Please log in or register to do it.

Liệu rằng thành công rồi mới có được hạnh phúc hay hạnh phúc trong những điều nhỏ nhặt thường ngày, hạnh phúc trong mọi việc làm để đi đến con đường thành công?

1.
Đó quả là một chuyến đi đầy cảm xúc và để lại trong tôi rất nhiều suy nghĩ, dù hành trình Sài Gòn – Bảo Lộc, rồi về lại Sài Gòn hết gần 400 cây số, chỉ diễn ra vỏn vẹn trong chưa tới 1 ngày. Một ngày tràn ngập yêu thương và nhiều bất ngờ thú vị.

Tôi hoàn toàn không biết bất cứ một thông tin gì về người mà tôi sẽ đi chung ngoài nickname trên facebook. Thực ra thì tôi có thể dễ dàng tìm hiểu về An thông qua những thông tin được chia sẻ công khai trên mạng xã hội cũng như những mối quan hệ bạn bè nhưng tôi đã không làm như vậy. Chỉ bởi vì linh tính mách bảo tôi rằng An là một người rất chân thành và tin cậy được, dù chúng tôi chỉ mới “nói chuyện” qua vài tin nhắn.

Ban đầu tôi định đi riêng và hẹn gặp An trên Bảo Lộc, nhưng sau khi nghe tôi nói thích được ở nhà và ăn bữa cơm gia đình thì An nói tôi nếu có thể hãy ráng đợi thêm vài ngày nữa, vì khi ấy “ba em có việc về Bảo Lộc, anh có thể đi chung với gia đình em luôn cũng được”. Gần đến ngày đi, An cũng nhắn cho tôi thông tin liên tục để thông báo về địa chỉ, cách thức di chuyển và giờ giấc. Nói chung, cậu ấy tỏ ra là một người vô cùng chu đáo.

2.
Địa chỉ An cho là một căn nhà rất to và đẹp nhưng lạ một điều là tôi không hề có cảm giác xa cách mà trái lại, cảm thấy có gì đó gần gũi và thân thuộc. Cậu ấy đón tôi vào nhà và nói tôi ngồi đợi thêm một chút. Tôi đảo mắt quan sát chung quanh thấy một chiếc tivi không cũ không mới, không quá xấu mà cũng không quá đẹp; một giá treo quần áo với những chiếc áo sơ mi không kiểu cách nhưng cũng không lỗi mốt; duy có một cây quạt cao thì có vẻ hơi có vấn đề, liên tục rung lên sau mỗi lần quay qua quay lại.

Cho đến khi yên vị trên chiếc xe hơi 7 chỗ – cũng không phải là hàng hiệu – do đích thân ba An cầm lái với mẹ cậu ấy ngồi ở hàng ghế phía đầu, tôi và An ngồi ở băng sau, thì tôi tin chắc là gia đình cậu ấy là một gia đình gia giáo và lễ nghĩa. Tại vì tôi thấy mọi thứ xung quanh lúc nào cũng thật chỉn chu và vừa vặn, không thừa không thiếu. Chỉ vì tôi đã tiếp xúc với nhiều gia đình khá giả và thấy dù vô tình hay cố ý, thì những thứ xung quanh họ hình như lúc nào cũng cố tỏ ra sang trọng và kiêu kì hơn giá trị mà nó lẽ ra cần có, và điều đó làm cho mọi thứ trở nên “không thân thuộc”.

Duy chỉ có cách nói chuyện của An với ba mẹ và ba mẹ cậu ấy với nhau làm cho tôi cảm thấy lúc đầu hơi… dè dặt. Vì mọi thứ quá chỉn chu và lễ nghĩa. Có đôi lúc tôi còn nghĩ rằng mình đang bị quay ngược thời gian, “rơi tọt” vào khung cảnh một gia đình gia giáo ngày xưa. Mọi người nói chuyện với nhau từ tốn và nghiêm chỉnh tới mức… làm sao ấy! Ví dụ như khi cảm thấy hơi mệt mỏi, An nói với ba cậu ấy rằng “Ba ạ, con không hạ được băng ghế này thấp xuống một chút được”. Ba cậu ấy chạy chậm lại và nói “Con hãy tìm sẽ thấy cái chốt ở dưới và kéo nó xuống”.

“Con đã làm được chưa?”.
“Con đã thấy rồi. Con đã làm được rồi ba ạ”.

