Please log in or register to do it.

Hôm qua, khi phóng viên BBC gọi điện về phỏng vấn tôi (http://goo.gl/TYyNEC) về bài viết CHỜ ĐỢI HÌNH ẢNH CÚI ĐẦU XIN LỖI CỦA BỘ TRƯỞNG THĂNG trên infonet (http://goo.gl/zzKuIC), họ đã hỏi tôi hai câu mà tôi thấy vô cùng thú vị:

1- Có phải ý anh là cần phải quy trách nhiệm cho một người nào đó? Tôi trả lời không. Bài viết đấy đơn giản để thể hiện tâm tư tình cảm của tôi chứ chẳng nhắm vào ai hết.

2- Nhưng cộng đồng mạng họ đưa nhiều bình luận khác nhau và nhìn chung thì cho rằng nên có ai đó đứng ra nhận trách nhiệm.

Tôi trả lời đó là việc của cộng đồng mạng, còn cá nhân tôi viết bài vì lý do mục đích gì thì tôi có sao nói vậy. Nếu tôi định đề xuất, kiến nghị với cá nhân hay tổ chức nào thì tôi sẽ nói. Còn khi tôi có cảm xúc và muốn thể hiện điều đó ra như một lời tâm sự thì mong mọi người tôn trọng.

Đó chính là lý do tại sao tôi “thẳng tay tàn sát” tất cả các comment vào “bình luận”, mà mọi người quen gọi là “ý kiến trái chiều”. Đơn giản vì tôi không có nhu cầu nghe bình luận, tranh luận, phân tích lý lẽ gì hết cả. Và với tư cách là chủ nhà, tôi đòi hỏi khách viếng thăm phải tôn trọng điều đó.

Bạn Lê Hoài Nam bảo rằng bạn comment rất đàng hoàng tử tế, để thảo luận và nêu quan điểm chứ không móc mỉa gì, nên “nếu được thì Long hãy để nguyên [comments] cho mọi người có cái nhìn đa chiều”. Tôi trả lời ngắn gọn “Dạ mình không thích đa chiều. Chiều của ai thì cứ về nhà người đó post thôi ạ”.

Bởi vì tôi thật không rảnh tới mức đi giải thích riêng cho từng người một.

Tôi cảm thấy “Cộng đồng mạng” là một đám đông rất nguy hiểm. Nếu không có một bản lĩnh và lập trường vững chắc, chúng ta có thể bị đám đông đó gây tổn thương bằng nhiều cách khác nhau. Dễ thấy nhất là bị nhức đầu khi đọc comment vì mỗi người một phách. Sở dĩ, có những ý kiến trái chiều như vậy thì – giống như tôi trả lời trên BBC – nguyên nhân chính nằm ở chỗ thói quen.

Cộng đồng mạng không nhiều người thích nêu chính kiến một cách độc lập mà thường “bay vào” bài viết của người khác để bình luận dăm ba câu cho vui miệng.

Tất nhiên, có những comment mà tôi gọi là “chất lượng” khi hiểu thấu đáo nội dung bài viết, hoàn cảnh của bài viết, mục đích của tác giả trước khi họ nêu ý kiến. Nhưng đại đa số bình luận chệch ra ngoài bối cảnh bài viết, đường biên của chủ đề và hay thích quy kết, bắt tác giả phải nhận là “đang thế này hay thế khác” theo suy nghĩ chủ quan của họ.

Bài viết về Việc chờ đợi nhìn thấy Bộ trưởng GTVT cúi đầu xin lỗi là thí dụ điển hình.

Từ 7 năm trước, khi hai nhịp dẫn của cầu Cần Thơ bị sập, tôi đã cùng với báo Người Lao Động thành lập Quỹ Ôm Ấp Ninh Kiều để quyên góp tiền cho con em của các nạn nhân. Sau đó, tôi trực tiếp xuống Cần Thơ để trao học bổng. Và hình ảnh tang thương tôi thấy khi tiếp cận hiện trường đã làm tôi ám ảnh. Thực sự không dễ dàng quên được.

