Ngày 19/8, đồng loạt nhiều tờ báo đăng bài “Phát hiện 2 phi công vận chuyển ma tuý qua đường hàng không”. Trong đó, có báo thận trọng thì chèn giữa chữ “nghi”, để thành “vận chuyển chất nghi ma tuý”; có báo không nêu tên Vietjet, và có báo ghi đích danh “phi công Vietjet vận chuyển ma tuý qua đường hàng không”.
Thường những vụ lớn thế này, mình có thói quen đọc hàng loạt để “vét” thông tin. Cho nên, các nội dung dưới đây mình dùng chung chữ “báo” hàm ý thông tin có thể đọc được trên nhiều tờ báo.
Điểm chung ở đây là, báo ghi rõ họ tên, danh xưng, quốc tịch của cả 2 phi công. Thậm chí là kèm theo số hộ chiếu một cách rõ ràng. Có báo còn “hăng máu” tương cả hình mấy thỏi heroin vào làm “hình minh hoạ”.
Các nội dung này đều “rất đáng tin” vì báo nói họ dẫn nguồn từ hải quan Việt Nam.
Chi tiết “kỹ thuật” được báo mô tả là “có mô hình máy bay tháo rời cánh, đế. Bên trong có chứa chất bột màu trắng. Qua kiểm tra, phát hiện đây là chất ma túy nhóm Opiat (thuốc phiện, heroin, morphin…)”. Cũng có báo nêu rõ khối lượng “bột” khoảng 500g ma tuý, hoặc 500g chất bột nghi ma tuý.
Thông tin hiếm hoi phản hồi từ Vietjet là “đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra”, và chỉ có vậy không hơn.
ĐẾN NGÀY HÔM NAY, KHI CƠ QUAN CHỨC NĂNG THÔNG BÁO HAI PHI CÔNG KIA VÔ TỘI VÌ “CHẤT BỘT” HỌ MANG THEO KHÔNG PHẢI LÀ MA TUÝ, THÌ CÁC BÁO VỘI VÃ GỠ BÀI!
Nhưng cái “chất bột” oan nghiệt kia thì vẫn treo lơ lửng trên đầu Vietjet.
Vì bởi, nghiệp vụ “lèo lái thông tin” của một số tờ báo đã giúp “đóng đinh” vào đầu ngược đọc ba nghi vấn:
1 là, thế chất bột đó không phải ma tuý thì là bột gì?
2 là, nhét cả nửa cân bột vào mô hình máy bay để làm gì?
3 là, tại sao kết quả “test nhanh” lại đúng là ma tuý?
Các nghi vấn này dường như có sức mạnh hơn cả kết luận “âm tính” mà Viện Khoa học hình sự đã nhọc công xác minh, kiểm tra, công bố.
Rõ ràng, Vietjet “chết đau” trong vụ này vì chỉ không kiểm soát và đính chính kịp một số “vấn đề câu chữ”. Hậu quả từ sự hả hê không thể kiểm soát nổi của một số phóng viên khi được ai đó… báo tin!
ChanelNewsAisa, một trang tin nổi tiếng Châu Á, đã phỏng vấn quan chức ngành hàng không và tường thuật thế này:
“Customs officers at the airport found a suspicious substance in their luggage. They were detained and later transferred to the police for further investigation” tạm hiểu là Hải quan đã phát hiện “chất đáng ngờ trong hành lý”, và vì vậy hai phi công “bị tạm giữ để chuyển qua cơ quan điều tra kỹ hơn”.
Hoàn toàn không có những tình tiết ly kì giật gân như “ma tuý”, “bị bắt”, “bắt khẩn cấp”… Càng không có vụ “phi công mang theo nửa cân ma tuý” như một số tờ lá cải hối hả loan tin.
Trong cơn bão thông tin ấy, may quá vẫn còn VnExpress đưa tin một cách cực kỳ thận trọng, khách quan và rất nhân văn (không đưa tên và số hộ chiếu của phi công).
Báo viết “Khi kiểm tra, nhà chức trách ghi nhận hành lý của ông này [phi công] có một mô hình máy bay tháo rời cánh, nặng chừng 505gram, bên trong chứa chất bột màu trắng nghi ma túy.