Thực sự thì tôi không thấy quen tai lắm với cách giao tiếp cha con như vậy. Rồi cho tới trạm dừng chân mọi người ngồi vào bàn ăn sáng, thì tôi lại tiếp tục “bất ngờ” với những câu hỏi của ba An như “An, con muốn ăn gì”, “An, con và bạn có muốn dùng cà phê không?”… Lúc chuẩn bị ra xe, ba An nói: “An, ở đằng sau có nhà vệ sinh đấy, con có thể đi”. Mẹ cậu ấy “đế” thêm rằng “Hoặc nếu không, con có thể đợi đến chạm kế tiếp khi ba dừng lại đổ xăng”.

Mọi thứ khiến tôi cho rằng bạn đồng hành của mình là chàng công tử ù lì trong một gia đình gia giáo!
Mà quả tình ngoại hình của cậu ấy cũng rất phù hợp với suy đoán của tôi. Một người chu đáo, cẩn thận, từ tốn, ăn nói nhỏ nhẹ chậm rãi, lễ phép, tóc tai không mô-đen, quần áo không kiểu cách, giày tất rất bình dân. Vì thế nên tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi từ từ nói chuyện, tôi được biết An là sáng lập một tổ hợp giáo dục rất có tiếng tăm, xuất bản tự truyện về thời sinh viên của cậu ấy ngay khi vừa rời khỏi giảng đường đại học và đã có kinh nghiệm vài năm trong ngành công tác xã hội, quản trị bản thân. Sau này tìm hiểu thêm trên facebook, tôi còn biết An năng động hơn mình tưởng tượng. Cậu ấy có vẻ như đã đi khá nhiều nơi trên thế giới, tham gia các hoạt động cộng đồng dành cho người trẻ và mê phượt!

Khi An ngủ gà ngủ gật thì tôi ngồi im lặng ở đằng sau và nghe nhạc. Trên suốt khoảng thời gian hơn 5 tiếng đồng hồ, mẹ An kiên nhẫn ngồi chăm chú quan sát đường với ba cậu ấy. Hai người nói chuyện với nhau và chia sẻ về giao thông, về tình hình mãi lộ, về những chốt bắn tốc độ, về cả những câu chuyện mà tôi không hiểu lắm. Cho tới một đoạn đường “có vẻ an toàn”, ba An quay lại hỏi An có muốn lên tập lái hay không? Cậu ấy nói chưa sẵn sàng cho việc ấy và hẹn lần sau. Đến khi xe chạy tới đoạn đường đèo dốc đầy những khúc cua nguy hiểm thì ba cậu ấy “say sưa” giảng giải nguyên tắc lái xe và chia sẻ kinh nghiệm với con trai.

Sở dĩ tôi cho chữ “say sưa” vào trong ngoặc kép, vì ngay cả khi có vẻ nói nhiều và liên tục, ba An vẫn giữ nhịp điệu một cách đều đều, nhẹ nhàng thong thả và chắc chắn. Còn cậu ấy thì cũng trả lời “dạ thưa ba, vậy ạ”, “dạ thưa ba, con đã hiểu rồi”, “dạ thưa ba, con đã nghe rồi”. Tôi cũng để ý có đôi khi An vừa định nói mà ba cậu lên tiếng trước thì An ngưng ngay lại, im lặng lắng nghe cho tới khi ba nói xong một lúc cậu ấy mới lại tiếp tục câu chuyện của mình. Sau khi đã quen với mọi thứ xung quanh, tôi nhận thấy gia đình của An thật đúng kiểu mẫu gia đình hạnh phúc. Có ba mẹ yêu thương nhau, con cái giỏi giang thành đạt, nhà cửa đủ đầy thuận hòa yên ấm. Thật cuộc sống đâu còn mong gì hơn thế?

Tôi hỏi ba An chú đang công tác ở đâu? Ba An nói bây giờ chú làm công ty TNHH, lúc trước có xưởng sản xuất trà nhưng sau đó bị chiếm dụng nên không làm tiếp. Ngay khi ba An nói vậy thì tôi im bặt, không dám lên tiếng nữa. Tại vì tôi có một dự cảm rằng đó sẽ là một câu chuyện không mấy vui vẻ và nó không nên được nhắc tới trong khung cảnh hạnh phúc thế này.

3.
Đặt chân vào căn nhà của gia đình An trên Bảo Lộc, tôi tiếp tục bị choáng thêm lần nữa vì diện tích quá lớn của nó trong khi ở ngay mặt tiền đường (quá lớn so với số lượng 3 người mà tôi nghĩ thôi). An dắt tôi xuống vườn phía sau nhà và giới thiệu khu vực trồng cà phê, trồng bơ, mít tố nữ và nhiều loại cây ăn trái khác. Chúng tôi cứ đi mãi đi mãi, từ khu này qua khu khác, từ hàng rào này qua cánh cửa khác cho tới một lúc An nói hình như chỗ này cũng là đất của nhà em hay sao ấy thì tôi bảo thôi quay lại. Và cũng như căn nhà trên thành phố, căn nhà ở đây cũng tạo cho tôi một cảm giác thân quen vì cái gì cũng vừa phải, tiện dụng, đủ xài và không gây ra sự xa hoa, hào nhoáng.

