Please log in or register to do it.

Cho đến tận khi bố nói “đi hết con đường này ra tới ngoài đường lớn thì con quẹo trái rồi cứ chạy thẳng hoài là được”, tôi đã gần như quên mất mình phải được gọi là “con” thay vì “mày”, “thằng Long” hoặc đôi khi là… không gì hết!

Lúc chạy đến gần “nhà” của bố, tôi gọi điện thông báo “con đang đứng ở chỗ này rồi nhưng không biết đi đường nào cả…”, bố đã gần như miễn cưỡng nói rằng “Đi ngược lại. Tới cây cầu. Đứng đó chờ ra đón”.

Tôi hiểu sẽ rất khó khăn để nói rằng “Con đi ngược lại tới cây cầu, đứng đó chờ bố ra đón”. Tại vì nói như thế thì thân mật quá. Còn “Mày đi ngược lại tới cây cầu, đứng đó chờ tao ra đón” thì quá thiếu nhã nhặn cho sự tử tế và chân thành của tôi. Và cũng không phù hợp với cảm xúc mà bố có được khi tôi bất ngờ hiện diện ở đấy. Vì tôi biết ông sẽ không bao giờ nghĩ rằng người đầu tiên đến thăm ông là tôi.

Vì tôi là người thay ông cáng đáng mọi thứ trong gia đình và nhẫn nhịn nghe mọi lời trách móc. Tôi là người mà ông đã tuyên bố rằng có chết cũng mặc kệ, không quan tâm, “không hợp” nên không sống được với nhau. Tôi cũng là người bị bố ghét nhất trong 3 anh chị em, người nhận nhiều đòn roi, chửi bới và mới đây nhất là cả nguyền rủa nữa.

Ông đối xử với tôi như vậy mà không cần một lý do gì chính đáng. Thậm chí là cụ thể một chút. Thậm chí là một lý do gì cũng được. Để câu chuyện nghe có vẻ logic!

***

Một người của trung tâm đào tạo, nơi mà công ty tôi đã bỏ cả tỷ đồng ra để mời họ tổ chức khóa học, đã gọi điện cho tôi. Vì tôi “bị đuổi” khỏi khóa học trước và tiếp tục có tên trong khóa học này nên chúng tôi “có những vấn đề cần trao đổi cho rõ ràng”. Trước khi họ quyết định có cho tôi học tiếp hay không.

Cô ấy nói chuyện với tôi suốt cả tiếng đồng hồ. Và tôi có cảm giác cô ấy càng ngày càng đuối lý. Nói chung, tôi khá giỏi trong việc tranh luận với người khác và lẽ ra cô ta đã không nên bị cuốn vào cuộc tranh luận nhạt nhẽo này.

Tôi “sáng tác” ra một câu chuyện gần như hoàn hảo để trả lời mọi thắc mắc của cô ấy. Và tôi thất vọng khi cô ấy ngừng tra xét và hỏi “thế theo em trong trường hợp ấy, em có thể làm gì tốt hơn” một cách đầy miễn cưỡng, không có một chút sức mạnh nào hết cả.

Tại sao người ta có thể đặt câu hỏi như thế với một người “bệnh liệt giường, thậm chí chẳng nói được một câu ra hồn trong điện thoại vì có vấn đề về thanh quản” nhỉ?

Tất nhiên đó là câu chuyện tôi vẽ ra để đưa cô ấy vào cái bẫy của mình.

– Thế nếu chị là em chị sẽ làm gì?

– Em nghĩ chúng ta không nên nói với nhau về vấn đề này nữa. Vì chị không cần đặt ra những câu hỏi đầy tính học thuật như vậy (thực ra tôi nghĩ trong đầu rằng “em thấy chị rất ổn vì đã được đào tạo đúng với hàng tỷ đồng của khóa học này, nhưng cái quái đấy chẳng có nghĩa lý gì ở đây cả”). Chị và em đều lớn rồi và phải chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình. Em muốn chị hiểu rằng em tự biết cân nhắc những gì tốt hay xấu mà em có được, bao gồm cả việc em có nỗ lực để được đi học tiếp hay không. Nhưng vấn đề là em đã có chọn lựa rồi. Thực ra em cũng cho rằng em có thể làm cho nó tốt hơn – theo định nghĩa của chị – nhưng em chọn cách không làm thế, để cảm thấy tốt hơn – theo định nghĩa của em. Đơn giản vậy thôi.

Kết thúc cuộc nói chuyện tôi có cảm giác rằng mình là người chiến thắng. Dù rằng cô ấy chưa bao giờ là người thua cuộc. Và tôi cũng không phải là người hiếu thắng đến như vậy.

