Sự cố sàn sân khấu The Voice Kids bị sập một ô kính cường lực đã chuyển từ mức độ “thông tin nóng” qua thành “khủng hoảng truyền thông“. Dấu hiệu của việc này là bài viết về sự cố đang được “ưu ái” đưa lên trang nhất, tin nổi bật của VnExpress – báo điện tử tiếng Việt nhiều người đọc nhất Việt Nam.
Vào buổi tối muộn hôm qua, khi thông tin lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí, mọi việc mới chỉ dừng lại ở mức “sân khấu gặp sự cố”. Rất tiếc, bộ phận truyền thông của Cát Tiên Sa đã không tận dụng khoảng thời gian vàng ngay sau khi sự cố xảy ra để “dập lửa”. Nên đến bây giờ, thông tin đã bắt đầu hỗn loạn, có những bài báo nói rằng “sân khấu bị sập”, “vũ công sụp hố”, “sân khấu vỡ từng ô”, “sân khấu bất ngờ đổ sập”…
Khủng hoảng truyền thông leo thang
Một thông tin vô cùng kinh khủng, đặc tả sự căng thẳng của khán giả có mặt ở trường quay và hoảng loạn của một số thí sinh nhí đã được vẽ ra trên báo chí. VnExpress và vài tờ báo khác mô tả tỉ mỉ việc nhân viên quay phim bị chảy máu tai, may 3 mũi, trong khi có em nhỏ bị trầy xước, toét chân với “tình trạng rất nặng nề”. Mặc kệ đại diện ban tổ chức cố sức trần tình rằng các bé đã ổn định và về nhà sau khi được sơ cứu từ bác sĩ.
Đáng tiếc khi người đại diện Cát Tiên Sa đã nói rằng “không hiểu sao kính lại có thể vỡ”. Đây rõ ràng là một câu nói hớ. Vì ngay sau đó, vị này khẳng định như đinh đóng cột rằng “Chúng tôi cam kết không bao giờ để xảy ra sự cố này nữa”. Trong khi khán giả đang cần câu trả lời cho câu hỏi “tại sao?”, thì ban tổ chức lại nói rằng “không biết”. Đã là không biết, tức là không rõ nguyên nhân, thì dựa vào đâu để họ đưa ra cam kết? Và cam kết như vậy, thì có trấn an được khán giả hay không?
Sẽ tốt hơn, nếu ngay trong tối, Cát Tiên Sa họp khẩn cấp với các bộ phận liên quan, bao gồm cả VTV – đơn vị đứng mũi chịu sào để thành lập một nhóm chuyên trách đi “điều tra” về sự cố. Họ có quyền nói rằng “chưa biết”, “đang điều tra tiếp” thay vì nói rằng “không biết” hay “không hiểu nổi”. Những người làm ra sự cố còn không hiểu thì ai hiểu? Mà nếu thực là không hiểu thì báo chí sẽ phải tự đi tìm hiểu tiếp. Vậy thôi.
Cát Tiên Sa đã làm được việc thể hiện rõ sự quan tâm tới những người bị tai nạn sau sự cố. TRONG HẦU HẾT CÁC KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG, ĐÓ LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT. Nhưng, lại nhưng, quá đáng tiếc khi các thông tin thể hiện trên báo chí không làm rõ được “cảm xúc” trong những động tác quan tâm đấy.
Đọc những câu thế này, thật khó để nói rằng có sự chân thành trong đó: “Các nạn nhân chỉ bị trầy xước chứ không bị thương nặng. Với những trường hợp này, BTC sẽ chịu trách nhiệm và sẽ đền bù thỏa đáng. Đặc biệt, phải cảm ơn Hà Trang vì xảy ra sự cố mà vẫn làm chủ được sân khấu, giữ bình tĩnh để biểu diễn, không bị rơi nhịp”.
Sẽ tốt hơn nếu bỏ đi chữ “không bị thương nặng”, thay vào đó Cát Tiên Sa có thể mô tả rõ tình trạng của các “bệnh nhân” và cho người đọc tự đánh giá tình hình. Vì suy cho cùng, rất khó mang cái hình ảnh “sập sân khấu bằng kiếng cao 1m” để bắt người đọc cố gắng tin rằng rốt cuộc các nạn nhân chỉ bị dính một vết muỗi đốt mà thôi. Tôi cũng tự hỏi, sao Cát Tiên Sa không để chính các em thí sinh và nhân viên quay phim nói ra câu đó? Hoặc ít nhất để bác sĩ là người có chuyên môn phát biểu về tình hình liệu có thuyết phục hơn không?
Các báo đều được “bơm tin” rằng Ban tổ chức đã tổ chức đi thăm khám, nhưng chẳng hiểu sao chẳng có một tờ báo nào chịu đưa hình minh hoạ? Là do bộ phận truyền thông quên không gửi? Hay quên “nói nhỏ” nhờ vả phóng viên đưa hình ảnh đó lên?
Khủng hoảng truyền thông đeo bám VTV
Điểm cuối cùng làm cho tôi thấy tiếc là vai trò của VTV trong khủng hoảng này đã bị làm mờ. Có thể VTV không muốn “dính phốt” bằng việc đưa Cát Tiên Sa ra chịu báng. Nhưng dù chẳng có một chữ VTV nào trong các bài báo đưa tin về sự cố, khán giả vẫn cứ tự hiểu rằng đây là một chương trình “của VTV tổ chức” đấy thôi. Ngay cả kênh truyền thông chính của VTV là trang web vtv.vn cũng không thấy đưa tin nổi bật để giải thích chi tiết về sự cố. Như thể đây là một việc không đáng phải bận tâm?
Lời khuyên của mình cho những sự cố truyền thông tương tự:
- Nhìn thẳng vào sự cố, không trốn tránh
- Đưa lời hứa mạnh mẽ về việc không “tái phạm” dựa trên việc thấu hiểu nguyên nhân
- Quan tâm đến các nạn nhân một cách chân thành, coi đó là việc quan trọng chứ không phải làm kiểu đối phó, cho qua, lấp liếm
- Để cho bác sĩ và nạn nhân tự nói về tình hình sức khoẻ của mình (tất nhiên phải “hướng dẫn” để cho họ nói theo chiều hướng tích cực nhất có thể, họ sẽ sẵn sàng giúp mình việc ấy).
- Cập nhật cho báo chí tin tức, hình ảnh, video clip thể hiện tình hình “sức khoẻ” đã ổn định của nạn nhân. Đặc biệt, cần tận dụng các kênh truyền thông có sẵn, và chính thức của mình.
- Cuối cùng mới đến việc công bố kỷ luật xử lý những người gây ra tai nạn, đe doạ những người tung tin này kia nếu có. Và rất nên tránh nói đến việc “bồi thường” vì nghe nó “sòng phẳng” nhưng lại vô tình quá thể.
- Nên nhờ tư vấn. Đôi khi không phải vì người tư vấn “giỏi hơn”, mà vì họ ở ngoài thì sẽ sáng suốt hơn. Gọi cho ai cũng được, he he he he.
Chúc Cát Tiên Sa và VTV sớm ổn định tình hình. Chúc anh quay phim và các em thí sinh chóng khoẻ.
(Theo dõi các phản hồi đa dạng góc nhìn trên facebook Nguyễn Ngọc Long Blackmoon)