Cho đến 7 năm sau, tức là vừa mới đây thôi, đọc bài viết trên VnExpress về việc ông Đại sứ Nhật Bản ghé thăm khu tưởng niệm các nạn nhân [trong vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ], tôi thấy “bất ngờ”. Sau đó thì cảm động và cuối cùng là có chút gì đó tủi thân.

Tôi cảm động vì tai nạn đã qua được 7 năm, báo chí trong nước và dư luận không còn quan tâm đến việc này nữa, thế mà người Nhật họ vẫn day dứt. Như vậy, đây không phải là một việc làm “thảo mai thảo quả” để lấy lòng nhân dân Việt Nam. Nhưng tự nhiên tôi nghĩ, nếu mà ông Đại sứ của Nhật không xuống Cần Thơ, không cúi đầu xin lỗi để rồi báo chí loan tin thì chắc không nhiều nhớ vụ tai nạn kinh hoàng lúc trước. Vậy là các nạn nhân ngày xưa tôi gặp, rất có thể họ đã bị công chúng, bị truyền thông lãng quên, nếu không có sự xuất hiện của một người ngoại quốc. Nghĩ thế, nên tôi thấy tủi thân và trong lòng thực sự rất buồn.

Cho đến khi xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc ở Lai Châu, tôi thấy mình cần lên tiếng. Vì tôi hiểu một động tác cúi đầu, một câu xin lỗi của người có chức có quyền sẽ thu hút sự quan tâm của truyền thông, qua đó kéo theo sự quan tâm của dư luận, của mạnh thường quân, của các tổ chức xã hội. Và những nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp, họ đều cảm thấy ấm lòng. Một việc nhỏ mà nhiều cái lợi như vậy, có gì phải tranh cãi nên làm hay không nên làm nữa?

Rồi có nhiều người đưa ý kiến việc này quan trọng hơn, việc kia quan trọng hơn, làm cái này được rồi, làm cái kia được rồi… tôi thấy không thỏa đáng. Xã hội phát triển, mỗi người lo một phần công việc. Bạn làm giáo viên thì cứ đi dạy học, tôi làm đầu bếp thì phải được nấu ăn. Chẳng có cái nào là “đáng” hay “không đáng”. Trời lạnh bạn ra đường mặc áo khoác quần len, thì quấn thêm một cái khăn cho ấm cổ có gì sai trái? Tôi đâu nói rằng hãy xin lỗi và đừng làm gì nữa? Tôi nói, làm những việc kia đã tốt rồi, nhưng nếu thêm một câu xin lỗi thì sẽ tốt hơn.

Thế nhưng các bạn cố tình không hiểu và nhao nhao phản đối. Người khác – hiền hơn, hoặc nhát hơn – sẽ chiều theo ý các bạn. Còn tôi thì không.

Buồn cười là, khi đi chia sẻ kinh nghiệm về truyền thông, tôi luôn nhấn mạnh phải có sự tương tác 2 chiều trên mạng xã hội và trân trọng các comment. Có vậy, facebook của các bạn mới xôm tụ và vui vẻ. Nhưng bản thân tôi không làm thế. Biết rằng khư khư giữ vững lập trường quan điểm của mình và không “nịnh” nhữn người tham gia thảo luận có thể sẽ bị ghét, facebook trở nên kém hấp dẫn, bài viết sẽ ít comments, tôi vẫn làm! Vì tôi biết cái gì thực sự quan trọng với bản thân mình, và tôi cũng không phải là đứa dễ bị gây tổn thương bởi một vài profile ảo núp sau bàn phím.

Mạng xã hội tại Việt Nam phát triển quá nhanh và quá nóng. Và tôi cho rằng, đã đến lúc cần có một tổ chức nào đó bỏ thời gian nghiên cứu một cách nghiêm túc các hệ lụy, các nguy cơ tác động về mặt tinh thần mà mô hình này mang tới. Mạng xã hội thực sự không còn an toàn và vô thưởng vô phạt như nhiều người vẫn nghĩ.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – February 27, 2014 at 09:12AM)

Đầu tư tiền ảo Bitcoin - đừng thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào
Chờ đợi hình ảnh cúi đầu xin lỗi của Bộ trưởng Thăng

Your email address will not be published. Required fields are marked *