Tôi sinh ra thì chiến tranh đã bùng nổ. Nói đúng hơn là lúc Toàn quốc kháng chiến (19.12.1946) bùng nổ thì tôi đang nằm trong bụng mẹ. Mẹ tôi phải đưa các anh tôi đi tản cư ra vùng quê ở ngoại thành không xa lắm.
Sau này cậu tôi kể lại rằng đêm đêm nhìn về Hà Nội thấy ánh lửa cháy và tiếng súng nổ, mọi người đều lo lắng không chỉ vì gia sản hầu như để lại tất cả mà vì nhiều người thân đang ở lại đó. Cha tôi cũng ở lại và sau này được biết ông chiến đấu rồi hy sinh ngay rất gần ngôi nhà của mình và các đồng đội cũng đưa xác ông về chôn ngay tại cây đa Ngõ Gạch xế cổng, chỉ cách ngôi nhà mà ông đã sinh ra và lớn lên cùng gia đình vài chục thước.
Cũng vì lẽ ấy, mà sau khi chiến trận chấm dứt, Tây chiếm lại Hà Nội thì mẹ tôi cũng phải vội hồi cư để lo chôn cất chồng, kẻo Tây quy tập vào những hố chôn chung như ở địa điểm nay là con đường mang tên 19-12. Và vì thế mà tôi sinh ra ngay tại Hà Nội và ký ức tuổi ấu thơ gắn với thành phố này thời tạm chiếm.
Về sinh học không biết lên mấy thì con người bắt đầu có ký ức nhưng hình ảnh mà tôi còn nhớ lại được và ngót nửa thế kỷ sau tôi mới xác minh nhờ gặp lại ông cậu từ Pháp lần đầu trở về nước, thì cái hình ảnh mà tôi nhớ được là lần ông đến từ biệt mẹ tôi để đi du học. Như thế là tôi mới chập chững lên hai. Nói thế để thấy rằng tuy đến ngày Thủ đô giải phóng (10.1954) tôi mới chỉ mới 7 tuổi Tây tức 8 tuổi ta, những vẫn có được những ký ức về một Hà Nội thời tạm chiếm.
Nói chung trong suốt thời gian ấy, trong con mắt trẻ thơ, Hà Nội vẫn thanh bình. Chỉ có 2 lần náo động, đó là lần nghe tiếng còi rú, Tây chạy rầm rập ngoài đường và có tiếng gì ầm ĩ xa xa. Sau này mới biết đó là lần sân bay Gia Lâm bị Việt Minh tập kích. Còn lần thứ hai thì ngay trong một đêm giao thừa thấy ngoài cửa có đông người chạy qua chạy lại và những tiếng í ới gọi nhau. Đó là lần cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn bị sập.
Một chút dấu hiệu chiến tranh còn in dấu trong trí nhớ của tôi là một ông anh con bà bác trốn chiến dịch bắt lính để đánh nhau với Việt Minh, đến nhà tôi trú ngụ…và hình ảnh những đoàn xe của nhà binh Pháp từ trong thành Hà Nội qua đường Phan Đình Phùng ra Hàng Đậu rồi qua cầu Long Biên đến sân bay Gia Lâm để nhảy dù lên Điện Biên Phủ. Hồi đó tôi đi học thêm ở phố Hàng Than, nên thường bị tắc nghẽn bởi những đoàn xe nhà binh nối đuôi nhau chậm chạp lên cầu. Ở trên dốc Hàng Than thỉnh thoảng lại thấy lũ trẻ reo hò, kéo nhau lên đê xem Tây tập nhảy dù ở phía Chèm, Vẽ,…
Và những ngày Tết bao giờ cũng để lại những ký ức đậm nét nhất cho con trẻ vì chúng chờ đợi với tất cả cái háo hức của đứa trẻ đang lớn khôn. Ngày Tết trong gia đình được bắt đầu sớm nhất là việc mẹ tôi bắt đầu chọn những củ hoa thuỷ tiên giống để chuẩn bị cho mấy dò hoa chơi Tết. Và giò hoa thuỷ tiên bao giờ cũng là tâm điểm trang trí trong gia đình bởi lẽ những loài hoa khác là mình mua về cắm vào lọ, còn hoa thuỷ tiên thì mình chăm chút từ lúc nó còn đen đủi, xù xì tựa một củ khoai sọ, cho đến lúc được gọt tỉa để nhú ra cái mầm trắng như ngọc rồi những cái lá xanh mởn, những bộ rễ sum sê và cuối cùng vươn lên những bông hoa trắng nhuỵ vàng thanh tao và sang trọng…
