Cô giáo chờ rất lâu mới có thể lên tiếng vụ Sách Giáo Khoa, vì thấy xung quanh mình quá nhiều ý kiến phản đối, chửi rủa, mạt sát bộ sách này.
Thật bất ngờ, những ý kiến đó lại đến từ nhiều facebookers bạn bè – những người mà cô hay follow để đọc. Nên cô nghĩ, chắc là họ nêu ý kiến thật chứ không phải đang ăn tiền để “đánh hội đồng”. Thế nên cô phải từ từ, để suy xét mọi thứ với sự cẩn trọng gấp 10 lần, trước khi đưa ý kiến.
Và sau khi tổng hợp lại, cô kết luận, nhóm Cánh Diều không phải bị “đánh hội đồng” mà đang bị “đấu tố” theo một cách rất man rợ.
Có thể đối thủ của họ là nhóm lợi ích cạnh tranh nào đó sẽ hưởng lợi, nhưng cô không cho rằng nhóm này giật dây được cả xã hội. Nguyên nhân nằm ở chỗ, nhóm Cánh Diều đã làm sai chứ không hề đúng. Hội đồng thẩm định cũng sai, Bộ giáo dục cũng sai, giáo viên cũng sai và phụ huynh càng sai hơn nữa.
Bài dài, viết rất mỏi tay, nên đề nghị các em đọc kỹ trước khi phản biện.
1. Tại sao lại gọi sự phản ứng giận dữ này của dư luận là một cuộc đấu tố?
Đấu tố gắn liền với cải cách ruộng đất. Khi sự kiện này diễn ra, người ta cho rằng nó đúng. Đúng mới làm, sai thì không ai làm cả (với lưu ý đúng-sai là nhận thức cá nhân, và có tính thời điểm). Cải cách 1953 – 1956 dựa theo triết lý người cày có ruộng, theo tư tưởng Mác-Lê về sự công bằng với niềm tin rằng cải cách này là con đường đúng đắn để xây dựng một xã hội hạnh phúc theo mô hình chủ nghĩa.
Sau đó, cuộc cải cách này từ “đúng” bị nhìn nhận thành “sai”. Rồi bây giờ (khoảng nửa thế kỷ sau), thì wiki viết rằng “việc thi hành bị mất kiểm soát, […] nông dân quá khích ở các địa phương đã lạm dụng việc xét xử địa chủ để trả thù cá nhân, thậm chí xảy ra việc dân chúng vu oan và tấn công cả những đảng viên, cán bộ chính quyền”.
Có thể thấy, cải cách ruộng đất dựa trên một mục tiêu đúng (mong muốn xã hội công bằng hơn, để từ đó tạo ra hạnh phúc toàn dân), nhưng cách làm sai.
Đến bây giờ, nếu chấp nhận quan điểm rằng Chủ nghĩa Xã hội là ưu việt hơn Chủ nghĩa Tư bản, và phải có quá trình tích lũy tư bản xong xuôi mới tiến lên được chủ nghĩa xã hội (giống như việc Thủy Tiên thừa ăn rồi, thì cô ấy sẽ kêu gọi và bỏ tiền túi được vài chục tỷ đi cho đồng bào mà không tiếc ấy) thì sẽ thấy cái sai của Cải cách ruộng đất không phải do “nóng vội” dẫn tới “mất kiểm soát”, mà sai ở việc đốt cháy giai đoạn. Chưa tư bản, thì chưa thể nào chủ nghĩa. Có không nóng vội rồi cũng vẫn sai thôi.
Tương tự như việc, kêu gọi người nghèo, người đói ăn đi làm từ thiện sẽ không bền vững (làm được, chỉ không bền vững thôi), vì nó kéo tất cả cùng đi xuống, tất cả nghèo hơn.
Như vậy, đặc trưng của đấu tố là “có lý do để đấu tố”, có đầy đủ sự giận dữ “hợp lý”, nhưng bị “mất kiểm soát” nên tổng thể “từ đúng thành sai”. Nhìn xem, những yếu tố này có mặt rất đầy đủ trong “vụ án sách giáo khoa” mà cô sẽ phân tích dưới đây.
