Hôm trước, mình có một màn chặt chém khá thú vị với một anh làm thương hiệu.
Status của anh í viết thế này:
“Hiện tượng anh trồng ổi cho thấy sự đói khát của truyền thông và nghèo nàn của thị hiếu. Cậu này hiền lành. Chỉ có một số con Kền kền là ác thôi. Cách thiết thực nhất để giúp cậu ấy sống bình thường là đừng viết, đừng post, đừng nhắc tên cậu ta nữa. Tất nhiên là đừng lợi dụng mời cậu ta làm liveshow nữa. Lố bịch quá”.
Quả tình, đọc cái status mình thấy vô cùng xốn mắt.
Thứ nhất, mình xốn mắt với chữ “nghèo nàn của thị hiếu”. Vì những quy kết kiểu thế này, cũng chẳng khác gì tuyên bố ăn thịt chó là vô đạo đức, hút thuốc là kém văn minh, nghe nhạc của Bảo Thy là nghe nhạc chợ. Có tranh cãi hoài thì cũng không đi vào hồi kết. Mà may quá, ngay khi mình “chất vấn”, anh làm thương hiệu đã nói đó là quan điểm cá nhân.
Thứ hai, mình xốn mắt với tuyên bố “cách thiết thực nhất để giúp cậu ấy sống bình thường là blah blah blah”. Trời ơi, sao xã hội bây giờ có nhiều người thích chịu trách nhiệm cho cuộc sống của người khác quá vậy? Thế nào là sống bình thường và thế nào là sống bất thường? Sống thế nào là bình thường thì bản thân mỗi người tự biết chứ làm gì có chuyện một người nào đó… biết dùm?
Mình nhảy vô chất vấn anh làm thương hiệu “Anh có hỏi chuyện với Lệ Rơi chưa mà biết cậu ấy đang bị sống bất thường?”. Anh làm thương hiệu nói chưa. Tất nhiên chứ, vì mình biết rõ Lệ Rơi mà, he he (chuyện cá nhân thôi, xin đừng hỏi sâu vào nhé).
Mình chất vấn thêm câu cuối: “Nếu bây giờ em thuyết phục Lệ Rơi ngưng làm liso, ngưng giao lưu trực tuyến, quay lại chỉ trồng ổi thôi và hát karaoke thu âm tung lên youtube như cũ (như cách sống bình thường mà anh muốn ấy), anh có trả bạn ấy 20 triệu, bằng một phần rất nhỏ số tiền mà bạn ấy đang kiếm được với việc làm quảng cáo đàng hoàng của cậu ấy không?”.
Trời ơi, thiệt tình mình cũng ân hận sau câu hỏi ấy, vì hỏi cho vui vậy chứ mình biết rõ câu trả lời mà. Nghĩ gì anh làm thương hiệu chịu trả tiền cho người khác khi người ta sống theo cách anh í muốn? Anh làm thương hiệu bảo “A không thích tranh luận vấn đề này. Anh dừng tại đây nhé” (Vâng, ngay từ trước khi đặt câu hỏi em đã hình dung cuộc tranh luận sẽ kết thúc bằng một câu như thế. Thật, em tài quá).
Thứ ba, mình xốn mắt với cái cách gọi Lệ Rơi là “anh trồng ổi”. Mà khổ nỗi, anh làm thương hiệu cứ gọi đi gọi lại mấy lần như thế, kiểu nhất quyết không dùng chữ Lệ Rơi, hoặc ít nhất cũng gọi tên đàng hoàng của người ta là Đức Hậu. Để đồng nhất với lời kêu gọi “đừng nhắc tên cậu ta nữa” trên status của anh chăng? Mình thì chỉ thấy đó là một cách gọi rất thiếu tôn trọng. Vô cùng bất lịch sự. Cơ mà mình cũng thử sử dụng cách gọi đó với anh làm thương hiệu, thay vì dùng chữ anh Đức Sơn, coi cảm giác nó thế nào.