Gần nhà tôi là đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm bên nhà hàng Mỹ Kinh và cũng gần tiệm cao lâu Tàu Đông Hưng Viên đều nổi tiếng. Ở đó ngày Tết luôn có nhiều dò hoa thuỷ tiên trên bàn thờ. Sau này đọc báo thấy ngày xưa dân chơi hoa Hà Nội cứ mỗi giao thừa lại tổ chức cuộc thi hoa thuỷ tiên. Hoa được đem ra bình chọn ở đền Ngọc Sơn, sau đó những dò đẹp nhất được trang trọng rước về đền Bạch Mã, một trong “tư trấn” để thờ. Ngày Tết, cũng như nhiều đền chùa khác người đến đây lễ rất đông cả người Việt và người Hoa vốn tập trung sinh sống ở phố Hàng Buồm và mấy phố xung quanh như Hàng Ngang, phố Phúc Kiến (nay là Lãn Ông)… Đây cũng là nơi những người buôn bán đưa nhau đến thề bồi để giải quyết những quan hệ làm ăn…
Có cửa hàng ngay mặt phố buôn bán sầm uất gần cái chợ to nhất Hà Nội là chợ Đồng Xuân, không khí Tết cứ tăng dần. Nhà tôi bán vải nên người đến mua sắm có đông hơn, nhưng nói đến phố Hàng Đường là phải nói đến đồ ngọt. Bánh mứt kẹo, ô mai là những thức hàng truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán, còn Tết Trung thu thì là bánh nướng, bánh dẻo. Người ta kể rằng, một trong những lẽ mà các chiến sĩ quyết tử cầm cự đuợc 2 tháng ròng giữa vòng vây của giặc, một phần là nhờ các loại lương thực của dân Hàng Đường dự trữ làm hàng Tết Đinh Hợi.
Cụ đồ viết câu đối Tết (Hà Nội – 1940).
Bà nội tôi là người chỉ huy quán xuyến mọi việc, suốt ngày ngồi trên cái sập gụ đặt ngay giữa phòng khách, sai khiến những thành viên trong gia đình, kẻ ăn người ở và tiếp cả khách hàng lẫn khách ở quê lên, từ việc thanh toán những công việc tài chính trong năm đến việc mua sắm hàng họ ngày Tết…
Riêng lũ nhóc chúng tôi thì được phân công chủ yếu là dọn dẹp và lau chùi các đồ đạc trong phòng khách và nhà thờ. Chúng tôi làm công việc được giao xen lẫn cả niềm vui đón Tết với sự khó chịu phải ngồi tỉ mẩn dùng những cái khăn mềm lùa vào từng chi tiết trên những đồ gỗ chạm trổ cầu kỳ để làm sao tất cả phải đen bóng màu gỗ hay sáng choé ánh son thếp của đồ thờ… Riêng đồ đồng thì phải để người lớn dùng các loại xi riêng đánh cho bóng loáng…
Rồi ngày Tết đến gần hơn, bên quê gửi sang cho lũ trẻ chúng tôi không phải là những con lợn đất mà những ống tre tươi vỏ màu xanh chuốt có đục một cái khe để đút tiền mừng tuổi vào trong đó, sau Tết mới bổ ra “kiểm toán”. Quê ông nội tôi ở trong Bến Tre xa lắc, còn quê của bà nội ngay bên kia cầu đi men theo đê một đoạn là tới. Năm nào, trước Tết tôi cũng ngồi trên xe xích lô theo bà về quê thăm mồ mả và vào chùa làng cúng lễ rồi đi thăm một lượt những người trong họ ngoài hàng.
