Tết lưu lại trong trí nhớ của tôi bằng những mùi hương thân thuộc. Những mùi hương gợi nhắc về không khí gần gũi của những cái Tết quê, những buổi chiều cuối năm cả nhà quây quần bên nhau.Tôi vẫn thường nghĩ về khung cảnh đầm ấm ấy mỗi khi lang thang trong thành phố nhìn gốc bàn ven đường thả những chiếc lávàng rơi trong gió cho đến khi những chồi non xanh mơn mởn xuất hiện. Lạ thay, tôi thấy lòng mình ấm lại. Trên con phố tấp nập người xe, ngàn hoa khoe sắc, không khí của những ngày sắp tết như mang một hương vị thật đặc biệt.Tết đang đến gần kề giữa niềm hân hoan, sự phấn khởi và chào đón của người người.
Tôi thường ngửi thấy mùi vị của Tết rõ nhất vào những ngày cuối năm. Đó là khi căn nhà bằng gỗ nền lát xi măng của chúng tôi cửa mở toang đón mùi thơm của nắng mới tràn vào sau những ngày đông dài đóng kín cửa. Từng sợi nắng mỏng tanh, vẫn còn vẻ yếu mềm soi rọi từng góc nhỏ làm bừng sáng cả căn nhà gỗ ẩm mốc. Mấy đứa em nhỏ hớn hở chạy nhảy bên những xô nước lấy lên từ giếng trời, đứa này đứa nấy xăng xái vén tay áo cầm vải mềm lau chùi từng góc nhà, từ tấm phên bằng gỗ sờn màu, cánh cửa gỗ đôi chỗ mục rỗng vì mưa tạt mạnh cho đến nền nhà xi măng đầy vết vàng ố trong niềm hân hoan vui sướng… Những lúc ấy căn nhà nhỏ bé của chúng tôi bỗng rộn ràng tiếng nói cười và tràn đầy sinh khí. Không ai trong chúng tôi còn bận lòng vì sự chật chội đến bức bách mà căn nhà mang lại. Những chiếc rèm cửa được mẹ giặt sạch sẽ, thơm tho phơi ngay ngắn trên hàng rào. Khăn trải bàn được thay mới. Chậu hoa tươi đặt ngay ngắn trên mặt bàn đã được mẹ chuẩn bị sẵn sàng. Tất cả đều phảng phất sự chỉnh chu và tươm tất để đón chào một cái Tết an vui.
Tôi nhớ những ngày cuối năm mẹ thường bận bịu trong căn bếp nhỏ chăm chút cho nồi bánh chưng nghi ngút khói. Năm nào khoảng độ dịp Tết mẹ cũng làm bánh chưng nên cái dư vị của ngày tết truyền thống chưa bao giờ mất đi trong tôi. Mẹ nói Tết mà không lụi bụi xíu thì thật khó mà cảm nhận được không khí tất bật của ngày Tết. Vì vậy dù vất vả nhưng năm nào mẹ cũng tự tay lau lá gói bánh để cả nhà có dịp quây quần bên nhau. Chúng tôi ngày nhỏ vẫn giành nhau ngồi canh nồi bánh chưng cùng mẹ. Tôi vẫn nhớ cảm giác háo hức khi nhìn chiếc nồi trên bếp sôi lên sùng sục đến mức tưởng chừng chiếc vung bung ra khỏi nồi,mùi thơm phảng phất của nếp mới, của lá chuối xanh như len vào cánh mũi. Một mùi thơm mang hương vị của Tết mà không đứa trẻ nào ở độ tuổi như tôi ngày đó có thể quên.
Tết còn nhắc tôi bằng mùi thơm của những hủ dưa hành củ kiệu đã được phơi khô thơm giòn mùi nắng mới quyện trong thứ nước mắm đã pha giấm ớt đậm đà. Chúng nhắc tôi nhớ về không khí đông vui của những ngày gần cuối năm khi mấy chị em xúm xít bên nhau, đứa bào vỏ, đứa xắt lát, đứa canh nắng. Cùng với đó là những món ăn ngày Tết mẹ làm đứa nào đứa nấy cũng tấm tắt khen ngon. Những món ăn rực rỡ và đủ đầy ấy được mẹ bày biện trên những chiếc đĩa sáng bóng chỉ được dùng vào những dịp quan trọng. Buổi chiều cuối năm thật ấm cúng trong tiếng bát đĩa va nhau canh cách, tiếng nói cười, tiếng cụng ly, những lời chúc tụng và cả những mong ước cho một năm mới an vui sắp đến.
Ngày nay trước sức mạnh của nền kinh tế thị trường và lối sống hiện đại chúng ta cứ ngỡ như những giá trị truyền thống sẽ trôi tụt theo thời gian và không khí của ngày Tết cổ truyền ngày càng trở nên nhạt nhẽo. Nhưng không, trong từng mái nhà của người Việt Tết vẫn ấm nồng. Chính cái cách người ta tất bật chuẩn bị để đón Tết khiến ngày Tết mang một ý nghĩa thiêng liêng. Nhất là vào đêm trừ tịch khi mọi người trong gia đình tươm tất chuẩn bị mâm cổ cúng gia tiên giữa bổi hổi niềm vui đoàn tụ, những ước mơ năm mới bỗng tràn đầy trong tiếng vườn khuya búng lá, mùi trầm hương thoang thoảng chúng ta chợt thấy trân quý biết bao không khí gia đình sum vầy.
Thời gian vẫn trôi đi không ngừng nghỉ, những buổi chiều cuối năm lại đến- nhẹ nhàng như một bản giao hưởng êm dịu. Bao bon chen tất bật của năm cũ cũng đến hồi khép lại để lòng an yên tận hưởng bầu không khí tươi vui. Tôi lên tàu về quê trong niềm háo hức của một đứa trẻ xa nhà lâu ngày mới được dịp về lại. Và chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi tôi sẽ có mặt ở nhà mình để cùng gia đình quây quần trong buổi chiều cuối năm đượm hương Tết.
( Bài dự thi “Tết xưa chưa mất” của Nguyên Hạnh)