Tới khúc này hết giỡn, trở lại cách gọi nghiêm túc, mong anh Duc Son đừng nghĩ em xách mé ;-)
Chuyện của Lệ Rơi, mình hết muốn bàn, mà mình nhìn rộng ra vấn đề về định kiến và áp đặt. Tất cả chúng ta đang sống trong một xã hội ĐẦY ĐỊNH KIẾN. Ai ai cũng mang đầy định kiến. Chúng ta luôn cho rằng thế này là tốt, thế kia là xấu. Nhưng khổ nỗi, cái định nghĩa tốt xấu CỦA BẢN THÂN MÌNH ấy chúng ta lại cứ muốn gán ghép nó cho người khác.
Trong gia đình, cha mẹ áp đặt con cái phải thế này, phải thế kia. Phải học đại học mới là tốt, trượt đại học xong đi học nghề là mất mặt. Phụ nữ phải có chồng mới được sinh con, nếu không thì cạo đầu bôi vôi, thả trôi sông cho khiếp (may quá đó là quan điểm của thời phong kiến, còn bây giờ thì phong trào single-mom hơi bị thịnh hành).
Ra ngoài xã hội, người ta lại tiếp tục lấy đa số để áp đặt thiểu số. Xăm mình là xấu, da trơn như cá trê là tốt. Trai 20 tuổi, sống đàng hoàng tử tế không vi phạm pháp luật yêu gái 60 tuổi, sống đàng hoàng tử tế giàu có và tất nhiên cũng không vi phạm pháp luật là xấu. Phải trai gái từa tựa tuổi nhau lấy nhau mới là tốt.
Biết bao nhiêu người phụ nữ phải sống mấy chục năm thui thủi một mình, giữ gìn phẩm hạnh từ thời xuân sắc cho đến khi tóc bạc da mồi, chân đi run rẩy mà chưa một lần được nếm trải cảm giác gần gũi đàn ông chỉ vì chưa bao giờ cưới hỏi? Biết bao nhiêu người phụ nữ phải sống vò võ một mình dù thèm đến đứt ruột tiếng trẻ con khóc mếu chỉ vì sợ số đông thấy mình là không chồng mà chửa? Biết bao nhiêu bạn trẻ phải lao đầu vào học đến hoá điên chỉ vì số đông cho rằng phải đỗ đại học mới làm gia đình nở mày nở mặt? Biết bao nhiêu bạn trẻ đã cắm đầu xuống sông hay treo cổ lên quạt trần tự tử khi số đông cho rằng như vậy là thua kém?
Và chính bản thân các bạn nữa, có thể một ngày nào đó sẽ bị gia đình ngăn cấm làm đám cưới với người mà bạn yêu thương chỉ vì anh ấy không có công ăn việc làm “đàng hoàng tử tế” hoặc cô ấy đã từng có một đời chồng. Tại sao vậy? Vì số đông không thích thế, số đông cho rằng như thế thì đời bạn sẽ khổ. Cái số đông luôn muốn sống dùm cuộc sống của người khác ấy thực sự rất tuyệt vời.
Mỗi người chúng ta đều mong muốn có một cuộc sống tự do. Mỗi người chúng ta đều tự quyết định và tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính bản thân mình. Chúng ta không sống cuộc đời của người khác thì đừng bắt người khác phải trở thành hình mẫu mà chúng ta mong muốn. Đừng thờ ơ nữa và đừng coi các phán xét đó là một việc đương nhiên. Chừng nào chúng ta còn bị đám đông chi phối, thì khi ấy, làm sao có được sự tự do trong suy nghĩ và quan điểm của riêng mình?
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – July 06, 2014 at 01:26AM)
đọc xong em chỉ mún nói là "em thích anh quá, thích từ cái nhìn đầu tiên … vào bài viết này. :D"
Thường thì ai cũng có, ít hay nhiều. Còn người "không quan tâm", không quan tâm thật hay vì khinh người mà không ngó tới… Lại nói đến tự do. Thích làm gì thì làm, nhưng chớ làm ác… thế nào là ác thì hahaha… :3