2. Tại sao cô kết luận nhóm Cánh Diều đã làm sai?
Về nội dung sách giáo khoa, cụ thể là những gì các em đang “đấu tố”, cô thấy các em nói đúng. Ngoại trừ việc chỉ trích vụ “4 cái làn” nói lái thành “bán cái lồn” đầy khiên cưỡng, đúng kiểu tát nước theo mưa (mà vụ này cũng chả liên quan đến sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều), thì các nội dung khác như:
a- Sử dụng từ ngữ khó hiểu (nhá, nhai)
b- Sử dụng quá nhiều thứ “phỏng theo”, “ghi lại” của nước ngòai mà bỏ qua kho tàng văn học đầy chất thơ của Việt Nam
c- Sử dụng các câu chuyện đa nghĩa có thể hiểu theo hướng tốt – xấu
d- Sử dụng quá nhiều… giấy, nhiều trang sách ấy, khiến việc học trở nên nặng nề cho cả Phụ huynh và Học sinh
e- … vân vân
các em nhận xét đều đúng cả.
Nhưng sau khi coi một phóng sự rất hay của VTV phỏng vấn các giáo viên thì cô hiểu ra rằng điểm mấu chốt của cải cách lần này nằm ở chỗ thay đổi cách dạy và cách học với mong muốn “cởi trói cho cả giáo viên và học sinh”.
Ngày xưa, chúng ta “học theo sách giáo khoa”. Ngày xưa, giáo viên “dạy theo sách giáo khoa”. Sách giáo khoa định hướng từ đầu rằng Cám là xấu, Tấm mới tốt thì giáo viên cứ việc bê cái đó lên mà dạy. Rồi học sinh cứ việc học theo như thế. Đứa nào dám nói Tấm giết mẹ giết em với hành vi dã man mới thực sự là con mụ ác ôn sẽ bị 1 điểm luôn.
Cải cách lần này… đỡ tệ hơn một tí. Theo đúng kiểu định hướng âm thầm.
Thay vì nói luôn trong sách giáo khoa rằng Cám xấu – Tấm tốt, thì sẽ khái quát thành trong năm học thứ nhất, cần dạy trẻ con rằng “ác giả ác báo”. Cái này gọi là “định hướng”. Từ định hướng đó, ông A thích mang truyện Tấm Cám ra làm thí dụ để đưa vô sách cũng được. Bà B thích mang phim Tôn Ngộ Không hay 50 sắc thái đưa vô sách cũng OK luôn. Thích đưa cái gì thì đưa, miễn nó “đúng” theo định hướng.
Chính vì như vậy, trong phóng sự của VTV, các cô giáo (cô giáo thật ấy, không phải cô Long) nói rằng các cô thích lắm vì được tha hồ bung xõa. Cô nào lười thì vác luôn sách giáo khoa ra dạy (sách nào trong 5 bộ hiện có cũng được). Cô nào chăm chỉ và rảnh háng như cô Long thì sẽ tự đi lôi truyện khác trên mạng xuống chế ra thành bài giảng của riêng mình – sách giáo khoa của riêng mình cũng được. Miễn đúng định hướng “ác giả ác báo” thì sẽ OK thôi.
Chính vì cái “không gian sáng tạo” này mà cần đến một đội gác cổng để thẩm định xem, cùng là định hướng “ác giả ác báo” thì nội dung nào, thơ văn, hò, vè, truyện ngắn, truyện dài nào được coi là “đúng”, và nội dung nào là “sai”. Đội gác cổng này chính là hội đồng thẩm định sách giáo khoa.
Thí dụ, chúng ta có thể mang Tấm Cám ra để dạy cho trẻ về “ác giả ác báo”. Rõ ràng mẹ con Cám bị giết chết vì dám tung chưởng trước với Tấm, như vậy là “đúng định hướng” rồi. Vậy thì đưa truyện này vô sách là đúng, không sai. Nhưng truyện lại có tình tiết giết người ghê rợn, có đề cập nam nữ lấy chồng cưới vợ, liệu trẻ có học theo không? À cái đó thì gọi là “phù hợp”, hoặc không “phù hợp”, “phù hợp ít”, “phù hợp nhiều”…
Tương tự như thế, dạy trẻ ghép vần với chữ A thì đưa từ NHÁ rồi dạy Nhờ-A-Nha-Sắc-Nhá là đúng, không sai. Nếu bỏ chữ Nhai vô mà trẻ chưa học vần AI mới là sai. Còn chuyện khái niệm “nhá” là gì, “nhá” có thông dụng không, thì sẽ quy vào việc “phù hợp ít”. Mà phù hợp hay chưa phù hợp, phù hợp ít hay phù hợp nhiều, thì theo chương trình cải cách, giáo viên sẽ là người định hướng cho trẻ con tại chỗ.
