– Dành tặng ông nội –
Là một người trẻ 9x, sống giữa trung tâm thủ đô. Tết của tôi không được đậm đà phong vị như những người bạn đồng trang lứa ở những vùng miền khác trên đất nước. Tết trong kí ức của tôi chẳng luộc bánh chưng, chẳng đốt pháo đì đùng, chẳng có cây nêu trấn cửa. Tết của tôi cũng không có câu đối giấy đỏ mực tàu, cũng chẳng có cái không khí râm ran nô nức được bố mẹ sắm đồ Tết, đưa đi chơi Tết. Nhưng tôi vẫn có Tết, vẫn yêu Tết. Bởi Tết của tôi có ông bà nội.
Tôi sống với ông bà nội từ những ngày mới lọt lòng mẹ. Ông bà tôi nghèo, chỉ đủ ăn đủ tiêu. Khi tất cả con cái của ông bà trưởng thành ra ở riêng, thì vẫn chỉ có đứa cháu gái nhỏ là tôi hàng ngày lũn cũn theo ông bà đi đây đó. Đặc biệt là những ngày Tết. Trong kí ức của tôi, mỗi khi Tết đến tôi lại đi bộ cùng bà lên chợ Đồng Xuân để mua đồ dùng cho ngày Tết. Có khi là ít nấm hương, mộc nhĩ, chút măng khô. Chẳng rẻ hơn mua ở chợ cóc gần nhà là bao, nhưng bà bảo, đi ra đường cho có không khí Tết. Hồi đấy tôi còn nhỏ, chẳng hiểu không khí Tết là gì. Chỉ thấy người ta xách túi to, túi nhỏ, chất thùng hàng lớn bé lên xe chở về nhà. Còn bà cháu tôi chỉ xách độc một chiếc túi tí tẹo, mà mình thì chẳng được mua gì. Tôi chán lắm, mỏi chân nữa. Nhưng đi với ông lại là một niềm vui thích đặc biệt. Chẳng phải đi bộ, ông chở tôi trên chiếc xe Babetta, mà ông thường gọi là Ba bét nhè, cũ kĩ đến mức mỗi lần đạp cho nó nổ máy, dù giữa trời lạnh giá mà ông tôi vẫn nhễ nhại mồ hôi. Ông chở tôi lên phố Hàng Lược, kinh đô của chợ hoa ngày Tết.
Hàng rừng hoa đào hồng thắm, người với người chen nhau. Có người mua, có người chọn, có người ngắm. Ông cháu tôi thường ngắm nhiều hơn. Ông vẫn kiên nhẫn dắt chiếc xe cà khổ, ngồi sau là đứa cháu gái nhỏ là tôi đang hò reo sung sướng, chỉ đông chỉ tây: “Ông ơi mua cái này đi, ông ơi mua cái kia đi”. Và cuối cùng, thành quả của ông cháu tôi sau một buổi chiều đi chợ hoa Tết là một cành đào, theo như ông nói là nhỏ nhỏ xinh xinh. Tôi vẫn thích, vì tôi được ông cho cầm, đi về nhà, diễu qua bao nhiêu con phố. Oai lắm! Mũi tôi nở to từ lúc nào.
Lớn hơn một chút, ông tôi bán cái xe Ba bét nhè cổ lỗ sĩ, mua một chiếc xe đạp mini để bà tôi cũng có thể đi được. Lúc này, ông bà tôi cũng già hơn, tôi cũng cao hơn. Ông bà chẳng thể chở tôi được nữa, nhưng tôi cũng không đủ sức để chở ông bà. Thế là mỗi độ xuân về, bà tôi lại lóc cóc đạp xe lên chợ Đồng Xuân để “mua không khí Tết”. Ông tôi thì lững thững đi bộ ra cổng công viên Thống Nhất ( mà ngày đó còn gọi là công viên Lê Nin ) để mua đào, mua quất. Nhưng tôi cũng không lấy làm buồn. Tôi có công việc khác. Tôi cọ cầu thang, giặt chậu lớn chậu nhỏ quần áo, lau rửa bếp núc. Hình như, tục của người dân Việt Nam là dọn dẹp nhà cửa cuối năm cũ thì vận may đầu năm mới sẽ tìm đến. Tôi chẳng nghĩ nhiều đến thế. Đơn giản chỉ là nếu tôi không làm thì ông bà nội già yếu của tôi sẽ phải làm, thế là trong nhà tự nhiên có “không khí Tết”.
Sau đó, nhất định là phần tôi mê nhất: bày mâm ngũ quả. Nhà ông bà nội tôi nhỏ tí tẹo, 3 người sống trong diện tích 17m2, nhưng mỗi khi Tết đến, gia đình tôi lại vô cùng ấm cúng. Mâm ngủ quả nhà tôi bao giờ cũng đẹp và cầu kì nhất xóm. Có thể bà tôi là người già nhất, là cái tàn cũ kĩ nhất của một thời Hà Nội cổ đã qua còn sống trong xóm, nên bà khéo léo sắp xếp mâm ngũ quả theo đúng phong tục của các cụ ngày xưa. Nào chuối xanh, nào ớt, nào cam, nào dưa hấu hoặc bưởi. Chỉ là những loại quả bình dị, nhưng khi vào tay bà tôi lại trở nên sống động và có có hồn đến kì lạ. Quyện vào mâm ngũ quả là mùi hương trầm thứ thiệt. Bà bảo nhà mình nghèo, nhưng nhất định phải dùng thứ hương trầm tốt nhất cho các cụ. Đồ ăn thức uống các cụ không dùng được, các cụ chỉ ngửi hương thôi, nên bà không ngại tốn kém để mua hương trầm loại “siêu sịn”. Chính vì thế, dù không xa xỉ, đủ đầy như nhiều gia đình khác, nhưng mỗi khi có khách vào chúc tết ông bà tôi, sẽ không thể ngừng xuýt xoa cách bài trí ban thờ, mùi hương ấm áp đậm nét, đấy là còn chưa kể tất cả những nét đẹp đó ẩn hiện trên cái nền của ngôi nhà cổ xây từ thời Pháp thuộc, khiến cho mọi thứ dường như càng cổ kính, trầm mặc.