Kiểm tra nhanh tại sân bay ở thời điểm đó, hải quan xác định hiển thị màu trùng với màu chỉ thị của chất ma túy nhóm Opiat (thuốc phiện, heroin, Mocphin….)”.
Nếu ngay khi sự cố xảy ra, Vietjet có thể khiến cho các báo đưa thông tin đúng mực và chuẩn chỉnh như VnExpress thì rất nhiều nghi vấn đã được gỡ bỏ ngay rồi.
Vì con số 500g (hoặc chính xác 505g) là cân nặng của mô hình tàu bay, chứ đâu phải “nửa cân bột nghi ma tuý” như người ta phóng đại? Tưởng là chi tiết nhỏ, nhưng rõ ràng hình ảnh nửa cân ma tuý nó có sức “hấp dẫn và lan toả” kinh khủng lắm!
Rồi cái việc “test nhanh ra kết luận là ma tuý” thực ra cũng lại là một kiểu “nội suy” từ thông báo “có màu trùng với màu chỉ thị” của chất này chất nọ. Chẳng khác gì nói Bà A đeo chiếc nhẫn cứng cứng, có màu xanh trắng trùng với màu của vật liệu làm kim cương. Nhưng nó có phải kim cương hay không thì đang đi kiểm nghiệm lại cho chắc chắn!
Tiếc là, Vietjet đã bỏ qua cơ hội trao đổi nhiều hơn với phóng viên VnExpress để giải thích kỹ hơn về chi tiết “chất bột oan gia” khởi nguồn câu chuyện.
Nếu mọi người đều hiểu, hoá ra cái gọi là chất bột ấy lại chính là “mạt nhựa”, hậu quả của mấy mũi khoan “kiểm tra và tìm kiếm” trong bụng mô hình máy bay của những cán bộ hải quan mẫn cán, thì câu chuyện đã khác hoàn toàn.
Mình viết bài này không có ý chê trách gì đội làm truyền thông cho Vietjet, vì nếu rơi vào tình huống như họ đã trải qua, chắc mình cũng không đủ bình tĩnh mà ngồi chém gió thế này. Nhưng để rút kinh nghiệm cho mình từ việc của người, thì rõ ràng nhận thấy, khủng hoảng nhiều khi bắt nguồn (và cũng có thể dập tắt) từ vấn đề “câu chữ”.
Hãy thử so sánh thông tin:
1- Ông ABC quốc tịch Mĩ, số hộ chiếu 123, là phi công Vietjet bị bắt vì vận chuyển nửa cân chất bột nghi ma tuý giấu trong bụng máy bay mô hình.
và
2- Mạt nhựa trong mô hình máy bay nặng 505g do phi công một hãng hàng không mang theo bị nghi là ma tuý.
… nó khác nhau nhiều đến thế nào!
Nếu nói, nghiệp vụ và đạo đức đưa tin của một vài nhà báo có khả năng dìm chết doanh nghiệp “trong bể máu” thì cũng không sai. Nhưng nếu đã xác định đó là điều không tránh khỏi, thì mỗi người trong chúng ta nên học cách “sống chung với lũ” và thật cẩn trọng vấn đề câu chữ phát ngôn ra ngoài mỗi khi có sự cố phát sinh trong doanh nghiệp.
((( Mọi người share thoải mái và tag bạn bè đang làm truyền thông, kinh doanh vào đọc để có thêm kinh nghiệm )))
Nguồn: Nguyễn Ngọc Long – https://goo.gl/eni8jY
>>> ĐỌC THÊM:
+ Khủng hoảng truyền thông Bikini: VietjetAir được nhiều hơn mất – http://goo.gl/QJUY85
+ Vụ máy bay MH370 mất tích: “Thất bại” về xử lý khủng hoảng truyền thông – http://goo.gl/mWZIi6
+ Khủng hoảng truyền thông dự án 8B Lê Trực: TGĐ Kinh Đô cáo ốm, nên hay không? – http://goo.gl/bUldBl
+ Khủng hoảng kiểu Tân Hiệp Phát: Doanh nghiệp nước ngoài đã làm gì? – http://goo.gl/kIQYOa
+ Các bài viết khác về Khủng hoảng truyền thông – http://goo.gl/2n08k8
[…] chất Vietjet (hoặc Jetstar) được định nghĩa là Hàng không giá rẻ, hàng không tiết kiệm. Mà […]