Đánh giá ý nghĩa hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho biết: “Chúng ta đang cứu chữa cho một công dân nước ngoài, điều này góp phần xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, tận tâm hết lòng với bạn bè quốc tế. Tạo ra vị thế sức nặng về mặt ngoại giao. Bên cạnh đó, đây cũng thể hiện được tấm lòng y đức của những thầy thuốc Việt Nam xứng với ý nghĩa lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu”. Đó là ý nghĩa lớn lao không gì có thể đong đếm được”.
Trong khi các y bác sĩ đang nỗ lực hết mình vì mục tiêu không để ca mắc Covid-19 nào tử vong ở Việt Nam, một số ý kiến lại cho rằng BN91- phi công người Anh, đang tiêu tốn rất nhiều tiền của và công sức của ngành y tế. Tuy nhiên, đây là cách nhìn phiến diện và sai lầm.
“Còn nước còn tát” – đó là y đức
BN91 là một trong ba bệnh nhân Covid-19 nặng nhất đang được điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và cũng là ca bệnh có thời gian chữa trị dài nhất (hơn 2 tháng).
Mới đây, ngày 10/5 các bệnh viện tại ba miền Bắc, Trung, Nam là bệnh viện Hữu Nghi Việt Đức, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cùng Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã cùng hội chẩn liên viện để đánh giá khả năng ghép phổi cho bệnh nhân này.
Theo thông tin từ các chuyên gia y tế đầu ngành, được biết chi phí để thực hiện 1 ca ghép phổi tại Việt Nam là 1,5 – 2 tỷ đồng, tùy tình trạng, thể trạng của bệnh nhân. Trong đại dịch Covid-19, Chính phủ quy định điều trị miễn phí cho công dân Việt Nam và thu phí điều trị đối với người nước ngoài. Riêng cách ly đều miễn phí cho cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài.
Đánh giá về những nỗ lực của đội ngũ chuyên môn, y bác sĩ trong việc điều trị cho BN91, trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế, ĐBQH khoá XIV cho rằng: “BN91 ngay từ khi phát hiện dương tính đã được đưa về cách ly và điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Kế hoạch chăm sóc điều trị bệnh nhân được thực hiện rất tốt, tạo điều kiện chữa trị tốt nhất”.
Không trực tiếp điều trị cho BN91, thế nhưng thường xuyên theo sát các thông tin từ ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, từ hội đồng chuyên môn bộ Y tế, GS.TS Phạm Như Hiệp cho rằng BN91 đã được đội ngũ y tế của Việt Nam điều trị, theo dõi sát sao: “Khi bệnh nhân này có những biểu hiện của việc suy hô hấp thì đặt máy thở, thậm chí được can thiệp bằng ECMO (tim phổi nhân tạo). Theo đánh giá của tôi, việc chẩn đoán, chăm sóc điều trị BN91 được thực hiện tốt, đúng quy trình chuyên môn. Đồng thời, các y bác sĩ tại viện cũng được sự hỗ trợ kịp thời của ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, bộ Y tế, bệnh viện Chợ Rẫy, các chuyên gia đầu ngành rất giỏi…trong việc điều trị cho bệnh nhân”.
GS.TS Phạm Như Hiệp bày tỏ niềm tự hào khi Việt Nam chưa có ca nào tử vong, bởi ngay cả những nền y học hiện đại như nước Mỹ, số ca tử vong vẫn chưa dừng lại.
Phản bác lại ý kiến về việc điều trị cho BN91 là tốn kém công sức và tiền bạc. GS.TS Phạm Như Hiệp khẳng định đây là trách nhiệm của những người làm nghề y: “Tôi không nắm được con số cụ thể BN91 đến nay tốn kém hết bao nhiêu, nhưng về nguyên tắc chuyên môn, khi bệnh nhân vẫn còn khả năng cứu sống được thì mình vẫn phải điều trị. Dù cho bệnh nhân đó có là công dân của nước nào đi chăng nữa thì trách nhiệm của người làm nghề y là còn nước còn tát, cố gắng điều trị đến khi nào không được nữa mới thôi”.
Tấm lòng lương y, không gì đong đếm được
Không công tác trong lĩnh vực y tế, nhưng là người nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực truyền thông xã hội, nhìn nhận về những nỗ lực trong công tác điều trị BN91 của ngành y tế Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Long, trưởng nhóm Truyền thông Trăng Đen khẳng định: “Nhiều người cho rằng việc điều trị BN91 tại Việt Nam quá tốn kém tiền bạc, công sức, tôi cho rằng nhìn nhận như vậy là sai. Chúng ta phải phân tích dựa trên cái được – mất”.
“Tôi nhìn thấy, đến giờ phút này Việt Nam đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Đến nay, đã 25 ngày Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng, đồng thời chưa có ca bệnh nào tử vong, dù BN91 không phải là người nước ngoài thì việc cố gắng không có bệnh nhân tử vong vẫn còn nguyên giá trị”, ông Long cho biết.
Xét về mặt xã hội, theo ông Long, người dân có được niềm tin, động viên đội ngũ y bác sĩ trong công cuộc chiến đấu đại dịch Covid-19. “Nếu có bất kỳ một bệnh nhân nào không may tử vong, thì sẽ khiến người dân sợ hãi, hoang mang. Vì vậy, việc điều trị BN91 là một cơ hội để các y bác sĩ có được sự phối hợp với nhau, nỗ lực hết sức để tìm ra giải pháp tốt nhất cứu sống bệnh nhân này và các bệnh nhân khác bị bệnh tương tự”, ông Long bày tỏ.
Đánh giá ý nghĩa hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho biết: “Chúng ta đang cứu chữa cho một công dân nước ngoài, điều này góp phần xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, tận tâm hết lòng với bạn bè quốc tế. Tạo ra vị thế sức nặng về mặt ngoại giao. Bên cạnh đó, đây cũng thể hiện được tấm lòng y đức của những thầy thuốc Việt Nam xứng với ý nghĩa lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu”. Đó là ý nghĩa lớn lao không gì có thể đong đếm được”.
Ngày 17/3, BN91 khởi phát sốt, ho, đến chiều ngày 18/3 tới bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP.HCM khám, nhập viện trong tình trạng X-Quang có tổn thương nhu mô phổi phải, tại đây BN được xét nghiệm cho kết quả dương tính Covid-19. Ngày 20/3, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị cách ly tại bệnh viện cho đến nay. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này đã nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên xen lẫn trong đó là những lần dương tính yếu.
Trước đó, bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi, tuy nhiên hiện nay tình trạng này đã xuất hiện ở cả hai bên phổi. Bệnh nhân đã qua hơn hai tháng điều trị, hơn 30 ngày được can thiệp ECMO, thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 15. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO. Gần đây nhất ngày 6/5, mẫu phết họng của bệnh nhân cho kết quả dương tính sau năm lần liên tiếp âm tính. Sáng 9/5, bệnh nhân vẫn có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 12/5. Hiện chỉ còn BN91 nguy kịch, đã được chụp CT để đánh giá chức năng phổi, chiều ngày 12/5 được hội chẩn tiếp tục để đánh giá khả năng ghép phổi.
Được biết, bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng “cơn bão cytokine” – hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ.
Bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho nam bệnh nhân này.
Nguồn: Báo Người Đưa Tin