Mỗi người định nghĩa hạnh phúc theo cách của riêng mình. Khi định nghĩa của 2 người không khớp nhau, người này thường cố tỏ ra thương hại người còn lại. Và điều ấy thật sự rất nực cười.

Nhưng cô ấy sẽ không biết rằng, (nếu) ngay cả khi mọi người từ chối cho tôi tham gia khóa học trị giá bạc tỷ ấy thì tôi vẫn vui. Vì nó giúp tôi nhận ra rằng tình cảm cha con còn giá trị hơn như vậy.

Cô ấy sẽ không biết rằng đó là một câu chuyện không có thật. Hoặc ít nhất là không biết được sự thật câu chuyện thế nào. Vì dù là một người rất giỏi trong việc tạo ra các đột phá mang lại giá trị cao thì cô ấy vẫn không phải là một nhà tâm lý hay thày bói.

Và cô ấy cũng không đủ thân thiết để tôi phải giải thích một câu chuyện mà tôi cũng không biết nên bắt đầu từ đâu nữa.

***

Kể từ khi nhận được tin báo bố dọn ra ở riêng vì giận mẹ, tôi chưa một lúc nào thôi nghĩ về bố. Bất cứ một hành động, một việc làm, thậm chí một đồ vật nào xuất hiện cũng làm tôi liên tưởng về bố.

Tôi kéo giây bật quạt treo trên tường và nghĩ không biết ở một chỗ nào đó, bố có đủ mát không, vì ông ấy thường chịu nóng kém hơn tôi rất nhiều. Tôi cho đồ dơ vào máy giặt và hình dung đến cảnh ông ấy ngồi hì hụi với một cái thau nhựa đầy bọt xà phòng. Tôi mang hộp cơm gần như đông đá ra khỏi tủ lạnh, cho vào lò vi sóng và rất mau chóng nó trở lại thành một hộp cơm nóng hổi, mềm mại, bốc khói nghi ngút. Khi ấy tôi có cảm giác như mình chảy nước mắt khi nghĩ đến bố. Vì tôi biết bố ra đi với không nhiều vật dụng.

Nhiều lần như thế tôi thậm chí không ăn nổi.

Nhưng sự tự ái và những gì kinh khủng mà tôi phải chịu đựng bao nhiêu năm qua khiến tôi không thể làm gì khác được. Có một bức tường dựng vô hình được dựng lên ngăn cản việc tôi thể hiện hay ít nhất là nói cho bố biết những quan tâm lo lắng của tôi dành cho bố.

Trong gần 2 tuần bị bệnh, hầu như đêm nào tôi cũng bị quay cuồng giữa những ám ảnh về quá khứ (và cả hiện tại) đau đớn mà mình phải chịu đựng lẫn những khổ cực mà bố tôi có thể đang đối mặt. Tôi nghĩ mình đang còn tuổi trẻ, sống đầy đủ tiện nghi vật chất, mà còn khổ thế này khi ngã bệnh. Vậy nếu bây giờ bố cũng đang bị bệnh, thì bố sẽ khổ đến thế nào?

Sáng hôm ấy tôi không đi học, vì tôi thậm chí là không ngồi vững được. Tôi nhắn tin cho người bạn chung công ty và nói “chị xin phép cô giáo cho em nghỉ sáng nay, nếu chiều em khỏe hơn em sẽ đi học lại”.

Và trưa hôm ấy, khi bước từ cầu thang xuống, tôi bị chóng mặt, choáng váng, trượt hai bậc cầu thang và gần như bị té xuống dưới nếu cái thang không ở sát tường. Nên khi xuống nhà, thấy tin nhắn hỏi thăm “em sao rồi, có khỏe hơn chưa, chiều có đi học không?” trong điện thoại tôi đã không nhấn nút trả lời tin.

Vì tôi đã quyết định chiều nay sẽ đi thăm bố. Tôi nghĩ là mình không thể chần chừ thêm được nữa.

***

Tôi không thể gọi cho bố vì biết chắc sẽ bị từ chối nên hỏi thăm một số người “bạn nhậu” của bố để dò hỏi. Rồi tôi nhờ một đứa em sống ở khu Bình Chánh chỉ đường (cảm ơn em lần nữa). Sau khi có “địa chỉ” rồi, tôi lại dùng dằng mãi giữa việc đi và ở.

Quả thật đây là một quyết định hết sức khó khăn. Và tôi chưa bao giờ nghĩ là mình có thể đối mặt một mình với bố. Tôi gọi cho người mà tôi tin tưởng nhất là bà Hương và bảo “chị rảnh không, đi đại lộ Đông Tây với em”.

