Please log in or register to do it.

Truyện ngắn của Mèo Mun.

Ngoài đảo xa ấy có tình yêu của anh, của em và tổ quốc. Khi sông núi cần chúng mình sẽ chẳng ngần ngại ra khơi…

1.

Đúng rồi, không phải là say sóng. Biển vẫn lặng và xanh như một tấm thảm nhung mềm mại. Mà biết bao lần biển động, anh cũng vẫn cùng đồng đội trấn giữ trên nhà giàn có hề hấn gì đâu. Thực ra, cái cảm giác dùng dằng làm anh thấy nôn nao trong bụng. Trước mặt là quần đảo thiêng liêng của tổ quốc, sau lưng và xa tít tắt là hai mảnh đất mà anh thương mến.

Đỡ chiếc valy trên kệ xuống, anh lần tìm cuốn album hình cưới. Anh nhẹ tay bỏ ra từng thứ: một tá chanh tươi, dăm ký đỗ xanh còn nguyên hạt, vài cuốn sổ, dăm chục quyển truyện và bút ký, quần áo, dầu gội, sữa tắm… Anh bắt đầu hết kiên nhẫn, lục tung mọi thứ. Cho đến khi đồ đạc vương vãi khắp xung quanh thì anh thấy nằm gọn gẽ dưới đáy vali là một sấp cờ tổ quốc. Anh ngồi đếm, vừa đúng 30 lá…

*
* *

Anh nằm ngửa, mắt hướng lên trần nhà. Con thạch sùng tặc lưỡi vì hơi men trong miệng anh phả vào mặt nó. Cô gối đầu lên cánh tay rắn chắc của anh, người co lại trong tư thế bào thai. Cô nói khẽ, nửa như muốn nói với anh, nửa lại như sợ anh nghe được:

– Dạ, em biết rồi. Đó là đảo Tiên Nữ, nó vốn là đảo chìm, nhưng lại trên bãi san hô khá lớn nên…

– Nước biển màu xanh, san hô màu trắng. Đẹp lắm em ạ. Mà nhiều gió. Cứ mươi bữa, tụi anh lại phải đi thay một lần, đố em biết là tại sao?

– …

– Chủ quyền của mình mà, gió nó làm rách thì mình phải mang cờ khác gắn lên chứ. Không thì ra không phải đảo của mình à? Chuyến thăm lính đảo lần tới, em nhớ mang nhiều cờ nhé.

– Anh đi một mình đi. Rồi cô hạ giọng: “Em nhức đầu quá, sao anh không quan tâm em lại quan tâm xa xôi tít ngoài đó vậy?”.

– Ở An Bang cũng thế. Phải thay suốt đấy. Mà ở đây có nhà giàn em ạ. Thì nó là cái chòi, cái chòi nhưng cũng là khẳng định chủ quyền của mình chứ. Em nhớ cái lần ra đấy, mà sóng to quá, mà mình không tiếp cận được không?

“Em có nhớ”. Cô nói khẽ, rồi cựa mình đổi hướng nằm, một giọt nước mắt lăn dài trên má. Nhích lại một chút để lưng chạm vào người anh, cô lặng lẽ chìm vào giấc ngủ. Hình như có tiếng sóng biển tràn về, bọt tung trắng xóa. Chiếc thuyền nhỏ chòng chành, chòng chành…

2.

Ánh nắng chiếu qua khe cửa, kẻ một đường thẳng rồi trườn lên mặt cô. Ngoài sân sáng trắng. Cô uể oải ngồi dậy, ngồi dựa vào tường, hai tay day day lên thái dương. Anh ở dưới bếp bước lên, tỏ ra lo lắng:

– Em bị nhức đầu à? Chắc hôm qua làm việc đến khuya mới xong phải không? Anh cũng không ngờ tụi nó đến đông như thế. Dân lính em ạ, cũng chẳng mấy khi gặp mặt.

Anh vừa nói, vừa nhanh nhẹn gấp chăn và xếp gối ngay ngắn vào trong tủ. “Hai thằng ngồi bên tay phải anh là ở chung trên đảo Phan Vinh cái dạo…” – anh ngập ngừng, rồi bỏ lửng câu nói ở đó.

– Em đi đánh răng rửa mặt rồi ra ăn sáng nhé, anh nấu xong xuôi rồi đấy.

Cô cảm thấy mệt trong người. Đầu nặng trĩu. Nhưng hương của cây mùi già phảng phất bay lên từ chậu nước ấm mà anh đã chuẩn bị sẵn làm cô dễ chịu. Cô cúi sát mặt xuống chậu nước nghi ngút khói hít một hơi thật dài. Nó làm cô thấy thoải mái và nhẹ nhõm.

Vốc nước lên mặt, cô cười một mình. Đàn bà hay xúc động với những việc nhỏ như sợi tóc. Mà cũng không hẳn là như thế. Những vệt khói này chắc mảnh hơn sợi tóc, còn cô thì dễ xúc động từ khi chưa phải đàn bà.

3.

Dạo ấy cô là văn công – đấy là theo cách gọi của anh với lý giải “cho nhiều chất lính”, còn anh đóng quân ngoài Trường Sa. Trong một lần ra hát phục vụ cho lính đảo, cô đã khiến anh lần đầu tiên… say sóng.

Với cuộc sống quanh năm chỉ tiếp xúc với những người cùng giới, với sóng với gió và cái đẹp đồng nghĩa với những bông hoa muống biển màu tím biếc thì đến một cô người mẫu trên bìa báo cũng khiến anh nhung nhớ, nữa là một ca sỹ như cô.