Nhưng, thú nhất là phải kể đến đêm giao thừa. 3 người nhà chúng tôi quây quân bên nhau. Ông nội tôi sẽ rót cho tôi 1 ly rượu vang, điều mà chỉ đến Tết tôi mới được thưởng thức. Sau đó ông lì xì cho tôi. Tôi có được sự ưu đãi đặc biệt hơn, luôn được lì xì đầu tiên trong số những đứa cháu của ông, không những thế sẽ được nhỉnh hơn các chị em một chút. Nhưng cái đó chưa phải là chính, ông tôi, một người nhiều văn thơ chữ nghĩa, sẽ làm đúng như những bậc tiền bối xưa, khi trao lì xì cho cháu, ông sẽ đọc chúc tặng một bài thơ 4 chữ ( các cháu của ông thường gọi là thơ con cóc ). 5 đứa cháu là 5 bài thơ khác nhau, không đứa nào giống đứa nào. Đó chính là điều ông mong mỏi các cháu sẽ nhận được trong năm mới, một năm nhiều thành công, và đặc biệt là phải luôn luôn bình an. Tôi mê Tết, yêu Tết, trông chờ tết bởi những điều bình dị và gần gũi như thế.
Thế rồi, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Tôi trưởng thành, có công việc làm, có thể kiếm được tiền với niềm vui nhỏ là sẽ lì xì và đọc thơ con cóc tặng cho ông bà nhân dịp Tết đến xuân về. Nhưng đó cũng là lúc ông tôi không còn nữa. Người bạn lớn nhất cuộc đời luôn nói rằng sẽ mãi ở bên cạnh tôi đã rời xa tôi như một giấc mơ. Và trong suốt 2 năm không có ông, tôi như một người mê muội. Tôi cứ ngỡ mình đã chai lì với mọi cảm giác về Tết. Nhà tôi chỉ còn 2 người, mất Tết thật rồi. Tôi để mặc bà làm tất cả mọi công việc chuẩn bị Tết nhất một mình. Còn tôi trong quãng thời gian ấy chỉ nằm ôm gối mà khóc. Tết cũng là lúc tôi nhớ ông nhiều nhất. Nhớ cái không khí nhà có 3 người, nhớ những lúc ông lì xì cho tôi, ôm tôi vào lòng, cố gắng làm tôi vui, làm tôi không hề có cảm giác tủi thân dù không có bố mẹ ở cạnh. Nhớ những sáng mùng 1, trong khi bà giục giã tôi dậy sớm để làm cơm cúng tổ tiên, thì ông luôn nhẹ nhàng giành lấy phần việc của tôi để tôi có thể ngủ thêm chút nữa. Nhớ những ngày mùng 5 tết về quê Thanh minh, ông luôn tự hào khoe về cái làng Chợ Dầu của ông văn vật, trù phú biết bao nhiêu, làm tôi thấy đâu đó hình bóng nhân vật ông Hai trong truyện Làng của nhà văn Kim Lân mà tôi được học hồi phổ thông. Tôi yêu quê hương Bắc Ninh của mình cũng cũng bởi những điều ông đã dạy cho tôi như thế.
Tết năm nay, tôi cũng lại ngồi bó gối nhớ ông, như 2 năm trước vẫn vậy. Tôi ngồi ở cửa sổ ngóng ra ngoài, chợt thấy bóng dáng lẻ loi, đơn độc của bà đang lọ mọ dưới bếp. Muối từng lọ hành để phát cho các con, ngâm từng đọt măng khô để Tết đến có bát canh cúng cụ. Tôi thấy mình đáng trách. Tôi nhớ ông lắm, nhưng tôi lại quên đi bà. Bà là tất cả những gì mà không khí Tết của tôi còn sót lại. Bà chắc hẳn cũng rất nhớ ông, nhưng cũng không thể bỏ mặc những gì là trách nhiệm đối với tổ tiên. Bà âm thầm làm mọi thứ, khi tôi hỏi, bà vẫn cười. Bà nói: “Tết mà, nhất định phải có những món ông cháu thích mới được”.
Đối với riêng cá nhân tôi, Tết không chỉ đơn thuần là những ngày nghỉ. Tết là tình thân, là sự ấm nồng, gần gũi. Tết là một dấu chấm câu cho một cuộc đời chuẩn bị sang trang mới. Ta có quyền viết những câu chữ tiếp theo, nhưng không được phép quên đi những hàng lối đã qua, để cuộc đời ta, con người ta tìm ra một mối liên hệ thống nhất, với cả quá khứ lẫn tương lai. Tôi gạt nước mắt, mà bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, để tiễn ông Công ông Táo, để đón một năm mới với nụ cười hiền hậu của bà, và bóng hình cũ của ông. Dù nhà chỉ còn 2 người, những Tết vẫn là lúc để chúng tôi gần nhau thêm chút nữa, để cảm nhận hơi ấm tình thân giữa không khí lạnh giá của những cơn mưa phùn dai dẳng mang lộc xuân về.
( Bài dự thi “Tết xưa chưa mất” của Marie Linh )