Tết Xưa còn hay mất? Em nghĩ còn tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người, mỗi gia đình, và mỗi vùng quê trên khắp dải đất hình chữ S này. Nhưng theo em, Tết Xưa thực sự đã chết.
Tết xưa của thế hệ trước có thể là những gói muối, gói đường được phân phát, những cái…lốp xe thưởng Tết, hay những gói mứt bìa hồng liên xô. Tết xưa có thể là tiếng pháo đùng đoàng, hội chùa náo nhiệt đông vui. Tết xưa cũng có thể là tiếng khèn tiếng chiêng náo nhiệt, cũng có thể là lời ca tiếng hát trong lễ hội ném khoòng, là tiếng ai lảnh lót bên cây nêu cao chót vót ở sân đình.
Nói về gia đình, Tết xưa có thể là nồi bánh chưng đầy đặn, là củ khoai vùi bếp của con trẻ, là chú mèo cuộn tròn bên đống do. Tết xưa cũng có thể là tiếng lợn kêu eng éc, hàng xóm đụng nhau một ẻm lợn béo tròn. Tết xưa cũng có thể là tiếng cười nói hân hoan và tình cảm ấm áp của 4 thế hệ đoàn viên.
Tết xưa, cả gia đình ăn chung 1 mâm cơm, Tết nay, trẻ con ăn Tết ngoài quán game bằng tiền lì xì, người trẻ ăn tết ở Thái, ở Sing, vì họ cho rằng cuộc sống là p hưởng thụ, người lớn thì ăn tết trên bàn nhậu, trên chiếu bạc, người gia hoài niệm bằng cách nhớ về ngày xưa, và an ủi nhau bằng những câu chuyện xưa cũ… Dường như cả xã hội lãng quên đi ý nghĩa thực sự của ngày Tết là đoàn viên, là sum họp, là tình cảm gia đình nồng ấm. Đó mới là Tết, chứ không phải là một-kỳ-nghỉ-dài-ngày.
( Bài dự thi “Tết xưa chưa mất” của Huong Giang Hoang)