“Phù hợp ít” nhưng nó “đúng” chứ không “sai” thì Hội đồng thẩm định không ngăn cản được vì “nhóm biên soạn sách giữ ý kiến của họ và phải tôn trọng họ” (theo lời GSTS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt trả lời trên VOV). Cô giáo thấy trả lời vậy là hoàn toàn hợp lý, chỉ không hợp tình, hợp ý với số đông thôi, he he.
Rõ ràng về mặt “phần cứng” thì nhóm Cánh Diều hoàn toàn đúng, không sai đâu. Sách của họ biên soạn ra đảm bảo cần dạy cái gì thì sách có đủ cái đó. Và – cái này cô dựa trên niềm tin – rằng họ có đủ kiến thức uyên bác về giáo dục, về đào tạo để bỏ vô đó những thứ mà họ cho là đúng, là tốt cho cả trẻ con và giáo viên. Họ chỉ sai ở 2 chỗ:
- Một là, chưa làm cho dư luận hiểu đúng điều này.
- Hai là, theo đúng tinh thần cải cách thì sách chỉ là phương tiện, giáo viên mới diễn giải nó ra để cho học sinh hiểu “đúng”. Nhưng các bên đang quên mất một điều chúng ta không phó mặc con em hoàn toàn cho nhà trường. Thế nên giáo viên ở đây phải bao gồm cả giáo viên cha giáo viên mẹ ở nhà. Vậy thì sách được viết ra cho giáo viên có thể dạy được các em, mà cha mẹ không dạy được hoặc rất khó khăn để dạy được cho con, hoặc làm cho cha mẹ bị lên đồng tập thể, thì đó là SAI.
Mặc dù cái sai này, có thể là sai từ tận định hướng lớn ở phía trên (quên mất phụ huynh cũng là giáo viên, và là lực lượng giáo viên cơ hữu rất đông đảo). Nhưng nếu thực tâm lắng nghe và đừng nghĩ rằng mình đang bị đánh hội đồng, đừng nghĩ rằng cha mẹ học sinh là thế lực thù địch, đừng cho rằng giáo viên dùng được sách là được rồi, phụ huynh ngu si không dùng được kệ cụ chúng nó, lũ đần ấy chưa hiểu hết cái hay cái giỏi của mình, thì cô giáo tin rằng nhóm Cánh Diều thừa sức để dẹp tự ái qua một bên và sửa chữa lại bộ sách một cách đúng nhiều hơn nữa.
Cái đúng mà cô đề cập ở đây không phải đúng sai về mặt chuyên môn mà là đừng để các phụ huynh cứ phải lên đồng. Hãy làm sao để cuốn sách mang ra không chỉ cho “giáo viên trong trường” hiểu và dạy được, mà “giáo viên ở nhà” cũng phải hiểu và dạy được. Tức là vừa “đúng” về phần cứng, mà vừa “phù hợp nhiều” về phần mềm thì quá tuyệt. Tất nhiên, làm được như vầy thì khó đấy, cực kỳ luôn khó đấy, he he.
[Bổ sung] Bạn Hoàng Văn Minh nói “Anh Long bỏ qua 1 ý, người ta chửi vì […] nội dung rất không phù hợp với lứa tuổi lớp 1” thì mình hoàn toàn đồng ý. Quan điểm của mình là với trẻ con thì không cần phải đa nghĩa sâu sắc gì cả, và tránh cái kiểu hiểu theo hướng nào cũng được, rồi bắt cô giáo – phụ huynh phải uốn nắn các em. Hãy tìm những câu chuyện mà chỉ hiểu theo nghĩa tốt đẹp ấy, dạy cho các con thì quá sức OK. Và nội dung này nằm ở trong đoạn mà mình nói nếu nhóm tác giả chịu tiếp thu thì sẽ có những nội dung vừa đúng mà vừa phù hợp [hết bổ sung].
