“Nhiều vụ án giết người diễn ra thời gian gần đây mà đối tượng phạm tội còn rất trẻ, thậm chí đang là sinh viên, thực sự lo lắng. Có cảm giác mặt trái của hội nhập, bùng nổ công nghệ và mạng xã hội khiến giới trẻ dễ kích động hơn…” – đó là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô.
– PV: Vụ lái xe Grab bị giết ở Hà Nội mới đây, 2 đối tượng gây án mới chỉ trên dưới 20 tuổi. Cũng ở Hà Nội, một nam sinh viên giết bạn gái ở phòng trọ rồi nhảy lầu tự tử… Phải chăng tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa và manh động hơn, thưa ông?
– Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Quả thật đây là vấn đề rất đáng lo ngại cho xã hội. Nói đến tội phạm đã lo ngại rồi, tội phạm ở lứa tuổi trẻ càng xót xa hơn. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, thế nên nhìn vào thế hệ trẻ ngày nay mà lại nổi lên vấn đề tội phạm gia tăng thì sao không lo lắng cho được.
Theo dõi trên báo chí lại thấy, tội phạm ở giới trẻ rất manh động. Chẳng hạn như vụ 2 bị can giết lái xe Grab ở Hà Nội cách đây chưa lâu, một người 24 tuổi, một người mới 19 tuổi, giết người chỉ vì muốn cướp tài sản để lấy tiền về quê… Vậy nguyên nhân vì sao tội phạm ở lứa tuổi trẻ hiện nay lại có xu hướng gia tăng báo động đến vậy, hay nói là tội phạm đang ngày càng trẻ hóa, chắc chắn cần lý giải dưới rất nhiều góc độ.
Nhìn từ mặt tác động của xã hội, tôi thấy rằng, nguyên nhân đầu tiên cần phải nhắc đến là xu hướng hội nhập toàn cầu ngày càng rộng rãi. Cùng đó, Internet phổ cập, những mặt trái của việc sử dụng Internet, đặc biệt là sử dụng mạng xã hội hay nghiện game online, tác động vô cùng lớn đến tâm lý, nhận thức của giới trẻ.
Chúng ta đã cảnh báo nhiều về tình trạng nghiện game online, chơi các game bạo lực ở trẻ học đường, và khi trẻ bị đắm chìm vào thế giới “ảo” của các game bạo lực, đầy rẫy cảnh bắn giết, chết chóc, thì thật khó để chúng không bị ảnh hưởng. Rồi theo dõi trên mạng xã hội cũng thấy có một xu hướng, đó là rất nhiều người dùng mạng xã hội có tâm lý thích phán xét hoặc hùa theo phán xét hành vi của người khác, thậm chí muốn thay thế pháp luật để xử lý các hành vi không đúng.
Chẳng hạn, một video chia sẻ về một người có hành vi phạm tội với con trẻ được đưa lên mạng, lẽ ra những người biết chuyện phải thông báo cho các cơ quan chức năng để tiến hành xử lý thì họ lại không làm vậy mà đưa lên mạng để mọi người bình luận. Và trên cộng đồng mạng đó, nhiều người sẵn sàng “nhảy vào” muốn thay pháp luật để “giáo dục”, để “xử lý” người có hành vi sai phạm nói trên. Và thế là có thể từ tội phạm này làm nảy sinh tội phạm khác.
– Không đổ lỗi hết cho hoàn cảnh, nhưng thực tế là nhiều đối tượng phạm tội tuy đang trong tuổi học đường nhưng sớm bỏ học, nghiện ma túy, thiếu sự quan tâm của gia đình… Ông có thể lý giải rõ hơn dưới góc độ tâm lý xã hội?
