Please log in or register to do it.

Tôi đang có chuyến đi dài ngày từ Việt Nam qua Tây Tạng, với mục đích chính là gặp đối tác cung cấp Đông Trùng Hạ Thảo tốt nhất cho Dr Yến Vụn. Trên hành trình này, tôi đã ghé Tứ Xuyên (Sichuan). Và làm sao có thể bỏ qua món lẩu trứ danh của Thành phố ẩm thực thế giới được Unesco công nhận?

nguyen ngoc long

Cheng nói rằng tôi có hai lựa chọn, hoặc tới quán lẩu ở phía Nam thì gần hơn và nhanh được ăn hơn; còn tới quán lẩu ở phía Bắc thì xa hơn, phải xếp hàng nhưng lại được ăn ở quán nổi tiếng hơn.

Thực ra tôi chẳng có lựa chọn nào vì Cheng tâm sự, dù sao chăng nữa cậu ấy vẫn muốn đưa tôi tới quán lẩu ngon nhất Tứ Xuyên.

Chúng tôi đến quán lúc 7.30 tối và tôi suýt ngất khi thấy “một huyện người” ngồi ngoài cửa chờ phát số. Trong đó có cả vài nhóm khách tây. Tất cả đều tỏ ra vui vẻ, nói cười rôm rả. Vì bọn họ biết đã tới quán ăn này thì mặc định phải xếp hàng như vậy. Nhiêu đó cũng khiến tôi đủ hiểu đồ ăn ở đây hấp dẫn thế nào.

Vì là thành viên VIP, Cheng được lấy số riêng và chúng tôi chỉ phải chờ… 30 phút để được sắp bàn. Cộng thêm khoảng 5 phút để nhân viên mang hết nồi niêu xoong chảo và đồ ăn lên tới.
Tôi bị đơ tập 1 vì không hiểu tại sao ăn lẩu lại phải dùng tới chảo? Và đơ tập 2 khi thấy nước dùng là một hỗn hợp của dầu (hoặc mỡ), ninh cùng 7 tấn ớt khô nguyên trái cay xé lưỡi và 8 triệu bông hoa hạt tiêu tê sưng miệng!

Vốn là người không thể ăn quá nhiều dầu mỡ, tôi ngay lập tức nhận ra rằng món này không được thiết kế cho mình. Nhưng vì lịch sự, tôi vẫn quyết tâm nếm thử.

Và sau đó trong đầu tôi hiện lên một câu hỏi to đùng và duy nhất, rằng tại sao người ta lại phải chế ra một món ăn cay kinh khủng khiếp như vậy để làm gì?

Ôi cha mẹ ơi, nó cay kinh hồn bạt vía. Cay rụt lưỡi rụt răng, cay như phim kinh dị vì ăn xong một miếng có cảm giác mình bị khoét mất mồm!

Cheng nói với tôi rằng hãy nhúng đồ ăn sâu vào chén nước chấm để giảm bớt độ cay. Và tôi bị đơ tiếp tập 3 khi cái gọi là “chén nước chấm” ấy lại tiếp tục là một hỗn hợp với thành phần chính vẫn là dầu ăn (hay mỡ tôi không rõ).

Tại sao lẩu Tứ Xuyên phải làm cay đến mất hết vị đồ ăn như vậy, để được lợi gì? Rồi lại phải thiết kế đủ thứ để giúp khách giảm cay (ngoài “chén nước chấm” về sau xuất hiện thêm một tô chè ngọt). Rồi tại sao phải nhúng đồ vào chảo dầu ăn nhễu nhão, sau đó lại tiếp tục dìm nó vào một chén dầu ăn thứ hai như vậy? Khi đưa miếng đồ ăn lên miệng, tôi có cảm giác mình đang uống dầu chứ không phải là ăn lẩu!

Mà khốn khổ khốn nạn là cái hỗn hợp này còn được gia cố bởi những bông hoa hạt tiêu nổi tiếng của Tứ Xuyên. Chỉ cần bạn vô tình cắn trúng (mà làm sao có thể không cắn trúng khi nồi lẩu có tới 7 triệu tỷ tấn hoa như vậy), nó sẽ phai ra một chất khiến lưỡi bạn tê dại, dai dẳng cực kỳ khó chịu cho tới cuối bữa ăn.

Tóm lại món Lẩu Tứ Xuyên có thể hiểu là hỗn hợp dầu ăn nhễu nhão chiên ớt, cộng hạt tiêu. Vừa cay vừa nóng vừa tê khủng khiếp đến mức tôi trộm nghĩ Tôn ngộ không luyện được mắt lửa con ngươi vàng trong lò bát quái nhưng sẽ chết dập mặt ở chảo lẩu Tứ Xuyên này.

Nó cay-tê-nóng tới mức phi lý khi tôi quan sát thấy có một bàn trong góc ngồi ngay máy lạnh thổi phè phè mà hai nam nhân chính vẫn cởi trần để ăn với những dòng mồ hôi nhễ nhại!

Tôi bảo với Cheng, chúng ta đang ăn như những vận động viên lai với tội phạm phải chịu nhục hình và đầy chất nghệ sĩ nhưng vẫn khoa học như các giáo sư ở viện hàn lâm. Tất nhiên, cậu ấy chả hiểu tôi nói cái gì! Và tôi cũng nghĩ mình đang nói sảng vì bị ngộ độc vị cay!

Nó cay tới mức chỉ cần ăn một miếng bạn sẽ có cảm giác muốn cân cả mùa đông. Nó cay tới mức bất cứ bạn gái nào muốn trở thành người phụ nữ quyền lực, có thể thét ra lửa thì chỉ cần cắn răng thưởng thức món lẩu Tứ Xuyên này.

Nghĩ đến đó tôi bỏ đũa và cười như điên như dại. Cheng hỏi tôi có việc gì à? Tôi trả lời không có, và nói thêm rằng thực sự tôi không hợp món này nhưng vẫn có một cảm giác “amazing” kinh khủng khiếp. Vì chưa bao giờ tôi có thể trải qua nhiều trạng thái tâm lý kỳ lạ, buồn vui cười khóc đúng nghĩa đen như bữa lẩu hôm nay.

Và càng suy nghĩ, tôi càng thấy cái chữ “văn hoá ẩm thực” nó thật là vi diệu. Sau đó tôi tức tốc lên mạng search thử một vài bài viết về lẩu Tứ Xuyên. Tôi đọc xong thì có cảm giác những bài này hình như được viết từ những người ngồi trong phòng lạnh, hoặc được thưởng thức một món lẩu nhái lai tạp gì gì đó chứ không phải lẩu Tứ Xuyên chính hiệu.

Tất nhiên tôi hiểu, ăn uống phải có gu và tuỳ khẩu vị mỗi người. Tất cả chỉ đơn giản là tôi ăn không hợp, nhưng rất khó để phủ nhận sức hút quá lớn đến kỳ lạ của món lẩu này. Với những cung bậc cảm xúc mà tôi có được, tất nhiên tôi muốn thêm nhiều lần nữa được đến Tứ Xuyên ăn lẩu chính hiệu Tứ Xuyên với người sinh ra ở Tứ Xuyên.

(Hình minh hoạ chi tiết có ở comments)

Nguồn: Nguyễn Ngọc Long – https://goo.gl/O7s8ct

Nhìn hay thấy?
Đời cha không ăn mặn, đời con vẫn khát nước như thường!

Your email address will not be published. Required fields are marked *