3. Tại sao cô kết luận hội đồng thẩm định đã làm sai?
Như phân tích phía trên, thì rõ ràng hội đồng thẩm định thực sự rất đau đầu nhức óc. Để chỉ ra “đúng” hay “sai” về mặt phần cứng thì quá dễ dàng (dễ với họ thôi chứ đưa cô thẩm định, cô nổ não chết cụ cô luôn). Nhưng để chỉ ra cái nào “phù hợp ít hay nhiều” thì quả là khó khăn vất vả. Thế nhưng họ đã làm được điều đó, và vẫn theo lời của GSTS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt trả lời trên VOV thì “tất cả những hạt sạn mà dư luận chỉ ra” thì họ cũng chỉ ra từ đầu là chưa phù hợp, nhưng nhóm biên soạn không nghe thì phải tôn trọng. Và nếu sai, thì nhóm tác giả phải chịu trách nhiệm chứ không phải hội đồng thẩm định.
Khi khách mời phản bác rằng theo luật giáo dục thì Hội đồng thẩm định mới là người phải chịu trách nhiệm, tương tự như có bài đăng sai trên báo thì tổng biên tập là người phải chịu trách nhiệm, thì Giáo sư Chừ nhắc lại một lần nữa rằng họ không sai, do “phần cứng” của sách không sai, chỉ là “phù hợp ít”. Thì cô hiểu ra ngay vấn đề, là họ đang cố gắng làm đúng trách nhiệm của họ thôi, họ không ngu để hiểu ra rằng khi không quyết liệt chỉnh sửa thì sách chưa thật tốt, nhưng họ làm thế để làm gì? Để phải đối mặt với nhóm biên soạn, đối mặt với các công ty phía sau, lôi trách nhiệm từ người khác về mình, rủi ro nhiều hơn, mà chẳng được gì?
Vậy cái sai của Hội đồng thẩm định ở đây là hèn, là chưa anh hùng, chưa hết mình vì sự nghiệp giáo dục các con thôi. Cái sai này rất dễ hiểu và thông cảm được. Nhưng cơ chế này nó thế, he he. Đứa nào giỏi thử lên chiến đấu cô xem thử. Còn nếu đặt cô vào vị trí của họ, cô cũng hèn như thế OK.
4. Tại sao cô kết luận Bộ giáo dục đã làm sai?
Ở lần cải cách lần trước, trước khi đưa sách giáo khoa mới vào dạy, Bộ giáo dục đã có thời gian thực nghiệm 2 năm, ở phạm vi nhỏ, sau đó lấy ý kiến và chỉnh sửa. Với sách giáo khoa lần này (cụ thể là một trong năm bộ, là bộ của nhóm Cánh Diều) thì Bộ giáo dục có 2 cái sai:
Một là, chấp nhận thời gian thực nghiệm rất ngắn, chỉ có 3 tháng.
Hai là, để cho chính nhóm biên soạn mang sách của mình đi thực nghiệm (vừa đá bóng vừa thổi kèn, dâm quá), rồi sau đó trình kết quả thực nghiệm cho hội đồng thẩm định xem (chắc được vài ngày).
Thêm một cái sai nữa, mà cô tự nhìn ra, đó là Bộ đã không định hướng được thật rõ ràng từ đầu rằng Phụ huynh học sinh chính là lực lượng giáo viên cơ hữu gần gũi nhất. Và sách viết ra phải phù hợp với nhóm này, hoặc nếu không phải lôi luôn nhóm này đi tập huấn (việc gần như không tưởng).
5. Tại sao cô kết luận Giáo viên đã làm sai?
Rõ ràng sách viết ra để làm công cụ cho giáo viên dạy học. Giáo viên được trao quyền để bốc bài học nào từ bộ sách nào ra tùy thích. Thậm chí tự xây dựng bài học của riêng mình. Chính vì thế, cộng thêm việc được tập huấn từ trước, giáo viên sẽ sử dụng trơn tru được bộ sách này (hoặc không thì tự giảng theo ý mình vẫn OK).
Có lẽ vì lý do đấy, cộng với tâm thế sợ bị trù dập nếu ý kiến trái với nhà trường, và sợ bị ném đá nếu đi ngược chiều dư luận mà giáo viên đã không lên tiếng bảo vệ sự đúng đắn của bộ sách cánh diều. Giáo viên không dám nói nó đúng về phần cứng, và “phù hợp ít” về phần mềm với phụ huynh, nhưng với chúng tôi chẳng có vấn đề gì to tát.
Giáo viên, cũng giống như các giáo sư ở hội đồng thẩm định, hèn như nhau. Nhưng một lần nữa, cô giáo thông cảm được với giáo viên. Cho qua thôi chứ biết sao giờ. Mở ngoặc, họ lại là đồng nghiệp mẹ hiền với cô nên càng phải cho qua chứ sao, đóng ngoặc.
6. Tại sao cô kết luận Phụ huynh đã làm sai?
Đầu tiên, với tất cả sự kính trọng dành cho số đông, cô cho rằng phụ huynh được phép ngu. Ngu vì dân trí của họ thấp cũng được, mà ngu vì tình yêu vô điều kiện với các con càng đúng đắn. Việc đòi hỏi phụ huynh phải có nghiệp vụ sư phạm, có thời gian nhiều như các “chuyên viên sư phạm”, để đùng một cái biến thành Giáo viên kiểu mới theo cách dạy dỗ kiểu mới để “dùng được” một cuốn sách “Đúng nhưng Phù hợp ít” là không thể nào chấp nhận được.
Khi tiếp nhận cái mới, thông tin không được truyền thông thông suốt, không có nghiệp vụ sư phạm, không có thời gian sau cả ngày phải vật vã kiếm tiền, cảnh giác tới mức căm thù mọi ý định thay đổi vì nghi ngại lợi ích nhóm, không được tập huấn như giáo viên trong trường, thì việc họ lên đồng tập thể là ĐÚNG và thông cảm được. Nhưng cái sai, là bao nhiêu ẩn ức bấy lâu, bao nhiêu tức tối đã làm cho phụ huynh trở thành một đám đông mất kiểm soát. Và thế là chúng ta có một cuộc đấu tố và ném đá hội đồng.
Theo dõi bàn tròn của VOV mà các em tung hô chia sẻ rần rần qua giờ thực sự cô giáo toát mồ hôi hột, vì nó hiện nguyên hình là đấu tố không hơn. Nhất là phần chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, như thể lên sóng để chửi nhau và trút giận, thật kinh dị hợm. Tiếp theo là biên tập viên giống như một nhà tiên tri, đã lường trước phía Hội đồng thẩm định sẽ nói gì nên hễ phía đó đưa ra một ý kiến, thì lập tức “tình cờ” có ngay “một khán thỉnh giả” nào đó gọi đến để phản bác cấp kỳ vừa kịp lúc. Không hề giả trân một tí nào! Dù chỉ nghe qua sóng, nhưng cũng hình dung được ông Giáo sư Chừ ở Hội đồng thẩm định chắc đang rúm ró vào một chỗ để nghe đấu tố, quá sức đáng thương.
Câu hỏi đặt ra là, đấu tố như vậy sẽ tạo ra sự thay đổi à? Cô nghĩ là có đấy. Nhưng đấy là cách làm dễ nhất. Phụ huynh – là chính chúng ta đây, cũng đang dùng cách dễ nhất để bảo vệ mình và con em mình. Tương tự như Hội đồng thẩm định và Giáo viên chọn cách ngậm miệng ăn tiền. Chúng ta vô liêm sỉ như nhau cả he he.
Nhưng hệ quả của việc này, là các nhóm biên soạn sách sẽ càng trở nên rúm ró và sợ hãi. Các nhóm thẩm định càng thấy việc mà họ nhận là top đầu nguy hiểm. Tổng hòa những điều đó sẽ tạo ra một thứ thay đổi mang tính đột phát, tạo ra một cuộc cách mạng à? Nằm mơ cô cũng không cho là đúng.
KẾT LUẬN – CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ?
Chịu, he he. Bầu cô lên làm bộ trưởng giáo dục đi rồi cô ngồi nghĩ. Việc khó quá, cho qua, đâu ai trả tiền mà kêu cô nghĩ. Các em cứ việc đấu tố tiếp đi, không hay lắm nhưng chắc cũng tạo ra vài thay đổi.
Cô trân trọng cảm ơn.
(Nguồn: Facebook blogger Nguyễn Ngọc Long)