Được đánh giá là một tác phẩm lẫm liệt của các nữ chiến binh oai hùng, Dương môn nữ tướng là một tỏng số ít các bộ phim hiếm hoi làm về đề tài nữ quyền trong dòng phim cổ trang xứ Trung Hoa. Với sự tham giả của hàng loạt diễn viên tên tuổi như Trương Bá Chi, Trịnh Phối Phối, Lưu Hiểu Khánh, Châu Hải My, Nhậm Hiền Tề… cùng với bàn tay sản xuất của Thành Long, khán giả có lẽ sẽ bất ngờ với sự non nớt, yếu kém của bộ phim này.
Bộ phim mở đầu bằng một cuộc huyết chiến khốc liệt, tướng quân tài giỏi Dương Tông Bảo đã tử trận nơi chiến trường. Cái chết của ông không chỉ là sự mất mát lớn lao đối với Dương gia, mà còn để lại nỗi đau vô vàn cho người vợ Mộc Quế Anh (Trương Bá Chi), và người con trai Văn Quảng. Nhưng rồi, cố nén nỗi đau tận đáy lòng, Mộc Quế Anh đứng lên thay chồng thống lĩnh đại gia đình, cầm quân lãnh đạo đánh giặc ngoại xâm.
Khi theo dõi Dương môn nữ tướng, khán giả có cảm giác đang xem một bộ phim được tua nhanh lên gấp đôi. Như thể để diễn tả hành động dứt khoát, mau lẹ, các nhà làm phim đã làm mọi thứ “nhanh nháo nháo”, bước chân quân lính chạy tua nhanh gấp 4, lời thoại nói nhanh gấp 2 khiến người xem luôn có cảm giác hai người đang cãi nhau. Nhịp phim tưởng chừng rất nhanh, nhưng hoá ra, lại rất bát nháo và thiếu kiểm soát, khiến bộ phim trở nên khó bắt nhịp, nhất là khi phần dựng phim cũng bị nhiều lỗi khó chấp nhận.
Dương môn nữ tướng tiếp tục mắc phải một lỗi rất thường gặp trong phim Trung Quốc: có rất nhiều nhân vật nhưng khán giả chẳng nhớ tới ai cả! Ngay trong những phút đầu tiên, bộ phim đã cho… hiện chữ lên màn ảnh để khán giả biết tên nhân vật! Điều đó chứng tỏ các nhà làm phim Trung Hoa thiếu đầu tư vào kịch bản của khi không để nhân vật trong phim thể hiện tính cách bằng hành động, mà chỉ dán cái tên lên mặt họ và hy vọng khán giả sẽ nhớ luôn! Hậu quả là cả những trường đoạn chiến đấu lê thê phía sau không làm khán giả hoà nhập với nhân vật. Những cái chết của thành viên Dương gia trở nên vô nghĩa nhờ cách làm phim ẩu tả này.
Trong khi phần chiếu đấu, võ thuật khá đẹp mắt thì các cảnh quay khác đều rơi vào một trong 3 trường hợp: một là quá bạo lực, hai là quá “sến” và ba là hài hước quá kệch cỡm. Chắc khán giả sẽ bật cười với chiêu “quét nhà” để cản quân địch của các nữ nhi Dương gia, hay cảnh cậu con trai Văn Quảng sau khi hạ gục một tên địch bằng cách ném lao vào “chỗ hiểm” thì ngửa mặt lên trời mà hét lên “Bố ơi!” Các nhà làm phim đã thất bại trong việc điều phối các cảnh tình cảm – võ thuật, khiến bộ phim trở nên hỗn loạn cảm xúc mà không đọng lại bất kỳ sự thông cảm nào cho các nhân vật.
(Bài đăng trên Thể Thao Ngày Nay)