– Đấy cũng là điều tôi đang muốn nói. Bên cạnh nguyên nhân do hội nhập và bùng nổ công nghệ như trên, nguyên nhân quan trọng không kém và có thể nói là nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân “gốc”, chính là môi trường giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Trong thời đại hiện nay, rất nhiều bố mẹ vì quá bận công việc mà sao nhãng, buông lỏng quản lý con cái. Tình trạng các cặp vợ chồng ly hôn nhiều hơn cũng khiến trẻ thiếu sự quan tâm của bố mẹ. Ngay ở các nhà trường, chương trình học quá nặng nhưng các chương trình giáo dục đạo đức, định hướng nhân cách, sân chơi cho trẻ… thì còn hạn chế. Thế nên không ít trẻ sớm sa vào các tệ nạn xã hội, nghiện hút ma túy, “chơi” ma túy “đá”. Một vấn đề nữa cũng phải nói ra, khi tôi đi thực tế tại một số vùng nông thôn, tôi nhận thấy tệ nạn sử dụng ma túy trong giới trẻ ở một số vùng nông thôn rất nhiều. Khi giới trẻ dính vào ma túy, thì hệ lụy tất yếu kéo theo là nguy cơ nảy sinh hành vi tội phạm gia tăng. Đây là điều mà các cơ quan chức năng phải có giải pháp can thiệp hiệu quả hơn.
Là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông có đề xuất giải pháp gì để phòng, chống tình trạng tội phạm trẻ hóa?
– Tôi mong muốn rằng, mỗi một gia đình có con cái, nhất là con đã ở tuổi vị thành niên, thì phải rất quan tâm đến giáo dục con cái, không để con cái sa đà vào những hoạt động, những thú vui, những trò chơi dễ kích động.
Với ngành Giáo dục, các nhà trường cũng phải tăng cường giáo dục nhân cách, hướng học sinh đến các hoạt động lành mạnh để phát triển, và tăng cường giám sát, kiểm tra, quản lý học sinh chặt chẽ hơn. Đặc biệt, phải tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước thông qua việc tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật đến người dân nói chung, các thanh niên trẻ nói riêng; xóa bỏ các tệ nạn xã hội; quản lý chặt các đối tượng phạm tội; xử lý nghiêm các hành vi phạm tội…
Cũng phải nói rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta khá đầy đủ, nhưng vấn đề là tính tuân thủ pháp luật của người dân nước ta còn hạn chế, việc triển khai các luật vào cuộc sống còn yếu kém. Thế nên phải có các phương pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật phù hợp hơn, nhất là với giới trẻ, để luật đi vào cuộc sống.
Không kiểm soát chặt chẽ sẽ gây bất an trong xã hội
Góp ý vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, năm 2019, công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực.
Dù vậy, vẫn xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo, đặc biệt có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp “ngáo đá” gây ra, gây lo lắng trong nhân dân. Số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý nhiều hơn. Một số vụ phạm tội với động cơ phạm tội thấp hèn; một số vụ đối tượng phạm tội do sử dụng rượu bia… Cùng đó, các đại biểu Quốc hội cũng phản ánh, tình trạng thanh niên sử dụng ma túy, ma túy tổng hợp gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng và nếu tình trạng này không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây bất an trong xã hội. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết thêm, quá trình phát triển của xã hội đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng cũng tạo điều kiện để tội phạm, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao hoạt động.
Trước thực trạng trên, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ có thêm đánh giá làm rõ nguyên nhân của tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng, nguyên nhân của nhiều tội phạm xuất phát từ xã hội, đạo đức văn hóa xuống cấp để từ đó có hướng giải quyết, xử lý hữu hiệu.
Chuyên gia truyền thông và xã hội Nguyễn Ngọc Long: Cái đích để giáo dục các bạn trẻ hướng tới chính là sống văn minh
“Chúng ta thường nói với nhau về việc định hướng, giáo dục thế hệ trẻ, nhưng với các đối tượng như nhóm thiếu niên vừa gây án, họ không hề được tiếp cận những chương trình như vậy. Nơi trú chân ưa thích của họ là quán game, hàng nước với những điếu thuốc phì phèo, tiếng chửi thề và thế giới Internet đủ mọi tốt – xấu. Những người thiết kế chương trình giáo dục mục đích sống cần nghiên cứu đặc điểm cụ thể như vậy để tìm cách tiếp cận phù hợp, vì nếu chúng ta nói ở nơi mà họ không quan tâm bao giờ thì sẽ thành vô ích. Bên cạnh đó, như tôi luôn quan niệm, cái đích để giáo dục các bạn trẻ hướng tới chính là sống văn minh – trong cả suy nghĩ, thái độ và ý thức sống. Một khi họ hiểu giá trị văn minh (trung thực, liêm chính, vị tha, bao dung, chính trực, đồng cảm…) đó, thì họ sẽ không bao giờ phạm phải những hành vi bị cả xã hội lên án”.
Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô