Please log in or register to do it.

ANTD.VN – Vụ lùm xùm xung quanh việc Giảng viên Nguyễn Hồng Nhung (vợ của Nghệ sĩ Xuân Bắc) live stream qua Facebook tố cáo Ban Giám hiệu của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đối xử bất công vẫn chưa khép lại. PV Báo ANTĐ đã có buổi phỏng vấn chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long về sự việc này.

Sự im lặng khó hiểu

Ngày 12-9, Giảng viên Nguyễn Hồng Nhung (vợ Nghệ sĩ Xuân Bắc) của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã bất ngờ quay video trực tiếp trên Facebook (live stream) để tố cáo Ban Giám hiệu trường này không tạo điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ cho các sinh viên học tập, cũng như loại bà Nhung ra khỏi Hội đồng Chấm thi tốt nghiệp năm vừa qua.

Đáng chú ý, trong phần “tố cáo online” này, bà Nhung đã nêu đích danh người khiến bà bị loại khỏi Hội đồng là NSND Anh Tú – Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, một đồng nghiệp của NS Xuân Bắc, chồng bà Nhung.

 

Giảng viên Nguyễn Hồng Nhung vừa khóc vừa chia sẻ trong phần livestream “gây bão mạng”

Lập tức, dư luận đã “dậy sống” với những thông tin tố cáo trên, phần vì người tố cáo có liên quan tới các nghệ sĩ nổi tiếng, phần vì hiện nay, có thông tin Nhà hát Kịch Việt Nam đang ở trong quá trình lựa chọn nhân sự vào vị trí Giám đốc, trong khi ông Anh Tú và ông Xuân Bắc đều là Phó Giám đốc và được xem như những ứng viên tiềm năng.

Để rộng đường dư luận, PV Báo ANTĐ đã liên hệ với Ban Giám hiệu của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội để làm rõ sự việc. Tuy nhiên, tới nay là đã 4 ngày trôi qua, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội vẫn chưa trả lời báo chí như đã hứa hẹn trước đây. Những thông tin liên quan chỉ được biết tới qua một tờ báo được Hiệu trưởng Trường trao đổi riêng.

Sự im lặng khó hiểu với báo chí của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

Trong hoàn cảnh đó, PV Báo ANTĐ đã có buổi phỏng vấn với chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhằm “giải mã” sự im lặng khó hiểu của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Thưa ông, sự việc vừa qua có thể coi là một “cuộc khủng hoảng truyền thông” của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội hay không?

– Vụ việc có thể đã diễn tiến theo hướng trở thành khủng hoảng truyền thông của nhà trường, nhưng đến giờ phút này thì nó đi theo hướng khác. Dư luận luôn quan tâm đến các nghệ sĩ nhiều hơn là phía nhà trường. Các thông tin trên báo chí và MXH cũng nhìn nhận đây là một cuộc đấu khẩu của các cá nhân, cùng với những khúc mắc cá nhân (Giảng viên Nhung, NSND Anh Tú, NSƯT Xuân Bắc, hay thậm chí vài nghệ sĩ liên quan theo hình thức bạn bè lên tiếng).

Có thể sự việc nếu bị đẩy đi tiếp tục thì sẽ có nhiều vấn đề của nhà trường bị mang ra mổ xẻ. Nhưng đến giờ phút này thì điều đó chưa xảy ra.

Về việc chậm trễ trong viêc đưa ra câu trả lời chính thức và rộng rãi của Trường, anh đánh giá như thế nào ạ?

– Việc không chủ động chia sẻ thông tin thì dễ rơi vào tình huống bất lợi nhưng không phải khi nào cũng thế. Còn tuỳ trường hợp. Trong tình huống livestream của chị Nhung, thì theo tôi được biết, nhà trường đã tổ chức họp 9 tiếng để nắm thông tin, đó là việc làm đúng đắn. Vì không nên phát ngôn vội vàng khi chưa có đầy đủ thông tin từ các bên.

Còn việc cần nỗ lực đến đâu để có thông tin nhanh nhất thì tôi không phải người trong cuộc để nhận xét Trường có nỗ lực hay chưa. Có thể sức họ hoặc tình huống của họ chỉ làm được đến vậy thôi. Thí dụ như chưa nghe đầy đủ thông tin chính thức từ phía chị Nhung, mà chỉ là livestream, rồi chưa có ý kiến từ NSND Anh Tú… thì nhà trường cũng không thể phát ngôn được.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (giữa)

Nếu đặt anh vào vai trò người chịu trách nhiệm truyền thông của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, anh sẽ làm gì?

– Nếu tôi là người phụ trách truyền thông cho Trường thì việc đầu tiên khi báo chí hỏi, tôi sẽ nói rằng đang xác minh thông tin, chủ động xin thông tin liên lạc và sẽ đặt lịch chính xác thời điểm có câu trả lời. Trong thời gian đó, tôi phải nỗ lực kết nối các bên để nắm thông tin.

Thí dụ đạt được đồng thuận với nhau là bây giờ chúng ta thống nhất những điểm thế này thế kia, phía các giảng viên ngưng phát ngôn ở tất cả các kênh và quy về đầu mối là Trường phát ngôn, thì khi ấy Trường mới phát ngôn được.

Còn nếu không làm được như thế thì sẽ thành “tiếng bấc ném đi, hòn chì ném lại”, sẽ không hay. Tức là phải hiểu rằng cuộc họp cần đạt được 2 mục đích: 1 là tháo gỡ vấn đề khúc mắc các bên; 2 là thống nhất phương án trả lời.

Có thể họ chỉ giải quyết phần vấn đề nhưng không bàn với nhau, không thoả thuận với nhau về phần phát ngôn thì chuyện sẽ lùm xùm tiếp. Phương án tốt nhất trong tình huống này là ra thông cáo báo chí chung, và từ chối trả lời riêng.

Giảng viên Nhung kết thúc cuộc họp kéo dài 9 tiếng với lãnh đạo nhà trường. Ảnh: Quyên Quyên (Zings)

Qua sự việc đó, anh có lời khuyên gì đối với các tổ chức, đơn vị bị “tố cáo” qua mạng? Liệu họ có nên giữ im lặng để coi như đó là việc “không có gì”, rồi sẽ qua đi?

– Việc giữ im lặng thì không sai, vì khi xử lý, có trường hợp sẽ làm như thế. Nhưng giữ im lặng một lúc xong lại lên tiếng thì sai. Tức là đã im lặng thì phải hoàn toàn im lặng. Nếu im lặng ở chỗ này nhưng lên tiếng ở chỗ kia thì nó lại trở thành câu chuyện ứng xử với truyền thông, có thể gây ra việc không thiện cảm.

Trong câu chuyện của Giảng viên Nhung, nhà trường đã làm tốt việc tổ chức họp. Nhưng có vẻ họ còn có thể làm tốt hơn nếu ra được văn bản đồng thuận giữa các bên để cung cấp thông tin nhất quán cho báo chí.

Về phương diện ứng xử với truyền thông, thì họ chưa khéo. Nhưng đó là việc thông cảm được về mặt chuyên môn truyền thông, dù có thể gây bất lợi cho Trường.

Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô (Title đặt lại)

Một người kỳ lạ
Ai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi sử dụng trung gian thanh toán?

Your email address will not be published. Required fields are marked *