Sau này khi đã yêu nhau, cô thường hỏi vặn anh, sao trong đoàn thiếu gì con gái, cũng là ca sỹ mà anh lại chọn cô? Tưởng là một câu hỏi khó thế mà anh trả lời tỉnh rụi: vì em để lại cho anh nhiều ấn tượng, đấy cũng là lần đầu tiên anh được cõng đất liền bằng xương bằng thịt trên lưng.

Rồi cô quen dần với việc nhận những bức thư dài hàng chục trang giấy trắng sau mỗi 3, 4 tháng. Gọi là thư thì chưa chính xác, mà phải là bút ký. Anh viết liên tục và đều tay, coi như món quà nhỏ tặng cho cô. Cứ thế, tình yêu và cuộc sống của người lính đảo được truyền qua cô lúc nào không biết. Nhiều đêm, sóng biển và những nhánh Phong Ba, Bão Táp cứ chập chờn trong giấc ngủ của cô.

4.

Lần đón anh trở lại đất liền, cô khóc như mưa. Cô khóc còn to hơn cả khi chia tay anh lúc thuyền dời khỏi Trường Sa Lớn. Cô khóc vì vui vì nhớ, và vì cả sự xúc động của người con gái lần đầu tiên trong đời được ôm người mình yêu thương sau một năm, một tháng, mười ba ngày. Cô bảo cô nhớ anh, anh nói anh nhớ cô hơn nhớ đảo.

Đêm ấy, những con sóng đại dương lại chồm về từng đợt, lúc dịu dàng thủ thỉ, khi dồn dập xô bờ. Cô thấy mình hòa vào sóng biển, cứ bập bềnh, bập bềnh cho đến lúc vỡ òa và mệt mỏi khoan khoái rồi chìm vào giấc ngủ.

Cô gối đầu lên cánh tay rắn chắc của anh, người co lại trong tư thế bào thai.

Trường Sa có nhiều đảo nhỏ, nhưng hầu hết là đảo san hô. Hiếm hoi lắm mới lẫn được một ít đất do phân chim hay cây mục biến thành. Từ dạo quay trở lại, đêm đêm được ôm cả đất liền bằng xương bằng thịt vào lòng, tự nhiên cái mảnh đất san hô ngoài kia lại cứa vào tim anh đau nhói. Nhiều khi anh tự hỏi, mình yêu mảnh đất nào hơn?

Suốt một thời gian dài anh bị hội chứng Trường Sa, ra đường nghe tiếng còi xe cũng giật mình thon thót. Rồi anh chuyển qua công tác ở một tờ báo quân đội. Hội chứng Trường Sa thì hết, nhưng những hoài niệm và ký ức với Trường Sa còn làm anh trăn trở mãi. Anh sáng tác đều tay và viết khỏe hơn trong mảng đề tài về người lính, đặc biệt là lính đảo.

5.

Cô ngồi vào bàn ăn. Nhìn anh cười thật tươi và hỏi:

– Chuyến này mình đi bao lâu hả anh?

– Dự định là mười ngày em ạ. Thôi ăn cơm đi, không nói chuyện đó nữa. Anh sẽ đưa em đi chơi Phú Quốc, đảo này có nhiều trò hay hơn Trường Sa đấy nhé.

“Mình nên đi Trường Sa anh ạ”. Cô đặt bát xuống, nhìn thẳng vào mắt anh. Anh hơi ngỡ ngàng rồi trấn tĩnh lại ngay:

– Anh nhớ em lắm, làm sao chịu được.

“Không phải như thế anh ạ. Anh nhớ Trường Sa hơn” – cô cố giữ giọng nói bình thường.

– …

– Anh đi Trường Sa nhé. Việc đấy sẽ tốt cho anh hơn. Nếu em là anh, em cũng sẽ rất nhớ đảo anh ạ.

– Vậy em có đi cùng anh không?

– Không, em sẽ ở nhà. Em đã chờ anh một năm, một tháng, mười ba ngày khi anh còn trên đảo… – ngập ngừng một chút, cô nói tiếp – Mười ba là con số không may mắn. Em muốn chờ anh thêm mười ngày nữa.

– …

– Với lại, em chờ anh, em sẽ thấy yêu anh hơn – Cô nhoẻn miệng cười.

Còn 5 phút nữa tàu dời khỏi đất liền. Cô nói nhỏ, anh yêu đất như yêu em, thì cũng yêu em như yêu đất. Dù là một miếng đất nhỏ cũng không được quên, phải yêu thương nó nhiều hơn nữa. Anh ôm cô vào lòng trước sự trêu trọc của đám lính gọi anh là thủ trưởng.

Cô bảo cô sẽ nhớ anh, anh nói anh sẽ nhớ cô hơn nhớ đảo.

*
* *

Những ngôi sao vàng rực rỡ trên tay anh. Có cảm giác như anh đang mơ trong thực tại này. Có điều gì đó thiêng liêng đang giật mạnh trong trái tim bé nhỏ. Anh biết, anh có cô từ những hòn đảo xa này. Nhưng cũng vì thế, không có điều gì làm cô và anh xa nhau được nữa…

truyện ngắn này có sử dụng tư liệu của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy báo Biên Phòng và nhà văn Dương Bình Nguyên báo Công An Nhân Dân. Chân thành cảm ơn 2 anh nhiều lắm

 


Tổ quốc nhìn từ biển

http://www.youtube.com/watch?v=ZfiitypmXMo

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình góa phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước (*)
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

(Nhà báo Nguyễn Việt Chiến, báo Thanh Niên)

Có cha mẹ mới có mình
Trải nghiệm thực tế

Your email address will not be published. Required fields are marked *