Please log in or register to do it.
 Blogger Ngọc Long cho rằng, việc Phạm Lịch tố Phạm Anh Khoa “gạ tình” trên facebook là chuyện bình thường tại thế giới showbiz. Tuy nhiên, nếu chỉ tố nhau qua lại trên facebook thì huề cả làng, không có chuyển biến gì tích cực.

Mới đây, showbiz Việt xôn xào bàn tán thông tin vũ công Phạm Lịch tố nam ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa gạ tình khi cả hai cùng tham gia chương trình “Trời sinh một cặp”. Hiện sự việc đang gây được sự quan tâm của báo chí, truyền thông và dư luận.

 Phạm Lịch bất ngờ lên tiếng tố nam ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa nhắn tin gạ gẫm trong thời gian tham gia chương trình

 Phạm Lịch bất ngờ lên tiếng tố nam ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa nhắn tin gạ gẫm trong thời gian tham gia chương trình “Trời sinh một cặp”. Ảnh: Internet

Trả lời trước truyền thông, Phạm Lịch đã tung đoạn tin nhắn nặc danh hăm dọa cô nếu báo công an, cụ thể trên facebook của mình, cô đã chia sẻ hình ảnh đoạn tin nhắn từ một số điện thoại lạ với nội dung: “Tự dưng có người gọi nói cho mình 1 tuần để rời khỏi Sài Gòn. Lo lắng cho bản thân quá mọi người ạ. Tình trạng này phải báo công an mất”.

 Đoạn tin nhắn nạc danh được Phạm Lịch chia sẻ trên facebook. Ảnh: Facebook nhân vật

Đoạn tin nhắn nạc danh được Phạm Lịch chia sẻ trên facebook. Ảnh: Facebook nhân vật

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia, blogger Truyền thông xã hội nổi tiếng Nguyễn Ngọc Long.

 Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long. Ảnh: Internet

 Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long. Ảnh: Internet

Xin chào anh Nguyễn Ngọc Long. Trong nhiều ngày qua, sự việc vũ công Phạm Lịch tố nam ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa “gạ tình” đang được nhiều người quan tâm. Là một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, anh đánh giá sao về sự việc này?

Cá nhân tôi cho rằng những người trong giới giải trí tố nhau, xảy ra những sự vụ tai tiếng gọi là scandal – đó là một vấn đề bình thường. Đây là một cái bắt buộc phải có của thế giới showbiz, thế giới đấy không thể yên bình như thế giới của chúng ta được. Chỉ có điều là trong câu chuyện của Phạm Lịch và Phạm Anh Khoa, sự việc nó không chỉ là vấn đề vô thưởng vô phạt, nó đã chạm vào làn ranh của đạo đức và pháp luật. Nếu mọi người chỉ quan tâm đến câu chuyện của Phạm Lịch và Phạm Anh Khoa là “giải trí” thì hơi vô tâm. Từ câu chuyện này, nhìn rộng ra nó còn là danh dự nhân phẩm của người phụ nữ, nhiều người có thể gặp hại của cuộc sống. Nếu dư luận có quan tâm, hãy quan tâm theo hướng nhân văn hơn, mang theo yếu tố kỹ thuật nhiều hơn.

Khi sự việc xảy ra, dư luận lập tức bùng nổ, một số cho rằng Phạm Lịch đang cố tình đánh bóng tên tuổi khi chính cô cũng thừa nhận mình không có bằng chứng cụ thể. Theo anh, phải chăng Phạm Lịch đã quá nóng vội khi quyết định công khai câu chuyện này?

Thực ra cô ấy có nóng vội hay không, bản thân tôi không hiểu Phạm Lịch định làm như thế nào. Có khả năng cô ấy chỉ đang đơn thuần thể hiện trên facebook. Phạm Lịch tố cáo và trả lời báo chí, nếu như vậy thì tôi cho rằng Phạm Lịch hơi nóng vội.

Nóng vội ở đây không phải là kiểm chế cảm xúc, mà ý tôi cho rằng nếu Phạm  Lịch coi đây là cuộc chiến, muốn lấy lại công bằng cho bản thân hoặc muốn chống lại cái xấu nếu có thì tôi nghĩ nên làm theo cách chúng ta nắm được phần thắng trong tay nhiều hơn. Không phải đơn giản tung lên facebook sau đó bên truyền thông đã “biên soạn” lại dòng status rồi viết thành bài báo.

Nếu là tôi, việc đầu tiên tôi sẽ xin tham vấn từ luật sư, để tôi xem là những bằng chứng (nếu có) mà tôi đang giữ trong tay có đủ chiến thắng trong cuộc chiến này hay không. Cũng giống như Phạm Lịch nói rằng có nhiều người rơi vào hoàn cảnh giống như cô ấy, thì tôi sẽ cùng những người đó đứng lên chiến đấu, đó là cuộc chiến của tập thể. Mình sẽ làm từng bước để làm thế nào về mặt pháp lý, truyền thông … cần có sự chuẩn bị kín kẽ hơn.

Còn ở đây, tôi cho rằng những bước đi của Phạm Lịch chiếm nhiều tâm lý hơn. Tất nhiên, nếu những gì Phạm Lịch nói là đúng thì tôi rất thông cảm với cô ấy, bởi một người con gái thân cô thế cô bị một người nổi tiếng “ gạ tình “ hẳn cô ấy có nhiều sự bất ổn trong tâm lý, dẫn đến cô ấy chưa thể làm những điều kín kẽ.

Mới đây, vũ công Nga My cũng đã công khai đoạn tin nhắn Phạm Anh Khoa rủ qua khách sạn lúc 1 giờ sáng. Hiện sự việc đang đi theo một hướng mới, câu chuyện sẽ có diễn biến như nào về mặt truyền thông, thưa anh?

