Đọc cái bài ” Tại sao Việt Nam chúng ta lại không có sản phẩm số 1″ của anh Nhan Thế Luân bên NCT mình xin có mấy ý nhắn gửi như sau:
Đầu bài, anh này viết hiện tại Việt Nam không có bất cứ sản phẩm nào số 1 ngay trên chính sân nhà. Và quy kết các tờ báo lớn “giật tít Facebook vượt Zing me một cách rất mừng rỡ” để kết luận rằng “mọi người sẽ hiểu tại sao chúng ta không có sản phẩm nào số 1”.
Tôi cũng đọc báo khá nhiều mà không để ý thấy cái bài Facebook vượt Zing Me nên lụi cụi vào Google search thử “Facebook vượt Zing Me” thì thu được các kết quả như sau (từ trên xuống dưới): Zing Me tuyên bố đã vượt Facebook tại Việt Nam (Đất Việt), Mạng xã hội Việt Nam “vượt” Facebook (Tuổi Trẻ), Zing Me vượt mặt Facebook (Zing)… tiếp đến một số kết quả rác và cuối trang có cái tin Vượt mặt Zing, Facebook trở thành mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam của trang CafeF.
Như vậy, cái kết luận phóng viên giật tít một cách mừng rỡ như thế kia là hoàn toàn không đáng tin cậy. Rõ ràng facebook không có đội PR chuyên nghiệp và túc trực như Zing Me tại thị trường Việt Nam. Tôi thường xuyên nhận được các thông cáo báo chí từ Zing gửi qua để nói về Zing Me. Tôi cũng thường xuyên đăng tải các thông tin đó ở những tờ báo mà tôi cộng tác khi có dịp. Cho nên cả về cảm quan cá nhân và về khảo sát thực tế tôi thấy quy kết đầu tiên này là không xác đáng, mang tính chất thổi phồng (số lượng) và bịa đặt (cảm quan “mừng rõ” của phóng viên khi viết bài, đưa tin).
Qua đến lý giải “Tại sao như vậy”, anh này đưa ra một số lý do:
– Về các cơ quan chức năng, anh Nhân viết “Tui đi Trung Quốc mới thấy đau khổ để vào google (chậm má ơi) và không vào được facebook, youtube…. Và phải vào 1 trang tên gọi của TQ là “bại đụ” để search. Nói ra thì ai cũng biết là TQ chặn hết các website nước ngoài để bảo hộ trong nước và nhiều thứ khác. Ngẫm nghĩ mới thấy doanh nghiệp TQ sướng và ước gì Việt Nam youtube bị chặn giống vậy thì mình ngon hehe…. Nhưng thật ra hiện tại tui nghĩ nhiều cty cũng chỉ ước muốn công bằng trước là hay lắm rồi”. Về ý này thì tôi hoàn toàn bó tay rồi. Tôi gọi cái chính sách chặn Internet (facebook, google, youtube…) là chính sách ngu dân. Và tôi rất vui mừng khi đến giờ phút này chính phủ vẫn không ngu dân như đề xuất của anh.
– Về giấy phép, tôi hoàn toàn đồng ý rằng Internet là môi trường phẳng, cho nên việc đòi hỏi giấy phép chỉ với các doanh nghiệp tại Việt Nam là một rào cản. Tuy nhiên, quy định này đồng thời khiến cho các công ty Internet kia không dễ dàng đặt máy chủ, tên miền tại Việt Nam vì sợ vướng luật. Đó cũng chính là lợi thế cho các sản phẩm Việt khi đặt máy chủ trong nước và cạnh tranh về tốc độ truy cập.
– Về những phiền hà về các bài hát có nội dung xấu. Cái này anh Nhân viết làm tôi thấy mắc cười nhất. Anh có tham vọng tạo ra website nhạc lớn nhất, với cả hàng triệu người thì làm sao để quản lý nó là việc của anh. Chứ sao lại la làng lên rằng anh không có người đi duyệt bài cho xuể nên bị nhắc nhở và gây khó chịu? Anh sinh sống ở Việt Nam, anh muốn trở thành số 1 Việt Nam nhưng lại để những bài hát chửi bới Việt Nam lên website nhạc của anh và phát cho hàng ngàn người nghe và đòi hỏi rằng không ai được nhắc nhở anh là như thế nào? Giả như bây giờ có thằng nào đấy nó dở hơi nó rap một bài bêu xấu tứ thân phụ mẫu của anh rồi upload lên đó cho mọi người nghe, anh có càm ràm nhân viên anh là sao các chú lại duyệt bài kiểu ấy, hay anh tống cổ đội làm content về quê luôn cho rảnh nợ?
– Về tiền bản quyền, thì cũng hài hước không kém. Anh tự quảng bá rằng sản phẩm của anh hợp tác với 2 trung tâm bản quyền to uỵch tại Việt Nam. Rồi anh cũng liên minh để từ tháng 11 này thu phí bản quyền người sử dụng. Bây giờ anh cũng lại càm ràm về 2 đối tác đó của anh về chuyện thu phí bản quyền. Thế là thế nào? Thực ra, anh biết không, tôi chưa bao giờ coi cái sản phẩm của anh là tôn trọng bản quyền. Nói cho chính xác thì đó là thứ tà ma ngoại đạo, sử dụng những chiêu trò lách luật để bòn rút công sức và chất xám của các văn nghệ sĩ. Anh chưa bao giờ sòng phẳng với họ. Cái chiêu bài đi đêm với 2 ông lớn kia để được bảo kê, rồi dùng chiêu bài “thành viên upload” là ma giáo. Và sớm muộn cũng không hiệu nghiệm nữa. Sản phẩm của anh bị nhiều người kiện lắm, mà mới nhất là cô ca sĩ Lệ Quyên. Thế anh lấy tư cách gì để nói chuyện bản quyền? Những trang chia sẻ video như Youtube, tôi biết ít nhất họ không chơi trò ma giáo tự lấy băng đĩa người ta để lén lút up lên rồi gào thét “cái đó là thành viên upload, chúng tôi không biết”. Tôi vẫn thường xuyên khó chịu khi một cái slideshow tự làm có dùng nhạc bản quyền vừa upload lên Youtube vài giây đã bị cắt tiếng vì họ có công nghệ tự động nhận dạng bài hát vi phạm và xử lý ngay lập tức anh à. Nếu anh thấy những kết luận này là đổ oan đổ vấy cho anh thì cứ kiện tôi đi ạ :-)
– Về báo chí truyền thông, anh Nhân nói rằng báo chí dìm hàng sản phẩm Việt Nam khi các sản phẩm nước ngoài chỉ thay đổi từ xanh qua đỏ cũng được PR đầy rẫy, còn sản phẩm của anh thì không được PR. Cái này từ đầu bài tôi đã nói rồi, giờ tôi chỉ nói lại và nói thêm một ý rằng chắc do dội làm PR của anh yếu quá. Chứ như bên Zing MP3, họ PR sản phẩm của họ suốt ngày. Vừa PR trên các kênh hiện có của Zing, vừa gửi TCBC cho báo đài và được đăng rất rất nhiều. Vậy sao anh đổ tại?
– Về việc các công ty cùng ngành không bắt tay nhau để chống lại các công ty nước ngoài, cái này tôi không phải người trong cuộc nên không thẩm định được tính đúng sai.
Anh mắc bệnh đổ thừa, đổ tại nhiều quá. Tại nhà báo, tại người sử dụng, tại chính phủ, tại các bên nắm giữ bản quyền, tại thằng tèo, tại cái tí… Vậy là chúng ta không có sản phẩm nào số 1 là lỗi hoàn toàn do chúng nó, phải không?
Tổng kết lại cái bài “Tại sao” của anh Nhân, thì comment này là xác đáng nhất “Công nghệ đi copy, sản phẩm đi copy, cạnh tranh với chính những sản phẩm gốc, rồi lại mong dựng lên rào cản pháp lý, nhà báo nói vun, khách hàng ủng hộ để thành số 1. Làm gì có chiến lược nào như thế?”.