiến đấu giữa tổng thống Lincoln với ma cà rồng trên cánh đồng toàn những chú ngựa hung hãn đang phi nước đại hay trường đoạn hành động trên hỏa xa ở khúc cuối phim sẽ khiến ai cũng phải trầm trồ.

via Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook

Thiếu em anh thấy như vắng cả chính mình
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Your email address will not be published. Required fields are marked *