Please log in or register to do it.

Trong phần giao lưu của lễ trao giải “Báo chí đồng hành cùng phát triển”, anh Binh Le đặt cho tôi câu hỏi “Với vai trò một người hoạt động nhiều trên mạng xã hội, anh cho rằng chúng ta có thể làm gì để mạng xã hội lan toả nhiều hơn các giá trị tử tế?”.

Tôi trả lời ngay, không do dự “Chúng ta có thể làm được rất nhiều. Nhưng việc đầu tiên cần phải làm ngay, đó là hãy ngưng ném đá“.

Ném đá là một hành động kì quái và tởm lợm nhất được dung nạp bởi bộ phận không nhỏ những người tự nhận là cư dân mạng. Họ nấp sau bàn phím, và mặc sức chửi bới, rủa xả, thêu dệt, dựng chuyện, bình phẩm về những người họ chưa bao giờ được biết hay tiếp xúc; chưa bao giờ hiểu hoặc chỉ có những cảm nhận mơ hồ qua một vài câu chữ trên facebook.

Kết quả duy nhất mà những kẻ tham gia “ném đá” có được chỉ là sự hả hê và ảo tưởng ngu ngốc rằng mình là người đang có đầy sức mạnh. Nhưng hệ quả gây ra thì thật là kinh khủng. Nhẹ, thì làm cho nạn nhân phải sợ hãi mà im lặng không dám nêu quan điểm. Nặng thì khiến họ tổn hại tinh thần, hoảng loạn hoặc thậm chí, có người đã chọn con đường tự sát.

Ném đá, nếu chưa phải là một hành động giết người. Thì nó cũng đã đang ngày đêm dày xéo vào không gian tự do ở một trong những môi trường hiếm hoi được coi là đầy sự tự do nhất, là không gian mạng.

Thật đáng buồn, hoá ra nhờ công lao của những kẻ tham gia phong trào ném đá, facebook đã dần trở thành nơi sự tự do bị chà đạp một cách không thương tiếc. Quá ít người dám nói lên quan điểm và suy nghĩ của mình, khi đó không phải là điều “được số đông ủng hộ”. Họ bị quy kết rằng như vậy là chơi trội, là lấy tiếng và nhiều mỹ từ hay ho khác.

Tôi thường xuyên bị ném đá, nhưng tất nhiên tôi không sợ trò ném đá. Tôi khinh bỉ và thấy những kẻ ném đá mình thực sự đáng thương.

Tôi có chia sẻ rằng trong khán phòng này (tại lễ trao giải), ngoài tôi ra thì có lẽ người bị ném đá nhiều thứ hai chính là nhà báo Lê Bình. Thật “tình cờ và thật bất ngờ” chị Bình cũng có mặt trong buổi lễ của những điều tử tế.

Nhà báo Lê Bình
Nhà báo Lê Bình

Tôi tâm sự thật, đây là lần đầu tiên tôi gặp chị Lê Bình ngoài đời, nhưng trước đó đã được biết tới chị qua hình ảnh được tô vẽ của một cô sớ nhà báo trên Diễn đàn Nhà báo trẻ. Qua những comment của họ, một Lê Bình xấu xí, độc ác, bất tài và nhiều từ ngữ kinh khủng khác được dựng lên. Họ – tôi nhắc lại, là nhiều nhà báo, chứ không phải thành phần trẻ trâu trên mạng – đang vô tư cho bản thân được làm những điều như vậy không xấu hổ!

Tất nhiên, bản thân chị Lê Bình cũng chưa bao giờ nói với tôi rằng chị là người tử tế, tôi cũng không biết chị Bình có phải là người tử tế? Nhưng tôi cực kỳ cảm phục những gì chị và các cộng sự của chị đã làm được với “Việc tử tế”, “Cặp lá yêu thương” và “Hành trình của sự sống và cái chết”.

Có hai câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi. Thứ nhất là, những người đã chê bai dè bỉu chị, họ có thấy xấu hổ với những gì chị đã làm và cống hiến? Thứ hai là, nếu chị không phải là người bản lĩnh, chịu “khuất phục” trước trò ném đá hội đồng bẩn thỉu kia, thì những chương trình thực sự nhân văn và tử tế có được ra đời?

Trên cái không gian mạng cứ tưởng thực sự tự do này, bao nhiêu người đã bị tước đoạt đi quyền được nói, quyền được bày tỏ quan điểm mà không sợ bị “đánh hội đồng”? Bao nhiêu việc tử tế đã vĩnh viễn không thể thành hình vì chủ nhân của nó bị người ta ném đá?

Để làm người tử tế thì khó, nhưng để làm việc tử tế thì dễ hơn rất nhiều lần. Chúng ta hãy bắt đầu từ một hành động đơn giản nhất, đó là không tham gia, không cổ xuý và không chấp nhận những hành vi ném đá!

Hãy tập khoan dung để trả lại cho không gian mạng sự tự do.

>>> ĐỌC THÊM

+ TÔI – MỘT NGƯỜI XẤU ĐANG CỐ LÀM VÀI ĐIỀU TỬ TẾ! – https://goo.gl/wCsTxd

+ TẢI MIỄN PHÍ SÁCH “TỬ TẾ LÀ” – http://goo.gl/Mqh7mV

Tôi - một người xấu đang cố làm vài điều tử tế!
Review khóa học truyền thông 0đ - bằng scandal

Your email address will not be published. Required fields are marked *