Thật may mắn là hôm ấy bà Hương không rảnh. Nên cuối cùng, tôi đã tự mình thực hiện được công việc ấy.

Tôi chạy hết đại lộ Đông Tây, bắt đầu rẽ vào đường để đi xuống Long An và tự nhủ hãy cố lên. Tôi nghĩ bố sẽ rất vui khi có tôi qua thăm. Nhưng khi tôi gọi điện thì nhận thấy vẻ miễn cưỡng của bố khi nói “Đi ngược lại. Tới cây cầu. Đứng đó chờ ra đón”.

Nhưng tôi không buồn. Tôi còn chuẩn bị tinh thần để ngay cả khi nhận được câu nói “mày về đi”, tôi vẫn không buồn.

***

Cuộc gặp diễn ra khoảng 15 phút, trong một căn phòng rộng 6m2. Tôi nói “Bố về bên nhà con ở đi, vì con đi suốt nên bỏ không cũng uổng” nhưng bố tôi từ chối. Tôi hỏi thăm một số điều về việc ăn ở của bố tại đây và trước khi về, tôi bảo “lần sau con sẽ quay lại để đưa chìa khóa nhà cho bố, bất cứ khi nào bố cũng có thể về bên con ở”. Bố tôi im lặng không nói gì thêm nữa.

Khi đưa tôi ra đến ngoài hẻm để đi về, bố bảo ” đi hết đường này ra tới ngoài đường lớn thì con quẹo trái rồi cứ chạy thẳng hoài là được”.

Đó là chữ con đầu tiên tôi nghe được sau mười mấy năm, kể từ khi tôi học lớp 7 hay lớp 8 gì đó.

Và nếu từ giờ tới chết tiếp tục được nghe chữ con ngọt ngào như vậy, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả. Nếu bố tôi đồng ý, tôi nghĩ mình có thể nghỉ công việc hiện tại, làm một cái gì đấy gần nơi bố tôi ở và chăm sóc bố.

Tiền bạc và công danh thì quý thật. Nhưng có những thứ mà tiền không mua được. Rất nhiều tiền cũng không bao giờ mua được hay mua lại được. Cho nên sáng hôm sau, chị bạn cùng công ty gửi tin nhắn nói “Cô bảo em là bệnh quá thì nghỉ ở nhà luôn đi, đừng đi học nữa”, tôi thấy rất bình thường. Mà tôi cũng nên cảm ơn cô giáo đã cho tôi biết quyết định của mình có giá trị đến thế nào.

***

Lần thứ 2 tôi “đi đại lộ Đông Tây” với một người bạn trên facebook – Bò Sữa. Tôi vẫn chưa đủ tự tin để ngồi nói chuyện nhiều hơn hay tình cảm hơn với bố. Tôi cần một ai đó để không cảm thấy cô đơn trên suốt quãng đường dài dằng dặc khi chạy hết con đường ấy. Để nói chuyện, và để cảm thấy mình không lạc lõng. Đó thực sự là một sự chia sẻ rất ý nghĩa dù rằng người bạn đồng hành không hề biết. Tất nhiên là cho đến khi đọc được note này.

Tôi cũng cần một lý do để kết thúc cuộc nói chuyện với bố sau 15 phút. Và lý do đó sẽ rất hợp lý là “bạn con đang đợi”. Và nếu không có lý do như vậy, cả tôi và bố cũng sẽ không biết nói gì thêm cả. Mặc dù đôi khi người ta không cần nói gì hết mà vẫn thể hiện sự yêu thương.

Tôi thường xuyên viết về mẹ nhưng chưa bao giờ viết về bố vì tôi sợ người khác cho rằng tôi đi nói xấu bố mình. Nhưng bản thân tôi tự thấy mình đã bất hiếu ngay từ lần đầu tiên tôi cảm thấy dửng dưng trước những lời mắng nhiếc và trở nên coi thường bố. Tôi nghĩ mình có thể đóng kịch giỏi tới mức che mắt được cả thiên hạ nhưng không bao giờ đóng kịch được với chính bản thân mình. Tôi là người hơn ai hết hiểu rõ mình đang nghĩ gì về bố. Dù bất cứ ai thấu hiểu chuyện gia đình tôi đều cho rằng suy nghĩ và hành động như thế là điều dễ hiểu.

Cho đến tận những ngày trước khi bố tôi dọn đi nơi khác ở, ông ấy vẫn thường xuyên gọi tôi chạy từ Tân Bình về nhà bên Quận 7 chỉ để … ngồi nghe chửi. Không cần một lý do gì cả. Và tôi vẫn về. Vì tôi không muốn ai phải liên lụy vì mình.

