THẤT VỌNG VỚI “GIÁO SƯ NGÔ BẢO CHÂU”
Mình không chắc “giáo sư Ngô Bảo Châu” được nhắc tới trong bài có phải là “giáo sư Ngô Bảo Châu” mà chúng ta vẫn ngưỡng mộ vì giải được mệnh đề cơ bản làm rạng danh nền toán học nước nhà hay không nên phải để trong “ngoặc kép”.
Tối nay coi thời sự VTV1 thì thấy thông báo Công an và Sở 4T tỉnh Long An có họp báo về trường hợp bắt bớ cô sinh viên tên Phương Uyên. Đây là một vụ bắt bớ mà mình đặc biệt quan tâm vì những thông tin xung quanh có nhiều điểm làm mình cảm thấy rất hoang mang!
Sau khi coi thời sự VTV1 thì mình phải lao ngay lên mạng để search trên các trang “lề phải” để đọc thêm tường thuật chi tiết. Đọc xong thì giải đáp được 70-80% thắc mắc, lại lao lên các trang “lề trái” thì tự suy ra được tầm 95% thắc mắc. Khoảng 5% còn lại thì mình thấy vẫn mù mờ.
Cụ thể thế này.
Ngày 18/10, mình đọc được trên BBC bản tin “Mất tích vì làm thơ chống Trung Quốc?” tường thuật việc cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên “bị công an đưa đi” và sau đó thì “mất tích”. Bản tin rất dài để mô tả gia đình cô này quằn quại ra sao, lý luận rằng yêu nước và chống Trung Quốc là không có tội thế nào blah blah. Bản tin này khiến mình rất quan tâm vì 3 lý do. Lý do thứ nhất, mình sẽ tường thuật ở cuối bài; Thứ hai, tại sao bị bắt không mang đi xét xử mà lại là “mất tích”? Thứ ba, cái tên cô này lạ hoắc, đâu phải thành phần “nổi tiếng” như kiểu Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân… đâu mà nhà nước phải bận tâm, phải bắt bớ rồi giấu đi mất tích làm chi để mấy mõ phường lại được dịp tung tin bêu xấu?
Vụ việc càng làm mình quan tâm tợn khi liên tục sau đó dù để ý rất kỹ mình vẫn không thấy báo chí trong nước tường thuật việc này. Tại vì những việc bắt bớ thế này – nếu có – sẽ được TTXVN tường thuật chung chung kiểu “làm cho có”, rồi sau đó các báo lấy đăng lại vài mẩu tin nhỏ như lòng bàn tay. Nhưng vụ cô Phương Uyên thì không thấy. Mãi cho đến tận (hình như là) ngày 22/10 mới có một tin cực ngắn trên Pháp Luật phỏng vấn Công An và nói (đại khái) rằng cô Uyên bị bắt vì rải truyền đơn.
Nếu thực là rải truyền đơn thì nghe còn hợp lý.
Nhưng trong khi báo chí trong nước sau đó tiếp tục… im re, thì BBC lại miệt mài tường thuật vụ cô sinh viên này. Liên tục từ ngày 18 đến hôm nay, 3/11, BBC đưa ít nhất (mình đọc được) 7 bài báo dài như cái mặt cầu Tân Thuận với đủ khía cạnh dư luận gia đình, xã hội, nhà trường, trong nước, quốc tế, phân tích, bình luận… làm mình bị khủng hoảng thông tin luôn.
Thế rồi đùng một cái, tối hôm nay truyền thông trong nước – sau buổi họp báo – đã đồng loạt đưa tin cực kỳ chi tiết và cụ thể như sau:
Cô Uyên này lên mạng chat chit, facebook các kiểu thì làm quen với một đồng chí tên Kha, là kỹ sư tin học. Đồng chí Kha này thì có móc nối với một đồng chí đang bị truy nã, trốn ở nước ngoài tên Thành, hoạt động trong tổ chức Tuổi Trẻ Yêu Nước ở hải ngoại. Thành xúi Kha thực hiện một số hoạt động trong nước như rải truyền đơn kêu gọi lật đổ chính quyền, treo cờ chế độ cũ, âm mưu đánh bom (?) gây rối xã hội v.v… Kha thì quen biết Uyên nên dùng mồi nhử là tiền và laptop để lôi kéo Uyên tham gia. Uyên thì tâm sự gia đình lục đục, kinh tế khó khăn nên cũng “nhắm mắt làm liều”.
TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN NÀY LÀ DO PHÍA AN NINH CUNG CẤP, VÀ CÁC BÁO TƯỜNG THUẬT LẠI. MÌNH THÌ HÓNG LẠI TỪ CÁC BÁO, nên hành trình tự kiểm chứng chính thức bắt đầu (nói chung báo ta và báo địch, báo nào mình cũng không tin được).
Thắc mắc đầu tiên của mình là tại sao nói cô này tiếp tay rải truyền đơn chống phá nhà nước nhưng các báo lại không thấy đưa hình rải truyền đơn? Sau khi search thông tin trên các báo thì kiếm được bài trên trang “Việt Cộng” có chụp lại một tờ truyền đơn, để size bé tí và phải xoay ngang. Nhưng mình cũng cố xoay cổ theo để đọc thì đã hiểu vì sao các báo lại không mang “chứng cứ” đăng ở trong bài. Bởi vì nội dung của nó ghê gớm quá, báo mà đăng lên thì đúng là cũng thành ra… “phản động”.
Thắc mắc thứ hai là hầu như các báo tường thuật rất chi tiết việc cặp đôi hoàn hảo này mang tiền chẵn đi đổi thành tiền lẻ thế nào, dán vào các tờ truyền đơn ra sao (để thu hút mọi người nhặt tiền khi rải truyền đơn), thiết kế hộp các tông hẹn giờ bung truyền đơn thế nào… nhưng tuyệt nhiên cũng không thấy một tấm hình làm tang chứng? Lại lật đật search trên mạng một hồi thì mình mò ra được một trang blog có bài ca ngợi “nhóm thanh niên ưu tú ở Long An đã thực hiện thành công chiến dịch rải truyền đơn dùng công nghệ mới hẹn giờ”. Blog này đồng thời đăng tải chi tiết hình ảnh từng công đoạn một (trong đó có một hình mình lấy làm minh họa), và còn khuyến mại thêm cả video clip!!!
Vậy là hầu như toàn bộ các thắc mắc của mình về bài tường thuật vụ bắt bớ cô sinh viên này đã được giải tỏa. Duy có chi tiết tại sao người nhà cô này không biết cô bị bắt mà phía an ninh lại giải thích là làm đúng trình tự thì đại diện công an nói “mất mấy ngày để gửi thư thông báo về nhà” mình thấy không thuyết phục lắm. Nếu gửi chuyển phát nhanh thì chỉ mất 1-2 ngày chứ mấy? Nhưng thôi bỏ qua vì chi tiết này không quan trọng. Nó cũng bí hiểm như cái câu “bằng việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ” trong nhiều bài báo về pháp luật vậy thôi.
Nhưng khi này, mình bắt đầu nghi ngờ về các thông tin mà BBC đăng tải.
Thứ nhất, ngày 20/10, trang này có bài tường thuật “Sinh viên cầu cứu chủ tịch nước” với mô tả các sinh viên bạn bè của cô Uyên làm đơn kiến nghị gửi ông Trương Tấn Sang để khẩn cầu cứu giúp khi cô Uyên “bỗng dưng mất tích”. Bài báo không thấy đăng hình chụp lá thư, và cũng nói rằng “chưa kiểm chứng được ở văn phòng chính phủ coi đã nhận được hay chưa”. Mình thì thấy nó kỳ lạ ở chỗ, mình già đầu thế này, lại cũng quan tâm chính trị chính em còn không biết làm sao để gửi thư lên văn phòng Chủ tịch nước, sao mấy em sinh viên này giỏi thế???
Thứ hai, ngày 2/11, trang BBC tiếp tục đưa tin về việc “nhóm nhân sĩ yêu nước ký tên vào bản kiến nghị đòi trả tự do cho sinh viên ưu tú Phương Uyên”. Trong đó, theo BBC liệt kê thì có rất nhiều cái tên ưu tú, giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng được nhiều người ngưỡng mộ. Và “giáo sư Ngô Bảo Châu là người mới nhất đã ký tên vào bản kiến nghị này”. Lá thư đề ngày 30/10 đến nay (tức 2/11) đã thu được 144 chữ ký. Tức là trung bình mỗi ngày thu được 36 chữ ký của các “trí thức yêu nước”. Làm sao tài vậy? Và tiếp nữa, sao 144 trí thức này “rảnh quá vậy”? Bộ các ông các bà này chỉ ăn ở không rồi đi xác minh sự việc để ký tá hay sao?