Và đêm giao thừa bao giờ cũng là lúc mọi người đón đợi. Vì nhà gần quê nên nhà tôi không có việc nấu bánh chưng (về sau này khi đời sống khó khăn, lương thực thực phẩm phải phân phối theo tem phiếu, thì gia đình mới tự nấu bánh chưng) nhưng thế nào cũng có một nồi chè kho để cúng và ăn quanh những ngày Tết, tập quán này đến nay nhà tôi vẫn giữ. Những đĩa chè kho ánh màu vàng bóng của đậu xanh chọn kỹ được nấu nhỏ lửa và dùng đũa cả đánh nhuyễn, có khi cầu kỳ còn cho vào rá sạch dùng đít bát chà mạnh để cho những dòng bột đậu lách qua khe của những sợi tre đan khiến những miếng chè khi được xắt ra bỏ vào miệng là mát rượi cùng vị bùi của những hạt vừng rang vừa lửa.
Không như bây giờ, đêm giao thừa mọi người đổ ra đường đón Tết quanh Bờ Hồ. Tục xưa, đêm giao thừa là quây quần gia đình bên bàn thờ gia tiên. Chỉ có ai năm ấy mang tuổi tốt (theo các con giáp) mới được phân công rời nhà trước giao thừa không lâu, căn đủ thời gian để đến một ngôi chùa gần nhất thắp nén nhang cúng trời đất rồi nhanh chóng về nhà khi phút giao thừa vừa qua để trở thành người đầu tiên bước vào nhà xông đất mang lại những điều tốt đẹp quanh năm. Rồi nghe tiếng hát đồng dao của những người gánh nước bán như một lời chúc phúc, tiền của, phúc đức vào nhà như nước chảy chỗ trũng… Người bán giữ ý chỉ gõ cửa mời mua khi gia chủ đã có người xông đất.
Cho dù ngày xưa cuộc sống gia đình ít bị phân tán như bây giờ, nhưng sự sum họp vào lúc giao thừa vẫn là nét thiêng liêng nhất trong mỗi gia đình, là lúc người trên kẻ dưới lần lượt chúc nhau theo một trình tự rất chuẩn mực lễ nghĩa, những món tiền “mừng tuổi” với ý nghĩa đấy là lộc trời cho và tất cả đều kính cẩn thắp nén nhang trên ban thờ tổ tiên, sau đó mới hạ ban thờ cúng trời đất thường đặt ở trên gác thượng hay ngoài hè phía trước cửa nhà…
Và ngày xưa, đã nói đến Tết là có tiếng pháo nổ. Năm ấy tiếng pháo râm ran trước giao thừa hàng mấy tiếng đồng hồ và không dứt cho đến lúc giao thừa đã qua. Tiếng nổ ấy vòng lại từ phía phố Hàng Buồm. Cạnh nhà tôi là cửa hàng của một Hoa kiều bán tạp hoá, đã qua giao thừa mà vẫn có người đến đập cửa đòi mua pháo.
Thực ra sau này tôi mới biết đó là một cuộc “đấu pháo” hy hữu diễn ra giữa 2 đại gia có cửa hàng đối diện nhau ở phố Hàng Buồm. Ngẫu nhiên 2 nhà đốt những bánh pháo lẻ trước giao thừa. Tiếng nổ thu hút người đến xem khiến cho hai bên đều muốn khoe bánh pháo nhà mình dài hơn nên không ai muốn dừng trước. Thế là hai bên cứ liên tục nối bánh pháo hy vọng đối thủ phải im tiếng trước. Tiếng nổ càng thu hút người đến xem đông bao nhiêu thì hai ông chủ đều say máu hiếu thắng bấy nhiêu và sai gia nhân đi khắp nơi mua vét pháo về để đấu tiếp…
Qua giao thừa mà cuộc đấu vẫn chưa dứt mà pháo cả hai bên đều đã cạn… Cuối cùng cả hai đều chấm dứt cùng một lúc để không có kẻ thắng người thua. Nghe đâu là cái kết cục ấy nhờ có người trung gian lên Sở Cẩm ở Hàng đậu thưa, để nhà chức trách cử người xuống nhắc nhở là đúng vào giờ ấy, khắc ấy cả hai phải dừng tiếng pháo nếu không sẽ bị phạt vi cảnh vì gây mất trật tự công cộng…
Chỉ có điều thuở ấy, pháo làm bằng giấy điều và thuốc than xoan nên ít khét mà thơm, xác pháo xé đều rải khắp mặt đất giống như những cánh hoa đào tô điểm sắc xuân sang…
Dương Trung Quốc
Nguồn: www.laodong.com.vn