Những cơn gió mùa rét buốt kèm theo mưa phùn lạnh giá của mùa Đông phía Bắc đã trở thành một đặc sản gợi cho con người ta nhớ đến cái không khí của ngày Tết. Thực ra nói là không khí ngày Tết nhưng cái mà người ta nghĩ đến và mong đợi là cái không khí của những ngày trước Tết, không khí của việc chuẩn bị Tết.
Đứa trẻ trong tôi vẫn không bao giờ quên được những háo hức khi tháng Chạp kéo về, việc đếm ngược từng ngày như dài vô tận trong cái hân hoan, cái hạnh phúc trẻ thơ với áo mới, với tiền mùng tuổi, được đi chơi, được mua những quả bóng đầy màu sắc hay những đồ chơi nhỏ mà chỉ trong giấc mơ mới thấy và vui hơn là không phải đến lớp.
Việc chuẩn bị cho Tết thường bắt đầu từ những ngày đầu tháng Chạp, có năm còn sớm hơn bằng việc đi xé là chuối khô dự trữ để làm bánh gai, bánh mật. Lá chuối khô phải xé vào thời gian này mới đảm bảo dai để khi gói bánh thì bóc rất dễ và lá không bị dính vào bánh. Thế là lũ trẻ cứ đi khắp những khu vườn để xin xé lá chuối mang về và nghĩ đến chiếc bánh đầu tiên được lấy ra từ nồi còn nghi ngút hơi nước nóng hổi, mềm và khi bóc thì không bị dính một chút lá gói nào ở lại…
Rồi thì việc mua quần ào Tết cũng được tiến hành vào khoảng phiên chợ thứ hai của tháng Chạp, háo hức dậy từ sớm mà chẳng cần phải thúc gọi và chuẩn bị cùng mẹ đi chợ. Dù chưa hẳn là phiên chợ Tết nhưng hàng hóa đã thật nhiều với bao nhiêu người mua bán. Khu quần áo cho lũ trẻ lúc nào cũng đông đúc và nhiều màu sắc nhất, cái nào cũng đẹp, như bị choáng ngợp và tan ra trong niềm hạnh phúc khi đã được cầm trong tay bộ quần áo Tết. Khó mà quên được những cảm xúc như thế…
Nhưng không khí của Tết thực sự đến từ Tết Ông Công Ông Táo, từ ngày này trở đi ngày nào cũng được gọi kèm theo từ “Tết”, cái bát hương đầy chân được thay cùng với một bộ mũ mới toanh cho các Ông. Nhà nhà dọn dẹp nhà cửa, quét lại vôi trên tường trắng tinh tươm, có cảm giác cái gì cũng mới và mỗi ngày vẫn hai lần mang bộ quần áo Tết ra ngắm, ra so sánh với chị xem của ai đẹp hơn – mong cho ngày Tết đến thật mau để được mặc.
Phiên chợ hai sáu Tết đã đông lắm – dù không bằng phiên chợ ngày Ba Mươi nhưng các mặt hàng cho Tết đã bày bán la liệt cả trong cửa hàng và ngoài đường. Mứt Tết, bánh kẹo, hoa đào, hoa tầm xuân rối các loại quả để trang trí cho mâm ngũ quả ngày Tết; … Những người đi làm xa cũng đã về quê ăn Tết…
Hai bảy Tết mọi nhà đã rục rịch gói bánh gai, bánh mật. Lau lá, thái mật, rồi đập, đập đến mỏi cả tay mà bột, lá với mật vẫn chưa hòa lại với nhau. Rồi mẹ phải mang đến những nhà có cối giã gạo ngày xưa giã nhờ để mang về gói. Mẹ luôn nhắc phải gói kín đừng để hở nhân không là bánh sẽ bị sùi. Cảm giác khi bóc chiếc bánh đầu tiên vừa lấy ra thơm mùi lá chuối khô đặc trưng hòa với mùi bánh thật tuyệt vời.
Bánh chưng vẫn là món bánh không thể thiếu và luôn luôn được lũ trẻ mong mỏi để được ngồi cạnh bố nhìn và học gói. Đầu tiên là lớp gạo nếp, rồi đỗ xanh, rồi thịt, một lớp đỗ nữa và thêm một lớp gạo nữa ngoài cùng. Nhưng háo hức là vì bao giờ cũng được gói cho một chiếc bánh con con bằng nắm tay dành riêng cho mình. Năm nào cũng bảo sẽ thức cùng bố để trông bánh nhưng chả năm nào chờ được đến khi bánh chín. Sáng dậy cầm trong tay chiếc bánh của mình mà vẫn cứ trách bố sao không gọi lúc vớt bánh ra….
Cuối cùng thì Tết cũng đến sau những ngày bận bịu chuẩn bị, tiếng pháo nổ từ tối ba mươi đến tận sáng mồng một, tiếng pháo đã in sâu vào ký ức với những lần sáng sớm tinh mơ của mồng một chạy sang nhà hàng xóm nhặt pháo rụng về bị chị gái dọa dông sẽ mọc đuôi. Tiếng pháo giờ chỉ còn trong ký ức và trong những câ chuyện của ngày xưa mà thôi…
Năm mới đi chúc Tết, cả nhà đi hết đằng nội, rồi hết đằng ngoại, sau đó theo bố đi chúc tết bạn bè của bố. Là khoảng thời gian ngắn ngủi để tìm đến nhau và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, mong công việc chăn nuôi trồng trọt tăng gia, phát đạt gấp năm gấp mười năm cũ. Trao cho nhau những lời chúc vào ngày đầu tiên của năm mới với hi vọng sẽ được nhiều may mắn cả năm…
* * *
Thời gian đã trôi nhanh như nó vẫn trôi, bỗng ta cứ lớn lên và những lo toan về cuộc sống với cơm áo gạo tiền cũng vì thế mà lớn dần lên. Những cái Tết cũng phai dần đi những nét truyền thống nhưng cũng kịp bổ sung thêm những nét mới mà đôi khi làm người ta thấy tiếc, xót xa…
Và dù có thế nào đi nữa, Tết Nguyên Đán trong người Việt luôn là một điều linh thiêng nhất, đã ăn sâu và truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như một văn hóa – ngoài ý nghĩa là một văn hóa truyền thống còn mang đậm nét văn hóa gia đình của người Việt để dù có bôn ba cả năm, khó khăn đến mấy thì vẫn trở về vào dịp Tết. Mong muốn trở về sum vầy cùng gia đình bên bữa cơm tất niên hay cỗ giao thừa trong cái rét tê tái của những người con đi xa luôn thường trực, thèm một hơi ấm từ những câu thăm hỏi rất đỗi bình dị. Thật khó tả được cái cảm xúc đi xa hàng năm trời đặt chân về đến quê trong cái không khí rộn ràng chuẩn bị Tết. Nó có thể nào giống cái cảm xúc cầm trong tay bộ quần áo Tết vào cuối ngày ba mươi Tết của năm nào trong đứa trẻ tôi…
Clip dự thi của tác giả Hảo Vũ Viết
( Bài dự thi “Tết xưa chưa mất” của Hảo Vũ Viết)