Thật nực cười khi trong “đơn kiến nghị”, các nhân sĩ viết như sau: “Vừa qua, theo dõi thông tin trên mạng, chúng tôi hết sức bức xúc…”. Tại sao chỉ dựa vào thông tin trên mạng không kiểm chứng lại có thể tin ngay, tin hết, để rồi bức xúc và đi viết đơn kiến nghị???
Cuối cùng, mình thực sự thấy thất vọng với “Giáo sư Châu” ở chỗ, tại sao ông ấy có thể dễ dàng ký tên vào lá đơn – nếu có – như vậy nhỉ? Một thằng vô danh tiểu tốt, học thấp như mình còn cảm thấy có nhiều vấn đề cần kiểm chứng trước khi lên tiếng, thế mà một người uy tín và tài giỏi như “Giáo sư Châu” lại ký bừa, ký đại???
Ở đây, mình không đi sâu để bàn chuyện cô Uyên này làm sai hay làm đúng, làm đúng đến đâu, làm sai đến đâu. Mỗi quốc gia có một thể chế chính trị và bất cứ thể chế chính trị nào cũng có cái được và chưa được. Cộng sản và tư bản, cái nào tốt hơn, cái nào ưu tú hơn, cái nào công bằng, dân chủ, văn mình hơn? Lịch sử sẽ phán xét. Nhưng cái sai, cái xấu thì ở đâu cũng có. Nếu thực sự cô Uyên đã đủ khôn đủ lớn để có nhận thức đúng đắn về việc cô làm, về những hậu quả mà cô phải gánh chịu thì là một lẽ. Đăng này, rõ ràng cô chỉ là nạn nhân, là bị dụ dỗ. Như thế thì đáng thương cho cô quá. Tại sao “giáo sư Châu” lại hồ đồ như vậy được? Nếu thực sự ông cho rằng việc bắt giữ cô Uyên là sai trái (từ ngày 2/11), thì đến hôm nay, khi mọi việc đã có thông tin rõ ràng và chi tiết, “Giáo sư Châu” sẽ giải thích thế nào? Còn nếu thông tin của BBC là không chính xác, nên chăng “Giáo sư Châu” cũng lên tiếng để đính chính việc này.
Chứ để những trang bố láo như BBC lợi dụng thì chẳng có gì hay ho cả. Thật không tưởng tượng nổi một trang tin được coi là “khách quan” và chuyên nghiệp như BBC có thể đưa những dòng tin đậm tính cải lương và bede như thế này:
“Bà Nhung nói với BBC nói em trai tám tuổi của cô liên tục gọi cho chị, người mà cậu gọi là ‘Rùa con xấu xí’, nhưng rất thất vọng vì không liên hệ được. “Cả nhà có một cái điện thoại bàn không dây, cháu nó cứ bấm ‘Rùa con xấu xí’ gọi mà gọi mãi không được. “Cháu nó nói: Mẹ ơi con gọi Rùa con xấu xí không được đâu, con nhớ chị quá – rồi nó lấy cái áo của chị nó nó mặc. “Cái hành động của thằng bé nó làm cho gia đình đã buồn lại càng buồn thêm”.
Mục đích của việc làm ấy là gì, chắc ai cũng hiểu, mình thiết nghĩ không cần phí công để giải thích thêm!
Quay trở lại vấn đề, lý do đầu tiên khi mình buộc phải nghi ngờ về sự chân thật trong bài báo của BBC nằm ở chỗ “bị bắt vì làm thơ chống Trung Quốc”. Bởi vì cái đợt đầu năm, trong cuộc biểu tình chống Trung Quóc ở Sài Gòn, mình rất tích cực tham gia, và đã bị an ninh gọi phone “hỏi thăm sức khỏe”. Lý do được đưa ra là vì mình đã chụp hình và đăng lên facebook, sau đó kêu gọi mọi người tham gia đi vui lắm! Và lý do để mình “có thể bị bắt” lúc đó là “kích động biểu tình”. Mình đã xóa ngay những hình ảnh và lời kêu gọi đó đi và cuối cùng thì không ai làm gì mình cả. Mình vẫn tham gia biểu tình và không bị bắt. Cho nên thật nực cười khi có ai đó bị bắt chỉ vì tội làm thơ!!!