Nghỉ ngơi một lát, An lấy xe honda của mẹ chở tôi đi lang thang khắp nơi để giới thiệu trước khi chạy xuống khu vực hồ nước. Ngay khi tôi còn đang thắc mắc làm cách nào để xuống dưới quan sát thì An thản nhiên nói cậu ấy sẽ… phi xe xuống! Tôi bảo không không để tôi tự xuống vì làm như thế thì nguy hiểm quá. Tôi kêu An dừng lại để tôi đi bộ xuống trườn đồi, còn cậu ấy nhất quyết theo lối mòn thả dốc cho xe phi xuống làm tôi muốn đứng tim mấy bận. Chỉ vì tôi không nghĩ một người hiền lành “công tử” lại dám cả gan làm như vậy. Sau đó An mới nói với tôi rằng cậu ấy đi phượt thường xuyên và lao xe như thế là việc bình thường!

Sau đó, khi chở tôi vào tham quan thác, đi qua một dãy nhà xưởng sản xuất trà thì An giới thiệu đây là nhà xưởng của gia đình ngày trước. “Nhưng vì ba em quá tin tưởng chú làm chung nên khi công ty lớn lên thì bị chiếm mất rồi”. Tôi thực sự không nghĩ người ta có thể thản nhiên nói về sự mất mát một cách nhẹ như không đến vậy! Thực sự khi nghe ba An nói về xưởng sản xuất trà tôi cũng không hình dung nó lại lớn đến thế này. Nhưng nếu so sánh với cơ ngơi hiện tại của gia đình cậu ấy thì cũng phải như thế mới là phù hợp!

4.
Đi thăm quan du lịch và giải quyết công chuyện xong xuôi về tới nhà thì đã 6h. Mẹ của An nấu nướng và dọn cơm ra bàn gồm có rau xào, canh chua với lại cá sốt cà. Cô liên tục gắp đồ ăn cho tôi và nói… coi như đây là ăn sinh nhật. Tại vì hôm nay là sinh nhật An, còn hôm qua là sinh nhật của cô. Hôm nay cô cháu mình ăn sinh nhật chung luôn! Khi biết tôi sẽ quay lại Sài Gòn vào lúc 7.15 phút tối thì cô cứ nói sao lại thế. Thôi cháu hủy vé ở lại với cô và em đi. Cô tưởng cháu ở đây lâu nên hôm nay không làm gì hết, cô đã ngâm bột rồi để ngày mai làm bánh canh. Rồi cô kể thêm thực đơn của buổi trưa mai và chiều mai nữa.

Cô nói tôi phải ăn nhiều vào và phải giúp cô ăn hết đồ ăn vì ăn cá tốt lắm và đây là cá của gia đình nuôi nên rất yên tâm. Tôi bảo cô ơi, khi An dắt cháu đi ra vườn thì cháu không thấy có ao thì phải? Cô nói à đây là ao ở khu đất bên kia. Đại khái là gia đình cô còn có mấy “cái” (khu đất) như vậy nữa và một trong những cái đó thì có hồ nuôi cá! Nói chung tôi đã quen cách nói nhẹ nhàng, bình thản như không của mọi người khi kể chuyện, từ việc bị chiếm xưởng sản xuất, đến việc “tổ chức sinh nhật” chung của 2 mẹ con nên việc nhà An có thêm vài cái “đồn điền” nữa tôi cũng không lấy làm bất ngờ cho lắm.

Rồi khi ăn xong, mẹ của An đi tìm lấy cho tôi một sấp khoảng hai chục cuốn Văn Nghệ Quân Đội làm quà tặng chiến sĩ Trường Sa. Khi An chạy ra ngoài nghe điện thoại, tôi nói với mẹ của An rằng “cô ạ, cháu có việc nên không thể ở lại lâu hơn, nhưng thực sự chuyến đi này làm cháu suy nghĩ nhiều cô ạ”.

