Một tờ báo Nhật phỏng vấn mình về lý do tại sao người dân Vietnam và truyền thông trong nước phát cuồng lên về việc cúi đầu chào của lãnh đạo và nhân viên cây xăng Nhật?
Mình trả lời như sau:
1- Nhật không đơn thuần là danh từ chỉ một đất nước, mà nó trở thành một “thương hiệu Quốc Gia” với hàng triệu người Việt ở nhiều thế hệ. Nhật đồng nghĩa với những gì tốt đẹp, đáng tin, đáng tự hào… thí dụ như xe honda Nhật, nồi cơm điện Nhật, TV, tủ lạnh, máy giặt Nhật. Cứ Nhật là tốt.
Tuy nhiên, những thứ mà số đông được trải nghiệm vẫn dừng lại ở đồ vật vô tri vô giác (đã liệt kê ở trên), còn với cây xăng Nhật, thì người dân được trải nghiệm người thật việc thật thông qua dịch vụ. Cái gì có yếu tố “con người” cũng dễ rung cảm và chạm tới trái tim hơn.
2- Nhưng có phải người dân Việt Nam thực sự phát cuồng vì việc cúi đầu chào? Có phải họ có thói quen và mong muốn được người khác “nâng niu” một cách “thái quá” như vậy? Câu trả lời là không. Hoặc ít nhất không phải số đông đều thèm khát nội hàm của hành động đó.
Các cây xăng Vietnam bị xây dựng hình ảnh trên truyền thông (báo chí và MXH) như những con ngáo ộp, xấu tính, bẩn tính. Nhân viên thì gian manh, trả tiền thiếu, hành hung, bất lịch sự với khách; kỹ thuật thì chỉnh đồng hồ, cài chíp để ăn chặn ăn bớt xăng của khách. Điều đó khiến xã hội mất lòng tin, họ buộc phải trông chờ vào sự giám sát của các cơ quan thanh kiểm tra, nhưng chính các cơ quan này cũng bị tô vẽ là không trung thực, cấu kết với cây xăng hoặc xử cho có, đánh trống bỏ dùi, có lợi ích nhóm.
Tất cả điều đó khiến lòng tin của xã hội dành cho các cây xăng và nhân viên cây xăng bị tổn hại trầm trọng, gần như là không còn niềm tin. Thế nên, khi có cây xăng của Nhật xuất hiện, với thương hiệu và cách làm của người Nhật thì xã hội hiểu rằng các cây xăng Việt sẽ bị cạnh tranh và có áp lực thay đổi. Sự hân hoan đó là vì họ nhìn thấy tia sáng của sự thay đổi, niềm tin rằng mọi thứ sẽ được cải thiện, chứ không chỉ hân hoan vì được cúi chào.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long