Tất nhiên về mặt truyền thông mọi người đang cảm thấy lời tố cáo của Phạm Lịch càng thấy càng chắc chắn, bởi vì có thêm những nạn nhân mới. Mình không thể biết được sẽ có diễn biến gì mới hay không, nếu chỉ dừng ở việc tố qua tố lại trên truyền thông như thế, tôi nghĩ sẽ huề cả làng. Không có chuyển biến gì tích cực, nếu câu chuyện này là thật, số lượng người tố cáo ngày càng tăng lên, thì người bị tố cáo sẽ bị tổn hại về mặt hình ảnh dẫn đến nhiều thiệt hại khác về kinh tế, danh dự … Đấy là những tổn hại của Phạm Anh Khoa nếu không chứng minh được sự trong sạch.

 Đoạn tin nhắn nam ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa rủ vũ công Nga My tới khách sạn lúc 1h sáng. Ảnh: Facebook

 Đoạn tin nhắn nam ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa rủ vũ công Nga My tới khách sạn lúc 1h sáng. Ảnh: Facebook

Hiện nay, hướng đi của dư luận đã đổi chiều khi vũ công Nga My đã công khai đoạn tin nhắn. Có hay không, chính dư luận đang lờ mờ về những gì mình nhận định, vội vàng đưa ra những nhận định thiếu đúng đắn?

Đó là chuyện đương nhiên, bởi vì chúng ta không thể đòi hỏi dư luận đưa ra những ý kiến chuyên môn, thẩm định cách chính xác. Dư luận bám víu vào thông tin từ báo chí, thông tin từ truyền thông để đưa ra nhận định mang tính thời điểm. Tôi không cho rằng số đông luôn luôn đúng, nếu thực sự số đông là những người uyên bác, ưu tú thì xã hội này đã quá phát triển rồi. Vì thế nên khi dư luận đổi chiều rất dễ hiểu. Ở đây, chúng ta nên nói đến vai trò truyền thông nhiều hơn,dù sao ở đây truyền thông mang tính chất dẫn dắt số đông, nếu dư luận đổi chiều thì do truyền thông định hướng họ chưa đúng. Dẫn tới có sự đổi chiều trong dư luận.

Có những người hiểu rõ về hệ lụy của việc đăng tải thông tin trên trang cá nhân, đặc biệt là vấn đề nhạy cảm nhưng họ vẫn làm. Thay vì nhờ đến cơ quan có thẩm quyền, họ lại chọn cách đăng tải trên facebook. Anh nghĩ sao về điều này? Phải chăng đây là việc mượn sức ép dư luận để giải quyết vấn đề?

Từ khi mạng xã hội phát triển đến bây giờ, thì chuyện mượn sức ép dư luận giải quyết vấn đề là chuyện đương nhiên. Dần dần mọi người sử dụng mạng xã hội như một quyền lực tạo ra sức ép dư luận, cái đó không có gì sai cả. Có thể gọi mạng xã hội là quyền lực thứ 4, ngày trước quyền lực này là báo chí, thì nay mạng xã hội đã san sẻ bớt.

Điều đó không sai, chỉ có điều những bên liên quan đang ứng xử thế nào những thông tin trên facebook mới là điều đáng nói. Cơ quan pháp lý sẽ không căn cứ vào những stautus cho dù hàng nghìn like để phán xét ai đúng ai sai, thế nhưng truyền thông lại dựa vào đó để nhận định sự việc phán xét đúng sai, điều đó là không nên. Rất dễ gặp tai nạn trong việc nhìn nhận vấn đề. Ở một khía cạnh khác, mọi người đang không biết nhờ đến cơ quan bảo vệ pháp luật để bảo vệ mình nên họ nhờ đến truyền thông. Trong trường hợp của Phạm Lịch, tôi nghĩ cô ấy có thể dùng mạng xã hội để cất lên tiếng nói của riêng mình, song song với đó thì cô ấy nên cần có một lá chắn pháp luật tốt hơn là chỉ dùng truyền thông đến như vậy.

Câu hỏi cuối cùng, theo anh, ở thời điểm này, điều truyền thông cần làm hiện nay là gì để đưa dư luận hãy “zoom” vào những trọng điểm nào để có những nhận định đúng đắn?

Rất đơn giản, truyền thông không nên chạy theo tuyên bố của Phạm Lịch và Phạm Anh Khoa. Truyền thông đang nắm trong tay sức mạnh của báo chí có thể làm được nhiều hơn, chúng ta (truyền thông) không nên biến mình thành cái loa để lặp lại lời của các bên. Nếu trong trường hợp Phạm Lịch, nếu cô ấy nói có bằng chứng thì nên truy theo những căn cứ đó, hoặc tham vấn luật sư về mặt pháp lý. Tổ chức xã hội dân sự, hội bảo vệ phụ nữ … họ có ý kiến gì về sự việc này.

Chúng ta có thể đi tìm những hành lang pháp lý bảo vệ những người bị hại như thế nào, nếu điều đó xảy ra thì cần phải gặp ai, trình tự như thế nào, tiếp xúc truyền thông như thế nào để bảo vệ bản thân. Nếu chỉ nói một phía rồi làm cho mọi thứ rối loạn lên sẽ khiến người khác có cảm giác chiêu trò. Đôi khi như vậy không giúp được gì cho đôi bên, truyền thông sẽ làm giảm hình ảnh của mình trong mắt người đọc.

Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!


Nguồn: Báo Người tiêu dùng

Nữ giáo viên tiếng Anh và học viên "mắng chửi nhau": Nên làm gì sau khi rơi vào cảnh đó?
Truyền thông đang làm gì trong vụ Phạm Anh Khoa bị tố gạ tình?

Your email address will not be published. Required fields are marked *