“Cháu thực sự cảm thấy rất vui vì cảm nhận được gia đình cô là một gia đình vô cùng hạnh phúc. Cháu thấy cô chú và An liên tục quan tâm đến nhau, nói chuyện một cách chân tình và thẳng thắn với nhau. Cháu cũng rất quý chú cô ạ, và cháu thấy An thật may mắn khi có một người cha như thế. Thông thường thì cha con ít khi có thể nói chuyện một cách đầy quan tâm và yêu thương như thế cô ạ. Thực sự là cháu thấy rất bất ngờ. Cháu chơi với bạn lúc nào cũng mong bạn được vui vẻ. Nhưng riêng với An thì cháu thấy việc đó là không cần thiết nữa rồi cô ạ”.

Cho tới tận lúc ra xe, mẹ An vẫn cố nài nỉ tôi mang về mấy quả bơ từ vườn nhà nhưng tôi từ chối. Một phần vì tôi ngại đi xa mang vác, nhưng lý do chính là tôi cảm thấy mọi thứ ở trong căn nhà này, gia đình này cứ phù hợp và gắn kết với nhau làm sao ấy. Từ chiếc xích đu bằng sắt khá cũ ở mái hiên phía trước với 2 chú chó lim dim nằm ngủ, bộ bàn ghế giản dị ở căn phòng khách cho tới cả cánh cổng sắt dẫn ra vườn với ổ khóa đã hoen rỉ vì mưa nắng. Mỗi thứ đều góp phần để tạo nên một tổng hòa của sự hạnh phúc, bình yên cho gia đình cậu ấy. Một định nghĩa hạnh phúc làm tôi thấy vừa khâm phục mà lại rất hoang mang!

5.
Từ trước đến giờ, với những gì đọc được trên sách báo và cả sự trải nghiệm trong thực tế, tôi đều nhất quyết cho rằng hạnh phúc, tiền bạc, gia đình, vợ chồng con cái, được thua và công danh sự nghiệp là những thứ gì đó thật khó lòng hòa hợp. Tôi đã gặp nhiều gia đình giàu có như và hơn gia đình An gấp cả trăm lần nhưng vợ một nơi, chồng một nẻo, mỗi người có một cuộc sống riêng, một thế giới riêng. Tôi đã từng thấy những gia đình cha mẹ ngồi khóc trên đống tiền vàng của cải, gia tài khi bất lực chứng kiến con mình sa đà vào nghiện hút xì ke ma túy, đua đòi hư hỏng.

Tôi đã từng cho rằng những mất mát trong đời, những lọc lừa gian dối sẽ làm cho con người ta trở nên tổn thương và nhìn đời với ánh mắt đầy ngờ vực không còn trong sáng. Những nỗi đau sẽ ám ảnh, thôi thúc người ta hành động, trả đũa và hả hê chiến thắng với một tâm hồn đã không còn an nhiên như trước nữa. Nhưng những “cái tưởng như” ấy tuyệt nhiên không hề tồn tại trong bất cứ một thành viên nào trong gia đình này cả. Ba An nói với tôi rằng sau khi bị “chiếm đoạt” sự nghiệp thì “chú thấy chán nên thôi không làm (tiếp công việc đó) nữa”. Còn lúc chạy xe qua phân xưởng cũ, An chỉ đơn giản nói với tôi rằng “ba em tin người quá anh ạ”. Mọi người cứ nói một cách nhẹ nhàng như đó chưa bao giờ là một sự cố lớn trong đời?

Hạnh phúc để thành công
Hạnh phúc để thành công

Tôi thì nghĩ chính thái độ sống không đặt nặng và phụ thuộc tiền tài vật chất, coi trọng tình yêu thương, nền tảng và hạnh phúc gia đình chính là nguyên nhân sâu xa để cha mẹ cậu ấy có thể bình thản vượt qua giông bão, và xây dựng lại sự nghiệp, thành quả như những gì ngày hôm nay tôi thấy.

Tôi kể lại câu chuyện này như một thông điệp nhắn gửi đến tất cả mọi người rằng nếu bạn cũng như tôi, đã từng có lúc nghĩ rằng cuộc sống này buộc chúng ta phải lựa chọn giữa hạnh phúc gia đình và công danh sự nghiệp thì đó là suy nghĩ không chính xác. Hãy dành thời gian yêu thương và quan tâm chăm sóc để tạo nên sợi dây gắn kết tình cảm gia đình trọn vẹn. Thành công có thể mang lại niềm vui sướng cho chúng ta trong chốc lát nhưng một gia đình nồng ấm yêu thương mới thực sự mới là nền tảng để mang lại sự thành công và bình an trọn vẹn.

Nguồn Nguyễn Ngọc Long: https://goo.gl/r8DHBY

Người tử tế
CÙNG NGỌC TRINH TẠO RA NHỮNG SỐ 0 ĐẦY SỨC MẠNH

Your email address will not be published. Required fields are marked *