Please log in or register to do it.

Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Người Việt Nam quan niệm rằng ngày Tết thì tất cả mọi thứ đều phải thật sớm và mới. Do đó trước ngày Tết khoảng hơn 2 tuần, các gia đình đã sắm sửa cho ngày Tết. Họ thường quét dọn, trang trí nhà cửa, mua hoa, sắm thức ăn… thật chu đáo cho ngày Tết. Ngoài ra, tất cả những vật dụng không cần thiết hoặc bị cho là đem lại điềm gở cũng bị vứt bỏ.

Tết cổ truyền

Cuối năm

Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, là ngày mà người Việt cúng ông Táo (Táo quân). Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu của gia chủ. Ông Táo được cúng vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Lễ cúng gồm có hương, nến, hoa quả, vàng mã và hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà kèm theo ba con cá chép (cá chép thật hoặc cá chép làm bằng giấy kèm theo cỗ mũ). Theo sự tích ông Táo, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Một số gia đình ở nông thôn vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu, trong khi ở thành phố, phong tục này đã bị lãng quên. Theo phong tục, cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điềm gở. Cây nêu thường được treo hoặc trang trí thêm những thứ được coi là để dọa ma quỷ như: tỏi, xương rồng, hình nộm và lá dứa. Trước ngày Tết, người Việt cũng chuẩn bị bánh chưng, bánh giầy và các món ăn thịnh soạn để dâng lên ông bà tổ tiên.

Tết cổ truyền

Tất niên

Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Buổi tối ngày này, người ta làm cỗ cúng tất niên. Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày mồng 1 tháng Giêng, giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Nó đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, nó được gọi là Giao thừa. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Một số cộng đồng lấy con hổ là vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi. Một số cộng đồng khác thì có một phần cỗ dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang không nơi nương tựa.

Sắp dọn bàn thờ Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải). Cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau tùy theo từng nhà. Biền, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, Mặt Trăng và hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng. Phía sau hai cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Có nhà cũng cắm “”cành vàng lá ngọc”” (một thứ hàng mã) với sự cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc và buôn bán lãi gấp nhiều lần năm trước. Ở giữa có trục “”vũ trụ”” là khúc trầm hương dưới dạng khúc khủy và vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen hai cái đĩa giữa đèn và hương để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó). Trước bát hương để một bát nước trong để coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu và dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới.

Cúng giao thừa

Giao thừa

Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Dịp này, người ta thường bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát.
Cúng Giao thừa là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.

Ba ngày Tân niên

“”Ngày mồng Một tháng Giêng”” là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất, vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình. Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc tết các ông bố theo tục: Mồng Một Tết cha.
“”Ngày mồng Hai tháng Giêng”” là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, người ta chúc tết các bà mẹ theo tục Mồng Hai Tết mẹ. Riêng đàn ông chuẩn bị lập gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết theo tục Đi sêu.
“”Ngày mồng Ba tháng Giêng”” là ngày sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục Mồng Ba Tết thầy. Trong những ngày này người ta thường đi thăm viếng, hỏi thăm nhau những điều đã làm trong năm cũ và những điều sẽ làm trong năm mới.

Chúc Tết Mẹ Cha

Hóa vàng

Ngày mồng 4 tháng Giêng theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, đặng phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt. Tại nhiều vùng ở Đồng bằng Bắc Bộ, người Việt có tục hát chèo đò đưa tổ tiên trở lại thế giới bên kia.

Tục hóa vàng ngày mồng 4 hoặc mồng 5, không ít gia đình vẫn theo truyền thống cũ: làm cơm, đốt vàng mã gửi người thân khuất bóng lời cầu nguyện một năm mới nhiều may mắn. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới vô hình bên kia sống gần với dương gian. Vào ngày mồng 4 và mồng 5 tháng Giêng, người ta kiêng xuất hành vì đây là ngày không tốt.

Khai hạ du xuân

Khai hạ

Ngày mồng 7 tháng Giêng (cũng có thể là mồng 6 tháng Giêng) là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Trong ngày này, người Việt làm lễ hạ Cây nêu, gọi là lễ Khai hạ, kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mồng 8 hoặc mồng 9 tháng Giêng.

 

(Nguồn: Wikipedia)

 

Những nét đẹp trong phong tục Tết cổ truyền - Phần 1
6 điều không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền

Your email address will not be published. Required fields are marked *