Please log in or register to do it.

Hồi ấy tôi mới bước chân vào nghề PR Game. Mọi thứ với tôi thật bỡ ngỡ và mới mẻ. Tôi không có gì hơn một vài mối quan hệ thân thiết với phóng viên và một ông sếp khó tính, nổi tiếng đanh đá và ngoa ngoắt.

Những buổi họp đầu tiên, tôi ngồi rúm ró bởi lời cảnh báo là sẽ “được” nghe chửi từ đầu đến cuối. Sếp không chỉ cho tôi phải giải quyết vấn đề như thế nào, mà toàn đặt câu hỏi. Với một đứa không biết gì về game mà bập vào làm ngay như tôi, đó là cả một cơn ác mộng.

Dần dần tôi cũng quen, mỗi lần tôi trả lời đúng, được sếp ghi nhận ý tưởng, lại thấy vui vui lạ. Tôi đâm ra nghiện cái “món” họp kiểu này hơn những buổi họp chỉ toàn báo cáo.

Nhưng chẳng được bao lâu, sếp được điều chuyển qua vị trí khác, không còn làm trực tiếp với tôi nữa. Tôi được “up” lên vị trí quản lý và lại tiếp tục đắm trong thách thức thứ hai của một đứa đi làm trái ngành mà phải quản lý cả đội nhân viên làm đúng chuyên môn được học. Tôi lo lắng.

Rồi tôi tìm đến sếp để xin lời khuyên. Sau một hồi chuyện trò, tôi đã xin nhận sếp làm sư phụ. Từ ấy, “thầy trò” trở nên thân thiết vô cùng và mọi khoảng cách trước đây tôi vẫn hình dung đều được xóa bỏ.

Công việc không liên quan đến nhau nhưng kỹ năng quản lý, giải quyết một vấn đề thì sư phụ truyền cho tôi thật nhiều. Không phải bằng lý thuyết, mà bất cứ “case” nào về quản lý trong bộ phận của sư phụ, tôi đều được “fw” làm bài học kinh nghiệm. Sau đó một thời gian, thầy chính thức giới thiệu tôi với đội ngũ quản lý trong trung tâm để cùng nhau thảo luận về phương pháp lãnh đạo tình huống trong từng trường hợp cụ thể.

Bao nhiêu cuốn sách quản lý – lãnh đạo mà tôi ôm về để trên giá sách chợt trở nên mốc meo. Bởi tôi đã đọc đi đọc lại mà không thấy ngấm, trong khi tham gia cùng mọi người giải quyết tình huống thì lại “ngộ” ra rất nhiều.

Thời gian sư phụ cùng gắn bó với tôi ở FPT Online không lâu, nhưng những gì tôi học được thì hơn bất cứ trường lớp nào, bởi nó thực tế và linh hoạt vô cùng. Sư phụ không phải là tuýp người được lòng những người xung quanh. Thậm chí, đôi khi còn vướng phải tai tiếng bởi sự thẳng thắn và chua ngoa vốn có. Nhưng với tôi, đó thực sự là một người thầy lớn mà tôi thấy khâm phục.

Ở sư phụ có nhiều điểm “lồi lõm”, không hề tròn trịa và hoàn hảo. Nhưng tấm lòng dành cho một đứa học trò “không công” thì lại là điểm sáng nhất mà tôi có thể cảm nhận. Giờ đây, tuy sống cách xa nhau cả ngàn cây số, nhưng tình cảm thầy trò vẫn thật gần gũi và chân thành. Tôi cũng chưa đền đáp được gì cho thầy, nhưng có lẽ tấm lòng tôi thầy hiểu. Điều đó chẳng thể có được nếu giữa chúng tôi vẫn chỉ là quan hệ của sếp và nhân viên. Tôi thấm thía lắm, ý nghĩa của đại từ nhân xưng “Sư phụ – Đệ tử”.

Nguồn: Trần Thùy Linh – http://goo.gl/waBKTY

Trần Thùy Linh

Chọn đúng nghề thỏa mãn đam mê để có "thành công thụ động"
Để thành công, phải có đam mê

Your email address will not be published. Required fields are marked *