Vậy là cuối cùng, Bộ Ngoại giao đã lên tiếng về vụ bãi Tư Chính.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói:
“Tất cả hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ lãnh thổ”.
Có tin, dù không chính thức, nói rằng tàu thăm dò (cùng các tàu hộ vệ) của trung quốc đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nếu thông tin trên là chính xác, thì việc Bộ ngoại giao có phát ngôn, ở thời điểm này, có thể hiểu như một lựa chọn “an toàn” khi sự việc “đã xong xuôi”.
Tôi hiểu tại sao có những đòi hỏi từ nhiều phía, cho rằng báo chí cần lên tiếng, đưa tin cho người dân được biết việc gì đang xảy ra ngoài Tư Chính. Tôi cho rằng đó là đòi hỏi chính đáng và đúng đắn.
Nếu nhìn lại cuộc “biểu tình” đợt dàn khoan HD981 sau đấy xảy ra đốt phá (cả cty trung quốc, Đài Loan và Nhật Bản), thì cũng suy đoán được tại sao Bộ ngoại giao đã trì hoãn không lên tiếng. Và tại sao báo chí im lặng không nói năng gì.
Ngay cả việc có những ý kiến quy kết các trang facebook đưa tin về Tư Chính là fake-news, nếu thực sự xuất phát từ lo sợ luồng thông tin này có thể gây ra kịch bản xấu như đợt HD981, thì tôi cũng lấy làm cảm kích.
Tóm lại là tôi “ba phải”, khi cố gắng hiểu tất cả các luồng ý kiến trái chiều. Cả phía lề trái, lề phải và lề giữa đều có cái lý của mình, đều cho rằng cách làm của mình mới là đúng đắn. Và tôi tin, quan điểm có thể khác biệt, nhưng mọi người đều gặp nhau ở điểm chung là muốn bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
Có một câu nói rất hay, là trong một cuộc tranh luận, không nhất thiết phải có một phía sai để phía kia trở nên đúng đắn. Và chúng ta nên áp dụng câu nói đó trong vụ Tư Chính lần này.
Vì suy cho cùng, thật khó để chiến thắng ngoại xâm nếu chúng ta không thể gạt bất đồng, để cùng nhau đoàn kết.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long