Lần gần đây nhất, tôi chuẩn bị đồ đạc quần áo, đi xe bus về Quận 7 với ý định ngủ lại một đêm nhưng rốt cuộc cũng bị “ăn chửi” và tôi chán tới mức không muốn gặp hay nói chuyện với bất kì ai. Tôi mang balo và đi bộ về lại Tân Bình. Suốt cả cuộc hành trình ấy, tôi chỉ tự nhủ với bản thân mình “Ai cũng có thể bỏ cuộc, đó là điều dễ nhất trên thế giới. Nhưng để vững tâm ngay cả khi tất cả mọi người sẽ thông cảm nếu bạn suy sụp, đó là sức mạnh thật sự”.

Tôi thường xuyên phải “tụng” những câu như thế để tự truyề cho mình sức mạnh. Nếu không tôi đã gục ngã từ rất lâu rồi.

Nhưng sau bao nhiêu năm và bao nhiêu nỗ lực, tôi đã làm được việc mà chưa bao giờ tôi nghĩ là mình làm được. Tôi đã chọn cách đối mặt, đương đầu và sau cùng là chạy trốn khỏi gia đình. Chỉ đến khi tôi ở vào một hoàn cảnh mà nhiều người cho là “bi đát” thì tôi mới thực sự hiểu và thương bố. Giống như cách mà tôi đã đồng cảm với những nỗi khổ của mẹ trước kia.

Dù rằng những tổn thương mà bố gây ra cho tôi có thể phải mất nhiều thời gian nữa mới thực sự được xoa dịu bằng những suy nghĩ yêu thương và kính trọng.

Thật khó khăn khi chia sẻ câu chuyện này một cách công khai. Nhưng tôi tin rằng đâu đó trong cuộc sống, có rất nhiều người gặp phải những bi kịch tương tự và họ chưa biết sẽ phải đối mặt thế nào. Tôi hy vọng câu chuyện của tôi sẽ giúp ích gì cho ai đó, dù là rất nhỏ. Để mọi người có đủ lý do để tin rằng sau tất cả, gia đình vẫn là nơi an lành nhất, cha mẹ vẫn là những người cần được chúng ta yêu thương và kính trọng nhiều nhất, bất chấp họ đã làm gì.

“Có cha mẹ mới có mình. Có mình mới hiển vinh trên đời”.

Hồi nhỏ, tôi hay “bị” bà nội nhờ chép kinh vào một cuốn sổ (vì tôi viết chữ rất đẹp), và đây chính là câu kinh mà tôi nhớ mãi, dù đến tận bây giờ tôi mới thấy rằng mình vẫn chỉ mới hiểu được một phần ý nghĩa mà nó truyền tải.

Cuối tuần này tôi lại đi đại lộ Đông Tây.

./.

Một thằng ranh con nói láo không ngượng miệng
Một năm, một tháng, hai mươi ba ngày

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  1. Cảm ơn những dòng tâm sự của bạn. Mình đã đọc những bài viết trong trang này của bạn. Mình thật sự khâm phục vì nghị lực và tình cảm của bạn.
    Cầu chúc bạn luôn hạnh phúc.

  2. Anh viết hay quá ( thấy mọi người gọi là anh nên cũng gọi theo :”>). Thấy đồng cảm ghê lắm vì em cũng vậy, với cả bố lẫn mẹ :D. Vẫn thương, nhưng không thể hiện ra, cũng không thể nói được, vì rất nhiều cái… Nói chung, tình cảm con người phức tạp. Những danh nhân đoạt giải này giải kia, khi đứng lên bục đoạt giải, nói cám ơn bố mẹ và khóc, không hiểu có ai đó cũng như mình và đó là lần đầu tiên họ nói tình cảm thật với bố mẹ ra, trước mặt nhiều người không? :D. Thật là, đọc xong thấy nhẹ lòng :), cám ơn anh.

  3. Đồng cảm với bài này lắm, vì em cũng như vậy, thương nhưng không nói ra được, cũng không làm gì được, với cả bố lẫn mẹ. Tự nhiên nghĩ đến những người được giải thưởng và lên bục nhân giải, họ nói lời cám ơn cha mẹ mình và khóc, không hiểu có ai đó cũng giống mình, lúc đó họ lần đầu tiên nói lời yêu thương với bậc sinh thành của mình không? :D. Thấy nhẹ lòng và khoan khoái :), cám ơn anh.( Thấy người khác gọi là anh nên bắt chước gọi theo :)) )

  4. Tks rất nhiều, bài viết thật hữu ích khiến mình phải suy nghĩ.